Thursday, March 28, 2024

Bệnh mũi đỏ

 

BS Ðặng Trần Hào

Bệnh mũi đỏ hay còn gọi là bệnh cà chua, là bệnh ở mũi và một phần giữa mặt, nơi thường tiết ra nhiều chất nhờn. Bệnh không phân biệt tuổi tác, giới tính, nhưng người trung niên thường bị bệnh nhiều hơn.

Gọi bệnh mũi đỏ đã xác định rõ ràng vùng bị bệnh chính là mũi và những vùng phụ cận mũi rất đỏ, và nổi mụn đỏ.

Y Khoa Ðông Phương quy bệnh mũi đỏ thường liên quan tới phế, tỳ, vị và gan hỏa sinh ra.

Theo Nội Kinh và sách y khoa cổ xưa xác định từng vùng trên mặt liên quan với từng lục phủ và ngũ tạng trong cơ thể con người. Khi chúng không phối hợp nhịp nhàng sẽ xuất hiện trên mặt những vùng tương ứng với từng cơ tạng những hiện tượng phức tạp, kết cấu như da mặt khô, mụn, đỏ, sưng, hay ẩm thấp…

Thí dụ: Sống mũi, phần giữa hai lông mày thuộc về phổi; phần giữa hai lông mi thuộc về tim; phần giữa hai cánh mũi dưới thuộc tỳ vị; phần giữa tỳ và tim là gan v.v…

Dựa vào những vùng trên mặt tương ứng với từng cơ tạng theo Nội Kinh để giúp tìm lý do thụ bệnh do tạng phủ nào sinh ra.

Mũi đỏ do phế và bao tử nhiệt

Mà phế là biểu hiểu cho lông da, sự liên quan giữa phế và bì mao chủ yếu biểu hiệu ở hai khía cạnh dưới đây:

– Phế chủ khí, coi việc hô hấp, là cơ tạng chính để trao đổi khi giữa trong và ngoài, mà lỗ chân lông, da cũng có tác dụng tán khí, cho nên lỗ chân lông cũng gọi là khí môn.

– Da lông nhờ sự hun nóng của phế khí mới được tươi nhuận. Vì thế phế khí đầy đủ thì da lông mỡ màng, tươi nhuận, phế khí suy kiệt thì da lông xơ xác.

Chính vì phế và da lông có mối liên hệ chặt chẽ, cho nên khi phế thụ nhiệt, sẽ ảnh hưởng tới da, làm da khô, ho khan, và nếu nhiệt gia tăng có thể đưa tới bệnh mũi đỏ. Bệnh nhân thường hơi thở nóng, ho khan, ít đàm. Lưỡi khô và đỏ. Mạch sác.

Chủ trị: Thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đàm, giáng phế khí, giảm sưng và đỏ

Bài thuốc:

Mẫu đơn bì 9 grs
Bán hạ 6 grs
Mạch môn đông 9 grs
Thiên môn đông 9 grs
Thạch cao 6 grs
Hoàng cầm 6 grs
Cam thảo 3 grs
Tri mẫu 9 grs
Xa tiền tử 9 grs
Trạch tả 9 grs
Ðịa cốt bì 9 grs
Thiên hoa phấn 9 grs
Trúc nhự 9 grs

– Thiên hoa phấn, trúc nhự, hoàng cầm: Thanh nhiệt, tiêu thấp, giảm sưng đỏ tại mũi.

– Bán hạ, mạch môn đông, thiên môn đông: Tiêu đờm, bổ phế.

– Thạch cao, hoàng cầm, tri mẫu, địa cốt bì: Thanh phế và bàng quang, giảm sưng.

– Xa tiền tử, trạch tả, địa cốt bì: Thông tiểu tiện.

Mũi đỏ do gan hỏa

Gan hỏa vượng làm tổn thương âm phận gây ra mất ngủ hay ngủ chập chờn, lưỡi và cổ họng khô, miệng đắng, dễ giận, chóng mặt đôi khi nhà cửa đảo lộn, ăn không thấy ngon, lợm giọng nhưng không mửa, tức hai bên giang sườn, mệt mỏi, mũi đỏ…

Lưỡi khô và đỏ. Mạch huyền và sác.

Bài thuốc

Sanh địa 12 grs
Ðịa cốt bì 9 grs
Sơn thù du 9 grs
Trạch tả 9 grs
Phục linh 9 grs
Long đởm thảo 9 grs
Chi tử 9 grs
Hạ khô thảo 9 grs
Ðan sâm 9 grs
Hoàng liên 6 grs
Tang bạch bì 9 grs
Hoàng cầm 6 grs
Hoàng bá 6 grs

– Sanh địa, địa cốt bì, sơn thù du, chi tử, long đởm thảo, hạ khô thảo: Thanh nhiệt thận, gan, giảm sưng và đỏ.

– Tang bạch bì, phục linh: Lợi tiểu, thanh nhiệt.

– Ðan sâm: Thanh nhiệt và giảm sưng.

– Hoàng liên: Thanh tâm nhiệt.

– Hoàng cầm: Thanh thấp nhiệt tại bao tử, lương huyết, giảm sưng đỏ.

– Hoàng bá: Thanh thanh thấp nhiệt tại thận và bàng quang.

Cả ba vị hoàng liên, hoàng cầm, hoàng bá đều có tác dụng thanh nhiệt hóa thấp. Mà thấp nhiệt gây ra sưng và đỏ, đồng thời theo Hoàng Ðế Nội Kinh mũi và một phần mặt tương ưng với từng cơ tạng như tim, gan, tỳ và vị, một khi các cơ tạng này bị nhiệt thì ảnh hưởng tới vùng da tương ưng trên mặt, mà gây ra mũi cà chua là như vậy.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT