Thursday, March 28, 2024

Nghề tạo dư luận

Nguyễn Đạt Thịnh

Dư luận có thể gây áp lực, rồi tạo ra những thay đổi chính trị, tư pháp,… do đó tạo dư luận cũng là một nghề không chỉ hái ra tiền thôi, mà còn có nhiều quyền lực khác nữa. Bài báo này thảo luận về việc làm của hãng public relations Bell Pottinger, hãng này được 3 anh em Ajay, Tony và Atul Gupta thuê để gây dư luận thuận lợi cho họ kinh doanh tại Nam Phi (nước South Africa).

Ba người này sinh trưởng tại Ấn Độ, nhưng gốc là người Nam Phi – thường được mệnh danh là The Gupta family; họ là chủ nhân những công ty lớn hoạt động trong những lãnh vực truyền thông, hầm mỏ và máy computer, tại Nam Phi.

Gia đình họ đứng thứ 7 trong thứ tự những doanh nhân giầu nhất nước Nam Phi, với tài sản được ước lượng là $773.47 triệu.

Thế lực kinh tài và chính trị của ba anh em Ajay, Tony, Atul Gupta rất lớn; họ lại giao du thân mật với Tổng Thống Nam Phi-Jacob G. Zuma.

Ba anh em Gupta mướn hãng public relations Bell Pottinger (BP) để đánh bóng và khuyếch trương thanh thế của họ tại Nam Phi.

BP từng thành công lớn trong việc tạo dư luận – tốt hay xấu; họ đã giúp nhà độc tài Alexander Lukashenko of Belarus, ngồi vững trên ngôi vị tổng thống nước Belarus từ 1994 mãi cho đến hôm nay.

Một thành tích khác của BP là họ tạo thuận lợi để nhà vô địch chạy bộ cụt cả hai chân Oscar Pistorius  được lãnh án nhẹ hơn mức án tối thiểu 15 năm tù ấn định cho mọi tội giết người. Anh giết cô Reeva Steenkamp – người tình của anh, vì ghen.

Ngày ra tòa BP bảo Pistorius bỏ bộ nhún giúp anh đoạt giải vô địch chạy bộ, xê dịch bằng hai chân đã bị cưa dưới đầu gối từ ngày anh còn nhỏ, và xin bố mẹ cô Reeva Steenkap tha tội cho anh, vì anh đang tắm thì cô mở cửa vào nhà, khiến anh tưởng là cướp, nên mới bắn chết cô.

Nói cách khác, anh tự biện hộ, đổi từ tội cố sát sang tội ngộ sát, và trước tòa anh nhận tội, rồi xin lỗi bố nạn nhân.

Trở lại với chuyện Gupta mướn BP tạo dư luận thuận lợi cho họ; ba anh em Gupta chỉ thị cho BP khai thác chủ điểm “giúp đỡ người da đen vươn lên để có một cuộc sống vật chất thoải mái hơn trong quốc gia Nam Phi đã độc lập, nhưng phần lớn hoạt động thương mại đều nằm trong tay người da trắng có vốn.”

BP sử dụng mọi phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh, báo chí để thi hành trọng trách đó, nhưng họ lại đi quá trớn tạo ra một không khí thật sự căng thẳng giữa người da đen và người da trắng – hai sắc dân vốn cộng tác mật thiết với nhau trong truyền thống Mandela – vị cố tổng thống người da đen thành công trong việc lật đổ chính quyền da trắng bằng một cuộc tranh đấu bất bạo động, kéo dài suốt đời ông.

Tạo ra trận cuồng phong chính trị, cả BP lẫn những cơ sở thương mại của gia đình Gupta trở thành tâm điểm của những rối loạn Nam Phi. Trước đó, Nam Phi sống trong cảnh hòa thuận – từ cuộc cách mạng bất bạo động của người da đen, đến thái độ thông cảm nhượng quyền của người da trắng – đều diễn ra không đổ máu.

Những người viết thuê do BP trả lương dùng nhiều luận điệu sắt máu, hằn học, gây căm thù khích động người da đen tấn công “độc quyền hưởng thụ” của người da trắng.

Diễn giải sự tiến bộ của Belarus như công lao của nhà độc tài Lukashenko, và dàn cảnh trình diễn thái độ khúm núm nhận lỗi của anh sát nhân Pistorius có thể là khả năng tối đa của BP, nhưng gây căm phẫn để người da đen tẩy chay, chống đối những thương gia da trắng đã khuất phục, tự nguyện trao trả chủ quyền Nam Phi cho người da đen, lại là việc làm phức tạp hơn, khó khăn hơn.

Quốc Hội Nam Phi mở cuộc điều tra về việc làm của những cơ sở Gupta và liên quan giữa gia đình Gupta với Tổng Thống Jacob Zuma, một vị tổng thống tham nhũng nổi tiếng. Một vài tờ báo Nam Phi liệt anh em Gupta vào hoàng tộc bằng cách đổi chữ G đứng đầu chữ Gupta thành chữ Z, chữ đầu trong tên của tổng thống Zuma; họ gọi hãng Gupta là Zupta.

Quần chúng hô lớn khẩu hiệu “Hạ bệ Zupta” trong lúc Tổng Thống Zuma đọc diễn văn; sự phẫn nộ chính trị đó đưa hệ thống doanh thương của anh em Gupta đến chỗ phá sản.

Công ty “public relation” giúp các doanh nghiệp được thiện cảm của khách hàng; họ cũng giúp các chính khách được quần chúng thương mến, cảm phục, nhưng “nghề tạo dư luận” chỉ có tại các quốc gia Âu-Mỹ; tại Á Châu các chính khách tự làm lấy công việc đánh bóng mình.

Bá Tước Timothy Bell, một trong những sáng lập viên tạo ra công ty public relation Bell Pottinger nói với phóng viên BBC ông không tin là BP có thể hồi phục sau vết tử thương tại Nam Phi. Ông đang giao cho hãng BDO việc bán công ty BP, đang rất khó bán vì công ty có rất nhiều nợ nần và 180 nhân viên đang thất nghiệp.

Ông Bell cho là nguyên nhân vấp ngã tại Nam Phi là do ban giám đốc BP đi quá xa trong việc gây uy tín thương mại và chính trị cho anh em Gupta.

Đa số chính khách Mỹ đều thuê những công ty PR – “public relation” – đánh bóng mình, nhất là trong thời gian tranh cử; dĩ nhiên họ không tiết  lộ là những bài báo tốt, những cuộc phỏng vấn dễ thương đều do các công ty PR vận động.

Việc đánh bóng đó ít hay nhiều cũng giả dối, nhưng quần chúng không làm gì khác hơn được là phải chấp nhận, vì tạo dư luận đang trở thành một nghề chuyên nghiệp, như nghề xây cất, nghề trang trí. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Nhạc sĩ Việt Khang đến bến bờ Tự Do”

MỚI CẬP NHẬT