Friday, March 29, 2024

Ðắng miệng


Bác Sĩ Ðặng Trần Hào

Ðắng miệng thường do nguyên nhân hỏa gây ra, nhưng hỏa có hai loại: hư hỏa và thực hỏa, vì vậy người thầy thuốc phải nắm vững y lý y khoa Ðông phương.

Ðịnh bệnh theo tứ chẩn: vọng-văn-vấn-thiết và bát cương: âmdương-biểu lý-hàn nhiệt-hư thực. Sau khi định được bệnh là hư hay thực chứng gây ra đắng miệng và do tạng phủ nào gây ra, chúng ta chữa trị bệnh có kết quả ngay.

A. Thực nhiệt

Do mất quân bình về âm dương, thêm nguyên nhân từ ngoại cảnh hay nguyện nhân bên trong do tạng phủ gây ra. Ðặc tính của hỏa thường gây: đắng miệng, sốt cao, phiền não, mắt đỏ, nước tiểu đỏ, khát nước, họng đỏ, sưng đau.

– Gây viêm nhiễm bên ngoài và bên trong như tâm hỏa gây lở ở đầu lưỡi, vị hỏa sưng ở lợi, gan hỏa gây mắt đỏ sưng đau.

– Hỏa hay đốt tân dịch: Khát nước, miệng khô, lưỡi khô đỏ, táo, nặng có thể nói mê sảng, hôn mê. Hỏa hay gây chảy máu, phát ban do nhiệt gây ra làm tổn thương mạch lạc như nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra đỏ đầm và có máu trong các bệnh truyền nhiễm.

– Hay gây ra bệnh nhiễm trùng: Mụn nhọt, viêm họng, viêm phổi, nhiễm độc thần kinh, chảy máu, mắt đỏ, sợ nóng, khát nước.

– Hỏa thường đi kèm với: Thấp hỏa, phong hỏa, táo hỏa và thử hỏa.

B. Hư hỏa

Cũng do mất quân bình âm dương, nhưng trường hợp này do âm suy giảm xuống dưới mức quân bình, trong khi phần dương vẫn bình thường, gây ra dương cao hơn phần âm. Phần cách biệt giữa phần dương và âm này gọi là hư hỏa.

Hư hỏa có những đặc tính sau: Âm hư sinh nội nhiệt, thường cảm thấy hâm hấp nóng về chiều, nhưng nếu đo độ thì không thấy cách biệt bao nhiêu, gò má đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, nhức trong xương, ra mồ hôi trộm về đêm, ho khan, họng khô, lưỡi đỏ, không rêu và khô, đắng miệng…

1) Ðắng miệng do tâm hỏa

Miệng đắng, mất ngủ do tâm hỏa vượng. Tâm thuộc hành hỏa, khi hỏa vượng, nhịp đập của tim sẽ nhanh hơn và làm thần không có chỗ tàng, nên ngủ không được, chóng mặt, ăn không biết ngon, tâm thần mệt mỏi, hoảng sợ, buồn phiền…

Lưỡi bệnh nhân đỏ và không có rêu lưỡi. Mạch sác.

Trong trường hợp mất ngủ này chúng ta phải thanh tâm hỏa và an tâm bằng cách dùng bài thuốc sau:

Thiên Vương Bổ Tâm An
Sinh địa 12 grs
Nhân sâm 9 grs
Thiên môn đông 9 grs
Mạch môn đông 9 grs
Huyền sâm 6 grs
Ðan sâm 6 grs
Phục linh 9 grs
Viễn chí 9 grs
Ðương qui 9 grs
Ngũ vị tử 9 grs
Bá tử nhân 9 grs
Cát cánh 9 grs
Toan táo nhân 9 grs
Chu sa 6 grs

– Sinh địa, mạch môn đông, thiên môn đông, huyền sâm thanh tâm hỏa, miệng hết đắng và ngủ ngon.
– Ðan sâm, phục linh, bá tử nhân, viễn chí, toan táo nhân, chu sa: an tâm và chấn thần.
– Ðương qui, ngũ vị tử, cát cánh: bổ tâm huyết và phế và tì khí.

2) Ðắng miệng do vị hỏa uất kết

Ðắng miệng, no đói đều đau dạ dầy, đã kéo dài nhiều năm, vào khoảng bốn giờ sáng làm đau và xót dạ dầy, phải dạy ăn uống chút đỉnh và uống thuốc tây chỉ bớt đau tạm thời. Thỉnh thoảng bị đi cầu ra đen như bùn, hôi tanh mùi máu. Nếu nghỉ ngơi, ăn cháo nhẹ thì đôi khi hết chảy máu, nếu không hết, phải vào bệnh viện để cho thuốc cầm máu và đôi khi phải vô máu, một vài ngày mới về. Người mệt mỏi, chán nản, hay đau đầu phần trước trán. Ăn chua vào là đau và khó chịu.

Mặt xanh, ăn được nhưng khi ăn vào thì lại khó chịu. Ðã đi soi bao tử, nhưng bác sĩ nói chưa cần phải mổ bao tử. Tinh thần chán nản vì ăn uống không được và đau.

Biện chứng: Hỏa kết, khí uất và khí không thông.

Phương pháp trị: Thanh nhiệt, lý khí, dưỡng huyết kiện tì.

Bình Vị Gia Giảm
Thương truật 9 grs
Hậu phát 9 grs
Trần bì 9 grs
Cam thảo 6 grs
Ngũ linh chi 9 grs
Bổ hoàng (sao đen) 9 grs
Qui vĩ 12 grs
Ðan sâm 12 grs
Hoài sơn 12 grs
Ý dĩ nhân 12 grs
Mộc hương 9 grs
Hải phiêu tiêu 12 grs
Chỉ xác 9 grs
Hương phụ 9 grs
A giao 9 grs
Ðịa du (sao đen) 9 grs

– Thương truật, hậu phát, trần bì, cam thảo: Bổ tỳ khí, kiện toàn tiêu hóa.
– Bồ hoàng, qui vĩ, a giao, địa du: Hàn gắn những chỗ loét và bổ máu.
– Hương phụ, chỉ xác, mộc hương: Tản khí trung tiêu uất kết gây hỏa.
– Hải phiêu tiêu: Chống a-xít trong dạ dầy.
– Ý dĩ nhân, hoài sơn: Bổ thận và tỳ khí.
– Ðan sâm: Am tâm, giảm căng thẳng tinh thần.

3) Ðắng miệng do thận âm suy

Ðắng miệng vì thận âm suy, âm không đủ để thăng lên trên và dương không giáng xuống dưới được nên gây ra chân hay bị lạnh, nóng ở gan bàn chân, gan bàn tay và phần trước và sau ngực.

Ngủ không ngon giấc, nếu thận suy nhiều thì đôi khi thức trắng đêm, đi tiểu nhiều lần nhất là về đêm, phừng mặt để lâu gây nám mặt, dưới mắt quầng đen, miệng, lưỡi khô, khát nước, nhưng không uống nhiều. Nếu giả nhiệt nhiều thì bị lở miệng, lở lưỡi làm ăn uống trở ngại, đau miệng, thắt lưng đau và yếu, chân yếu bất lực, chóng mặt, váng đầu, ù tai, mắt khô và mờ nhất vào buổi chiều, ăn lúc ngon lúc không, mệt mỏi, đau nhức mình và chân tay, đàn ông xuất tinh sớm, đàn bà lạnh cảm và ra mồ hôi đêm. Lưỡi đỏ và khô. Mạch vi và sác.

Phương Thang
Sơn thù du 9 grs
Mẫu đơn bì 9 grs
Phục linh 9 grs
Trạch tả 9 grs
Hoài sơn 9 grs
Thục địa 18 grs
Trúc nhự 9 grs
Cát căn 9 grs
Hoàng cầm 6 grs
Ðại táo 3 trái

– Thục địa: Bổ thận và gia tăng lượng huyết, giảm đau.
– Sơn thù du: Ôn gan và giúp tăng cường sức mạnh cho thận.
– Mẫu đơn: Thanh nhiệt và giảm huyết nóng.
– Sơn dược: Bổ tì và tăng cường thận.
– Phục linh: Gia tăng tiểu tiện, giảm sưng, giảm thấp nhiệt trong tì.
– Trạch tả: Lợi tiểu, bồi bổ tai, giảm ù tai, mắt bớt khô và mờ.
– Trúc nhự, cát căn, hoàng cần: Thanh nhiệt tì vị, trị đắng miệng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT