Thursday, March 28, 2024

Một tác phẩm, một tác giả không giống ai

Nguyễn Đạt Thịnh

Tác giả Curtis Dawkins không giống ai -khác biệt đầu tiên là anh viết tác phẩm “The Graybar Hotell” sau 14 năm nằm tù, trong khám đường Michigan; nhà xuất bản Scribner mua tác phẩm này và trả Dawkins $150,000; anh muốn chuyển số tiền đó cho vợ con anh, nhưng Sở Quản Trị Khám Đường Michigan bảo anh phải trả toàn bộ số tiền nhuận bút đó cho chính phủ, như tiền mướn cái góc nhà tù mà ngày ngày anh ăn ngủ tại đó.

Dawkins, 49 tuổi lãnh án chung thân tù giam không có ngày ân xá, từ tháng Mười 2004, vì anh giết chết một người đàn ông trong lúc anh say bạch phiến. Có vợ và 3 đứa con, anh muốn cho các con anh trọn số tiền nhuận bút để trang trải phí tổn học hành, nhưng chính quyền Michigan bảo, anh phải trả tiền mướn chỗ ở tù, trước khi tiêu xài số tiền đó vào bất cứ việc gì khác, vì đó là luật; đạo luật không cho tù nhân hưởng thụ trên tội ác của mình.

Anh ngạc nhiên, không ngờ những câu chuyện anh viết trong khám đường để giải khuây mà lại được giá như vậy.

Xuất bản năm ngoái, quyển “The Graybar Hotel” được nhiều nhà phê bình khen tác giả có nhiều nhận xét sâu sắc, và một lối hành văn giản dị, ngắn, gọn, nên rất mạnh.

Dawkins bật cười, vì anh coi cái thú viết lách chỉ là một cách giúp anh trốn ra khỏi không khí tù ngục, mà không phạm tội vượt ngục.

Nhà xuất bản Scribner in nhiều, và phổ biến rộng rãi quyển “The Graybar Hotel” khiến quyển sách được nhiều người biết hơn; góc nhìn nội tâm của tác giả -một người tù chung thân, và bức ảnh 2 vợ chồng còn rất trẻ, cùng 3 đứa con quá nhỏ, tạo xúc động cho độc giả.

Tìm sâu hơn nữa vào dĩ vãng để gặp ông bố của Dawkins, ông làm nghề bán thịt, Dawkins cũng phụ việc với bố, nhưng vì nghiện rượu, nên suốt ngày chè chén. Năm 1991 cậu cai rượu, rồi trở lại cuộc sống bình thường hơn. Một người bạn cho cậu mấy quyển tiểu thuyết của Faulkner và Salinger; Dawkins đọc và thấy thích lối viết của 2 nhà văn đó.

Cậu trở lại viện đại học Southern Illinois University để học Anh văn, rồi học viết văn tại Western Michigan University, Kalamazoo.

Năm 1998, trong một chương trình workshop thảo luận về viết văn, Dawkins gặp cô Kimberly Knutsen, một sinh viên hậu đại học, đang chuẩn bị thi tiến sĩ; họ yêu nhau, rồi thành hôn, Knutsen đã có một cậu con trai, Henry, 3 tuổi. Vợ chồng có thêm một trai và một gái nữa; mua một căn nhà gần Portage, Mich., Dawkins làm công cho một bãi bán xe, trong lúc cô vợ tiếp tục chương trình học thi tiến sĩ. Không khí gia đình, đầm ấm, và có thể gọi là hạnh phúc.

Đúng vào lúc đó, Dawkins bắt đầu uống painkillers, trở thành nghiện thuốc an thần, rồi chuyển qua ketamine, chót hết hút bạch phiến.
Nghiện hút đưa đến túng thiếu, tạo lục đục gia đình, khiến vợ anh phải mời anh ra khỏi nhà; anh sống trong giới buôn bán ma túy, cảm thấy những nguy hiểm lúc nào cũng cận kề, mua một khẩu súng lục Smith & Wesson, nòng .357 để tự vệ.

Độc giả thầm hiểu tình thương thấm thía và vô vọng của anh đối với vợ con -những người anh thương yêu, nhưng đang trọn đời cách bức, dù họ sống không xa khoảng không gian nhỏ bé anh bị sống.

Trước khi vướng vòng tù ngục, Dawkins học xong chương trình MFA -master-of-fine-arts-in-creative-writing- thạc sĩ ngành viết chuyện giả tưởng.

Kiến thức đại học, tình thương gia đình, và bản án vĩnh viễn chia cắt là những yếu tố tạo cho tác giả một góc nhìn khá độc đáo về cuộc sống lao tù; từ chuyện ngắn Oz đến chuyện Prisoner Cell Block H. (người tù giam trong khu H.), anh không nói nhiều đến bạo lực, đến yếu tố thường xuyên đè nặng trêncuộc sống lúc nào cũng căng thẳng của tù nhân.

Qua một góc nhìn nhân bản hơn, Dawkins mô tả thời gian ở tù là thăm thẳm, đằng đẵng, và buồn chán; tù nhân cả ngày ngồi quanh ván domino mà không quan tâm đến việc thắng hay thua, kể đi kể lại những câu chuyện cũ mèm, bán cho nhau những tấm card Giáng Sinh mà họ công trình ngồi vẽ, và ngồi sững trước màn ảnh truyền hình, mà không biết họ đang coi chương trình gì. Ám ảnh nặng nề nhất trên cuộc sống bị giam cầm, sống giữa hàng trăm, hàng ngàn tù nhân, ai cũng giống như mình, là tự tử; ai cũng tìm cách chết để trốn cái ngày mai -giống hệt như hôm qua- trốn cuộc sống ngày nào cũng giống nhau, kết thành một chuỗi chán nản dài đến bất tận.
Trước khi vào khám đường Darwins là một võ sĩ tài tử, và là thành phần của một gia đình hạnh phúc; 14 năm tù biến cô vợ tươi trẻ của anh thành một thiếu phụ đứng tuổi, và 2 đứa con anh đang học trung học.

Tác phẩm đầu tay của anh -quyển “The Graybar Hotel”- khác với những tác phẩm của những tù nhân khác viết về khám đường, vì chính anh cũng khác những tác giả đã viết về cuộc sống lao lý.
Anh phải chờ đến 14 năm để ý thức được vị trí mới của anh -vị trí của một quan sát viên không còn thẩm quyền, không còn đến cả khả năng giáo dục, nuôi dưỡng 2 đứa con anh, chăm sóc, yêu thương hoặc ly dị vợ anh.

Chưa người cầm bút nào trong cuộc sống tự do, bình thường, có cái góc nhìn đó, dù họ ly dị với vợ, hoặc bị vợ phụ tình; ít nhất họ cũng không sống trong cảnh bất lực, không thể phản ứng như anh.

DAWKINS CÒN CÓ MỘT TIỆN NGHI KHÁC NỮA, mà không nhà văn nào có -anh có đủ 24 giờ mỗi ngày để nung nấu, trăn trở với một cảm nghĩ, một bận tâm, trước khi đem trải nó ra trên mặt giấy.

Anh không bận bịu, không cần để ra một phút ngắn để giải quyết 4 nhu cầu cơm, áo, gạo, tiền, như mọi người. Ngay đến cả những biến chuyển lớn, như vợ anh đi lấy chồng, con anh tốt nghiệp đại học, anh cũng không có hoàn cảnh để phản ứng.

Bản án chung thân đứng bên lề cuộc đời, cũng là bản án chung thân viết, chung thân sáng tác tạo thuận lợi cho nhiều tuyệt tác phẩm trong cái nửa còn lại của đời anh.

Cái giá anh phải trả là dửng dưng, không vui, không buồn trước mọi biến chuyển, dù biến chuyển đó là việc đại văn hào Curtis Dawkins được áp giải tới Thụy Sĩ để nhận giải văn chương Nobel./.

Vùng Tây Trung Mỹ bị lụt nhiều nơi

MỚI CẬP NHẬT