Friday, March 29, 2024

Chảy máu cam (chảy máu mũi)



Bác Sĩ Ðặng Trần Hào


 


LTS: Bác Sĩ Ðặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Ðông phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về châm cứu và Ðông dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Ðông dược và muốn góp ý cho kho tàng Ðông dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ tại điện thoại (714) 531-8229 hoặc email [email protected].


 


Mũi bao gồm một phần xương và một phần sụn. Một phần cứng và một phần mềm. Phần mũi thường xuyên chảy máu nằm ở phần mềm, và chúng ta có thể ép chặt và chặn được chẩy máu.


Chúng ta chỉ cần bóp chặt mũi bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ, ngay phía dưới phần cứng của mũi. Cần ép như vậy trong vòng 5 tới 7 phút, trong thế ngồi. Có thề chườm đá lạnh lên sống mũi, làm lượng máu đông lại và giúp ngưng chảy máu.


Trong tất cả những trường hợp chảy máu cam có thể áp dụng cách này, thường có kết quả. Có rất ít trường hợp không ngừng, dĩ nhiên chúng ta phải đi đến phòng cấp cứu.


Như chúng ta đã biết, các vi ti huyết quản trong mũi nằm rất gần với bề mặt và có thể chảy máu ngay cả khi bị tổn thương nhỏ nhất. Nhất là trẻ em ngoáy mũi là nguyên nhân thông thường. Hãy cắt móng tay cho trẻ ngắn lại và hạn chế thói quen này là phương cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa .


Ngoài cách tự chữa trị và phòng ngừa thông thường nếu trên chúng ta cần phải đi tìm hiểu những nguyên nhân bên trong và bên ngoài gây ra chảy máu cam. Và có nhiều trường hợp bị đi, bị lại nhiều lần, đôi khi mất rất nhiều máu, đó là những trường hợp chúng ta phải đi tìm nguyên nhân chính gây ra để uống thuốc và trị tận gốc mới mong không bị lại.


 


Chảy máu cam do cảm hàn


 


Thường nguyên nhân chảy máu cam do cảm gây ra, bị kích thích bởi một loại siêu vi khuẩn do cảm lạnh. Vấn đề chính trong trường hợp này là do cảm lạnh và chúng ta phải trị bệnh cảm kèm những triệu chứng như: sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, ho, hắt xì hơi, cứng cổ, đôi khi bị chảy máu cam kèm theo.


Chủ trị: Cam hàn kèm nóng đầu.


Cát Căn Thang


1.Cắt căn 9 grm


2.Bạch thược 6 grm


3.Quế chi 3 grm


4.Ma hoàng 4 grm


5.Can khương 3 grm


6.Cam thảo 3 grm


7. Ðại táo 3 trái


– Cắt căn: Thanh huyết, tăng cường cho dạ dầy và ruột hoạt động mạnh hơn.


– Ma hoàng và cam thảo: Trị ho và bắp thịt co thắt.


– Ma hoàng và quế chi: Cho ra mồ hôi và gia tăng máu lưu thông.


– Can thảo: Giải độc trong gan.


-Can khương: Tăng chường máu lưu thông và tiêu đàm.


-Ðại táo: Bổ dưỡng cho cơ thể.


Thêm:


Kinh giới 6 gram. Lá tiết tô 6 grm, Tử tô tử 6 grm. Cát cánh 6 grm: Giải cảm và tuyên phế, giảm ho, tiêu đờm.


A Giao 6 grm: Ngưng chảy máu cam.


 


Chảy máu cam do thận âm suy


 


Như quí độc giả đã biết thận âm suy, gây ra hư hỏa, mà con nít thân nhiệt thường cao hơn người lớn, nên bất cứ lý do gì làm thân nhiệt tăng lên chút đỉnh là chúng dễ bị chảy máu cam. Ngoài trừ trường hợp bỉ cảm hàn nêu trên, con nít thường hay bị chẩy máu cam nhiều hơn người lớn.


Nhưng dù con nít hay người lớn bị âm suy cũng hay bị chảy máu cam, vì âm suy gây ra bao tử nhiệt, mỗi khi chúng ta ăn những thức ăn nhiệt vào như sầu riêng, mít, đào, uống cà-phê làm tăng nhiệt trong cơ thể, đó là lý do làm chúng ta dễ bị chảy máu cam.


Theo châm cứu, đường kinh của bao tử đi lên vùng môi trên và dưới của mũi. Một khi bao tử nóng sẽ gây mũi bị khô, và dễ bị nứt khi chúng ta chạm mạnh vào vùng này dễ gây ra máu cam.


Bài thuốc hữu hiệu nhất dùng cho con nít thường xuyên bị chảy máu cam là bài:


Lục vị địa hoàng thang


1.Phục linh 3 chỉ


2.Sơn thù du 3 chỉ


3.Mẫu đơn bì 3 chỉ


4.Trạch tả 3 chỉ


5.Hoài sơn 3 chỉ


6.Thục địa 4 chỉ


Tại sao bài lục vị lại có hữu hiệu như vậy, vì mẫu đơn bì thanh huyết và giảm nhiệt. Thục địa bổ huyết và thanh huyết.


 


Chảy máu cam do gan khí thượng nghịch


 


Bao tử khí bình thường đi xuống, một khi can khí thượng nghịch, ảnh hưởng qua bao tử, làm bao tử đi nghịch khí lên, ảnh hưởng tới vùng mũi và miệng mà gây ra chảy máu cam.


Bệnh nhân dễ giận, bồn chồn, đắng miệng, nước tiểu ít và đậm, táo bón, mắt đỏ, tức hai bên giang sườn đầy hơi, xốn xang bao tử, nhưng ăn không được nhiều. Lưỡi đỏ và rêu lưỡi vàng. Mạch huyền.


Sài hồ xơ gan thang


1.Sài hồ 12 grm


2.Bạch thược 9grm


3.Xuyên khung 9grm


4.Hương phụ 9grm


5.Thanh bì 9grm


6.Cam thảo 3grm


-Sái hồ, bạch thược, xuyên khung: Xơ gan, bổ huyết.


-Hương phụ: Tản khí ở trung tiêu và giáng khí.


Thêm:


-Hoàng cầm, thanh bì, mạch nha: Thanh nhiệt, ngưng máu cam và giúp kiện toàn tiêu hóa.


-A giao: Ngưng chảy máu.


-Ðại táo: Bổ máu và phối hợp các vị thuốc.


 


Máu cam do phế nhiệt


 


Phế nhiệt gây nóng sốt, ra máu cam, ho từng cơn, có ít đờm, miệng khô. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch phù và sác.


Chủ trị: Thanh phế nhiệt và tiêu đàm.


Bài thuốc:


1.Sinh địa 12grm


2.Mạch môn 9grm


3.Thiên môn 9grm


4.Liên kiều 9 grm


5.Kim ngân hoa 9grm


6.Mẫu đơn bì 6 grm


7.Hoàng liên 3 grm


8.Huyền sâm 9 grm


-Sinh địa, mạch môn đông, thiên môn đông: Thanh phế, ngưng máu cam và bổ phế.


-Huyền sâm: An tâm.


-Mẫu đơn bì, hoàng liên: Thanh nhiệt.


-Kim ngân hoa, liên kiều: Tiêu viêm.


Nếu các màng nhầy của mũi bị khô, hiện tượng nứt và chảy máu càng dễ xẩy ra.


Hãy nhớ những điều sau:


Quí độc giả có thể tự mình làm cầm máu cam.


Ða số các trường hợp chảy máu cam đều đi kèm với cảm hàn, hư hỏa, gan khí thượng nghịch hoặc bị thương nhẹ ở mũi.


Thường xuyên theo dõi nguyên nhân gây ra chảy máu cam, nhất là khi ăn uống phải để ý những thức ăn không thích hợp với cơ thể của mình, mùa và khí hậu thay đổi cũng có thể làm màng nhầy bị khô, là nguyên nhân ra máu cam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT