Thursday, March 28, 2024

Ấn, Mã chống ‘fake news’

Nguyễn Đạt Thịnh

Tổng Thống Donald Trump có thể xin cầu chứng hai chữ “fake news” như tác phẩm của ông, vì rõ ràng là trước ông chưa ai dùng hai chữ đó cả. “Fake news” là tin giả, tổng thống dùng hai chữ đó để tố cáo những tờ báo, những đài truyền thanh, truyền hình loan tin về ông mà ông cho là không đúng.

Dù chưa cầu chứng, nhưng ai cũng biết danh từ “fake news” là sản phẩm chính trị của ông. Tuy nhiên có thể ông Trump sẽ không kiện Thủ Tướng Ấn Narendra Modi mặc dù ông này cầm nhầm hai chữ ruột của ông để ban hành lệnh cấm truyền thông Ấn không được sử dụng “fake news.”

Sáng Thứ Hai, 4 Tháng Hai, Bộ Thông Tin Ấn loan báo biện pháp trừng phạt dành cho mọi cơ quan truyền thông phổ biến “fake news.” Phản ứng mạnh của giới truyền thông khiến Bộ Thông Tin Ấn phải thu hồi lệnh cấm ngay sáng hôm sau.

Hai chữ “fake news” trở thành thông dụng sau khi được Tổng Thống Trump dùng để chỉ trích những tin tức mà ông cho là không đúng của truyền thông Mỹ tường thuật cuộc tranh cử và năm thứ nhất ông cầm quyền hành pháp.

Trước khi bước vào chính trường, năm 2006 Trump cũng đã kiện ông Timothy L. O’Brien, tác giả một quyển sách viết về ông; ông cho là tác giả đã nhục mạ ông vì viết là tài sản của ông khoảng từ $150 triệu đến $250 triệu, trong lúc ông thật sự đã là một tỷ phú. Ông đòi tác giả bồi thường ông $5 tỷ.

Bà Chánh Án Michele M. Fox tại tòa Camden, New Jersey, gạt bỏ không xử vì thấy nguyên cáo (Donald Trump) không nêu ra được một lý do nào chính đáng về tổn thất mà quyển sách đã gây ra cho ông.

Mới đây ông “chỉ thị” cho thành phần Cộng Hòa của Quốc Hội viết lại một đạo luật khác về tội phỉ báng, vì đạo luật hiện hành cho phép chỉ trích mọi nhân vật công cộng, trong số đó có tổng thống.

Trở lại với Ấn Độ và với Thủ Tướng Ấn Narendra Modi, người đang cần cấm “fake news,” vì sắp phải tái ứng cử; ông ý thức được là truyền thông sẽ tạo ra một dư luận bất lợi cho việc tái ứng cử của ông.

Cái khó của chính phủ Ấn là không tìm được nhà trọng tài nào đủ vô tư để xét xử xem bản tin nào chính xác, bản tin nào ngụy tạo. Nếu chính phủ đóng vai trọng tài thì đạo luật cấm “fake news” chỉ là nỗ lực mới của chính phủ để dẹp bỏ tự do báo chí.

Việc ông Trump kiện tác giả Timothy L. O’Brien cho thấy góc nhìn chủ quan của một tư nhân cho “fake news” là những tin tức mà mình không vừa ý; và việc bà Chánh Án Fox dẹp bỏ vụ kiện tầm phào cho thấy là quyền thưa kiện vẫn là giải pháp duy nhất để giải quyết việc “tin giả” có giả hay không, và có gây tổn thất gì cho nhân vật bị “tin giả” mó vào.

Ấn Độ có quy chế “thẻ báo chí” dành cho những người làm báo, mặc dù ký giả Ấn không bắt buộc phải có thẻ báo chí mới viết báo hoặc làm phóng sự được; tuy nhiên có thẻ làm báo đeo trước ngực cũng dễ ra vào công sở hơn và đến gần những cuộc tập họp chính trị có cảnh sát đứng giữ trật tự. Ngoài ra thẻ báo chí đó cũng giúp người sử dụng thẻ được giảm giá khi đi xe lửa, và một vài quyền lợi nho nhỏ khác.

Để chứng minh chính phủ không tạo ra luật cấm “fake news” vì muốn giới hạn tự do báo chí, bà Bộ Trưởng Thông Tin Ấn Smriti Irani viết Twitter giải thích luật chống “fake news” là, chính phủ để Hội Đồng Báo Chí Ấn xét xử những vụ khiếu nại về “fake news,” và Hội Đồng Báo Chí là một tổ chức độc lập, không liên quan gì đến chính phủ cả.

Chủ tịch Hiệp Hội Ký Giả Truyền Hình Ấn, ông Rajat Sharma, cho là lời giải thích của bà Irani chỉ là một trò hề. Phó chủ tịch Hiệp Hội, ông Shreyams Kumar, nhận định, “Giải thích loanh quanh, nhưng mục đích chính của chính phủ vẫn là tìm cách khống chế tự do ngôn luận.”

Bà Irani mời ký giả Ấn đến gặp bà nếu họ không đồng ý về đạo luật cấm “fake news;” không ai đến, vì ký giả đang sẵn có phương tiện để nói lên quan điểm của họ mà không cần đối chất với tổng trưởng thông tin.

Ông Raj Kamal Jha, chủ bút tờ The Indian Express, viết, “chính phủ mượn cớ đối phó với ‘fake news’ để trừng phạt ký giả và tấn công quyền tự do ngôn luận.”

Tờ The Indian Express trong số phát hành hôm Thứ Ba, 4 Tháng Ba, tường thuật việc 13 bộ trưởng của chính phủ tố cáo “4 bản tin báo chí viết sai sự thật” vì luận điệu ca tụng phe đối lập và chỉ trích đảng Bharatiya Janata Party – đảng đang cầm quyền.

Bài tường thuật cho là viên chức chính phủ không phân biệt được khác biệt giữa một bản tin và một bài bình luận; bình luận là quan điểm của người viết, và người viết đó được tự do không đồng ý với chính quyền.

“Ấn Độ chống ‘fake news'” có thể vì bắt chước Mỹ, nhưng Mã Lai bắt chước ai mà cũng chống “fake news?” Hạ Viện Mã vừa thông qua luật chống “fake news” hôm 4 Tháng Hai và phổ biến bức ảnh tuyên truyền chống “fake news,” với khẩu hiệu, “đọc một bản tin giả tạo, bạn cũng trở thành một kẻ dối trá.”

Thượng Viện Mã dự trù sẽ thông qua đạo luật chống “fake news” của Hạ Viện trong tuần này. Đài phát thanh của chính phủ cổ võ việc chống “fake news,” và những bảng quảng cáo lớn ven xa lộ in hình và khẩu hiệu đọc một bản tin giả tạo, bạn cũng trở thành một kẻ dối trá.

Đạo luật của Hạ Viện Mã cho phép chính phủ trừng trị những cơ quan ngôn luận bị tố cáo là loan tin giả, và cả những người tiếp tay phổ biến tin đó.

Một viên chức cao cấp của chính phủ Mã, ông Fadhlullah Suhaimi Abdul Malek, nhận định, “Nhờ tổng thống Hoa Kỳ chuyển đổi hai chữ ‘fake news’ thành một danh từ thông dụng, thế giới đã thức tỉnh.”

Rõ ràng, viên chức Mã Lai đã tri ân tổng thống Mỹ. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch đền Karnark ở Ai Cập” (phần 1)

MỚI CẬP NHẬT