Thursday, March 28, 2024

5 sự kiện ảnh hưởng thị trường địa ốc

 


Cả chính phủ, kỹ nghệ thế chấp và sức mạnh thiên nhiên đều góp phần làm rung chuyển thị trường nhà đất trong năm 2011.


 Chúng gây ra những hậu quả tức thì cũng như những ảnh hưởng âm ỉ, dọn đường cho một năm 2012 gập ghềnh với những vụ xiết nhà, đụng độ chính trị và những rủi ro thị trường địa phương sẽ còn tiếp tục.


 


1. Âm hưởng của vụ “ký như máy”


 


Vụ tai tiếng “ký như máy” (robo-signing) – khi các ngân hàng bị cáo buộc đã chấp thuận những vụ xiết nhà với hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng – bùng nổ vào Tháng Mười 2010, nhưng tình trạng hiện nay ra sao? Các ngân hàng muốn đi tới một cuộc dàn xếp để tránh các đơn kiện tốn kém, kéo dài. Một cuộc dàn xếp đang thành hình có thể giảm các kết toán vay hoặc lãi suất cho những chủ nhà hiện hữu, trả tiền cho những người đã mất nhà của họ và thiết lập các tiêu chuẩn phục vụ mới cho những món thế chấp trong tương lai.


Hậu quả thực sự: Mối đe dọa của những đơn kiện về việc ký như máy làm cho các ngân hàng e ngại trong việc theo đuổi những vụ xiết nhà trong năm 2011, điều làm cho nhiều căn nhà bị mắc kẹt trong tiến trình xiết nhà. Nhưng một khi đạt được một vụ dàn xếp, chúng ta sẽ thấy những vụ xiết nhà tăng ồ ạt trong năm 2012.


 


2. Trần nợ và khiếm hụt ngân sách


 


Trong Tháng Tám, chính phủ đã đối đầu với Quốc Hội về chuyện có nâng giới hạn nợ nần của quốc gia hay không, nhưng điều này đáng lẽ chỉ có tính cách hình thức. Phần khó khăn là thực sự giảm khiếm hụt. Từ lâu trước khi có cuộc tranh cãi về trần nợ (debt ceiling), chúng ta ai cũng biết rằng ngân sách liên bang ở trong tình trạng bệnh hoạn, và mức đánh giá tín dụng của liên bang đã bị hạ thấp tự nó không thay đổi quan điểm của bất cứ ai về vấn đề này.


Hậu quả thực sự: Sau cuộc tranh luận về trần nợ, những cuộc bàn cãi tới lui không thành công của siêu ủy ban lưỡng đảng về việc giảm bớt khiếm hụt đã trêu chọc chúng ta với vài đề nghị chắc chắn sẽ làm cho họ ngóc đầu trở lại. Một ý kiến mà các đảng viên Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đều phần nào không đồng ý là giảm lãi suất thế chấp và những khấu trừ thuế khác. Nếu và khi nào điều đó xảy ra, các chủ nhà với nợ thế chấp và có lợi tức cao sẽ trả thuế nhiều hơn đáng kể.


 


3. Mở rộng chương trình HARP


 


Vào Tháng Mười, Cơ Quan Tài Trợ Gia Cư Liên Bang (FHFA: Federal Housing Finance Agency) nói những chủ nhà chìm dưới nước trầm trọng sẽ có thể tái tài trợ qua chương trình tái tài trợ nhà để họ có thể kham nổi việc trả nợ (HARP: Home Affordable Refinance Program). Nhưng có một cái bẫy: Những người vay phải ở trong tình trạng đang trả nợ.


Hậu quả thực sự: Ðối với những người vay đã cố tình ngưng thanh toán tiền vay với hy vọng thương lượng một vụ điều chỉnh tiền vay, những người này sẽ không được trợ giúp. Ðiều mà kế hoạch này nhắm tới là kích thích nền kinh tế mà không cần Quốc Hội đồng ý về những biện pháp kích thích thêm.


 


4. Thiên tai đưa tới thảm họa về bảo hiểm?


 


Trong năm 2011, vài trận gió lốc, lụt lội và một trận cuồng phong đã tạm thời ngưng chỉ một số nhỏ những vụ xây dựng, nhưng điều này chỉ là một sự kềm hãm ngắn hạn. Ảnh hưởng dài hạn lớn lao hơn là tình trạng gần sụp đổ của chương trình bảo hiểm lụt toàn quốc (NFIP: National Flood Insurance Program) của chính phủ liên bang. Vẫn còn đang chật vật về mặt tài chánh vì nợ nần chồng chất sau trận cuồng phong Katrina, bảo phí của NFIP không hoàn toàn che chở được các khiếu nại đòi bảo hiểm bồi thường khi thảm họa xảy ra. Trận cuồng phong Irene và sự thiệt hại do trận lụt mà nó gây ra đã đưa vấn nạn này trở lại sân khấu chính.


Hậu quả thực sự: Trong những vùng dễ bị lụt, bạn không thể vay tiền mua nhà nếu bạn không có bảo hiểm lụt lội. Không có IFIP, các thị trường địa ốc trong những vùng này sẽ đi tới ngưng đọng. Nằm trong thỏa thuận về thuế lương bổng mới đây, chương trình được gia hạn vào phút chót cho tới Tháng Năm 2012, nhưng tương lai của nó vẫn bấp bênh.


 


5. Hạ thấp giới hạn tiền vay mua nhà


 


Bắt đầu vào Tháng Mười, chính phủ hạ thấp mức tối đa đối với những món vay được hỗ trợ bởi Fannie Mae hoặc Feddie Mac hoặc được bảo hiểm bởi Cơ Quan Gia Cư Liên Bang (FHA: Federal Housing Administration), từ $729,750 còn $625,500. Tại sao? Các cơ quan chính phủ hiện giờ hỗ trợ hoặc bảo hiểm hầu hết các món vay, nhưng đã đến lúc làm cho thị trường nhà đất bớt lệ thuộc vào chính phủ liên bang. Hạ thấp các giới hạn vay tiền là một bước theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, kỹ nghệ địa ốc đã thúc giục chính phủ hãy đẩy các giới hạn vay mượn trở lại như cũ. Và bạn có biết không? Họ đạt được một thắng lợi nửa vời trong Tháng Mười Một, nâng giới hạn tiền vay trở lại đối với những món vay của FHA nhưng không thay đổi đối với những món vay của Fannie và Freddie.


Hậu quả thực sự: Những ngân hàng cho vay tiền mua nhà sẵn sàng áp dụng lãi suất thấp hơn đối với những món vay được hỗ trợ bởi Fannie và Freddie; với một giới hạn tiền vay theo tiêu chuẩn thấp hơn, một số nhỏ những món vay trước đây đủ điều kiện để được liên bang hỗ trợ bây giờ không còn đủ tiêu chuẩn nữa. (n.n.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT