Wednesday, April 24, 2024

Lợi và hại khi khai phá sản

 


Luật Sư LyLy Nguyễn


 





LTS – Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Bảo Vệ Tài Sản, Luật Thương Mại cho các công ty hoặc tiểu thương, cố vấn điều hành tài sản, bênh vực thân chủ trong những vụ rắc rối khi bị kiểm tra thuế, kế hoạch địa ốc, khai phá sản và luật gia đình. Luật Sư LyLy còn thay mặt cho thân chủ trong các vấn đề liên quan đến Thuế Lợi Tức Cá Nhân (Income Tax), Thuế Trả Nhân Công (Employment Tax), Thuế Mua Bán (Sale And Use Tax) Và Thuế Tài Sản (Estate Tax), ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang, cũng như đã nhiều lần diễn thuyết về các vấn đề giao dịch thương mại, ngân hàng, thuế và điều hành tài sản tại nước ngoài. Ngoài ra LyLy Nguyễn còn rất giàu kinh nghiệm về Luật Gia Ðình với các vụ ly dị có con nhỏ và có tranh chấp tài sản; Luật Khánh Tận với Chương 7 hay Chương 13. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 2009 North Broadway, Santa Ana, CA 92706. ÐT: (714) 531-7080.




 


Khai phá sản theo Luật Khánh Tận Hoa Kỳ hiển nhiên là một giải pháp đắc dụng giúp giải cứu những người đang túng quẫn vì ngập nợ, tuy nhiên cũng có một số nợ mà phá sản không đụng tới được. Ðối với người đang bị khủng hoảng tài chánh không có tiền trả nợ thì việc khai phá sản hiển nhiên có nhiều điều lợi. Ðiều lợi đáng kể nhất khai phá sản giúp cho một số rất đông người nợ có cơ hội xây dựng lại sự nghiệp tiền bạc từ đầu.


Những người hội đủ điều kiện khai phá sản theo Chương 7 thì có thể được tòa án cho giải nợ tức là được xóa đi một cách hợp pháp phần lớn các món nợ loại không thế chấp điển hình như nợ thẻ tín dụng. Người ấy còn được giữ lại một số tài sản “miễn trừ” được ấn định tùy luật tiểu bang theo đó nhiều tiểu bang mô tả rất khác nhau những món tài sản nào mà người khai phá sản được giữ. Nên nhớ trong vài trường hợp Luật Khánh Tận mới đặt nhiều tiêu chuẩn và điều kiện khó khăn hơn trước để ngăn cản bớt số người xin giải nợ theo Chương 7 Luật Khánh Tận liên bang.


Một lợi điểm lớn khác nữa của khai phá sản là bảo vệ cho người nợ không bị chủ nợ quấy nhiễu. Ngay từ lúc đặt bút ký tên vào đơn xin thì mọi hành động đòi nợ của chủ nợ phải ngưng ngay do mãnh lực của điều luật gọi là “tự động đình chỉ (automatic stay)” có hiệu quả ngăn chận mọi hoạt động đòi nợ tức khắc kể cả xiết nhà lẫn câu xe.


Nếu chủ nợ nào ương ngạnh không thi hành theo luật thì sẽ bị kết tội bất tuân lệnh tòa án và bị phạt bồi thường thiệt hại. Luật tự động đình chỉ áp dụng cho nhiều loại nợ kể cả nợ vay tiền mua xe. Nếu người nợ đã trả nợ đều đặn hàng tháng và tiếp tục trả món nợ có thế chấp ấy thì chủ nợ có khuynh hướng muốn tiếp tục đòi nữa. Tuy nhiên nếu có tháng thiếu chưa trả thì chủ nợ thường nộp đơn xin tòa án cho ngưng luật này để họ có thể hoặc câu xe hoặc thương lượng lại món nợ.


Ngoài ra luật liên bang còn bảo vệ cho người khai phá sản không bị mất việc làm vì lý do thuần túy là khai phá sản. Vì vậy tạm thời ít ra chủ nợ không có quyền chận lương, tịch biên trương mục ngân hàng, câu xe hay đuổi nhà cũng như truất hữu các đồ đạc khác hoặc cắt điện nước hay các nhu cầu tiện nghi hoặc ngăn chặn tiền trợ cấp xã hội của người nợ. Tuy nhiên cũng có một số điều khoản mà luật tự động đình chỉ bị hạn chế không ngăn ngừa được.


Trường hợp một người thuê nhà thiếu tiền nhà vài tháng rồi khai phá sản thì luật tự động đình chỉ có ngăn chủ nhà trục xuất người thuê hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào sự kiện chủ nhà mới dọa đuổi hay là đã kiện ra tòa xin tiến hành thủ tục trục xuất. Nếu mới dọa thì luật tự động đình chỉ có hiệu lực và chủ nhà không làm gì được người thuê cho đến khi vụ khai phá sản hoàn tất.


Ngược lại theo luật mới khi chủ nhà đã nộp đơn kiện ở tòa án tiểu bang thì tòa án thường chuẩn y cho lệnh trục xuất. Sau đó dù người thuê khai phá sản thì chủ nhà vẫn có quyền đuổi nhà trừ phi người thuê làm được hai điều:


1- Nộp đến Tòa Khánh Tận kèm theo đơn khai phá sản một giấy chứng nhận điều khoản trong hợp đồng cũ người thuê có quyền tái lập (reinstate) hợp đồng bằng cách trả số tiền nhà còn thiếu.


2- Nộp tất cả số tiền nhà còn thiếu đó cho vị biện lý để chuyển cho chủ nhà. Dĩ nhiên nếu chủ nhà muốn giữ ý định đòi nhà thì vẫn có quyền phản đối và tòa án phải quyết định trong vòng mười ngày hoặc cho người thuê tái lập hợp đồng hoặc cho chủ nhà thâu hồi lại căn nhà.


Giả sử chủ nhà thắng kiện cho trục xuất thì người thuê lại phải nộp một giấy chứng nhận thứ nhì trong vòng 30 ngày sau ngày khai phá sản và xác nhận rằng phần lỗi trả chậm tiền nhà trước đó là nguyên cớ cho chủ nhà đòi trục xuất thì nay đã sửa lỗi rồi, tiền trả thiếu cũng đã thanh toán xong. Tuy vậy ngay cả sau lúc nộp đơn lần thứ hai, chủ nhà vẫn có quyền phản đối nếu không thay đổi ý định đòi nhà và cũng như lần trước, tòa án lại phải cứu xét trong vòng 10 ngày để quyết định cho bên nào thắng kiện.


Ðồng thời luật mới cũng có điều khoản nếu chủ nhà đã tiến hành thủ tục trục xuất trước khi người thuê khai phá sản với lý do người thuê làm căn nhà bị nguy hiểm vì dùng hay cho phép người khác dùng các chất liệu cấm trong phạm vi nhà đó thì chủ nhà chỉ cần nộp cho vị biện lý của tòa án một bản chứng thực sự kiện là đủ.


Sau đó chủ nhà có thể xúc tiến trục xuất trong vòng 15 ngày nếu người thuê không phản đối. Cũng cần nói rõ rằng luật pháp có cho hạn định 15 ngày và trong buổi phán quyết, người thuê phải trình trước tòa giấy chứng nhận đã chấn chỉnh tình trạng hoặc không còn nguy hiểm như lúc trước nữa. Vào lúc này tất cả đều tùy thuộc vào quyết định của tòa án có cho chủ nhà tiếp tục trục xuất hay không. Nên nhớ hạn định của những hoàn cảnh này thì rất ngắn ngủi cho nên cần tìm luật sư kinh nghiệm giúp đỡ giải quyết vấn đề.


Nói chung luật tự động đình chỉ tự động ngưng các vụ kiện đòi tiền của chủ nợ ngay khi nộp do đó nên nhờ luật sư hướng dẫn để nộp đơn cho kịp thời. Phần lớn – nhưng không phải là tất cả – nhiều vụ kiện bị hủy bỏ luôn sau ngày khai phá sản và nợ nần của người khai cũng được giải luôn. Tuy nhiên điều cần là phải nộp đơn xin phá sản trước khi tòa xử và ra phán quyết.


Luật tự động đình chỉ do các vụ khai phá sản có mãnh lực cấm cản tức khắc mọi hành động đòi nợ mà không cần đến giấy phép của tòa án. Người nợ có quyền nộp đơn khai phá sản bất cứ lúc nào để ngưng mọi hành động truy đòi miễn là trước ngày tòa xử. Kể ra nộp đơn khai phá sản sau ngày tòa đã xử cũng có thể lật ngược thế cờ nhưng vụ kiện sẽ rất phức tạp mà phần thắng thế không nắm được trong tay.


Trường hợp một cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa xin ly dị giữa lúc đang khai phá sản thì luật tự động đình chỉ vẫn có ảnh hưởng tới hai bên. Trên thực tế trong phần lớn các vụ ly dị, luật tự động đình chỉ ngăn không cho vợ chồng thi hành ly dị cho tới khi vụ phá sản kết thúc và luật đình chỉ được giải tỏa, mãn hạn, hay chấm dứt.


Tuy nhiên người hôn phối có quyền nộp đơn yêu cầu tới Tòa Khánh Tận xin giúp cho ngưng ảnh hưởng tự động đình chỉ để có thì giờ giải quyết vấn đề ly dị cùng tiến hành việc phân chia tài sản. Mặt khác nếu không xin lệnh tòa án giải tỏa luật tự động đình chỉ trước khi tiến hành thủ tục không miễn trừ trong vụ ly dị thì có thể bị tòa trừng phạt vì vi phạm luật này. Như vậy ảnh hưởng của luật phá sản và luật ly dị rất phức tạp do đó nên tìm luật sư chuyên môn về khánh tận và ly dị nếu có tính đến chuyện khai phá sản trong lúc đang tiến hành một vụ ly dị.


Về ảnh hưởng của khai phá sản đối với các thẻ tín dụng, theo nghiên cứu mới đây thì có khoảng một phần ba giới tiêu thụ có thành tích khai phá sản đã xin được thẻ tín dụng mới trong vòng 3 năm và vào khoảng 50% xin được thẻ sau 5 năm. Tuy nhiên điều kiện để được cấp thẻ thì bị ảnh hưởng rất nhiều vì khai phá sản, thí dụ như phải chịu lãi suất rất cao và giới hạn tín dụng (credit limit) thấp hoặc phải đóng tiền thế chân mới được cấp thẻ. Do đó những ai có thẻ kiểu này thì chỉ nên dùng trong những trường hợp cần thiết và nên cố gắng trả dứt hàng tháng đừng để tái diễn tình trạng ngập nợ như trước.


Dù rằng khai phá sản có nhiều lợi điểm nhưng cũng có một vài khía cạnh bất lợi. Hiển nhiên hồ sơ tín dụng (credit record) ghi lại vụ phá sản trong suốt 10 năm. Trong suốt thời gian này những giao dịch liên quan đến tín dụng đều bị hỏng vì không có giới tài trợ nào chịu cho vay hay tài trợ cả, mua bán món nào từ lớn tới nhỏ cũng phải trả bằng tiền mặt, rất khó xin được tín dụng trong tương lai.


Một điểm bất lợi khác vì khai phá sản phải giao nạp một số tài sản không được miễn trừ kể cả nhà ở cho “Tín Viên Khánh Tận (Bankruptcy Trustee)” do tòa chỉ định để nơi đây cho bán đấu giá lấy tiền chia cho các chủ nợ. Tín Viên Khánh Tận bán càng cao thì càng được hoa hồng cao. Sau hết cũng có một vài ảnh hưởng đến thanh danh vì phá sản nhất là đối với những nhân vật có tiếng tăm thí dụ như giới chính khách hoặc tài tử chẳng hạn mà họ không muốn.


Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.





Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 2009 North Broadway, Santa Ana, CA 92706. ÐT: (714) 531-7080.




CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT