Friday, March 29, 2024

Chủng ngừa viêm gan B


Bác sĩ của bạn


 


 


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


 


LTS: Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Các tin tức trong mục này và nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài New Saigon Radio1480AM ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 45 trong chương trình Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật với Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng. Ngoài ra, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng còn có mục “Ðiểm Tin Sức Khỏe” mỗi Thứ Sáu trên tuần báo “Việt Tide”.


 


Hỏi:


Em họ của em, vừa mới dọn vào ở chung nhà, bị viêm gan B. Như vậy những người khác đang ở trong nhà có cần đi chích ngừa viêm gan B không, và có cần làm gì khác hay không?


Có cần ăn uống riêng, và có gì nguy hiểm hay không? Nói chung, trong trường hợp nào thì cần chích ngừa viêm gan B?


Chồng sắp cưới của em bị viêm gan B, vậy em có cần chích ngừa hay không?


Tôi có người thân đã bị viêm gan B mà không biết, lại đi chích ngừa. Như vậy có nguy hiểm gì hay không?


Tôi đã chích viêm gan B mũi đầu tiên, sau đó đi xa nên quên không kịp chích hai mũi sau, bây giờ đã bảy tháng rồi, có cần chích lại từ đầu hay không hay chỉ tiếp tục chích hai mũi còn lại?


Tôi đã có chích ngừa viêm gan B lâu lắm rồi, nhưng sao thử máu bác sĩ nói là không có miễn dịch, vậy phải làm sao? Chích ngừa một lần là đủ cho suốt đời hay cần phải lập lại nhiều lần? Nếu như vậy thì bao lâu phải chích một lần? Làm sao để biết chắc là chích ngừa có hiệu quả?


 


Ðáp:


Những ai cần chích ngừa viêm gan B?


Nếu chồng bị viêm gan B mà mình chưa bị thì chắc chắn là mình cần phải chích ngừa viêm gan B. Ðiều cần chú ý ở đây là mình chỉ cần chích khi mình chưa bị nhiễm hoặc cơ thể chưa có miễn nhiễm với viêm gan B.


Có rất nhiều loại kháng thể và kháng nguyên của virus viêm gan B, nhưng hiện nay, đầu tiên, thường thường bác sĩ chỉ cần thử hai loại kháng thể và kháng nguyên có liên quan đến tình trạng miễn nhiễm (HBsAb và HBsAg), nếu âm tính thì có thể chích ngừa.


Do đó, đầu tiên ta cần đi bác sĩ thử máu để xem mình đã có miễn nhiễm hoặc đã có bị viêm gan B hay chưa để biết có cần chích ngừa hay không.


Khi chích ngừa, phải chích nhiều mũi, do đó trong lúc chờ đợi cơ thể có miễn nhiễm, ta cần phải áp dụng các phương pháp chống lây bệnh khác, quan trọng nhất là luôn luôn dùng bao cao su (condom) mỗi khi giao hợp tránh tiếp xúc với máu của người bệnh như là dùng chung bàn chải đánh răng (chảy máu lợi có thể dính vào bàn chải và lây qua người khác), lưỡi lam…


Ngoài ra, ăn uống chung, nằm chung, dùng chung bàn cầu tiêu, các tiếp xúc hàng ngày không có liên quan đến máu và giao hợp đều không làm cho bệnh viêm gan B lan truyền.


Một người bị viêm gan B thì những người khác trong gia đình có cần chích ngừa hay không? Vì ở chung nhà sẽ có một nguy cơ nhỏ sẽ có thể đôi khi tình cờ dùng chung các vật dụng có thể dính máu như bàn chải răng, dao lam… nên cẩn thận nhất là nên chích ngừa.


Nói chung, cho tới nay, những người trong các nhóm sau đây cần chích ngừa viêm gan B:


-Tất cả các trẻ sơ sinh.


-Trẻ sơ sinh từ một người mẹ đã bị viêm gan B (có kháng nguyên HBsAg dương tính) cần chích ngừa trong vòng 12 tiếng đồng hồ từ lúc sanh và cần chích cả kháng thể chống lại viêm gan B.


-Trẻ em không được chích ngừa viêm gan B ngay từ lúc mới sanh, mà tuổi dưới mười tám cũng cần chích ngừa (catch up). Nếu không có bảo hiểm, các trẻ này có thể được thuốc chích miễn phí qua các chương trình VFC (Vaccines For Children) ở các phòng mạch bác sĩ có tham gia chương trình này. (Trong tương lai, sau khi đã đuổi kịp lứa tuổi này, tuổi cần chích có thể sẽ được nới rộng ra hơn.)


Những người trong nhóm được coi là có nguy cơ cao bị nhiễm viêm gan B:


-Người có nhiều bạn tình (multiple sex partners), những người có giao hợp với người đồng phái tính (homosexual or bisexual males).


-Người có tiếp xúc ở chung nhà với người bị nhiễm viêm gan B (household contact of patients with hepatitis B), đặc biệt là nếu có tiếp xúc về tình dục.


-Người chích xì ke ma túy.


-Nhân viên y tế (vì những người này có thể phải tiếp xúc với máu trong công việc hàng ngày).


-Bệnh nhân cần phải lọc máu lâu dài, các bệnh nhân cần phải được truyền máu hay các sản phẩm từ máu cũng cần phải được chủng ngừa viêm gan B.


 


Nếu đã bị bệnh hoặc đã có miễn nhiễm rồi mà không biết thì chích ngừa có nguy hiểm không?


 


Trước khi chích ngừa, như nói trên, bất cứ ai cũng nên thử máu xem mình có cần chích hay không. Thường thường, đơn giản nhất, bác sĩ sẽ xét nghiệm về tình trạng nhiễm bệnh hoặc miễn nhiễm của mình bằng hai xét nghiệm viêm gan B đơn giản và tương đối rẻ tiền là HBsAb và HBsAg, nếu âm tính thì nên chích.


Nếu đã bị bệnh hoặc có miễn nhiễm rồi mà không biết thì (cho tới nay, người ta thấy) chích cũng không có hại gì, chỉ tốn tiền vô ích.


Do đó, nếu biết chắc chắn là mình không bị bệnh và chưa có miễn nhiễm (hoặc không sợ tốn tiền) thì chích luôn cũng không sao.


Thân mến,


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


nguyentranhoang.com


(Còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT