Friday, March 29, 2024

Ơn, (oán) và sức khỏe

 


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


 


LTS: Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Các tin tức trong mục này và nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài New Saigon Radio1480AM ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 45 trong chương trình Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật với Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng. Ngoài ra, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng còn có mục “Ðiểm Tin Sức Khỏe” mỗi Thứ Sáu trên tuần báo “Việt Tide”.


 


Nhân Lễ Tạ Ơn, xin chia sẻ đôi chút suy nghĩ về ơn và sức khỏe với các độc giả rất thân mến của tôi. Xin chúc tất cả luôn hạnh phúc và mạnh khỏe.


“Ơn” là điều lợi ích, tốt lành mang lại cho người nào đó. Và được người đó ghi nhận.


Nếu không được ghi nhận, thì dù (có thể mang lại) lợi ích đến đâu, điều đó vẫn chưa trở thành “ơn”, mà rất thường lại có thể “làm ơn mà mắc oán”.


Tiếng Việt ta có hai chữ “cảm ơn”, rất hay. Nếu không được “cảm” thì một điều (có thể rất) tốt lành vẫn chưa trở thành ơn, và vẫn chưa mang lại tất cả lợi lạc mà người được cho có thể tận (dụng và tận) hưởng.


Một cái tát (nghĩa đen lẫn bóng), có thể là một ơn trọng, nếu ta biết tận dụng “cái tát” đó. Nó có thể thức tỉnh ta từ một u mê, sai lầm nào đó. Nếu ta biết nhờ “người làm ơn” đó “tát” thêm. (Nói không dễ mà làm lại càng khó hơn. Và nếu không cần thiết lắm thì xin đừng mạnh tay quá), để cho tỉnh hẳn, đó có thể là một trong những món quà lớn nhất.


Vì có phải điều quan trọng nhất và khó nhất (để thành công, hạnh phúc) trên đời là thay đổi để ngày càng hoàn thiện chính ta?


Ngay cả những cái tát (mà ta nghĩ là) oan, cũng (có thể) giúp ta cẩn thận hơn, thiết lập một “hệ thống phòng thủ” chặt chẽ hơn, và do đó sẽ vững vàng hơn (một chút nào đó) trong cuộc đời. Nó cũng giúp ta nhận rõ hơn những hiểu lầm (hay hiểu đúng -thường là vừa có lầm lẫn đúng) từ những gì ta làm, để thay đổi kịp thời nhằm tránh những tai hại hơn nhiều từ (có thể rất) nhiều người khác. (Những người đó không [“rỗi hơi” để mà] cảnh tỉnh, nhắc nhở ta, hoặc nhờ ta giải thích xem có phải họ đang hiểu lầm ta không.)


Hình như bất cứ điều gì trên đời đều có thể trở thành rất tốt hay rất xấu, tùy theo người nhận lãnh nó cảm, và sử dụng nó như thế nào.


Trúng số (theo nghĩa đen lẫn bóng) có thể là điều rất tốt, nhưng, cũng là điều đã đưa không biết bao nhiêu người đi xuống vực thẳm.


Thất bại, tai họa, là điều ít ai muốn, nhưng cũng có thể là “cái búa của người thợ rèn”, là “mẹ” của rất nhiều thành công lớn hơn nhiều sau này, dành cho những người biết gạn lọc những bài học có thể rất lớn từ những điều mình không mong muốn đó.


Trong rất nhiều trường hợp, hình như, ơn hay oán là do ta cảm nó là oán hay ơn.


Một “cái tát” (như đã nói), có thể là một ơn rất lớn nếu ta cảm được điều tốt lành cho mình từ đó. Thường thì đối với người trần mắt thịt như chúng ta, khó có thể cảm ngay tức khắc, nên lúc đầu nó có thể là oán, và chỉ trở thành “ơn” khi ta cảm được cái lợi cho mình trong nó (hy vọng là không quá trễ).


Tặng một người một món quà thường (đáng lẽ phải) là ơn, nhưng cũng (?rất thường) có thể trở thành oán nếu người nhận thất vọng vì họ vẫn chờ đợi một món quà có giá trị hơn. (“Giàu như vậy mà kẹo, cho có bao nhiêu thôi à”). “Làm ơn mắc oán” (?có thường) xảy ra khi người nhận (?có thường) chỉ thấy cái (họ cho là) ít mà không thấy cái cho, (?có thường), chỉ để ý đến lúc không được cho nữa (dù bao giờ cũng phải có kết thúc) chứ không nhớ lúc đang nhận. (Vì vậy, người [gọi là] “làm ơn”, nếu muốn làm điều tốt, chỉ nên nghĩ đến niềm vui của sự trao tặng, từ lòng yêu thương, chứ không nên nghĩ là mình đang “ban ơn” cho ai cả, và [mỏi mòn] chờ đợi sự “biết ơn”, “trả ơn”.)


Thành công (ngay cả) của người thân (hay không thân), đáng lẽ phải là niềm vui, nhưng (?hình như) thường hơn lại bắt đầu của nhiều oán (từ con rắn ganh ghét nấp đâu đó trong tim).


Ơn hay oán, do đó, có phải là từ tâm của mỗi chúng ta là chính?


Người ơn lớn nhất cũng như kẻ thù lớn nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta, có phải là chính mình (bên cạnh ông trời, và những người thân nhất).


Ơn và bạn mang lại niềm vui.


Oán và thù mang lại đau khổ. Ðầu tiên hết là cho chính mình.


Cứu cánh, mục tiêu cuối cùng (và đầu tiên) trong cuộc đời của mỗi chúng ta, có phải là niềm vui, sự bình an (chân chính).


Luôn tỉnh thức, biết mình muốn gì trong cuộc đời này (?có phải là niềm vui, bình an, hạnh phúc), sẽ giúp ta nhìn ra rất nhiều ơn, phước của cuộc đời và tránh được nhiều đau khổ (gây ra từ oán). Niềm vui trong đời sẽ không đến nỗi quá khó khăn.


Bữa cơm (được cố gắng làm cho ngon) hàng ngày, (có thể và nên) là một niềm vui (và là “ơn”- khi được cảm).


Quần áo, nhà cửa (không phải tự nhiên mà) sạch sẽ, (có thể và nên) là một niềm vui (và là “ơn”- khi được cảm).


Ai đó cần cù đi làm đều đặn (một công việc có thể rất căng thẳng hoặc nhàm chán) mỗi ngày, (có thể và nên) là một niềm vui (và là “ơn” – khi được cảm).


Tiền lương đem về mỗi tháng (có thể ít hơn người này nhưng nhiều hơn người nọ), (có thể và nên) là một niềm vui (và là “ơn” – khi được cảm).


Tiếng con khóc (dù có thể làm khó ngủ một chút), (có thể và nên) là một niềm vui (và là “ơn”- khi được cảm).


Cảm được ơn. Gạn lọc được điều tốt lành, niềm vui trong quặng mỏ cuộc đời. Nhìn ra ơn từ những gì có thể (đã từng) là oán, có phải sẽ giúp chính ta thanh thản hơn trước nhất, giúp ta mạnh mẽ hơn trước nhất, vui hơn trước nhất, và mang lại niềm vui hơn nữa cho những người quanh ta?


Theo định nghĩa của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới (World Health Organization-WHO), “Sức khỏe là tình trạng sảng khoái về cả thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh”.


Cảm được những điều tốt lành trong cuộc sống (tức là lòng biết ơn) sẽ góp phần mang lại sự sảng khoái về tâm thần cho ta, một yếu tố rất quan trọng của sức khỏe.


Cảm được những điều tốt lành trong cuộc sống (tức là lòng biết ơn) sẽ góp phần mang lại sự sảng khoái về xã hội cho ta, một yếu tố rất quan trọng khác của sức khỏe.


Thoải mái về tâm thần và xã hội sẽ góp phần rất quan trọng đem lại sự sảng khoái của thể chất, phần còn lại của cái “càng ba chân” của sức khỏe.


Lòng biết ơn, khả năng cảm ơn, khả năng trân trọng những điều tốt lành từ cuộc sống, từ những người quanh ta, có thể nói, là một cội nguồn của sức khỏe.


Thân mến,


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


nguyentranhoang.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT