Thursday, March 28, 2024

Lố bịch

Facebook’s Từ Thức

Một ông phó chủ tịch dẫn bầu đoàn thê tử đứng chắp tay trước một bệnh nhân trong bệnh viện là một hình ảnh lố bịch. Lố bịch như hầu hết những thái độ, hành động của một đám sâu bọ lên làm người. Tệ hơn nữa, lên lãnh đạo người.

Nó lố bịch bởi vì cùng một lúc, hàng trăm ngàn người bệnh nặng, thập tử nhất sinh, nằm la liệt trong sân, trong vườn, dưới gầm giường tại các bệnh, không ai đoái hoài tới.

Nó lố bịch, bởi vì đại diện dân kéo một bầy tới thăm nạn nhân một buổi trình diễn văn nghệ, trong khi đánh vỡ đầu, bể mặt những người tham dự một buổi văn nghệ khác.

Đả kích cái lố bịch của một bọn làm “chính trị,” đúng hơn là làm bẩn chính trị là chuyện dễ hiểu, nhưng từ đó, thóa mạ những người nghiện ngập có cái gì bất nhẫn.

Thiếu nữ nằm trên giường bệnh chỉ là nạn nhân, bị chúng nó dựng dậy, tặng tiền, chắp tay, mặt mũi rầu rĩ để chụp hình, quay phim. Cũng như chúng dựng một người đang vật lộn với cái chết dậy, trao bằng khen để chụp hình, quay phim.

Cũng như chúng cho công an ủi quần áo, chải đầu tóc gọn gàng, bảnh bao, nhảy xuống sông, sâu tới đầu gối, để quay phim chiến sĩ cứu đàn bà lâm nạn.

Trên mạng, nhiều người chửi rủa thậm tệ, cầu trời cho “bọn xì ke, ma túy chết hết để khỏi làm bẩn xã hội.” Quên rằng cái làm bẩn xã hội, khiến cả một thế hệ trẻ lao đầu vào rượu chè, ma túy là một chế độ thối nát, bất nhân.

Nhiều người rơi vào ma túy, nghiện ngập vì thất nghiệp, vì đói khổ, và nhất là vì không có một chút hy vọng gì ở tương lai. Thực tại khó khăn có thể vượt qua, nhưng tương lai mù mịt, đen tối, vô vọng dẫn tới những chọn lựa tuyệt vọng.

Tại bất cứ xã hội văn minh nào, người ta tìm hiểu, tìm cách giúp đỡ để những người nghiện ngập ra khỏi địa ngục. Đó là một ưu tiên quốc gia.

Việt Nam, như tất cả các nước độc tài, không có một chính sách gì. Trái lại, chế độ khuyến khích, hay ít nhất để tự do cho lớp trẻ tự hủy, để tạo một thế hệ bạc nhược.

Chế độ độc tài sinh ra trên rác rưởi, tồn tại trên sự bạc nhược của người dân. Bạc nhược thể xác, bạc nhược tinh thần.

Khi người nghiện ngập tạo một hình ảnh nhơ nhuốc cho chế độ, người ta bắt nhốt, tập trung những nạn nhân. Không phải để giúp đỡ, để chữa trị, nhưng để hành hạ dã man. Vụ nổi loạn gần đây của những trại tập trung người nghiện ngập là một bằng chứng.

Thay vì thóa mạ độc ác, hãy nghĩ những người nghiện ngập cũng chỉ là nạn nhân như mình. Thân phận còn bi đát hơn mình. Đừng lẫn lộn nạn nhân với thủ phạm. Đừng trút hết cái căm hờn, cái giận dữ trên đầu người yếu hơn mình, khổ hơn mình.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT