Thursday, March 28, 2024

Bệnh mai hạc khí (tằng hắng)


Bác Sĩ Ðặng Trần Hào

Mai hạc khí là một loại khí chặn ngay ở cổ họng, làm chúng ta nuốt không vào và khạc cũng không ra, lâu lâu chúng ta phải tằng hắng ho, có khi có chút đờm, có khi không, có khi cổ họng khô, có khi không, là tùy vào những nguyên nhân thụ bệnh của tỳ, thận, gan, và vòng tương sinh, hay tương khắc của ngũ hành, hay chính tỳ thụ bệnh.

Sau đây chúng ta lần lượt đi tìm nguyên nhân gây ra bệnh mai hạc khí:


1. Tỳ khí suy gây ra mai hạc khí

Theo Hải Thượng Lãn Ông lý giải, “Sự sống con người lấy tỳ vị làm chủ. Tỳ giữ chức vận hóa, vị giữ chức thu nạp. Một bên nạp, một bên vận hóa, chuyển hóa thức ăn thành chất tinh hoa, sinh ra tinh khí, nuôi dưỡng cơ thể, thấu suốt các kinh mạch và lạc mạch toàn thân.”

Theo sách Hoàng Ðế Nội Kinh, “Tỳ (lá lách) làm chủ ở trung tiêu, quan hệ biểu lý với vị, chủ việc vận hóa thực phẩm và nước uống nuôi dưỡng toàn thân, đồng thời chủ về da thịt, thống nhiếp huyết dịch. Tỳ vị hư thì ăn uống kém sút, khó tiêu, bụng trướng, đại tiện lỏng, suy nhược, sắc mặt vàng úa.

Vị (dạ dầy) là bể chứa cơm, chủ thu nạp. Phàm ăn uống không tiết độ, no đói thất thường, nóng lạnh chợt biến đều ảnh hưởng tới vị. Gây chứng vị hàn, nhiệt, thực và hư. Chứng vị hư có hiện tượng bụng no đầy, không muốn ăn vì khó tiêu, làm tỳ khí đi nghịch lên gây ra bệnh mai hạc khí, lâu lâu cứ phải ho và tằng hắng gây khó chịu nhất là những người làm việc phải giao tế và giải thích trong thương trường là một điều khổ tâm.

Thường khó chịu vùng thượng vị và hạ vị liên miên, ê ẩm vùng thượng vị, lan rộng ra cả hai bên bụng dưới, mùa Ðông khó chịu nhiều hơn mùa Hè, thích ăn đồ nóng, ăn đồ lạnh vào thì dạ dầy khó chịu, thường đầy bụng, đại tiện phân nhão hoặc lỏng bất thường, ợ hơi, chậm tiêu, biếng ăn, bụng trướng, miệng nhạt, người mệt mỏi, chân tay đôi khi bất lực, sợ lạnh, Khi bệnh nhân nói tiếng thường nhỏ yếu, hụt hơi, sắc mặt vàng nhợt. Mạch trầm trì, vô lực. Rêu lưỡi mỏng, trắng lợt.

Phương pháp chữa: Kiện tỳ, hòa vị, nếu tỳ hư hàn thì ôn trung, kiện tỳ.

Bài thuốc
Sâm hoa kỳ 12grs
Bạch truật 9 grs
Phục linh 9 grs
Cam thảo 6 grs
Bán hạ chế 9 grs
Mộc hương 6 grs
Can khương 9 grs
Sa nhân 9 grs
Trần bì 6 grs
Ðại táo 3 trái
Chỉ xác 9 grs
Hương phụ 9 grs
Ðạ phúc bì 9 grs
Mộc hương 9 grs

-Nhân sâm: Bổ tỳ và bao tử.
-Bạch truật: Tiêu thấp trong bao tử.
-Phục linh: Thông thủy tích trong bao tử.
-Cam thảo: Phối hợp và điều động các vị thuốc.
– Sa nhân, mộc hương, trần bì, can khương: Bổ tỳ vị khí, kiện toàn tiêu hóa, giúp ăn ngon.
– Bán hạ: Chữa nôn mửa do tỳ vị hư hàn gây ra.
– Chỉ xác, hương phụ, mộc hương: Tản khí ở trung tiêu.
– Ðại phúc bì: Giáng khí tỳ vị làm mai hạc khí không còn.

2. Do thận và tỳ khí suy gây ra mai hạc khí

Thường gặp ở người già đau bụng vùng hạ vị, phân còn sống, bụng đầy trướng, biếng ăn, chậm tiêu hóa, chân tay lạnh, thích nóng, đi tiểu nhiều lần, đau nhức, chân yếu bất lực. Mạch trầm, tế và nhược. Rêu lưỡi trắng và dầy.

Phương pháp chữ trị: Ôn bổ tỳ và thận dương.

Phụ Tử Lý Trung Thang
Phụ tử chế 9 grs
Ðảng sâm 12 grs
Bạch truật 12 grs
Cam thảo 6 grs
Can khương 9 grs
Phá cố chỉ 12 grs
Ngô thù du 6 grs
Bạch đậu khấu 6 grs
Ngũ vị tử 6 grs

Gia:
Mộc hương 9 grs
Sa nhân 6 grs
La bạc tử 9 grs
Hương phụ 9 grs
Ðại phúc bì 9 grs

-Ðảng sâm, bạch truật, can khương, phá cốt chỉ, ngô thù du, ngũ vị tử: Bổ tỳ khí, kiện toàn tiêu hóa và tán hàn.
-Phụ tử: Bổ thận dương và ôn trung tán hàn.
-Mộc hương, sa nhân: Tản khí, ôn tỳ vị, tiêu thấp, tiêu thực, kiện toàn tiêu hóa, ngưng tiêu chẩy.
-La bạc tử, hương phụ: Tản khí, trị đầy trướng.
-Ðại phúc bì: Giáng khí, trị mai hạc khí.
-Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

3. Do can khí phạm tỳ gây mai hạc khí

Ngoài ra Hải Thượng Lãn Ông (Y tổ ngành Y Khoa Cổ Truyền Việt Nam còn giải thích: “Mừng, giận, lo, sợ, buồn, khiếp đảm đều gây tổn thương tới nguyên khí “vì căng thẳng tinh thần thì khí uất, vì khí uất thì tổn thương can mộc, can mộc vốn khắc tỳ thổ, nên can khí phạm vị, khiến cơ năng lo việc tiêu hóa hấp thụ rối loạn, lâu ngày phát sinh ra bệnh bao tử đầy trướng gây ra mai hạc khí.”

Bệnh nhân sắc diện tương đối khỏe mạnh, sắc mặt đỏ, tròng mắt sắc đỏ đậm hoặc lợt, môi đỏ thẫm hoặc tím. Giọng nói bệnh nhân mạnh khỏe, hơi thở hôi. Bệnh nhân tức hai bên giang sườn, đau lan ra sau lưng trên, vùng với tay không tới, nhưng phần lớn tức sau khi ăn. Nắn bụng cảm thấy khó chịu. Có lúc không tức, dễ chịu như lành bệnh, miệng đắng, thích ăn đồ lạnh, khát nước, hay ợ nóng, nước tiểu vàng, táo bón. Rêu lưỡi trắng, hoặc vàng dầy và khô. Mạch hoạt sác, hữu lực và đại.

Phương pháp trị liệu: Sơ can tiết nhiệt, lý khí hòa vị, giáng nghịch, chỉ thống.

Sài Hồ Sơ Can Gia Giảm
Sài hồ 9 grs
Hương phụ chế 9 grs
Chỉ xác 12 grs
Ðại Phúc bì 9 grs
Xuyên luyện tử 9 grs
Diên hổ sách 9 grs
Trần bì 6 grs
Mộc hương 6 grs
Bạch thược 15 grs
Mạch nha 9 grs
Kê nội kim 9 grs
Cam thảo 3 grs
La bạc tử 9 grs

-Sài hồ: Xơ gan.
-Hương phụ, chỉ xác, mộc hương, xuyên luyện tử: Tản khí, ôn trung giúp kiện toàn tiêu hóa.
-Bạch thược: Mát gan, giảm đau, bổ huyết, liễm âm, giảm bụng ngực đau trướng.
-Ðại phúc bì: Giáng khí.
-Mạch nha, kê nội kim: Bổ tỳ vị và kiện toàn tiêu hóa.
-La bạc tử: Tản khí và đầy hơi trung tiêu.
-Cam thảo: Bổ tỳ khí và phối hợp các vị thuốc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT