Thursday, March 28, 2024

Trí thức và mâm thịt chó

VietTuSaiGon (Nguồn: RFA)

Ở Việt Nam có trí thức hay không? Trí thức Việt Nam đang ngồi chỗ nào trong câu chuyện chính sự? Đó là những câu hỏi nổi cộm hiện nay, khi mà số lượng giáo sư, tiến sĩ tại Việt Nam nhiều tựa lá mùa thu, trong khi đó, hầu hết các sách lược cho tương lai Việt Nam lại có nguy cơ rơi vào tắc tị.

Có người ví von chính trường Việt Nam như một mâm thịt chó, và trí thức Việt Nam có người thèm thịt chó, có người ăn gượng gạo, có người không muốn ăn. Vậy vấn đề mâm thịt chó và trí thức Việt Nam diễn tiến ra sao?

Nói cho nhanh, chính trị Việt Nam hiện tại và nền chính trị các quốc gia độc tài có mô hình chính trị mâm thịt chó. Có nghĩa là khác xa với nền chính trị “buffet” của các quốc gia dân chủ mà ở đó, chính khách có thể chọn rượu vang đỏ, vang trắng, bia, rượu mạnh… Có thể chọn ăn bánh ngọt, bánh mặn, thịt heo xông khói, thịt bò hay cua biển… Và có thể đứng trò chuyện với nhau một cách thoải mái, cởi mở trong giai điệu du dương của một symphony… Thì, nền chính trị mâm thịt chó chỉ có độc nhất là chó! Thịt chó có thể biến thể thành bảy món, chín món, rượu có thể là rượu ngô Bắc Hà hay rượu nếp cốm hoa vàng hay Bàu Đá… Nhưng, chắc chắn một điều, trong mâm thịt chó, người ta chuộng ăn tạp, uống mạnh và ồn ào.

Trong mâm thịt chó chỉ có rượu, lá mơ, củ sả, củ riềng, thịt chó, dồi chó, các món biến thể của chó nhưng tuyệt nhiên không có món thịt của bất kì con gì khác lọt vào mâm được. Và muốn ngồi chung chiếu chung mâm, người ta phải cùng tần số ăn uống, cùng tần số hưởng thụ. Điều này cũng thể hiện qua đẳng cấp mâm, nghĩa là người bình dân, kẻ tiện dân thì ngồi trong các quán bình dân, giá rẻ, chuyên bán chó đánh bả. Ngược lại, dân thịt chó hạng sang thì ngồi chiếu hoa, uống rượu ngon và mỗi phần thịt chó có giá tiền ít nhất là gấp đôi, gấp ba lần quán bình dân.

Muốn ăn hạng sang, muốn nâng level, người hạng bình dân hay hạ tiện phải bằng cách này, cách khác lân la, hi sinh nhiều thứ và thậm chí nịnh nọt, chạy chọt để được làm quen với các mâm hạng sang mà tới. Đương nhiên, kẻ bình dân hay mạt hạng muốn đổi đời, trước đó hắn/y/thị phải có một cục tiền thật to (cũng có khi nhờ buôn chó, bắt trộm chó, đánh bả chó mà có được!). Và trong mâm thịt chó, dù là hạng sang hay hạng bình dân, hạng rượu gạo nát bét đi nữa thì vấn đề ăn và uống vẫn quan trọng nhất. Bởi không thể có chuyện vừa chấm mắm tôm, vừa nhai nhoàm nhàm lá mơ, thịt chó mà nói chuyện về âm nhạc, chính trị, văn hóa, văn chương hay triết học. Người ta ngại nói bởi nói sẽ văng mắm tôm sang người khác, văng vào mâm, sẽ gây khó chịu. Và nói cũng làm “mất năng suất” ăn uống, mất cảm giác ngon khi ăn, mất “tập trung dân chủ” khi ăn.

Đến đây, có thể thấy rõ dần mối quan hệ giữa trí thức và mâm thịt chó chính trị Việt Nam. Một trí thức, dù muốn hay không muốn, khi bước vào nền chính trị mâm thịt chó thì phải chấp nhận luật chơi của mâm thịt chó nếu không muốn bị tống cổ ra khỏi mâm, khỏi chiếu.

Thử xem lại, vấn đề gần gũi nhất, quan trọng nhất đối với người trí thức chính là giáo dục. Trí thức Việt Nam đã làm được gì cho nền giáo dục? Xin thưa là họ không những không làm được gì mà có nguy cơ trở thành những kẻ xôi thịt, những kẻ ăn bám hoặc những kẻ ù lì mang mầm mống phá hoại.

Vì sao lại nói các trí thức Việt Nam có nguy cơ trở thành mầm mống phá hoại và nói như vậy khi đứng ở góc nhìn nào? Trước tiên, phải xét vấn đề tiếng nói của người trí thức trong mối tương quan chính trị Việt Nam, nói về sức nặng của trí thức trong mối tương quan đó.

Thử nhìn lại suốt gần 50 năm, nền chính trị Việt Nam do ai quản lý, ai lãnh đạo và ai cai trị? Đương nhiên, trí thức Việt Nam không có mặt trong hệ thống quản lý, lãnh đạo và cai trị. Có chăng là tới thời điểm bây giờ có ông Nguyễn Phú Trọng với học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ nhưng cái học hàm học vị của ông này không phải là học hàm học vị của trí thức, những thứ tri thức ông ta thụ đắc để có học hàm học vị không phải là tri thức quí của nhân loại mà là Mác, Lê, một loại “hoại tử tri thức.” Nghĩa là nền văn minh nhân loại đã vứt thứ tri thức ấy vào sọt rác rất lâu rồi, bởi nó có nguy cơ gây họa cho nhân loại.

Và cái họa dễ nhận thấy nhất là hệ thống chính trị Việt Nam trở thành hệ thống biệt lập so với đà tiến triển của nhân loại. Thay vì cố gắng thiết lập một nền giáo dục tiến bộ, thiết lập một nền chính trị khoa học, dân chủ và cởi mở để thông qua đó, các vấn đề về y tế, giáo dục, kinh tế được minh bạch, sạch sẽ và văn minh… Thì nền chính trị Cộng Sản xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam dường như lãnh đạo và lãnh đạo, đi theo một đường hướng chẳng liên quan gì mấy các lĩnh vực cấp thiết dân sinh.

Nền chính trị quyền lợi mâm chén này nhanh chóng đẩy xã hội đến chỗ thực dục và cơ hội chưa từng có trong lịch sử. Một cử nhân sư phạm, muốn trở thành giáo viên, thay vì tốn công sức đầu tư cho kĩ năng, bản lĩnh và đạo đức sư phạm thì người ta tốn công sức để đào ra một khoản tiền đủ lớn để đút lót, hối lộ, kiếm chỗ đứng trên bục giảng. Để rồi sau đó, với mức lương thực nhận, phải tốn đền mười, mười lăm năm thì “nhà giáo” kia mới gỡ được vốn đã đầu tư cho chỗ đứng bục giảng. Thử hỏi, với kiểu đầu tư như vậy, liệu giáo viên có thể chịu đứng yên mà dạy học sinh cho tới nơi tới chốn, dạy một cách nhiệt tình? Hay là giáo viên kia phải ngồi trên lửa, phải phóng lao theo lao, phải chấp nhận chịu những cái nhục kế tiếp để mà giữ chỗ dạy, giữ cái hợp đồng, hi vọng biên chế?

Và cái giá phải trả cho việc này là sinh quyển giáo dục vốn thiêng liêng, trong lành nhanh chóng bị biến thành hố rác văn hóa, hố rác lịch sử và ngành giáo dục vốn tĩnh lặng, trí tuệ trở thành cái chợ ồn ào, nhặng xị.

Các nhóm ngành nghề khác từ y tế, truyền thông cho đến văn hóa, kinh tế đều không thoát khỏi tình trạng chạy chỗ, móc ngoặc, tham nhũng, đút lót, hối lộ mà ngành giáo dục đang dính chấu. Và với một quốc gia mà mọi thứ đều thực dục, đều qui ra tiền, đều chạy chọt, đều cá lớn nuốt cá bé, đều đội trên đạp dưới… Thì liệu sự nghiêm túc, sự tử tế, lòng tự trọng có tồn tại được không?

Nói đến đây để thấy chỗ đứng của người trí thức trước mâm thịt chó chính trị Việt Nam, dường như trí thức không còn là trí thức một khi họ ngồi vào mâm thịt chó. Họ phải im mồm, nhìn trước ngó sau mà ăn để vừa không mất miếng ngon lại không gây mích lòng người khác vì đã gắp quá nhiều, gắp quá nhiệt tình. Và trong mâm thịt chó, mọi người đều đồng đẳng, đều uống rượu như nhau, đừng mang âm nhạc hay thơ ca, khoa học vào đây để nói. Bởi nói chỉ làm văng mắm tôm, ảnh hưởng đến bữa ngon của người khác.

Muốn nói đến tri thức nhân loại, muốn hành xử như một trí thức, người trí thức phải tìm chỗ khác, phải nói chuyện đó trong buổi cà phê, trong buổi uống trà, những người cùng tiếng nói với nhau. Và đương nhiên, nói để mà nói, nói để giải bớt cái ấm ức không nói được lúc ăn thịt chó chứ không phải nói ra để thay bữa thịt chó bằng tiệc buffet hay bữa cà phê hay kêu gọi bỏ thịt chó. Bởi tất cả những hành động đó có thể khiến nhà trí thức tắm đầy mắm tôm trước khi bị tống ra khỏi mâm thịt chó và có thể là trước khi chết.

Nói cho cùng thì nếu xét trong hệ thống chính trị Việt Nam, có thể khẳng định là không có nhà trí thức nào trong đó cho dù họ mang danh và có thực tài với học hàm, học vị của họ. Nhưng những thứ đó chỉ có giá trị khi họ đứng bên ngoài chính trị. Còn những gì họ phải dùng, phải sống trong hệ thống là nói và làm cho phù hợp với chỉ thị, với cương lĩnh đảng. Điều này cũng giống như trí thức ngồi vào mâm thịt chó, nguyên tắc bắt buộc là không được nói gì ngoài ăn thịt chó! Trí thức Việt Nam đang phải tham gia, tham dự và hưởng thụ một cái mâm thịt chó quá đa dạng, phong phú và ngon miệng, đừng trách vì sao họ chỉ biết nhoàm nhàm nhai. Bởi không nhai cũng chết! (VietTuSaiGon)

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch Aswan – Ai Cập” (phần 1)

MỚI CẬP NHẬT