Friday, March 29, 2024

Có yêu lầm? (Kỳ 3)


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
[email protected]


Hỏi:


-Em đã cảm thấy rất băn khoăn khi tự phát hiện ra mình là người đồng tính. Em băn khoăn vì mình “cá biệt,” không giống đa số các bạn khác. Em càng buồn hơn, vì ba mẹ sinh ra mình là người đồng tính, mình đã không oán trách mà sao ba mẹ lại đối xử với mình như là một đứa hư hỏng.


-Nhiều người cho rằng đồng tính là trái tự nhiên, nếu ai cũng vậy thì xã hội sẽ không thể “phát triển,” vì những người này không thể cho con nối dõi. Thế nhưng tại sao có những người chọn sống độc thân vì lý do nào đó, ví dụ như chung thủy với người tình hoặc chồng vợ đã chết, hoặc đi tu,… cũng không sanh được con nối dõi cho xã hội, (nếu ai cũng chọn con đường giống họ, thì xã hội cũng sẽ không tiếp tục “phát triển” được,) thì lại không bị lên án? Dù đó là con đường họ tự chọn.


-Còn em và các bạn cùng cảnh ngộ, dù đó là con đường không phải do mình chọn từ ban đầu; dù mình vẫn cố gắng vươn lên trong học tập, công việc, sao lại bị một số người lên án, dè bỉu?


Ðáp:


Chắc, có lẽ, vì cha mẹ em và những người “dị ứng” với đồng tính, chưa hiểu, hoặc theo những lý thuyết khác (với lý thuyết đang được y khoa công nhận hiện nay), cho rằng đồng tính là bệnh hoạn, bất thường, do tự bản thân những người đồng tính chọn lựa, do hư hỏng, vân vân.


Hy vọng rằng, nếu được cung cấp những hiểu biết khoa học, khách quan, cần thiết, cha mẹ em sẽ hiểu ra, thấy nhẹ nhàng hơn. Và cả em lẫn cha mẹ em đều sẽ có mối quan hệ hòa hợp và cuộc sống hạnh phúc hơn.


Nếu thông cảm với sự (cũng) đau khổ (chưa chắc đã kém hơn em) của cha mẹ, hy vọng em sẽ có kiên nhẫn trong việc đi đến con đường thoát (ra khỏi đau khổ một cách không cần thiết) cho cả gia đình.


Một điều quan trọng không kém là em nên (tiếp tục) chứng tỏ cho cha mẹ và mọi người biết ngoài việc là người đồng tính (chuyện riêng tư về tính dục của em), em là một đứa con ngoan, một người tử tế, đứng đắn, và là một công dân tốt của xã hội.


Hỏi:


-Gần đây, em có cảm giác như là thích gần gũi với một số bạn cùng phái hơn là các bạn khác phái, trong đó có nhiều bạn rất thích em. Em rất lo, vì gia đình và những người xung quanh có rất nhiều thành kiến với đồng tình luyến ái. Em có nên thú thật với gia đình không?


Ðáp:


Như đã đề cập đến trong hai kỳ vừa rồi, cho đến nay, hệ thống y khoa hiện đại (ta đang nói về Tây y) không coi đồng tính luyến ái là bệnh.


Làm sao để biết mình có đồng tính hay không, cũng là việc tự mỗi người mới có thể xác định được (đã được trình bày chi tiết hơn trong bài kỳ trước).


Nếu còn nhỏ, còn phải lo học hành, chưa đến lúc nghĩ đến hôn nhân, thì nếu có thể, tốt nhất, ta nên chú tâm vào việc học hành. Ðến khi nhu cầu về gia đình, luyến ái đã “chín mùi,” thì nếu người tự trong thâm tâm ta muốn chung sống suốt đời, là một người cùng giới tính, thì có thể chắc rằng ta là một người đồng tính.


Trong lúc còn hoang mang, không biết mình thuộc nhóm “tính” nào (đồng, lưỡng, hay dị tính luyến ái), nếu cần (để “thanh thản” chú tâm vào công việc, học hành), ta nên tham vấn với các bác sĩ, các chuyên viên tâm lý.


Việc có nên chia sẻ điều này với gia đình hay bạn bè hay không, là một quyết định hệ trọng. Không thể có một câu trả lời tuyệt đối đúng hay sai cho tất cả mọi người.


Cần chú ý rằng việc thổ lộ “bí mật” của mình có thể gây tổn hại về tâm lý hay thể chất cho mình: Có thể vì gia đình hay bạn bè chưa hiểu rõ lắm, có thành kiến với đồng tính; hoặc bạn bè, gia đình không biết “giữ bí mật,” cộng đồng cũng còn không ít người vẫn thành kiến.


Nếu việc “giải tỏa niềm riêng” của mình (hiện tại) chỉ mang lại rắc rối, khó khăn, ngột ngạt hơn trong cuộc sống, công việc hàng ngày của mình; thì, có thể tốt hơn, ta nên từ từ, hoãn lại, để tự tìm hiểu xem thật sự mình là ai, và khéo léo chuẩn bị cho người thân tiếp nhận thông tin này (như cung cấp kiến thức tổng quát về việc đồng tính có phải là “bệnh hoạn,” “hư hỏng,” “biến thái”… không, và “thú nhận” một cách từ từ, gián tiếp, nếu nghĩ là người thân có thể “đùng một cái” bị “shock” vì chưa kịp/được chuẩn bị để tiếp nhận thông tin này (về mặt kiến thức tổng quát cũng như trường hợp riêng của mình.


Việc chuẩn bị cho chuyện “bạch hóa thân phận” này, tốt nhất là nên được sự giúp đỡ, cố vấn của các nhà chuyên môn (luôn có trách nhiệm phải giữ kín các thông riêng tư của thân chủ).


Nếu cảm thấy cần phải, hoặc đến lúc có thể “trút bỏ gánh nặng” của “bí mật” đang đè nặng cuộc sống, tâm hồn của mình, (hình như) bao giờ cũng (tốt hơn là) nên suy nghĩ kỹ xem ai là người mình có thể tin tưởng được, là người thương yêu mình thật sự dù mình là “cái gì” đi nữa, ai là người có thể (đủ bản lĩnh) để nâng đỡ và vẫn tôn trọng mình trong những lúc khó khăn do thành kiến của xã hội.


Và mình đã có tự chuẩn bị đủ, có nguồn nâng đỡ đủ, có đủ bản lĩnh, để vững vàng trong tình huống xấu nhất hay không.


Ai cũng có quyền và nên sống một cách trung thực và cởi mở với đúng con người của mình, nếu điều đó không làm hại người khác.


Tuy nhiên, không may là, điều đó không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng cho tất cả mọi người, nhất là những nhóm “thiểu số.”


Do đó, cẩn trọng một chút, để tránh các tổn thương không đáng có cho mình cũng như người thân, hình như, bao giờ cũng là điều cần thiết và tốt hơn.


Thân mến


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT