Diễn Đàn

Phạm Đoan Trang: ‘Tầng lớp trung lưu Việt Nam không khao khát dân chủ-tự do’

Kính Hòa RFA

Tổ chức phi chính phủ Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải thưởng nhân quyền hàng năm cho ba người là blogger Phạm Đoan Trang, nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, và nhà đấu tranh vì quyền lao động Trần Thị Nga.

Nhân dịp này blogger Đoan Trang trao đổi với đài RFA về những vấn đề xung quanh giải thưởng này cũng như phong trào nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

Đoan Trang: Khi nhận giải này tôi hơi bối rối, vì không nghĩ rằng mình đã làm cái gì để nhận được giải này. Nhất là tôi nhận giải này với hai người nữa là nhà hoạt động môi trường và nhân quyền Hoàng Bình, nhà hoạt động cho quyền lao động Trần Thị Nga. Cả hai người vẫn đang ngồi tù với mức án rất nặng. Tôi thấy mình chưa làm được gì cả, và cảm thấy buồn nữa, thương cho chị Nga và anh Hoàng Bình.

Kính Hòa: Chị viết trên Facebook rằng việc nhận giải nhân quyền mà cứ kéo dài thì đó là một điều đáng buồn, chị có thể giải thích rõ hơn?

Đoan Trang: Tôi nghĩ rằng một đất nước nào mà công dân nhận những giải Nobel về kinh tế, vật lý, hóa học,… thì có thể tự hào, nhưng mà Nobel hòa bình thì lại dễ gây tranh cãi, hoặc đặt ra vấn đề về nền dân chủ của nước đó. Thì giải thưởng nhân quyền này của Mạng lưới nhân quyền Việt Nam cũng tương tự. Chừng nào mà còn có người nhận giải nhân quyền thì nó chứng tỏ rằng đất nước đó, nền chính trị của đất nước đó, còn có rất nhiều vấn đề, còn vi phạm nhân quyền. Hễ còn vi phạm nhân quyền thì còn có người nhận giải về nhân quyền.

Kính Hòa: Giải thưởng này được một tổ chức có trụ sở ở California trao tặng hàng năm. Chị nghĩ gì về sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đối với phong trào nhân quyền trong nước?

Đoan Trang: Việc mà họ trao giải hàng năm, nếu tôi nhớ không lầm là từ năm 2002, đến nay đã gần 20 năm, chứng tỏ họ luôn sát cánh với những người hoạt động trong nước. Họ theo dõi tình hình nhân quyền trong nước, theo dõi sự hoạt động của những người hoạt động nhân quyền trong nước. Đó là một sự khích lệ tinh thần rất lớn với những người hoạt động.

Tôi rất cảm ơn Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. Tôi luôn nhấn mạnh là những người trong nước đấu tranh là khó khăn vất vả. Những người Việt ở nước ngoài đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt Nam cũng là một hoạt động đáng quý. Thật sự cũng khó khăn cũng có cản trở, và rất đáng được tri ân.

Những người Việt Nam ở trong nước đấu tranh vì dân chủ trong một nền chính trị tệ hại như thế này là một việc đương nhiên. Nhưng đối với người Việt ở nước ngoài thì chẳng có lý do gì để quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam cả. Họ có thể hưởng một cuộc sống đầy đủ về vật chất, an toàn về môi trường, và còn đầy đủ về tinh thần nữa, không có lý do gì để quan tâm tới một đất nước xa vời vợi và còn chìm ngập trong lắm vấn đề phức tạp. Nhưng mà họ vẫn quan tâm, theo dõi mà còn đặt ra một giải thưởng nữa, để hổ trợ, khích lệ tinh thần những người trong nước.

Kính Hòa: Tù nhân lương tâm liên tục bị tống xuất ra nước ngoài. Chị thấy chính sách đó của Việt Nam có hiệu quả hay không?

Đoan Trang: Đó là một chính sách mang rất nhiều lợi ích cho họ. Tôi vẫn hay viết và nói ra thế này: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước buôn dân. Cấp trên hay cấp dưới đều buôn cả.

Cấp trên thì đổi tù nhân lương tâm để lấy những điều lợi về kinh tế, với cộng đồng quốc tế. Như là một hiệp định với EU hay một hiệp định với Mỹ.

Cấp dưới thì bắt những tù nhân lương tâm, những người hoạt động dân chủ để được lên lon, lên lương.

Tù nhân lương tâm ngày càng trở nên một món hàng rất là hời cho nhà cầm quyền này ở các cấp.

Không có lý do gì để họ không làm điều ấy cả. Bắt thì họ chẳng thiệt gì, thả thì được tiếng tôn trọng nhân quyền với các đối tác phương Tây. Tôi nghĩ là việc bắt người rồi trục xuất sẽ còn dài dài, chừng nào chính thể này còn tồn tại.

Kính Hòa: Nó có làm ảnh hưởng đến hoạt động cho quyền dân sự, cho nhân quyền trong nước không?

Đoan Trang: Đối với cá nhân tôi thì nó không ảnh hưởng gì lắm. Xưa nay tôi vẫn làm những công việc đó. Có ai bên cạnh giúp hay không thì tôi vẫn làm. Còn đối với phong trào thì tôi nghĩ là cũng có, vì người ta nghĩ rằng những gương mặt nổi bật đại diện cho phong trào, ít nhất về mặt hình ảnh, không còn nữa thì còn ai? Có thể nhiều người sẽ nghĩ như vậy.

Kính Hòa: Gần đây có trường hợp chị Lê Thu Hà, bị trục xuất sang Đức, rồi lại trở về Việt Nam, lại bị trục xuất. Cũng có những ý kiến bàn tán về việc này. Chị nghĩ sao?

Biểu tình tại Hà Nội chống thảm họa môi trường do Formosa gây ra. (Hình: Internet)

Đoan Trang: Khi biết chuyện đó tôi rất lo lắng và thương cho Hà. Tôi nghĩ là tôi hiểu tâm trạng của Hà. Một phụ nữ trẻ, đấu tranh là vì cái chung, cho dân chủ cho Việt Nam, bị bắt giam hai năm rưỡi, trong phòng tạm giam chắc là ba đến sáu mét vuông một người, như là cái cũi. Ngày này qua ngày khác, không có bất kỳ một thông tin nào từ bên ngoài vào, chưa kể điều kiện vật chất thì vô cùng tồi tệ. Một phụ nữ rất lãng mạn, yêu thơ văn, rất yêu nước,… sống như vậy trong vòng hai năm rưỡi. Đó là một địa ngục trần gian. Hà chưa có một ngày nào gặp lại gia đình cả. Đùng một cái rời nhà tù đến một đất nước xa lạ, mùa Đông rất lạnh lẽo.

Những điều đó đủ cho chúng ta cảm thấy xót xa cho Hà.

Khi Hà về Việt Nam tôi rất lo lắng không biết nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm gì với Hà. Dù sao thì khi họ trục xuất thì sai pháp luật, nhưng rất là may vì nếu không họ lại bắt nữa thì lại còn khổ cho Hà.

Việc đó làm tôi thật sự áy náy, mình không làm gì được và cũng sẽ không làm gì được cho Hà.

Kính Hòa: Giải nhân quyền lần này có ba người, thì anh Hoàng Bình là về hoạt động môi trường, chị Nga về quyền lao động, chị có nghĩ rằng nếu hoạt động vì môi trường và quyền lao động ra khỏi cái từ nhân quyền mà những người cộng sản rất sợ, thì có dễ hơn không?

Đoan Trang: Nói chung những khái niệm như dân chủ, nhân quyền, tự do, đều kiên kỵ với người cộng sản, họ không thích. Đấu tranh nói chung hay là tách ra với những quyền môi trường, hay những quyền nghe rất vô hại như là quyền của người thiểu số chẳng hạn, quyền lao động… nghe có vể nhân văn không mang tính chính trị, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì cả. Cộng Sản đã ghét rồi thì họ đàn áp thẳng tay, đừng tưởng đấu tranh vì môi trường mà họ không đàn áp. Không hề!

Kính Hòa: Có hai việc, thứ nhất là hiệp định thương mại với Châu Âu có bắt Việt Nam cho phép lập nghiệp đoàn lao động độc lập, thứ hai là những vụ bê bối về môi trường như Formosa, hay Vĩnh Tân đã gây những xáo trộn xã hội lớn. Chị có nghĩ rằng tới đây nhà nước Việt Nam sẽ nới ta trong các vấn đề lao động và môi trường, vì rõ ràng nó ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính họ?

Đoan Trang: Có một điều tôi rất nghi ngờ là sự thay đổi suy nghĩ của những người cộng sản, để họ có tầm nhìn dài hạn hơn, vì dân vì nước hơn. Tôi không tin.

Những người Cộng Sản lúc nào cũng sợ mất quyền và tiền. Thứ hai là họ không có tầm nhìn xa như thế. Chúng ta có thể nói với họ là môi trường và nhân quyền mà tốt thì mọi người đều có lợi, nhưng họ sẽ không tin và họ không quan tâm. Họ thấy cái gì trong ngắn hạn ảnh hưởng đến quyền lợi của họ là họ phải dập, phải đàn áp.

Đặc biệt nhà nước công an trị có một cái tư tưởng là phải tiêu diệt tổ chức phản động từ trong trứng nước. Tức là bất cứ khi nào người dân có sự tu tập, kết nối với nhau mà họ không kiểm soát được, hay nói theo từ Cộng Sản là không có sự quản lý và định hướng của nhà nước, thì cứ phải diệt, diệt ngay lập tức.

Cho nên là công đoàn, môi trường, hay quyền giáo dục, quyền ý tế… tất cả những cái đó chẳng có nghĩ gì với họ cả.

Tôi không tin là họ có thiện chí nào cho sự thay đổi.

Kính Hòa: Việt Nam cải cách kinh tế từ năm 1986, đã hơn 30 năm rồi. Có những ý tưởng cho rằng cải cách kinh tế sẽ dẫn đến chính trị, nhưng có vẻ chúng ta đang chứng kiến một chuyện ngược lại, khi ông Nguyễn Phú Trọng mới đây nói sự suy thoái về chính trị còn nguy hiểm hơn suy thoái kinh tế. Chị nghĩ khi nào thì cải cách chính trị đến với Việt Nam?

Đoan Trang: Tôi nghĩ rằng Việt Nam và Trung Quốc cung cấp cho thế giới hai ví dụ cho việc cải cách kinh tế không nhất thiết dẫn đến cải cách chính trị. Huống chi là Việt Nam cũng chẳng tự do về kinh tế. Việt Nam chưa bao giờ tự do về kinh tế cả.

Cho nên tôi không thấy lý do gì mà những chuyện 32 năm qua sẽ dẫn đến cải cách chính trị. Tôi chẳng thấy dấu hiệu nhượng bộ nào từ nhà cầm quyền cả.

Kính Hòa: Cho tự do kinh tế một chút xíu, nhưng vẫn nắm chặt về chính trị, thì việc này chị có cho là nó cũng có nguồn gốc từ truyền thống Á Đông, những xã hội Việt Nam Trung Quốc đều theo Khổng giáo vốn có truyền thống độc tài đàn áp từ lâu rồi, chị có thấy vậy không?

Đoan Trang: Tôi cho rằng ở những đất nước mà thay đổi kinh tế dẫn đến chính trị, thì do là thay đổi kinh tế dẫn đến thịnh vượng hơn, hình thành tầng lớp trung lưu, một tầng lớp có đòi hỏi mạnh mẽ nhất về cải cách chính trị.

Nhưng ở Việt Nam và Trung Quốc thì cho thấy ngược lại. Tầng lớp trung lưu có hình thành thì nó cũng chẳng dẫn đến cải cách chính trị. Ho không có nhu cầu cải cách chính trị.

Trước hết là quyền lợi của họ gắn chặt với nhà cầm quyền.

Ở Việt Nam, những công ty lớn, những đại gia, tất cả những thành công của họ đều xuất phát từ quan hệ với nhà cầm quyền. Đều là sân sau, cửa sau của nhà cầm quyền. Không có sự thành đạ nào xuất phát từ sáng kiến, từ đổi mới từ tài năng kinh doanh cả.

Điểm thứ hai là đúng như anh nói, dường như cái não trạng của người Việt Nam có ảnh hưởng từ Khổng Giáo. Giới trung lưu Việt Nam họ không có khát vọng về dân chủ. Còn thượng lưu ở Việt Nam thì không có nghĩa là tinh hoa. Đại gia của Việt Nam thì có nghĩa là ăn bò Kobe, hay là đi mua giường,… Tầng lớp “tinh hoa” ở Việt Nam, xin lỗi phải dùng từ là xôi thịt, không có tầm văn hóa để dẫn dắt xã hội.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút phía góc phải bên dưới của khung video.
Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

Andy Kim thắng, giáng một đòn vào hệ thống tuyển cử Đảng Dân Chủ

Dân Biểu Andy Kim (Dân Chủ-New Jersey) gần như chắc chắn trở thành ứng cử…

29 mins ago
  • Hoa Kỳ

Puerto Rico báo động bệnh sốt xuất huyết, đã có hơn 500 ca nhiễm

Bộ Y Tế Puerto Rico ghi nhận ít nhất 549 trường hợp mắc bệnh và…

34 mins ago
  • Hoa Kỳ

Gần 600 vùng nước ở Iowa bị suy giảm phẩm chất

Trong số khoảng 1,400 đoạn sông, suối và hồ được kiểm tra trên khắp tiểu…

42 mins ago
  • SỨC KHỎE

Phụ nữ mắc bệnh thận sau khi đi duỗi tóc ở Tunisia

Các chuyên gia y tế đang cảnh cáo về tác dụng phụ tiềm ẩn của…

58 mins ago
  • Thế Giới

Hạ Viện Thái Lan thông qua luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Hạ Viện Thái Lan tiến hành bỏ phiếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới…

1 hour ago
  • Hoa Kỳ

Mưa đá trút xuống phá nát trang trại điện mặt trời ở Texas

Cơn mưa đá ồ ạt trút xuống miền Đông Nam Texas phá hủy phần lớn…

1 hour ago

This website uses cookies.