Thursday, April 18, 2024

Bảo trì xe: Phần mềm và phần cứng – Bài II

 

Phạm Ðình

 

Lần trước chúng ta đã nói về bảo trì phần mềm, hôm nay xin sang phần cứng. Cái chữ “Phần Cứng” có thể khiến trang báo này mất một số độc giả. Chẳng hạn, một bạn nào đó có thể nói, “Phần cứng ư? Cái đó thì tôi không có, hỏi lại mấy ông kia xem thế nào?”

Timing Belt nối kết các thành phần trong đầu máy, trong đó có water pump.

Vậy xin được xác minh ngay, nói phần cứng để đối ứng với phần mềm mà thôi, chứ cứng mềm gì cũng là của cái xe cả chứ không liên quan tới ông nào hết! Và là chủ xe thì bất luận nam nữ, ai ai cũng đều nên biết về những thứ được gọi là phần mềm phần cứng ấy.

Nếu phần mềm bao gồm những thứ dầu nhớt trong xe thì những phần cứng mà người chủ xe phải coi tới trong tiến trình bảo trì thì có thể kể ra như sau: Timing Belt, Battery, Air Filter, Spark Plugs, Tires, Lug Bolt, Brakes, Shock Absorbers, Lights. Có thứ bạn thấy quá hiển nhiên – hư hao biết liền, chẳng hạn như những cái đèn ở bốn góc, cháy sáng là thấy ngay, không kịp phản ứng thì có cảnh sát nhắc cho bằng một tấm giấy phạt vài trăm đồng. Những thứ khác không được rõ ràng như vậy, nhưng ẩn mặt, đòi hỏi sự “thăm viếng” định kỳ để kịp thời thay thế trước khi chúng lăn quay ra ăn vạ, rồi lại mất công phục vụ phiền phức và tốn kém hơn. Tự bản thân mỗi thứ phần cứng ấy là một đề tài đòi hỏi nhiều trang giấy. Dưới đây chỉ là một vài chi tiết tổng quát, hy vọng sẽ là những gợi ý để các bạn tìm hiểu thêm:

Cách kiểm tra độ sâu của rãnh lốp với đồng xu Lincoln (trái).

1. Timing Belts:

Ðây là những sợi dây kéo (belt) rộng khoảng 1 inch, làm bằng cao su, thường được dùng trong các loại xe Nhật. Trong một số loại xe khác, Timing Belts được thay bằng Timing Chain (dây xích). Dù Belt hay Chain thì cũng có cùng một công dụng, đó là kéo những thành phần bên trong đầu máy. Timing Chain là sợi xích sắt không cần thay, có thể “sống đời” với máy, nhưng Timing Belt là cao su nên phải thay thế định kỳ. Tuổi thọ của một dây Timing Belt không thấp, từ 60,000 dặm tới 100,000 dặm. Tuy nhiên, khi xe đã chạy được 50,000 dặm rồi thì bạn nên để ý tới những tiếng kêu khác thường khi máy vận hành. Nếu có thể được, bạn nên lật nắp máy lên, và soi đèn pin để kiểm tra tình trạng của Timing Belt, xem có hư hại, rạn nứt, đứt bể ở chỗ nào không. Nếu phát giác rạn nứt thì nên đi thay ngay, bởi vì khoảng 50,000 miles cũng là tới tuổi rồi. Sự trì hoãn có thể mang lại hậu quả không hay: Xe đang chạy giữa đường mà belt đứt thì toàn bộ hoạt động đầu máy bị ngưng trệ, các thành phần máy va chạm cọ xát nhau gây ra nhiều tổn thất đáng kể, ấy là chưa kể có thể gây ra tai nạn. Nên tham khảo những chỉ dẫn trong sách cẩm nang về Timing Belts.

Một cái lốp xe mòn vẹt vì bánh xe không cân.

Việc thay Timing Belt là chuyện chúng ta không nên tự làm lấy, mang ra nhờ thợ chuyên môn làm giúp thì tốt hơn. Nhân tiện, hỏi người thợ xem là cái Water Pump (máy bơm nước mát coolant vào trong đầu máy) trong xe mình có cần phải thay luôn trong cùng một lần tháo ráp hay không. Bởi vì Water Pump trong một số xe được vận hành bởi Timing Belt, hai bộ phận này thường có tuổi thọ ngang nhau, Timing Belt đã già lão thì Water Pump cũng khó mà còn trẻ trung.

 

2. Tires (Lốp xe):

Lốp xe là bộ chân của cái xe. Chân đau, chân yếu thì di chuyển khổ sở khó khăn, chẳng ai có thể chịu đựng lâu được. Ấy là nói về cái chân người ta, chứ còn “cái chân” của xe thì thường xuyên bị lơ là, quên lãng. Bất công ở chỗ đó.

Săn sóc cái chân xe, chúng ta phải để ý những việc này:

– Air pressure: Bảo đảm lốp có đủ hơi, tức là có đủ áp suất (air pressure) bằng không xe chạy không hết công suất, hao xăng, lốp chóng mòn, thắng mau hư… Tiếc rằng, có những người cả năm chưa chắc đã coi đến tình trạng áp suất trong lốp thế nào, cứ leo lên xe là… cỡi phom phom, khiến cái xe khấp khểnh lăn đi một cách “cà chẽo, cà chẽo” rất đáng tội nghiệp. Tốt nhất bạn nên mua một máy bơm hơi có đồng hồ thăm áp suất để sẵn ở nhà để kiểm tra áp suất thường xuyên: Mỗi tuần một lần! Hoặc, kiểm tra lốp xe cứ mỗi lần dùng xe thì càng tốt.

– Tread wear (độ hao mòn của rãnh lốp): Lốp mới thì rãnh sâu, dùng nhiều lốp mòn dần thì đường rãnh nông hơn, có nhiều khi trơ ra chẳng còn tí rãnh nào cả. Ðể kiểm tra độ mòn của rãnh, các chuyên gia chỉ dẫn phương pháp Lincoln Penny Test như sau: Kẹp đồng tiền một xu (penny) ở ngón cái và ngón trỏ, lộn ngược đầu đồng xu (đầu ông Tổng Thống Lincohn) vào rãnh. Nếu một phần nào đó của cái đầu Tổng Thống còn chìm dưới lằn rãnh thì OK. Nếu trọn vẹn cái đầu đều nổi lên trên, hoặc tệ hơn nữa, có thể nhìn thấy cả hàng chữ (In God We Trust) nữa thì coi như cái lốp đã “tiêu”, rãnh mòn hết rồi, lốp không còn “cắn” đường, cố gắng dùng tiếp sẽ rất nguy hiểm, bánh có thể trợt đang khi chạy, xì hoặc bể một cách bất ngờ.

Một cái lốp xe mòn vẹt vì bánh xe không cân.

Tuổi thọ trung bình của lốp xe là từ 25,000 dặm tới 50,000 dặm, tùy theo từng loại brand name. Nếu mãi tới 60,000 dặm mới phải thay, thì đừng tiếc gì nữa, thọ tới mức đó là lốp tốt lắm rồi.

– Luân chuyển (rotate) và cân bánh xe (wheel alignment): Luân chuyển (tire rotation) là thay đổi vị trí lốp từ 2 bánh trước chuyển về 2 bánh sau, và 2 bánh sau chuyển về 2 bánh trước. Vì áp lực đặt trên 2 trục bánh không giống nhau, thường thì 2 bánh trước mòn nhiều hơn 2 bánh sau. Nên cứ khoảng 8 ngàn tới 10 dặm, bạn phải cho xe luân chuyển bánh một lần để 4 bánh được tận dụng trước khi cho về hưu.

Mỗi khi luân chuyển hoặc thay bánh xe, chúng ta còn phải cho cân lại trục bánh (wheel alignment) để 4 bánh hoạt động hòa hợp với nhau khi di chuyển. Ngoài ra trong khi lái xe mà bạn cảm giác xe chạy không thẳng, có khuynh hướng xiên về một phía, đó là chỉ dấu 4 bánh không đồng bộ, cần được mang đi cân lại để bảo vệ tuổi thọ của hệ thống lốp và bánh lái.

Khi mang xe đi thay bánh, luân chuyển bánh, hoặc cân bánh, bạn nên nhờ người thợ kiểm tra lại bố thắng (ôm sát bánh xe) xem tình trạng thế nào, còn tốt không, đã hao mòn bao nhiêu phần trăm. Thường thì người thợ nào cũng sẵn sàng giúp bạn kiểm tra miễn phí.

 

3. Kiểm tra bộ thắng (brake system):

Như vừa nói, khi tháo lốp ra để thay, chúng ta có cơ hội để xem lại tình trạng của bố thắng (brade pad). Bố thắng là miếng đệm, ép vào thân lốp mỗi khi bạn đạp thắng để giữ cho bánh xe đứng dừng lại. Trên một tuyến đường, bao nhiêu lần bạn đạp thắng là bấy nhiêu lần miếng “đệm” bố thắng này bị chà xát, khiến nó mỗi ngày một hao mòn, cho đến lúc mòn quá thì thắng không “ăn” nữa. Ðó là lúc cái thắng lên tiếng bằng cách mỗi khi bạn đạp thắng thì có tiếng kêu rồ rồ, kêu ken két, tay lái rung lên… chân đạp xuống quá sâu, chân đạp xuống nghe mềm thụt. Nhưng xin đừng chờ đến lúc nhận được những cảnh báo như vậy. Tốt hơn, bạn phải kiểm tra thắng định kỳ, ít là một năm một lần (bạn có thể nhìn thấy chiều dầy của bố thắng xuyên qua lốp xe) hoặc mỗi khi thay bánh như trên đã nói.

Cấu tạo thắng ở bánh xe.

– Dầu thắng (brake fluid): Ðây là phần mềm đã nói trong bài trước, nhưng xin được nhắc lại: Dầu thắng không hư hao bao nhiêu, nhưng vẫn phải kiểm tra đều đặn, để nếu thấy thiếu thì châm thêm. Nhưng nếu bạn phải châm thêm tới hơn 2 Oz. dầu một lần, thì đó là dấu hiệu dầu thắng đã bị rò rỉ ở chỗ nào, đòi hỏi phải được sửa chữa, chứ không thể còn là việc bảo trì nữa.

Các thành phần được gọi là “phần cứng” tới đây chưa hết, xin hẹn với bạn thêm một kỳ báo nữa.

Phạm Ðình

[email protected]

 

Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho Phạm Ðình, PO Box: 9255, Fountain Valley, California 92728 – 9255. Tel: 714-837-1935. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

MỚI CẬP NHẬT