Thursday, April 18, 2024

Trang cuối cuộc đời

Hải Nguyễn (San Jose)

Bà cụ hay ngồi chỗ góc khuất bên trái nhà thờ. Mỗi khi quỳ xuống hay đứng lên, bà phải vịn cả hai tay vào thành ghế phía trước rồi gượng hết sức mình nên đầu lễ, các sơ thường kín đáo đặt sẵn vào đó một cái gối.

Tôi chưa bao giờ hỏi gia đình, chồng con, nhà cửa trước kia của bà như thế nào… Có cần hay không, bà cụ già trước mặt tôi ngay lúc này chưa đủ cực khổ nhọc nhằn hay sao mà còn phải khơi ra thêm nỗi đau buồn cô độc. Tôi chỉ tự hỏi sức mạnh nào để bà cụ tiếp tục sống âm thầm một mình qua ngày, qua tháng, qua đêm lạnh giá, qua lúc ốm đau trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, gió thốc mái tôn.

Những ngày đi lễ sớm, tôi thường thấy bà kéo lê hai bao phế liệu đi vào sau gác chuông. Bà khoác chồng lên mình bộ quần áo phẳng phiu còn nếp gấp, chải xong mái tóc ngắn tươm tất rồi mới bước ra. Đó là một hình ảnh thật đẹp.

Trước bàn thờ Chúa, người ta bỏ lại đàng sau tất cả, ai cũng là tạo vật bé mọn phó dâng đời sống. Lễ vật mang đến là mọi đau đáu nghĩ suy, trăn trở, tất cả niềm vui, hân hoan, hy vọng. Chưa biết bên trong ngôi thánh đường, lễ vật của ai đang dâng lên cho Đấng Toàn năng có nhiều ý nghĩa hơn.

Tôi hay nhìn nghiêng gương mặt bà lúc cầu nguyện. Đó là gương mặt của sự trọn vẹn dâng hiến. Mỗi lần câu kinh “Xin Chúa thương xót chúng tôi” cất lên, tôi lại thấy thương đôi tay gầy guộc của bà đang chắp lại rất thành kính, thương chính tôi đang chông chênh bước đời và thấy tội nghiệp bao kiếp người còn lạc loài chung quanh. Khi cha trao lời chúc bình an và xướng: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau” một cảm giác bình yên len nhẹ trong lòng khi bà quay sang nhìn tôi gật đầu cùng với một nụ cười kín đáo.

Sáng Thứ Tư sau Tết, tôi chạy bộ tập thể dục gặp bà đi nhặt phế liệu về. Bà nhắc tôi chiều nay Lễ Tro. Tôi mới sực nhớ ra ngày chay của cả năm.

Chính hôm đó, lần đầu tôi nhận ra ý nghĩa của nghi thức khi nhìn bà cụ nhận tro từ tay linh mục đặt lên đầu cùng bao người khác.

Rồi tất cả sẽ trở về bụi tro, tất cả chỉ là cát bụi…

Sống lại trong tôi nỗi sợ hãi khi đứng trước các tượng gỗ sơn đen thếp vàng bọc thân xác của các hoàng hậu Ai Cập trong bảo tàng viện ở Cairo, khi nhìn đầu ngón chân của các bà hoàng bong tróc lộ ra thịt da đã hóa ra bụi đất, cảm giác bị đe dọa làm tôi rùng mình. Lúc ấy, tôi hoang mang thấy đời vô nghĩa quá…

Bà cụ ngày 28 Tết 2018.

Nó khác xa cái cảm giác được chia sẻ cùng cả cộng đoàn khi cúi đầu xác tín thân phận con người nhỏ bé mong manh như hạt bụi trong vũ trụ bao la, nhắc nhở nhau sống khiêm tốn cho đúng nghĩa con người.

Ngày lễ Vọng Phục Sinh, thánh lễ được cử hành ở sân nhà thờ. Theo tôi, đó là nghi lễ có ý nghĩa nhất của đạo Công Giáo. Bóng đen tượng trưng cho buồn đau và tuyệt vọng ngập tràn bao phủ, ánh sáng phục sinh từ từ được thắp lên, rồi từng cây nến nhỏ truyền tay chia sẻ ngọn lửa mới, thắp sáng những gương mặt rực rỡ tin yêu hy vọng.

Tôi nhìn thấy bà cụ trong đám đông với ánh mắt ấm áp, ánh mắt của thiên thần giao hòa trọn vẹn cùng Thiên Chúa. Đau đớn, tủi cực tăm tối sẽ tan trong ánh sáng của ngày mới với niềm tin phục sinh. Vâng tôi tin, sau đớn đau sẽ là phục sinh vì nếu không có sự phục sinh trong từng phút giây làm sao người như bà có thể bước trong thử thách mà sống được.

Một buổi chiều gặp bà cụ ở cửa nhà thờ, bà nhìn tôi chăm chăm hỏi tôi có khỏe không, sao nhiều tuần không thấy tôi đi lễ Chủ Nhật.

Tôi cười gượng nói dối qua loa tại bận quá.

Cái nhìn rất chân tình của bà đánh thức cái cảm giác cô độc nhoi nhói trong lòng tôi mỗi khi máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường buổi khuya về. Phía dưới là những ánh đèn, mỗi ánh đèn là một ngôi nhà đoàn tụ lúc đêm xuống. Có một ngôi nhà tối om chờ người về muộn, quăng mình ngủ vùi chờ trời sáng tiếp tục lao vào công việc như một cái máy để lãnh lương. Những ngày tháng gắng gượng sống của tôi lúc ấy ngập đầy buồn tênh chán ngán giữa đám đông…

Giọng bà nhỏ nhẹ ủi an:

-Mình là người có đạo mà xa rời Chúa lòng lạnh lẽo, buồn phiền lắm. Không đi nhà thờ vẫn cố cầu nguyện tâm tình với Chúa cô nhé!

Tôi chưa bao giờ được gần gũi với Chúa như vậy…

Tôi rơi nước mắt, nghĩ ra nỗi cô lẻ của một người không có ai thân thiết bên cạnh nếu không có cả Chúa ở trong lòng thì…

Bà không cô đơn như tôi nghĩ!

Một dạo, đến lượt tôi trông chờ bà ở nhà thờ mỗi chiều Chủ Nhật.

Chỗ ngồi ấy trống trải, buổi lễ dài lê thê và tôi hay nghĩ mông lung. Tôi cầu nguyện cho bà bình yên “chân cứng đá mềm” để tôi lại thấy bà ở chỗ ngồi quen thuộc như một bức tượng của riêng tôi…

Bà cụ và con gái.

Mấy hôm sau đang định đi thăm, tôi gặp bà lủi thủi với công việc hàng ngày. Hai bao phế liệu kéo người gập xuống. Bà cười khi nhìn thấy tôi từ xa, nụ cười tươi trên gương mặt tái mét của người vừa ốm dậy.

– Cô ạ, tôi có chuyện vui này kể với cô đây. Con gái tôi đã nhận ra tôi rồi. Mấy tuần tôi bệnh không đi thăm hai đứa nó, hôm qua tôi tới, con chị dẫn thằng em chạy ra mừng tôi, vừa chạy vừa chỉ tôi, vừa la rồi ôm tôi nữa. Cô xem có mừng không?

Người mẹ nuôi con từ lúc tóc xanh cho tới lúc tóc bạc phơ chưa được con gọi một tiếng mẹ… Có bàn tay nào đó bóp chặt trái tim tôi đau thắt. Người mẹ hơn năm mươi năm chờ đợi, được con đáp trả bấy nhiêu đã thấy là hạnh phúc…

Nhìn tôi nước mắt lăn dài trên gương mặt, bà cười nụ cười thiên thần:

– Bao nhiêu người thương giúp, cha ở dòng Đồng Công nuôi hai đứa nó, các sơ lo thức ăn, ốm đau lại thuốc thang cho tôi. Ai gặp cũng cho đồ để bán. Rồi mọi người còn quyên góp sửa nhà cho tôi. Tôi đủ tiền mua quà đi thăm con mỗi tuần. Chúa muốn tôi làm mẹ như vậy, tôi cố chu toàn bổn phận và Người gửi bao ơn lành xuống cô không thấy sao?

Tôi hiểu ra hai đứa con tâm thần là động lực để bà sống hàng ngày với bổn phận người mẹ. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng là một cây Thánh Giá thế gian bà vác trên vai đi theo chân Chúa..

Chưa bao giờ tôi thấy bà xin ai một cái gì, chưa bao giờ bà than van khổ sở. Bà nhận ra những điều tốt đẹp để bước theo cuộc sống. Mỗi lần gặp bà, tôi lại nhận được một bài học an yên. Bà là người an ủi, bà trao cho tôi niềm vui chứ không cần tôi làm điều ấy cho mình.

Ngày chia tay đi xa, tôi nói tôi sẽ rất buồn và nhớ bà.

Bà cụ đã nắm tay tôi rất tình cảm:

– Tôi mừng cho cô có đôi bạn, khỏi phải đi sớm về khuya một mình nữa. Mình vẫn nhớ đến nhau qua lời cầu nguyện mà cô…

Sau này, mỗi khi tôi được điều gì may mắn, tốt đẹp, thuận lợi tôi hay nghĩ đến lời cầu nguyện của bà. Con người lành thánh ấy cầu nguyện sẽ được Ơn Trên nhận lời. Lâu lâu, tôi nhờ người hỏi thăm gửi cho bà chút quà cáp, vẫn nghe bà sống một mình trong căn nhà nhỏ, vẫn đi lễ mỗi chiều Chủ Nhật chờ ngày qua tháng qua cho hết cuộc đời đơn lẻ.

Năm 2015, tôi có về thăm bà, vẫn dáng đi khập khểnh xiêu vẹo và vẫn nụ cười thiên thần tuy sức khỏe suy giảm nhiều rồi. Bà khoe tôi chiếc xe đẩy của một ông thợ sắt làm tặng và khoe hai đứa con đã biết chờ bà ở cửa trung tâm mỗi tuần khi thấy có nhiều người đến thăm thân nhân. Tôi khâm phục cách bà luôn tìm ra niềm vui trong đời sống chật vật hàng ngày như người tìm cách khơi ra mạch nước ngầm chảy trong vùng khô hạn.

Những ngày cuối năm nay, tôi hay nghĩ về bà. Có điều gì uẩn khúc trắc trở và bất công với cuộc đời của người đàn bà 90 tuổi chưa được yên thân không? Có lẽ nào đến cuối đời, sức tàn lực kiệt, vẫn phải gắng gượng một mình trèo qua dốc đời bi thương. Bà có còn sức lực và niềm tin để cười nụ cười thiên thần nữa không? Hay bà đã về với Chúa?

Mới đây, tôi lôi ra cái điện thoại cũ ra dùng bất ngờ kết nối được Viber với chị bạn hàng xóm ngày xưa.

Chị em hàn huyên bao điều và tôi không quên hỏi thăm bà cụ.

– Em ạ, bà cụ Thành quên hết rồi, lẫn hết rồi. Các sơ đã đem được bà về ở khu nuôi người già của nhà dòng*. Giờ thì mới chịu chứ không là còn đi làm lấy tiền nuôi hai đứa con. Mà có chuyện này hay lắm, lạ lùng lắm. Con gái bà hơn sáu mươi tuổi rồi lại tỉnh ra. Các sơ đã đưa về ở chung. Con gái của bà đã biết săn sóc bà, lau mặt, lau người đút cho mẹ ăn rồi hôn hít bà suốt ngày. Hai mẹ con chỉ có cười và cười…

Tiếng cười trong vắt của chị vang trong điện thoại hay tiếng cười của hai mẹ con? Có bàn tay vỗ về rất dịu dàng trong lòng tôi…

Nếu cuộc đời mỗi người là một quyển sách thì quyển sách ấy lúc bắt đầu chỉ là những trang phác thảo. Mỗi người sẽ tự điền vào các chi tiết sống cho thành một quyển sách trọn vẹn của riêng mình. Trang cuối của từng người sẽ được hoàn tất công bằng bởi tấm lòng bao dung của Thượng Đế.

Những trang sách cuối đời của bà cụ Thành là những trang của nụ cười, của phép lạ… phép lạ của hạt giống rơi trong bụi gai góc vẫn cố tìm uống từng hạt sương hiếm hoi để thành cây vươn về phía mặt trời…

Tôi cũng hân hoan khi nhận được món quà mùa đúng ngày Lễ Tro 29 Tết. Đó là hình ảnh mới nhất của bà cụ.

(*) Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn – Bình Lợi (Sài Gòn)

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch Croatia”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT