Friday, March 29, 2024

Nga lũng đoạn dư luận bầu cử Mỹ bằng cách nào?

Hơn một năm trước khi tìm cách lũng đoạn dư luận trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Nga đã cử hai “nữ thám báo” qua Mỹ nghiên cứu địa bàn.

Đó là vào tháng Sáu năm 2014, hơn một tháng sau khi Vladimir Putin, tổng thống Nga, chiếm Crimea của nước Ukraine.

Aleksandra Y. Krylova và Anna V. Bogacheva, dùng visa du lịch. Họ mua máy ảnh, sim cards và điện thoại di động dùng xong vứt đi, đã đi một vòng trong ba tuần lễ, qua chín tiểu bang, gồm có California, Illinois, Louisiana, New York, Texas, kể cả các tiểu bang “then chốt” cho kết quả các cuộc bầu cử, như Colorado, Michigan, Nevada và New Mexico. Họ còn chuẩn bị sẵn một “lộ trình tẩu thoát” nếu hành tung và mục đích chuyến đi bị tình báo Mỹ khám phá.

Krylova thường xuyên báo cáo cho các người điều khiển chiến dịch tại St. Petersburg. Công trình nghiên cứu của họ là căn bản cho Internet Research Agency (RI), Cơ sở Nghiên cứu Internet, lập ra chiến dịch tuyên truyền gây ảnh hưởng trên cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ năm 2016.

Nhưng tình báo Mỹ đã đánh hơi thấy chuyện lạ. Tháng Chín năm 2016, sau khi FBI báo động Tòa Bạch Ốc, lúc ông Barack Obama còn làm tổng thống, về những hoạt động khả nghi của các “đặc công” Nga, bà Irina V. Kaverzina, một trong những người điều khiển chiến dịch ở St. Petersburg, viết email cho một thân nhân, than rằng: “Chúng tôi đang gặp một vụ khủng hoảng nho nhỏ! Bọn FBI đã phanh ra hoạt động của mình (không nói rỡn đâu).” Irina viết tiếp: “Vì thế chúng tôi đang rất bận rộn tìm cách xóa hết các dấu vết.” Và kể rõ ràng: “Chúng tôi đã tạo ra những hình ảnh và các bài viết để cài (post) lên mạng, làm sao cho dân Mỹ tưởng rằng chính bọn Mỹ đã đưa lên.”

Nhưng Irina V. Kaverzina và đồng bọn chưa xóa hết các dấu vết như bản cáo trạng 37 trang được ông Rosenstein, Thứ trưởng Tư pháp đưa ra ngày Thứ Sáu tuần trước, cho thấy. Email của Irina V. Kaverzina được công bố trong bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, tức là FBI cũng có khả năng đọc được email gửi cho nhau ở nước Nga! Hoặc họ có “tay trong” nằm giữa lòng “địch quân” rút được các email đó. FBI đã báo tin cho ông Obama, ông đem chia sẻ với các ứng cử viên tổng thống năm 2016, Donald Trump và Hillary Clinton.

Toán hành động của IR gồm có 80 người, họ dùng những máy điện toán chủ (servers) thuê ngay tại Mỹ để che giấu nguồn gốc phát xuất từ Nga.

Toán “đặc công” bẻ lái dư luận dùng mạng lưới những “người Mỹ hoạt động giả” này viết email, dùng Fecebook, Twitter, tung ra các bài và hình ảnh gửi tới những người Mỹ ngay tình ủng hộ ứng cử viên Donald Trump khiến họ tưởng rằng đang gặp những “đồng chí!”

Những đặc công tin học này đã tạo ra những tên giả hoặc đánh cắp nhân dạng của những người Mỹ có thật bằng các mua những số an sinh xã hội của những người Mỹ có thật, ngụy tạo nhiều bằng lái xe, để mở tài khoản ở ngân hàng (bank accounts) và các danh mục trên mạng lưới xã hội như Facebook hay Twitter accounts.

Toán đặc công Nga đã mua những trang quảng cáo trên Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác. Trong đó họ đưa lên các bài viết và hình ảnh ủng hộ Trump, chống Clinton. Những thông điệp của người Nga cũng tấn công các ứng cử viên Cộng Hòa khác, như các nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio. Nhiều người Mỹ nhận được các thông điệp này đã vô tình gửi đi cho bạn bè, mở rộng mạng lưới tuyên truyền của đặc công Nga.

Họ nhắm vào các người tình nguyện làm việc trong ban vận động của ứng cử viên Donald Trump. Một nhà vận động cho ông Trump ở Texas tưởng mình đang tiếp xúc với những người Mỹ đồng chí hướng, đã mách nước các đặc công Nga rằng cần phải tập trung mũi dùi tuyên truyền vào những “tiểu bang tím,” nửa xanh (Dân chủ) nửa đỏ (Cộng Hòa), như “Colorado, Virginia và Florida.”

Cuối tháng Bẩy năm 2016, người Nga trả tiền mua nhiều quảng cáo trên Facebook và Instagram để bắt đầu hô hào tổ chức các cuộc biểu tình hỗ trợ ông Trump và chống bà Clinton, bản cao trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Mùa Hè năm 2016, nhóm đặc công Nga chọn Florida làm nơi tập trung nỗ lực, với phong trào “Florida Theo Trump” (Florida Goes Trump) ở khắp trong tiểu bang này; lấy cuộc biểu tỉnh ngày 20 Tháng Tám ủng hộ ông Trump làm tiêu điểm.

Dùng các danh hiệu giả tạo, họ liên lạc với ban vận động của đương kim tổng thống ở Florida, yêu cầu được phục vụ miễn phí. Bản cáo trạng của bộ Tư pháp Mỹ cho biết có một email truyền lệnh cho toán đặc công, viết rằng: “Hô hào trên internet không chưa đủ … Phải có hành động thật! Chúng ta đã tổ chức các cuộc biểu tình ở New York trước đây. Giờ phải nhắm vào các tiểu bang tím như Florida.” Toán đặc công tin học đã tìm cách liên lạc với những nhóm ủng hộ ông Trump, khích động tinh thần và vạch ra những chi tiết cần làm.

Những đặc công tin học Nga mở các danh mục giả mạo trên mạng, như các nhóm tự xưng là “Yêu Nước, Being Patriotic” trên Facebook, hoặc danh mục Twitter “@March_for_Trump” để liên lạc với những người ủng hộ ông Trump. Một danh mục Twitter mạo danh chi bộ đảng Cộng Hòa ở tiểu bang Tennessee, lấy tên “TEN_GOP;” Ten viết tắt tên tiểu bang và GOP là tên gọi đảng Cộng Hòa. Danh mục này đã lôi cuốn được hơn 100,000 người trong và ngoài tiểu bang theo dõi thường xuyên, kể cả ứng cử viên Trump và con trai ông.

Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp cho biết khi @TEN_GOP truyền đi thông điệp, “Chúng tôi yêu Tổng thống” (We love you Mr. President) thì Tổng thống tân cử Donald Trump đã vô tình đáp lại, “So Nice! Thank You” rồi đem “tuýt lại” cho hàng triệu người ủng hộ ông coi. Con trai ông, Donald Trump Jr., sau khi nhận được, cũng vô tình chuyển đi rất nhiều thông điệp do toán đặc công Nga tạo ra.

Theo bản cáo trạng trên, người Nga cũng thành công trong việc tổ chức các cuộc biểu tình với các mục tiêu khác nhau. Như ngày 25 tháng Ba ở New York để ủng hộ Trump. Ngày 9 tháng Bẩy là một cuộc biểu tình ủng hộ bà Hillary Clinton, với đề tài “Hãy cứu các người Mỹ Hồi Giáo!” ngay tại Washington D.C..

Ngày 23 tháng Bẩy, là cuộc biểu tình chống Clinton ở New York. Ngày 20 tháng Tám, “Florida Goes Trump” khắp nơi trong tiểu bang này. Ngày 2 tháng Mười, biểu tình của “Thợ Mỏ ủng hộ Trump” trong nhiều thành phố, tiểu bang Pennsylvania.

Sau khi Tổng thống Trump đắc cử, Toán đặc công tin học Nga tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống tân cử tại New York ngày 12 tháng Mười Một. Cũng trong ngày đó chính họ lại tổ chức một cuộc biểu tình mang khẩu hiệu “Trump không phải tổng thống của tôi!” (Trump is NOT my President), cũng tại New York! Ngày 19 là cuộc biểu tình ở North Carolina, với khẩu hiệu “Dân Charlotte Chống Trump” (Charlotte Against Trump).

Toán người Nga đã trả tiền thuê một người Mỹ ủng hộ ông Trump, ngay tình không biết bị lợi dụng, dựng lên một cái chuồng đặt trên sàn một chiếc xe vận tải trống, trong đó thuê một người hóa trang giống bà Clinton, nhưng mặc áo nhà tù; minh họa cho một khẩu hiệu tranh cử của ông Trump: “Bỏ tù nó đi!” (Lock Her Up).

Sau kinh nghiệm thành công ở Florida, người Nga đã áp dụng các chiến thuật vận động tương tự ở New York, Pennsylvania, và các nơi khác.

Trong thời gian đang vận động tranh cử, toán đặc công tin học Nga dùng phương tiện của mạng Instagram để tìm cách làm nản lòng những người thuộc sắc dân da mầu, xúi dục họ bỏ rơi bà Clinton. Thay vào đó, họ kêu gọi những người này tẩy chay không đi bầu, hoặc nếu đi bầu thì hãy “Chọn Hòa Bình,” bỏ phiếu cho Bà Stein, ứng cử viên đảng Xanh, là người sẽ chia bớt phiếu của bà Clinton.

Một danh mục giả tạo do người Nga lập ra mang tên “Woke Blacks” (Da Đen Thức Tỉnh), gửi đi một thông điệp ngày 16 tháng Mười, 2016, viết: “Giữa hai con quỷ, chúng ta không cần phải chọn con quỷ ác ít hơn,” ý nói bà Clinton. Thông điệp nội bộ truyền lệnh cho toán đặc công tin học khuyến cáo: “Hãy dùng tất cả các cơ hội để tấn công Hillary và tất cả các ứng cử viên khác, ngoại trừ Sanders và Trump thì ủng hộ.” Ông Sanders là một ứng cử viên tranh với bà Clinton trong đảng Dân chủ. Năm 2011, bà Clinton là ngoại trưởng Mỹ, đã bị Tổng thống Nga Putin tố cáo là khích động dân Nga chống Putin tổ chức bầu cử gian lận. Nhiều cuộc biểu tình lớn đã xẩy ra khắp nước Nga năm đó. (Đ.T)

Mời độc giả xem phóng sự “Little Saigon diễn hành Tết Mậu Tuất 2018”

MỚI CẬP NHẬT