Thursday, March 28, 2024

Lãi suất lại thấp kỷ lục, nhưng người được vay ít đi



Ngô Ðồng/Người Việt


 


Những tuần lễ gần đây, lãi suất tài trợ địa ốc liên tục xuống thấp hơn, lập những kỷ lục thấp mới trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.



Tuần lễ vừa qua, lãi suất thấp trung bình trên cả nước là 3.21% cho chương trình tài trợ 30 năm lãi suất cố định. Tuần lễ trước đó từng có kỷ lục thấp là 3.34% bị phá kỷ lục ở tuần lễ sau. Một năm trước chương trình này có lãi suất trung bình là 3.98% theo bản khảo sát thị trường cả nước của Freddie Mac.


Chương trình tài trợ 15 năm lãi suất cố định, tuần qua, có lãi suất trung bình là 2.63%. Một tuần lễ trước đó có lãi suất trung bình là 2.65%. Một năm trước, chương trình này có lãi suất trung bình là 3.30%, theo thống kê của Freddie Mac.


Trên thực tế, rất nhiều công ty tài trợ địa ốc đang có lãi suất 3% cho chương trình 30 năm lãi suất cố định, và từ 2.25% đến 2.50% cho chương trình 15 năm lãi suất cố định. Tuy nhiên, để vay được những mức lãi suất thấp kỷ lục như thế, người có nhu cầu vay tiền cần nhiều điều kiện xuất sắc mà nhà tài trợ đòi hỏi. Nếu không, phải vay với lãi suất cao hơn, hoặc có thể bị từ chối nếu có điều gì làm họ ngần ngại.


Theo một bản khảo cứu của Hiệp Hội Ngân Hàng Tài Trợ Ðịa Ốc (Mortgage Bankers Association) cách đây ít ngày, số người được cho vay tiền để mua nhà, trong tuần lễ giữa tháng 11, 2012 giảm mất 3% so với tuần lễ trước đó, và giảm 6% so với một năm trước.


Trong hai bài diễn văn đọc tại hai nơi khác nhau vào dịp này, ông Ben Bernanke, chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve thường được gọi tắt là Fed) mà cũng là chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ đã cảnh cáo rằng, tiêu chuẩn cho vay tiền quá chặt chẽ và thị trường vẫn còn nhiều nhà bị ngân hàng xiết nợ đang là những trở ngại cho sự phục hồi kinh tế.


Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị HOPE Global Financial Dignity Summit ở thành phố Atlanta, thủ phủ tiểu bang Georgia, ông cho hay những dấu hiệu đáng khích lệ của thị trường gồm có nhiều người muốn mua nhà dù giá nhà leo thang, một phần, nhờ lãi suất được giữ ở mức cực kỳ thấp. Tuy nhiên, cứ 1 trong 5 người chủ nhà vẫn còn có trị giá nhà thấp hơn món tiền đang nợ. Có khoảng 7% tất cả các người chủ nhà đang nợ thế chấp, hiện đã không trả tiền cho chủ nợ quá 90 ngày. Tuy số lượng nhà bị ngân hàng xiết nợ đang giảm xuống nhưng vẫn còn khoảng 2 triệu đơn vị chờ bị xiết.


Với nhiều khó khăn kinh tế, tỉ lệ người dân làm chủ căn nhà của họ đã giảm xuống 4% từ 2004 cho đến nay.


Theo ông Bernanke, tỉ lệ người làm chủ nhà giảm xuống không những vì người ta bị xiết nợ mất nhà, mà còn vì rất nhiều người không vay nổi tiền. Các nhà tài trợ đòi hỏi điều kiện nhiều người không vượt qua nổi.


Sau khi hơn 100 ngân hàng và công ty tài trợ lớn nhỏ sập tiệm năm 2006 và 2007 vì cho vay quá dễ dãi, người ta đã bỏ nhà hàng loạt, hệ thống ngân hàng trên cả nước đã vội vã siết chặt các tiêu chuẩn cho vay. Cho đến bây giờ, họ không hề nới lỏng tí nào dù các nhà kinh tế cũng như giới chức Fed khuyến cáo không nên chặt chẽ quá.


Theo sự khảo cứu của định chế liên bang Ellie Mae, những người được vay tiền (sau đó ngân hàng hay công ty tài trợ bán nợ thế chấp lại cho Fannie Mae và Freddie Mac) có điểm số tín dụng (FICO) trung bình 762 hồi tháng 10, 2012. Ðây là mức điểm số tín dụng rất cao trên thang điểm từ 300 đến 850. Những ai vay qua các chương trình được Tổng Cục Gia Cư (FHA) vốn có tiếng dễ dãi hơn, cũng có điểm số tín dụng (FICO) trung bình 700.


Hồi tháng 4 vừa qua, ông Bernanke từng phàn nàn rằng có gần 60% các nhà tài trợ không chịu cho người ta vay tiền mua nhà nếu họ chỉ trả trước (downpayment) có 10% hay ít hơn, hoặc là điểm số tín dụng chỉ có 620 hoặc thấp hơn.


Ông đồng ý với nguyên tắc phải cứu xét cẩn thận để tránh cho vay nhầm lẫn những trường hợp người ta không trả nổi nợ mà vẫn nhắm mắt cho vay. Tuy nhiên, chặt chẽ quá thì sẽ có rất nhiều người đáng được vay vẫn bị đẩy ra ngoài.


Ở một mặt khác, các công ty tài trợ buộc lòng phải siết mạnh tay khi cứu xét đơn xin vay. Họ bị các đại gia mua lại nợ thế chấp bắt “nuốt” lại những món nợ xấu nếu con nợ ỳ ra không trả.


Các tin tức gần đây nói rằng đang có những thảo luận để những đại gia như Fannie Mae, Freddie Mac không quá ngặt nghèo khi trả lại các món nợ xấu cho công ty tài trợ nào đã lỡ cho vay. Nếu được vậy thì người ta mới yên trí mà nới lỏng tiêu chuẩn.

MỚI CẬP NHẬT