Thursday, March 28, 2024

IRS và Phạt Ðền Tiền Tín Nhiệm


Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang cũng như đã nhiều lần diễn thuyết về các vấn đề giao dịch thương mại, ngân hàng, thuế và điều hành tài sản tại nước ngoài. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 930 W. 17th Street, Suite F, Santa Ana, CA 92706. Ðiện thoại: (714) 531-7080

IRS và Phạt Ðền Tiền Tín Nhiệm

Luật Sư LyLy Nguyễn

 
Trong tình trạng kinh tế suy thoái hiện nay, các doanh gia chủ nhân những nghiệp vụ nhỏ không có mấy vốn liếng thường gặp khó khăn làm ăn ế ẩm khiến ngân quỹ điều hành lần hồi thiếu hụt không đủ trả lương cho nhân viên hay trả tiền mướn cơ sở cũng như đặt hàng tồn kho. Dĩ nhiên cách dễ dàng nhất là mượn tạm số tiền thuế lợi tức đã khấu trừ vào lương của công nhân trong những tháng trước nhưng chưa kịp nộp cho IRS, vì số tiền đó sẵn ngay trong tay không cần phải vay mượn ngân hàng cho lôi thôi. Trước tình thế này thông thường các chủ nhân không để ý đến hậu quả rắc rối với IRS, vẫn tưởng rằng tiền của mình, cứ dùng tạm ít lâu để đặt hàng hay sản xuất, hy vọng sẽ phất lại trong những tháng tới cho rằng lúc đó sẽ đóng cho IRS cũng không muộn. Có một số ít chủ nhân may mắn phất lại được rất đáng mừng, nhưng những số không may bị thất bại thì nhiều hơn vì kinh tế càng ngày càng tồi tệ, các hãng xưởng lớn nhỏ sa thải nhân viên hàng loạt nên chẳng ai còn tiền đi mua sắm, do đó thương nghiệp xuống dốc thê thảm, kết quả tiền vốn lần hồi cũng cạn theo. Số không may thất bại đó không còn cách nào hơn phải đóng cửa hãng, thanh toán tài sản trả cho các chủ nợ và nhân công nên chẳng còn tiền nộp cho IRS, tính rằng chắc chẳng ai làm khó người khánh tận. Nhưng ai nghĩ thế là nhầm lớn vì IRS sẽ chẳng bao giờ tha Tào, ngược lại còn là một chủ nợ khủng khiếp nhất như đã đề cập trước đây và có một điều luật phạt vạ rất nặng cho những hãng thâu tiền thuế lợi tức của nhân viên qua những lần phát lương nhưng không chịu nộp cho IRS gọi là Phạt Ðền Tiền Tín Nhiệm (Trust Fund Recovery Penalty) gọi tắt là phạt đền. Theo IRS khi trả lương nhân viên, chủ nhân đã được chính phủ tín nhiệm giao cho bổn phận thâu phần thuế đóng góp của công nhân, số tiền thuế này đã là của công, không còn là tiền của công ty nữa, do đó không nộp tiền này có nghĩa là làm thất thoát công quỹ là tiền nhân dân tín nhiệm nên khi IRS truy ra được thì phải phạt đền thật nặng.

Khi điều tra xác định phạt đền, luật pháp cho IRS được quyền tra xét các hồ sơ kế toán của công ty, thẩm vấn nhân viên liên hệ và buộc trách nhiệm cho chủ hãng, hay quản lý cũng như kế toán viên lẫn các nghi can khác mà chúng ta đã thấy qua các vụ Enron, WorldCom mới xảy ra gần đây. Theo luật, IRS có quyền gán trách nhiệm nợ thuế từ công ty sang cá nhân liên hệ để nắm lấy các người đó mà phạt. Theo điều luật thuế số 6672 tiền phạt đền bằng 100% số tiền thuế thu được của công nhân nên còn được gọi là 100% Payroll Penalty. Gần như hầu hết mọi trường hợp các hãng xưởng hoặc cửa hàng đóng cửa nhưng không trả tiền thuế đã khấu trừ lương của nhân viên hay tuy chưa đóng cửa vẫn còn hoạt động mà không đóng đúng hạn hay đóng trễ hạn đều bị IRS gán trách nhiệm cho cho các thành viên liên hệ. Hàng năm IRS phạt đền vào khoảng 50,000 vụ với số tiền phạt trung bình $21,000 cho mỗi vụ và $21,000 cho mỗi cá nhân liên hệ. Cũng nên lưu ý là sau khi định thuế cho một công ty IRS chỉ có quyền truy trong vòng ba năm rồi sau đó họ được 10 năm để truy thu.

Ðôi khi IRS gán cho nhiều người nhưng vẫn kể làm một cho bất cứ ai trong số đó. Thí dụ hãng Tinh Cầu đóng cửa mà còn thiếu $60,000 phạt đền trên tiền thuế thu của nhân viên nên IRS gán trách nhiệm cho bà Thành chủ hãng, ông Mậu quản lý và cô Bạch trưởng kế toán. Cả ba đều bị gán đồng đều $60,000 nợ đền sau đó IRS tìm cách truy người nào dễ nhất. Trong ba người ông Mậu có sẵn nhà cửa nên IRS tịch thâu trước đem đấu giá lấy $60,000 dù địa vị ông chỉ là quản lý ăn lương tháng chứ không phải là chủ. Dĩ nhiên bà chủ Thành và cô thư ký Bạch thoát nạn vì IRS không có quyền thâu hơn $60,000 nên ông Mậu chỉ còn nước đi kiện bà Thành và cô Bạch để đòi $40,000, nhưng đó kể như là chuyện riêng của ba người không dính dáng tới IRS nữa.

Phạt đền là một mục đáng sợ nhất của luật thuế vì chủ đích nhắm vào chủ nhân nhưng đồng thời cũng buộc luôn cả những nhân viên cấp dưới không dính dáng gì tới sở hữu công ty. Những cuộc điều tra về thuế thâu từ lương bổng công nhân đều do các viên chức IRS đảm trách nên họ khởi đầu lập ngay một danh sách những người có thẩm quyền ký ngân phiếu thanh toán các khoản chi của công ty. Họ đặt câu hỏi xem ai là người quyết định về tài chánh ở hãng, ai ký hoặc có thẩm quyền ký trương mục vãng lai của hãng, ai có thẩm quyền trả hay chỉ thị người ký trả các khoản chi và ai là người có nhiệm vụ lập báo cáo thuế lợi tức thâu của công nhân cho IRS. Ðiều tra viên có quyền thẩm vấn tất cả những người có phần vụ dính dáng tới các vấn đề trên và truy cứu các tài liệu thâu thập được ở ngân hàng xem chữ ký trên các chi phiếu thực sự do ai ký. Sau khi lập được danh sách nghi can, điều tra viên bắt đầu loại trừ những người không liên đới, chỉ giữ lại những người bị tình nghi có ý đồ trì hoãn nộp thuế này. Chữ ý đồ theo IRS không có nghĩa là chỉ không chịu trả tiền thuế đã thâu, mà còn có nghĩa là biết trách nhiệm phải nộp cho IRS nhưng không chịu nộp. Với lối suy luận này IRS đã có thể buộc một nhân viên kế toán quèn lương $100 một tuần phải gánh một món nợ phạt đền khổng lồ tính trên lợi tức nhân viên toàn hãng cộng thêm 100% tiền phạt vì IRS lý luận rằng nếu người này đã có quyền ký trả các khoản chi khác thì cũng có quyền ký trả tiền thuế thâu của nhân viên, nay không chịu nộp cho IRS là có ý đồ không muốn trả! Có rất nhiều người có tiếng mà không có miếng phải chịu nổi oan Thị Kính như trong trường hợp sau đây đã xảy ra tại Nam Cali.

Quán ăn Hoàng Hôn một thời rất đắt hàng ở quận Cam trước đây do ông bà Cẩm làm chủ, có hùn chung với một người đàn ông trung niên là Bính. Vào thời vàng son nhất của quán, Bính đề nghị mua lại phần hùn của ông bà Cẩm để dành làm chủ một mình. Ông bà Cẩm vì đã già muốn về hưu nên bằng lòng nhường lại cho Bính với giá hùn lúc đầu. Bính vốn là tay lanh lợi chuyên môn làm ăn tắt nhưng có tật chơi thì nhiều hơn làm, anh ỷ quán đắt hàng nhờ tay người làm quán xuyến nên lơ là không ngó ngàng gì đến quán xá cứ bỏ mặc nhân viên tự xoay sở lấy, cuối cùng tiền bạc bê bối các món nợ của các nhà cung cấp thực phẩm và bia rượu đều trễ, ngay cả tiền thuế liên bang thâu vào lương của mười hai nhân viên từ đầu bếp, chiêu đãi viên cũng trễ luôn. Phụ tá điều hành là cô Tuyết, một nhân viên kỳ cựu nhất từ ngày mở quán. Cô Tuyết khởi đầu làm hầu bàn, sau ba năm dù leo lên được làm phụ tá cho chủ nhưng Bính trả lương cho cô rất khiêm nhượng, chỉ có $1,400 một tháng. Vì quán thường có lệ mua bia rượu và thực phẩm theo kiểu trả tiền mặt khi giao hàng (COD) nên mỗi khi Bính vắng mặt thường ủy quyền cho Tuyết quyền ký chi phiếu để thanh toán. Cô Tuyết không mấy yên tâm khi lãnh nhiệm vụ này nhưng không biết làm sao hơn vì Bính vắng mặt thường xuyên, không ký thì không có bia rượu và đồ nấu cho thực khách thì kể như mất việc sớm. Một ngày nọ có một người của IRS đến quán tìm Bính nhưng không có mặt. Viên chức IRS ra lệnh khóa cửa quán bắt nộp $2,000 tiền thuế lợi tức thâu trong lương của nhân viên nhưng chưa nộp cho IRS. Tuyết trả lời rằng cô được lệnh chỉ ký chi phiếu trả tiền đồ tiếp liệu mỗi khi nhận giao hàng mà thôi. Có lần trước đó Bính thỉnh thoảng từng điện thoại cho Huệ là thư ký kế toán dặn cho phép Tuyết thay mặt mình ký trả lương cho nhân viên khi Bính đi vắng, nên Tuyết bèn hội ý với các nhân viên có mặt lúc đó lấy ý kiến giải quyết vấn đề khẩn cấp. Tất cả đều đồng thanh xúi Tuyết cứ ký chi phiếu trả $2,000 cho IRS để được mở quán tiếp tục làm ăn nên Tuyết chịu ký. Vài tháng sau tình trạng bê bối vẫn tiếp diễn, càng ngày càng ế nên quán Hoàng Hôn lại bị viên chức IRS đó đến khóa cửa nữa, lần này thì đóng vĩnh viễn vì Bính đã lặn luôn bỏ Cali trốn về Hawaii do quá nhiều nợ. Quán ăn Hoàng Hôn từ đó đóng cửa, các nhà cung cấp rượu và thực phẩm cắt đứt việc giao hàng, tất cả nhân viên từ đầu bếp đến chiêu đãi viên đều tự động giải tán. Tuyết cũng phải đi xin việc khác làm công nhân ráp đồ tại một hãng điện tử. Vài tháng sau Bính bị cảnh sát Hawaii truy nã và câu lưu chờ ngày ra tòa do nhiều đơn thưa ở Cali về tội quịt nợ và lường gạt.

Câu chuyện tưởng thế là xong, ai dè hai năm sau một hôm có một người ăn mặc đàng hoàng lịch thiệp đến tìm Tuyết tại nhà và tự giới thiệu là nhân viên IRS. Khác hẳn với người trước có vẻ thô lỗ, viên chức này ăn nói rất dịu dàng và lễ độ. Ông ta bảo đến để hỏi lại vài chi tiết về quán ăn Hoàng Hôn và xin phép được nói chuyện với Tuyết một vài câu thôi. Sau cuộc phỏng vấn ông nhẹ nhàng chỉ cho Tuyết ký vào biên bản rồi trấn an là thủ tục không sao đâu, sau đó cúi đầu chào lịch sự kiếu từ ra về. Hai tháng sau, một hôm Tuyết nhận được trong hộp thơ do bưu điện giao đến một biên bản đề nghị phạt đền thuế lợi tức thu của nhân viên thời quán Hoàng Hôn còn mở cửa, theo đó Tuyết bị buộc một khoản tiền khổng lồ $128,000 gồm tiền thuế của nhân viên quán cùng với 100% tiền phạt cùng thêm tiền lãi. Lúc đó Tuyết mới ngã ngửa chết sững người, cô không tin những gì đã đọc trong lá thư của IRS vì với 28 tuổi đời, cô đang ở share phòng với một người bạn gái, lương làm công $350 một tuần, tài sản duy nhất ngoài một số quần áo và đồ dùng cá nhân cô chỉ có một chiếc xe Honda Civic cũ đời 1985 làm phương tiện đi làm, nay bị buộc vào món nợ này mà riêng tiền phạt không thôi tính ra đã trên $1,500 một tháng thì lấy đâu ra mà trả, nếu có trả thì suốt đời cũng chẳng dứt được nợ.

Cuối cùng Tuyết tìm đến một luật sư thuế cầu cứu. Nhận thấy trong vụ này cô Tuyết rõ ràng vô can nhưng kẹt một điều là cô đã lỡ ký vào tờ biên bản, chính đó là mẫu 4180 mà IRS dùng để làm biên bản điều tra, người bị xác định chịu trách nhiệm phải ký nhận vào đó mà Tuyết vô tình không hiểu đã ký vào vì tin vào thái độ lịch duyệt dịu dàng của viên chức IRS thứ hai. Luật sư nghĩ đến việc kiếm nhân chứng giúp biện hộ nỗi oan tình cho Tuyết, may thay tìm được ông bà Cẩm là một trong những chủ cũ ở quán Hoàng Hôn ngày trước. Ông Cẩm bằng lòng viết giấy làm chứng xác nhận có biết rõ địa vị và trách nhiệm của cô ngày trước theo đó Tuyết không phải là người có nhiệm vụ và thẩm quyền trả thuế ở quán đó. Chính kế toán viên là cô Huệ mới đúng là người phụ trách kế toán chi thu, nhưng may cho Huệ là cô không bao giờ ký bất cứ chi phiếu nào của quán nên IRS không buộc được cô. Huệ cũng xác nhận với IRS là Tuyết chỉ được ủy quyền ký chi phiếu trả tiền bia rượu, nước ngọt và thực phẩm tươi mua theo kiểu COD thôi, còn Bính mới là thẩm quyền duy nhất ký trả tất cả mọi khoản chi cho tiệm. Trong buổi phán quyết luật sư nêu ra tờ khai của Tuyết cùng lời làm chứng của ông Cẩm và cô Huệ. Tuyết cũng khai có ký trả một lần $2,000 cho viên chức IRS nhưng do áp lực sợ quán bị khóa cửa không buôn bán được và có đồng ý của tất cả nhân viên ở quán lúc đó. Cuối cùng cô Tuyết được tuyên bố miễn khỏi trách nhiệm món phạt đền của quán Hoàng Hôn vì những tình lý trên mà suýt nữa cô bị lâm vào mạt lộ. Tuy nhiên phần lớn kết quả những vụ phạt đền không được kết cuộc vui vẻ như trường hợp của Tuyết. Ðiều nên làm trước nhất cho những ai nắm giữ tài chánh của một nghiệp vụ hay công ty là hãy thanh toán thuế lợi tức của công nhân trước nhất cho IRS để được yên ổn làm ăn vì qua nhiều phần tìm hiểu luật thuế trước, quí vị đã thấy IRS là một chủ nợ mạnh và khủng khiếp nhất. Nếu chẳng may bị dính vào một vụ tương tự thì nên tìm ngay một luật sư chuyên môn để tìm cách gỡ rối.

Ðây là bài chót trong loạt tìm hiểu luật thuế, khởi sự tuần tới chúng tôi sẽ đổi sang đề mục khác tiếp tục tìm hiểu ảnh hưởng luật pháp Hoa Kỳ đối với cộng đồng người Việt.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 930 W. 17th Street, Suite F. Santa Ana, CA 92706, ÐT: (714) 531-7080.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT