Thursday, March 28, 2024

Trương Vĩnh Ký từ chối vào quốc tịch Pháp

Phạm Phú Minh

Trong khi tìm kiếm tài liệu để thực hiện cuốn Kỷ Yếu cho cuộc hội thảo về Trương Vĩnh Ký tổ chức vào ngày 8 Tháng Mười Hai năm 2018 tại Nam California, chúng tôi được GS Phạm Lệ Hương, quản thủ thư viện của Viện Việt Học, trao cho một tài liệu rất quý vừa tìm được: đó là bản chụp bức thư 18 trang viết tay của ông Trương Vĩnh Ký, ghi ngày gửi là Tháng Mười, năm 1881, người nhận là ông Blancsubé, đại biểu Nam Kỳ, là người đã đề nghị ông Trương Vĩnh Ký vào quốc tịch Pháp. Nội dung bức thư là từ chối đề nghị của ông Blancsubé.

Bức thư viết bằng tiếng Pháp này, theo ý chúng tôi, là một văn kiện quan trọng giải thích cho giới chức người Pháp, và rộng hơn, giải thích chung cho tất cả mọi người hiểu tại sao mình không thể vào quốc tịch Pháp, bằng những lý luận và phân tích rất chặt chẽ dựa trên văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ông viết (theo bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Bích Thu):

“Cách tốt nhất để đo lường tầm quan trọng của sự cân nhắc của thành phần An Nam không theo Thiên Chúa Giáo là nhắc nhở đến những căn bản của định chế gia đình An Nam.

Tóm lại có 3 điểm chủ yếu như sau:

1- Tầm quan trọng của tổ tiên

2- Quyền uy của người cha

3- Lòng hiếu thảo của con cái

Ba điểm này liên quan mật thiết với nhau đến mức là việc xóa bỏ bất cứ một điểm nào cũng sẽ hủy diệt toàn bộ cấu trúc xã hội.” (Người trích làm đậm một số câu)

Trương Vĩnh Ký đã có một cái nhìn rất sâu xa về phong tục thờ cúng tổ tiên mà ông gọi là một niềm tin (tín ngưỡng), từ đó bàn đến quan niệm quốc gia xã hội của người Việt Nam. Tục thờ cúng tổ tiên, do quá quen thuộc với người Việt Nam nên mọi người vẫn tự nhiên coi là một cách bày tỏ lòng kính trọng, tưởng nhớ ông bà cha mẹ, và việc cúng kiếng thì là một tập tục “xưa bày nay làm,” nhưng đọc Trương Vĩnh Ký, có thể đây là lần đầu tiên chúng ta nghe lời lý giải có tính cách triết lý, gần như một “lý thuyết” cho tầm quan trọng của tổ tiên.

Người An Nam tin là linh hồn con người bất diệt và như thế họ tin vào thế giới bên kia; sau khi chết, linh hồn của tổ tiên được thánh hóa vì cái chết đã đem lại cho họ một sức mạnh siêu nhiên; tổ tiên chỉ được hạnh phúc hoàn hảo ở thế giới bên kia nếu được con cháu sùng bái. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên là một tín ngưỡng mà mọi gia đình chúng tôi đều tuân theo một cách nghiêm ngặt. Người con trai cả, nhân danh các em, có nhiệm vụ cúng lễ cha mẹ và tất cả tổ tiên vào những dịp định kỳ. Không làm nhiệm vụ này là tội bất hiếu tối đa, giống như tội giết cha mẹ và tất cả tổ tiên trong gia đình. Lơ là hoặc không làm đều đặn việc thờ cúng sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của người quá cố, làm cho họ mất quyền lợi; ngược lại sức mạnh và phúc ấm của tổ tiên tăng lên với sự cúng kiếng, giỗ tết và các nghi thức tưởng niệm; vị tổ tiên trở thành một loại thần thánh bảo vệ và cứu vớt con cháu bằng sự tốt đẹp và sức mạnh của mình. Như vậy người sống cũng như người chết không thể không có nhau. Họ luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau do đó các thế hệ trong một gia đình liên đới chặt chẽ với nhau thành một khối kết hợp và vững bền.”

Điểm chủ yếu thứ hai là quyền uy của người cha. Người cha là gia trưởng, người giữ gìn tất cả giềng mối của đơn vị gia đình như một tế bào lành mạnh vững chắc cho xã hội. Với cái nhìn của Trương Vĩnh Ký mỗi quốc gia đều được thành lập với hình ảnh của một gia đình phóng lớn, với người đứng đầu vừa có quyền uy vừa có tình thương các thành viên của mình. Nhiệm vụ và quyền uy của ông vua chính là hình ảnh của người cha.

“Theo những định chế và luật lệ của các nước, quốc gia chỉ có thể là hình ảnh phóng đại và trung thành của gia đình dưới quyền uy của người gia trưởng; mối liên hệ giữa vua và dân cũng dựa trên những luật lệ bất biến như thế.”

Nhưng riêng trong gia đình Việt Nam, Trương Vĩnh Ký còn lưu ý đến vai trò quan trọng của người mẹ, chứng tỏ sự tôn trọng nữ giới của người Việt:

“Khi người cha vắng mặt, người mẹ được giữ quyền uy và khi người cha mất đi, quyền uy này hoàn toàn về tay người mẹ.”

Di ảnh Trương Vĩnh Ký. (Hình: Internet)

Điểm chủ yếu thứ ba là lòng hiếu thảo của con cái, Trương Vĩnh Ký viết:

“Những luật gia đầu tiên đã tuyên bố là lòng hiếu thảo của người con là nền tảng của vương quốc và hạnh phúc của xã hội. Lễ Kí ( Lễ kí) nói rằng: nếu muốn xây dựng tình cảm lẫn nhau trong nước, hãy bắt đầu bằng cách yêu thương cha mẹ và như thế dậy cho dân chúng hòa hợp và liên kết.”

Tình cảm tự nhiên trong gia đình là lòng yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Nhưng người Việt Nam rất coi trọng lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Thông thường chúng ta thấy tình thương của cha mẹ đối với con cái rất vững chãi, lớn lao và không điều kiện, như “núi Thái Sơn, nước trong nguồn,” và gọi đó là “tình thương xuống,” tức thế hệ trên thương yêu thế hệ dưới. Nhưng đối với thế hệ dưới thì cần phải nhắc nhở dạy dỗ việc thương yêu và kính trọng thế hệ trên như một đạo lý phải theo, và nếu đạo lý ấy được giữ gìn trọn vẹn thì sẽ tạo nên một xã hội lành mạnh và vững chắc.

Với ba yếu tố căn bản vừa kể mà Trương Vĩnh Ký coi như là những đặc điểm chính yếu xây dựng nên tinh thần nền tảng của Việt Nam, ông kết luận một cách vững chắc lý do ông không thể vào quốc tịch Pháp (hoặc bất cứ quốc tịch nào khác ngoài Việt Nam):

“Như vậy ta thấy: ngày mà người cha trở thành dân Pháp, những phong tục cổ nhất, những luật lệ thiêng liêng nhất, những giáo điều bất khả xâm phạm nhất, những thực hành đã ăn sâu vào tâm thức của con người sẽ bị suy yếu từ trên xuống dưới. Gia đình An Nam sẽ mãi mãi bị giải thể.”

“Một lời chót: hãy theo dõi dân An Nam trong lịch sử của họ. Trung Hoa, nước láng giềng ghê gớm của An Nam, sau khi chiếm đất An Nam có phải đã tìm đủ mọi cách để đồng hóa chúng tôi, và bắt dân chúng gia nhập quốc tịch? Và chuyện đó đã diễn ra nhiều lần khác nhau, từ năm 111 trước Thiên Chúa đến năm 39 sau Thiên Chúa, tức 149 năm dưới nhà Tây Hán (西漢Tây Hán); từ năm 43 đến năm 186 sau Thiên Chúa tức 144 năm dưới nhà Đông Hán (東漢Đông Hán); từ năm 226 đến năm 540 tức 314 năm dưới nhà Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, và Lương; từ năm 603 đến năm 939 tức 336 năm dưới nhà Tùy, Đường và Lương; từ năm 1418 đến năm 1428 tức 10 năm dưới sự đô hộ của nhà Minh. Trung Hoa, sau bao nhiêu cố gắng, đã thành công trong việc áp đặt chữ viết, văn chương, tôn giáo và luật pháp lên trên chúng tôi; nhưng người An Nam dù thua trận không bao giờ bằng lòng theo kẻ thắng trận hay thay đổi tên của nước mình.”

“Như vậy, lòng yêu nước sống mạnh trong người An Nam, và dù cho rằng người An Nam đồng ý giải tán gia đình, lòng yêu nước sẽ có tiếng nói to để chống đối việc gia nhập quốc tịch Pháp.”

Đọc đoạn văn trên đây, chúng ta có cảm tưởng Trương Vĩnh Ký viết một Tuyên Ngôn về người Việt Nam, một tuyên ngôn đầy kiêu hãnh là người Việt Nam, đầy lý luận súc tích cho thấy đâu là nền tảng luân lý, đạo đức của người Việt Nam, với giọng văn mạnh mẽ dứt khoát của một người hiểu rõ giá trị của đất nước và dân tộc mình.

Ngày nay, đọc lại bức thư này, chúng ta càng thấy đây là một bài học mà mọi con dân Việt Nam phải học thuộc.

(Tháng Ba, 2019)

*Những đoạn tiếng Việt dịch thư của Trương Vĩnh Ký trong bài này đều được lấy từ bản dịch của Nguyễn Bích Thu.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT