Tuesday, April 16, 2024

Bảo trì xe: Hiểu biết về trở ngại trong hệ thống giải nhiệt

 


Phạm Ðình


 


Trong hệ thống giải nhiệt thì chính yếu là nước coolant, mà chúng ta đã đề cập lần trước. Nó là linh hồn của hệ thống. Nhưng linh hồn không có xác, không có giác quan để truyền đạt thì linh hồn chẳng làm được việc gì cho thế gian. Bởi thế, cái xe – tức làthế gian -cần thêm nhiều bộ phận làm phương tiện để dẫn nước coolant, tạo thành một hệ thống gọi là hệ thống giải nhiệt. Những phương tiện này mà bị trở ngại thì phiền, nếu không được điều chỉnh sớm sẽ dẫn tới tình trạng xe nóng máy (overheat), vốn là một “bản án” ghê gớm nhất đối với bất cứ người chủ xe nào. Hôm nay chúng ta sẽ nói tới một số trở ngại liên quan tới toàn bộ hệ thống giải nhiệt.









(Hình minh họa: ROBYN BECK/AFP/Getty Images)


1. Thiếu nước Coolant


 


Tình trạng thiếu nước coolant có thể xảy ra, nếu:


-Két nước (Radiator) bị nghẽn ở đâu đó, khiến nước (coolant) chảy không thông.


-Ðiều nhiệt kế (thermostat) bị kẹt: Ðiều nhiệt kế là một cái “cửa”, có bổn phận đóng mở khi cần thiết. Cửa bị kẹt tức là đóng vào rồi không mở ra được, hoặc mở rồi không đóng vào được, thì có điều nhiệt kế cũng như không: Coolant sẽ lưu thông mất “định hướng”, nóng lạnh bất thường.


-Quạt giải nhiệt (Cooling Fan) bị liệt, có thể do dây kéo (belt) bị giãn, hoặc mô tơ quạt bị cháy, khiến cho nước coolant không được giải nhiệt đúng mức, kéo theo hậu quả là nó cũng chẳng đem sự mát mẻ tới cho đầu máy được.


-Máy bơm nước (water pump) bị bể, hoặc dây kéo lỏng.


-Hệ thống ống dẫn (water hose) bị nứt rạn, gây ra rò rỉ.


-Hệ thống sưởi (heater core) rò rỉ: Nước coolant khi nóng lên sẽ được tận dụng để sưởi ấm qua một bộ phận gọi là Heater Core. Bộ phận sưởi bị rò rỉ sẽ làm coolant thoát ra ngoài, đúng ra là thoát vào bên trong xe, khiến cho sản xe (thường là bên phía hành khách) lúc nào cũng nhớp nháp vì ướt nước.


-Ngay cả cái nắp két nước (radiator cap) cũng có thể là nguyên nhân, nếu không có đủ sức nén (pressure).


Không cần phải tất cả các phương tiện trên gặp trở ngại. Chỉ cần trở ngại tại một trong những bộ phận trên thôi là có thể dẫn tới tình trạng Overheat, ngay cả khi coolant vẫn còn đầy đủ trong hệ thống.


Vì thế, điều quan trọng là mỗi người chủ xe phải biết cách “đánh hơi” hầu kịp thời phát hiện những trở ngại liên quan đến hệ thống giải nhiệt, trước khi đầu máy “lãnh quả” overheat. Sau đây là một vài cách “đánh hơi”, nói theo kiểu bác học là “diagnose” – chẩn đoán tìm bệnh, để có thể phòng bệnh hữu hiệu.


 


2. Chẩn đoán tìm bệnh và phòng bệnh


 


-Xem mực nước trong bình chứa (Radiator): Thường thì chúng ta chỉ để ý mực nước trong bình chứa chính, ít ai để ý tới các bình phụ bằng mủ trong, gác bên cạnh, có vòi bắt vào bình chính. Bình phụ này gọi là “reservoir” hay “overflow”. Bình chính đầy nước, nhưng bình phụ thiếu nước, hoặc khô nước là sắp sửa có vấn đề đấy, phải kiếm coolant tiếp vào ngay, tới vạch ghi cần thiết trong bình phụ. Nhớ một điều là khi kiểm soát nước trong bình chứa (cả chính lẫn phụ) cần phải tắt máy, chờ cho máy nguội hoàn toàn hãy mở nắp. Mở nắp bình trong lúc máy còn nóng, nước còn nóng có thể khiến nước phụt ra, bắn vào mặt gây thương tích trầm trọng.


-Kiểm tra đường ống dẫn (hose) ở trên và ở dưới, gọi là Upper Hose và Lower Hose: Trước hết xem lại các vòng xiết ống (clamps), bảo đảm vòng xiết phải chặt, không lỏng lẻo, không mất ốc, không để coolant rò rỉ ra ngoài. Tiếp đó, mở công tắc cho máy chạy cho đến khi kim nhiệt (temperature gauge) chỉ tới vạch C, tức là đầu máy đã ấm lên thì tắt máy, và lấy tay sờ vào các đường ống, và xem chúng (ống trên và ống dưới) có ấm đều lên hay không. Nếu không, đó là dấu chỉ Ðiều Nhiệt Kế (thermostat) tức là cái cửa bị kẹt, thường là kẹt đóng (stucked closed): Ðóng vào rồi không chịu mở ra nữa!


-Kiểm tra két nước (hose): Cũng mở máy để cho máy nổ đến khi ấm lên (kim chỉ nhiệt ở vạch C), rồi tắt máy. Lấy lòng bàn tay rờ chung quanh két nước, xem có ấm đều hay không. Nếu phát giác một chỗ nào đó còn lạnh tanh trong khi các phần khác đã ấm lên rồi, đó là chỉ dấu két nước bị nghẽn bên trong ruột.


-Quan sát sàn xe và kính chắn gió (windshield): Như trên đã nói, nếu máy sưởi (heater) bị rò, nước coolant sẽ chảy vào trong xe, gây cho sàn xe nhớp nháp, và tạo thành mù sương bám vào mặt trong của kính chắn gió.


-Phát giác Coolant đọng thành vũng trên sân: Xem xét dưới gầm xe, chung quanh các bình nước, và chung quanh đầu máy xem có chỗ nào ướt không. Nếu thấy vết nước hơi xanh, trơn, và nghe “ngọt ngọt” (có cảm giác như vậy thôi, chứ không cần nếm. Ðừng dại dột, nước coolant là một độc chất đấy!) thì đó là dấu hiệu rò rỉ. Có thể máy bơm (water pump) bị kẹt, bị hư; bình nước chính bị rò; hoặc, nhẹ tội hơn thì bình nước phụ hoặc các ống dẫn.


Ðó là những dấu hiệu chúng ta có thể nhận biết được bằng mắt thịt. Dĩ nhiên, đó không phải là tất cả, và chúng ta không thể loại trừ vai trò của giới chuyên môn. Với các máy móc và kinh nghiệm cần thiết, họ sẽ có thể nhận ra được nhiều nguyên nhân khác, trước khi tiến hành sửa chữa “đúng bệnh đúng người”. Lẽ ra chỉ cần nói “đúng bệnh” là đủ, nhưng dường như các bạn cũng đã từng nghe, một con gái dẫn mẹ đi khám bệnh mà thầy thuốc thì nghĩ ngược lại, cứ tưởng cô gái mới là bệnh nhân, nên chẩn bệnh và chữa trị sai sót tùm lum. Thì chữa bệnh cho xe cũng rất có thể như thế.


 


3. Những điểm cần lưu ý về hệ thống giải nhiệt


 


-Nếu cần chế thêm coolant vào bình: Nhớ pha coolant theo tỷ lệ 50% anti-freeze và 50% nước lã. Nếu bình coolant mua ngoài thị trường đã được pha chế sẵn theo tỷ lệ thích hợp (có ghi sẵn ở label trên bình) thì đừng thêm nước vào nữa. Nhớ xoáy nắp bình thật chặt, vì nắp bình cần phải tạo ra áp suất cần thiết cho hệ thống làm việc.


-Nếu cần phải chế thêm coolant trong lúc xe còn nóng máy, bạn có thể mở nắp bình phụ để chế vào đó. Tuyệt đối không mở nắp bình chính (radiator) khi đầu máy chưa nguội hẳn.


-Không bao giờ lái xe khi cây kim trên đồng hồ chỉ nhiệt đã đi vào vùng đỏ. Ngay lập tức đưa xe vào lề, tắt máy và gọi tiếp cứu, nếu không muốn gây thêm những tổn thất trầm trọng cho đầu máy.


-Coolant là một hợp chất độc hại, có thể gây thương vong, thậm chí tử vong cho người và vật vô tình nuốt nhầm vào nó. Phải chi mùi nó hắc và đắng để người ta tránh xa. Khổ một điều là coolant lại thơm và ngọt. Người biết cảnh giác không nói làm gì, nhưng súc vật và trẻ em không ý thức được sự độc hại, cứ thấy thơm và ngọt là muốn thử coi cho biết. Vì thế khi coolant có rò rỉ trên sân, hoặc khi chế thêm coolant, chúng ta cần cực kỳ thận trọng: Phải lau sạch dấu coolant trên sân để chó mèo đừng đến liếm láp, bình Coolant phải được đậy nắp cẩn thận và cất giữ ở nơi an toàn, cách xa tầm với của trẻ em, để các cháu đừng có lẫm chẫm lại gần và mở ra để thử.


Nói chung, tất cả những gì thơm và ngọt đều hấp dẫn; và đa số đều là những thứ tốt lành, rất nên thưởng thức. Ðó là điều ai trong chúng ta cũng từng có kinh nghiêm. Chỉ trừ một vài trường hợp điển hình như nước coolant trên đây. Trong các trường hợp đó, chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, nghiêm chỉnh tuân giữ những hướng dẫn an toàn.


Nhưng chuyện “thơm ngọt” không phải là đề tài chính. Chuyện bảo trì xe qua hệ thống giải nhiệt mới là điều đáng quan tâm. Hy vọng bài viết giúp bạn được một vài ý kiến thực tế trong việc gìn giữ và bảo vệ của quí, tức là cái xe, một phương tiện không thể thiếu đối với bất kỳ ai.


[email protected]





Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho Phạm Ðình, PO Box: 9255, Fountain Valley, California 92728 – 9255. Tel: 714-837-1935. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT