Thursday, March 28, 2024

Giải nhiệt cho xe: Nước hay coolant?

 


Phạm Ðình


 


Hỏi: Có lần người thợ máy lấy nước lã đổ vào bình coolant của tôi. Tôi hỏi thì anh ta đáp, cũng như coolant vậy thôi. Người thợ nói có đúng không?


Ðáp: Như bạn biết, đầu máy xe không thể làm việc nếu không được giải nhiệt đúng mức. Hệ giải nhiệt trong xe dùng một chất lỏng gọi là coolant để làm mát máy. Nhưng cũng có người dùng nước lạnh thay cho coolant. Ðó là khi xe bị overheat dọc đường, đang chạy mà thấy khói ở đầu xe bốc lên nghi ngút, mở nắp đậy đầu xe thì khói trắng ẩn nấp ở đó từ bao giờ, thừa dịp tung ùa ra, trắng xóa cả mặt mày người chủ xe. Nhưng đó là trường hợp khẩn cấp, không tìm ra coolant mới đành chịu, phải dùng nước lã ra tay “cứu bồ” để xe có thể tạm thời chạy đi hoặc chạy về. Hơn nữa, để tới lúc đầu máy xe “overheat” coi như tử thần đã gõ cửa, thời gian hoạt động của đầu máy chẳng còn bao nhiêu thì dùng nước lã hay coolant cũng chẳng khác gì nhau. Nếu lúc bấy giờ tìm được nước thần đổ vào máy, may ra tình trạng overheat mới được chữa lành mà thôi.


Ðó là trường hợp duy nhất ta có thể dùng nước lạnh thay thế coolant. Vậy mà thợ máy của bạn, trong khi kiểm tra dầu nhớt xe, y ta dùng nước lạnh để chế thêm vào két nước thì quả thực là vô lương tâm, và tỏ ra chẳng hiểu biết gì về một công tác bảo trì căn bản nhất và dễ dàng nhất.









(Hình minh họa: Uwe Meinhold/AFP/Getty Images)


Tại sao lại phải dùng coolant mà không thể dùng nước trong hệ giải nhiệt? Sau đây là một vài ưu điểm của Coolant so với nước:


1. Chịu nóng với nhiệt độ cao hơn


Ðúng vậy, khả năng chịu đựng một sức nóng cao trước khi sôi phải được kể là một ưu điểm của coolant so với nước. Bởi vì khi sôi lên là chất lỏng bắt đầu bốc hơi, và không còn có thể hoạt động hữu hiệu – làm mát máy – được nữa. Nói một cách khác, chất lỏng có độ sôi càng cao thì càng hữu hiệu hơn trong việc bảo vệ đầu máy. Coolant đáp ứng điều đó. Trong “hỏa ngục” nóng cháy của đầu máy, khi nhiệt độ lên tới 100 độ C (tương đương 212 độ F), nước lã sẽ sôi lên và hoàn toàn bị vô hiệu hóa, thì coolant – bắt đầu sôi ở 135 độ C (276 độ F) vẫn có thể lưu chuyển dễ dàng để làm nhiệm vụ. Sự bền bỉ của coolant đặc biệt cần thiết trong những tháng nóng mùa Hè hoặc khi bạn lái xe đi chơi xa, là lúc đầu máy xe xả thêm hơi nhiệt đòi hỏi sức chịu đựng “kiên cường” hơn của coolant.


2. Chịu lạnh với nhiệt độ thấp hơn


Khi nhiệt độ xuống thấp, một số chất lỏng đông đặc lại, và khi đông đặc (freeze) thì tăng thể tích. So sánh giữa nước lã và coolant, thì nước lã chịu lạnh kém hơn, đông đặc sớm hơn, cụ thể như sau:


-Nước đông đặc khi nhiệt độ xuống tới 0 độ C (tức 32 độ F).


-Coolant đông đặc ở -64 độ C (tương đương -84 độ F) khi được pha ở tỷ lệ tối ưu (70% antifreeze và 30% nước).


Ở các tiểu bang miền Ðông Hoa Kỳ, nhiệt độ mùa lạnh có thể xuống tới -25 độ C (tương đương -13 độ F). Nếu tài xế dại dột dùng nước lã thay vì Coolant, khi nhiệt độ xuống tới 0 độ, hệ thống giải nhiệt (cooling system) trong xe đã đông đặc lại thành đá, và trương phình khiến các ống dẫn nước vỡ toác, két nước hư hại, thậm chí có thể làm khối kim loại đúc đầu máy nứt ra nữa. Nhưng với một dung dịch nước coolant được pha chế đúng tỷ lệ thì 0 độ C vẫn chưa thấm thía vào đâu, thậm chí -25 độ C (tức -13 độ F), coolant vẫn lưu chuyển nhẹ nhàng, không làm hư hại hệ giải nhiệt và đầu máy. Chính vì vậy mà Coolant còn được gọi là antifreeze (chống đông đá).


3. Chống ăn mòn


Coolant được pha thêm hóa chất có khả năng chống ăn mòn. Nước lã không được như vậy, đã không có hóa chất chống ăn mòn, nước lại còn chứa nhiều khoáng chất (minerals) ăn mòn những bộ phận mà nước tiếp xúc, rất nguy hại cho hệ giải nhiệt và đầu máy.


4. Sự tiện lợi


So sánh về tiện lợi, chúng ta đành phải nói nước tiện lợi hơn. Chẳng hạn giữa đường xa lộ thênh thang, bạn chợt khám phá ra kim chỉ nhiệt đang mỗi lúc mỗi nhích lên cao do hệ thống giải nhiệt trong xe thiếu nước coolant. Trong tình cảnh đáng sợ đó, bạn táp xe vào lề, và nhấc hood (nắp đậy đầu máy) lên cho đầu máy tự giải nhiệt. Giữa lúc ấy có một chiếc xe truck tạt ngang, dừng lại bên cạnh, và từ đó xuất hiện một ông tiên với một bình nước lạnh thật lớn. Ông tiên tiếp nước vào hệ thống sắp cạn khô trong chiếc xe, rồi mỉm cười “say good-bye” mà không lấy một đồng lệ phí nào cả (tốt lành và dễ thương như vậy mà không phải là tiên thì là gì?). Trong lúc cần kíp đó, dĩ nhiên bạn không thể đòi hỏi phải đúng coolant mới tiếp nhận. Ðó là sự tiện lợi của nước, nước có thể cung cấp miễn phí, nhưng coolant thì ngay cả “tiên” cũng chẳng có sẵn để “cho không biếu không.”


Như vậy tại sao chúng ta lại không thể trở thành “tiên” cho chính mình? Bằng cách lúc nào cũng có sẵn một bình coolant để dành trong thùng xe, để khi nguy cấp là có ngay đồ xài! Chà, tiên này mới đúng thực là quyền phép! Ðành rằng nước coolant đắt hơn nhiều so với nước, nhưng nó cũng chẳng đắt tới mức những vị tiên chủ xe không thể có sẵn một bình để “sơ cua.”


 


Kết luận


 


Nói tóm lại, sau khi phân tích lợi ích giữa nước và coolant, bất cứ ai cũng có thể rút ra một câu kết luận về việc phải dùng thứ chất lỏng nào? Vào khi nào? Nếu bắt buộc phải dùng nước thay vì coolant, bạn phải rất chăm chú theo dõi nhiệt độ của đầu máy biểu hiện qua cây kim di chuyển trên đồng hồ chỉ nhiệt, và mực nước trong bình chứa (nếu đó là mùa Hè). Vào mùa Ðông, bạn lại càng cần phải theo dõi và tìm cách tháo nước ra nếu nhiệt độ bên ngoài sắp xuống tới mức đông đá. Không biết người thợ máy đổ nước vào hệ thống giải nhiệt của xe bạn có dặn bạn như vậy không?


Nếu vẫn quyết định dùng nước để giải nhiệt cho đầu máy, vì nước thì miễn phí trong khi coolant lại khá đắt đỏ, xin bạn hãy suy nghĩ tới những hậu quả trong tương lai: Tiết kiệm được mấy đồng lẻ mà để cho xe thiệt hại đến bạc ngàn, đó có phải là quyết định khôn ngoan không?


Một mặt khác, nếu dùng coolant để nâng cao khả năng giải nhiệt, góp phần bảo vệ đầu máy, chúng ta cần phải nhớ thêm điều này: Thay nước coolant định kỳ, khoảng 2 năm một lần. Khi thay xong, nhớ đổ coolant cũ vào một bình chứa riêng và mang đến một nơi thâu nhận dầu nhớt cũ. Ðừng đổ xòa ra đất: Coolant có thể ngấm xuống đất, làm hại nguồn nước ngầm, hoặc theo cống nước công cộng đổ ra sông, ra biển, làm hại các loài thủy sinh. Coolant là một hợp chất có tính độc hại. Coolant chưa dùng đến, phải được cất kỹ và bảo quản cẩn thận, đừng để cho trẻ em hoặc chó mèo đến nếm ngửi… Vì coolant có mùi thơm, có thể đánh lừa những thành phần thiếu phán đoán.


Phạm Ðình


[email protected]


Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho Phạm Ðình, PO Box: 9255, Fountain Valley, California 92728-9255. Tel: 714-837-1935. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT