Tuesday, April 23, 2024

Một bông hoa hồng cho giới luật sư

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Trên quan điểm của mình, tôi không chấp nhận luật sư chỉ là cây cảnh, vật trang trí để cho cơ quan tư pháp sử dụng nhằm phô diễn nền dân chủ giả hiệu và càng không chấp nhận trở thành diễn viên để cùng hợp diễn vỡ tuồng dựng sẵn. (Luật Sư Huỳnh Văn Đông)

Tuần rồi – bên bàn nhậu – tôi (lại) phải nghe một câu chuyện vui đã cũ, về giới luật sư:

Hàng rào phân cách giữa địa ngục và thiên đàng bị sụp. Thánh Phê Rô đề nghị với Satan mỗi bên chịu một nửa chi phí để dựng lại nhưng ‘đối tác’ lắc đầu quầy quậy. Ông thánh dọa:

-Vậy sẽ đưa ra tòa.

Satan cười khẩy:

-Trên đó làm gì có luật sư? Họ ở cả dưới này mà.”

Câu chuyện vừa kể có xuất xứ từ phương Tây. Dân Việt ưa chế giễu thầy bói, thầy bùa, thầy cúng, thầy đồ, thầy pháp, thầy mo, thầy tu, thầy địa lý, thầy phong thủy… nhưng thầy cãi thì không. Ở Việt Nam, luật sư là một nghề còn khá mới và chưa gây ra điều tiếng như những nơi khác. Đã thế, trong giới người này, không ít vị còn giữ được trọn vẹn tiết tháo khi đối mặt với cường quyền và bạo lực.

Đại Học Đông Dương khai giảng lần đầu vào năm 1907. Tác giả Trần Thị Phương Hoa (Institute for European Studies) cho biết thêm:

“Lần khai giảng thứ hai năm 1917 mở ra một hình thức mới cho trường – đó là mô hình bách khoa với nhiều trường kỹ thuật. Giai đoạn thứ ba từ 1932 đến 1945 khẳng định diện mạo của trường với ba thành tố: Trường Y, trường Luật và trường Khoa Học.”

“Mặc dù trường đại học hạn chế số lượng thành viên, uy tín chuyên môn của Đại Học Đông Dương tăng dần. Kể từ năm 1932, trường Y và trường Luật trở thành một phân hiệu của trường Y và Luật Paris.”

Không chỉ muộn màng, ngành luật học ở Việt Nam còn gặp rất nhiều trắc trở:

“Ngày 17 Tháng Mười Một, 1950, Hồ Chí Minh ký Sắc Lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán tòa án nhân dân huyện lên tòa án nhân dân tỉnh… Từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe: ‘Các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên Cộng Sản, chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ.’ Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, USA: 2012).

Muốn biết nó ảnh hưởng đến “nền tư pháp Việt Nam ra sao,” xin đọc thêm một đoạn văn khác – của một tác giả khác:

“Giữa trưa, Tiến, anh trung tá an ninh bây giờ thay Chí Hùng, đến báo tôi rằng Chính vừa bị bắt. Tôi nhăn mặt kêu lên: Sao đảng thích bắt người thế?

….

Hôm xử Chính tôi không ra đứng ở cổng tòa mà đến Hồng Ngọc tối trước. Đang trò chuyện thì ông Luật Sư K. gia đình mời bào chữa cho Chính đi vào. Một cái bóng lúp xúp. Cụp vai, cúi đầu thì thào dăm ba câu, cái dáng sợ bị nghe trộm, nhòm trộm. Tuy nhớn nhác nhưng ông trung thực, trước sau chỉ khe khẽ chối (nhưng lại gắt): Tôi không cãi được… ý gia đình như thế thì không cãi được đâu. Hà, con gái cả Chính kêu lên: Thế thì im hả bác? Lúng túng giây lát ông luật sư lại gắt giọng nhưng vẫn thì thào: Không cãi được mà. Tôi hỏi thế nghĩa là gia đình nhận tội thì cãi được? Ông nói: Đã nhận thì cần gì cãi. Rồi lúp xúp đi ra. Ông biết trong bóng tối quanh đây đầy những con mắt lúc này đang theo đõi chặt. Rồi máy ghi âm. Có khi chụp ảnh nữa. Qua tư thế ọp ẹp, ông cố để lộ rõ ông đầu hàng nhà nước.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Giới luật sư ở miền Nam không thế. Họ không “nhớn nhác,” “lúp xúp,” “cụp vai” hay “thì thào” mà nói rất to (“bằng loa phóng thanh”) đàng hoàng để mọi người cùng nghe cho nó rõ:

“Vào ngày 23 Tháng Tư, 1977, Luật Sư San đã dùng loa phóng thanh tuyên đọc bản ‘Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người Việt Nam Khốn Cùng’ ngay trước bậc thềm Nhà Thờ Ðức Bà – nơi có Công Trường Kennedy ngay giữa trung tâm thành phố Sài Gòn.

Sự kiện này đã gây cho nhà nước Cộng Sản nổi giận điên cuồng đến độ họ đã ra tay truy bắt toàn bộ nhóm luật sư vào trại giam để thẩm vấn với những đòn trả thù đánh đập hành hạ đê tiện. Người lớn tuổi nhất trong nhóm, thì phải kể đến Luật Sư Vũ Ðăng Dung, nguyên thủ lãnh Luật Sư Ðoàn Tòa Thượng Thẩm Huế, rồi đến các luật sư có tên tuổi khác như Triệu Bá Thiệp, Nguyễn Hữu Giao…

Theo nhiều nhân chứng là các cựu tù nhân chính trị sống cùng trại giam như Ðỗ Thái Nhiên, Vũ Ánh, Hồ Thành Ðức cho biết, thì anh San đã bị đánh đập tra khảo dữ dội nhất – nhưng anh San vẫn giữ được thái độ hiên ngang kiên cường trước mặt đám người đã nặng tay hành hạ đối với bản thân mình. Và anh San đã bị giam giữ đến trên 10 năm trong nhiều trại tù khắc nghiệt nhất – cụ thể như trại giam số 4 Phan Ðăng Lưu (tức Khám Lớn, Gia Ðịnh cũ), trại A20 ở Xuân Phước, Tuy Hòa.” (“Thương Tiếc Luật Sư Trần Danh San (1937 -2013)” – Đoàn Thanh Liêm).

Bạn đồng tù với Trần Danh San, tác giả Phạm Đức Nhì cho biết thêm:

Sau khi cùng Luật Sư Triệu Bá Thiệp soạn thảo bản ‘Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng,’ cả hai đã hẹn nhau đem loa phóng thanh đến Vương Cung Thánh Đường trịnh trọng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rồi tươi cười bước lên xe công an, đến số 4 Phan Đăng Lưu…ngồi tù… anh nhỏ nhẹ nói: “Phải cho thế hệ sau biết để các em, các cháu có thêm nghị lực, dũng khí đi tiếp con đường chúng ta đi.”

Tôi tin là Trần Danh San và Triệu Bá Thiệp đã gửi được thông điệp của họ cho thế hệ kế tiếp. Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam đã xuất hiện nhiều vị luật sư trẻ tuổi, tài năng, và dũng cảm: “Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Võ An Đôn, Huỳnh Văn Đông, Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Bắc Truyển…”

Hiện tại Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Bắc Truyển đang bị giam giữ không có lý do, cũng không có ngày xét xử. Cường quyền và bạo lực, tuy thế, đã không trấn áp được lương tri. Sau khi Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Phú Yên xóa tên Luật Sư Võ An Đôn, “đã có hơn 100 luật sư ký tên phản đối vụ kỷ luật LS Võ An Đôn” (*). Về sự kiện này, trang Thông Tin Đức Quốc có lời bình luận: “Một hiện tượng hiếm hoi trong xã hội Việt Nam hôm nay.”

Sự thực thì “hiện tượng” vừa nêu cũng không hiếm hoi gì lắm. Khi mặt trận truyền thông của chính phủ hiện hành chưa vỡ thì thông tin được bịt kín, thế thôi. Luật Sư Nguyễn Hữu Thống vừa cho biết thêm:

“Sau khi Cộng Sản cướp chính quyền tại Miền Nam để thiết lập chế độc tài đảng trị, trong vòng hai năm, từ 1975 đến 1977 có ít nhất 14 luật sư đã tuẫn tiết hay bị giam giữ. Luật Sư Trần Chánh Thành đã quyên sinh không chịu khuất phục bạo quyền. Các vị khác đã đứng lên tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền và những quyền tự do căn bản của người dân.

Cuối năm 1975, trong vụ án Vinh Sơn, Luật Sư Nguyễn Khắc Chính bị kết án tù chung thân về tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.’

Qua năm 1976, Luật Sư Trần Văn Tuyên, thủ lãnh Luật Sư Đoàn Sài Gòn, đã tuẫn tiết tại trại cải tạo Hà Tây. Sau đó, ba người con trai Trần Vọng Quốc, Trần Tử Thanh và Luật Sư Trần Tử Huyền đã bị kết án 12 năm, 5 năm và 3 năm về tội ‘tuyên truyền chống chế độ.’ Đồng thời Luật Sư Thủ Lãnh Lý Văn Hiệp đã bị kết án 12 năm tù cũng về tội này. Ngoài ra, các Luật Sư Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Hữu Doãn cũng bị giam 18 tháng về tội giả tạo nói trên…”

Thảo nào mà ở Việt Nam người ta ưa chế giễu thầy bói, thầy cúng, thầy đồ, thầy pháp, thầy mo, thầy tu, thầy địa lý, thầy phong thủy… và cả thầy thuốc nữa nhưng thầy cãi thì không. Ở đất nước này giới luật sư được tôn trọng, và họ quả xứng đáng. (Tưởng Năng Tiến)

Mời độc giả xem chương trình “Sức khỏe tâm lý của cha mẹ có ảnh hưởng gì trong việc nuôi dạy con?(Phần 2)(1/2)

MỚI CẬP NHẬT