Friday, March 29, 2024

Thị trường địa ốc Mỹ hy vọng khả quan hơn năm nay


Ngô Ðồng


 


Nếu người viết bài này nhớ không lầm, đầu năm 2011, người ta đã tiên đoán thị trường địa ốc bắt đầu leo dốc từ cuối năm.










Quả thật, bản phúc trình hàng tháng của Hiệp Hội Ðịa Ốc Hoa Kỳ nói số lượng nhà bán được trên thị trường cả hai tháng 11 và 12 cũng đều khá hơn những tháng trước đó. Nhưng hơi oái oăm ở chỗ nhà bán được nhiều hơn nhưng giá bán lại sụt giảm.


Số lượng nhà bán được không bù lại được cho sự thua thiệt tiền bạc đối với những ai có nhà đem ra bán trên thị trường. Bây giờ, một số kinh tế gia cho rằng thị trường nhà cửa sẽ còn chập chạp leo dốc, thậm chí lan sang năm 2013 chứ năm nay chưa hoàn toàn khá nổi.


“Ðịa ốc năm 2012 sẽ không lên giá ở phần lớn các khu vực thị trường Hoa Kỳ.” Jed Kolko, kinh tế gia trưởng của Trulia.com, công ty tiếp thị địa ốc trên Internet phát biểu trên trang nhà của họ. “Thêm nữa, giá nhà vẫn chỉ là một khía cạnh mà thị trường địa ốc khắp nơi đang đối diện”.


Trong khi đó, một đại công ty khác cũng sống bằng tiếp thị nhà trên Internet là Zillow thì đưa ra một bản phúc trình nói năm 2011, vì trị giá nhà giảm xuống, giới chủ nhà trên cả nước đã mất đi (trên giấy) một tài sản tổng cộng tới $681 tỉ đô la. Dù sao, nhờ mức độ mất giá chậm lại, cũng đỡ hơn năm 2010 với tổng trị giá bất động sản mất đi tới $1.1 ngàn tỉ đô la.


Nhờ có thêm nhiều việc làm mới mà số người thất nghiệp trên cả nước từ 9.6% đã tụt xuống còn 8.5% trong tháng cuối năm 2011. Tình trạng thị trường địa ốc lên xuống theo tình trạng việc làm của mọi người. Thông thường, mùa lễ Tết có thêm những việc làm tạm thời nhưng nếu thị trường vẫn trụ lại được, thị trường nhà cửa có cơ hội dựa thế để vượt dốc. Tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống đáng kể nhưng vẫn còn rất cao chứ chưa có gì để mừng rỡ.


Trong khi đó, thị trường địa ốc hiện còn có nhiều lực cản rất khó biến mất một sớm một chiều.


Theo ý kiến kinh tế gia của Zillow, số lượng nhà bán trên thị trường còn quá nhiều trong khi lượng người mua thì rất ít, rất khó để tiêu thụ một số lượng nhà tồn đọng khá lớn trong đoản kỳ. Rồi niềm tin vào nền kinh tế của giới tiêu thụ cũng rất dè dặt. Nạn thất nghiệm coi vậy vẫn nghiêm trọng, trị giá nhà thì giảm sút. Tất cả những yếu tố này đè lên thị trường địa ốc. Theo ý kiến của Stan Humphey, kinh tế gia trưởng của Zillow, may ra thì cuối năm 2012, thị trường địa ốc cả nước nói chung mới hy vọng ngoi lên được, hoặc lại phải đợi đến năm 2013.


Công ty CoreLogic chuyên cung cấp dữ liệu khảo cứu các thị trường địa ốc thì nhắc nhở rằng hiện vẫn đang có khoảng 1.6 triệu ngôi nhà đang là “hàng tồn kho trong bóng tối” (shadow inventory). Từ “shadow inventory” được giới chuyên gia kinh tế gọi tên cho những căn nhà đã bị ngân hàng chủ nợ xiết nợ rồi nhưng chưa tung ra thị trường ngay mà chỉ bơm từ từ vì sợ khủng hoảng.


Ðây là một trong những lý do khiến giá nhà trên thị trường khó có thể leo thang nổi.


“Nhà bị xiết nợ bán lại trên thị trường thúc đẩy người chủ có nhà đem ra bán phải bán nới giá hơn mới hy vọng. Ðó là tác động gây bất ổn định cho giá nhà”, theo ý kiến của ông Nicolas Retsinas, giáo sư về địa ốc ở Ðại Học Harvard. Thêm nữa vấn đề bán lại nhà bị ngân hàng xiết nợ cũng còn chậm chạp vì một số biến cố pháp lý liên quan tới vấn đề xiết nợ như ký hồ sơ không đúng luật bị tiết lộ hồi năm ngoái, các vụ kiện, v.v.


Hồi tháng 11 năm 2011, Hiệp Hội Ðịa Ốc Hoa Kỳ cho hay số lượng nhà bán được trên thị trường gia tăng 1.6% so với tháng 10 nhưng nếu so với một năm trước thì đã gia tăng được tới 9.8%.


Dù sao, con số nhà bán thêm được vẫn được coi là những con số khiêm tốn so với thời kỳ trước khi xảy ra khủng hoảng. Khi số lượng nhà do chủ bán lại vẫn khiêm tốn, điều này cũng có nghĩa là thị trường nhà xây mới cũng bị ảnh hưởng lây. Một số chuyên gia kinh tế tin rằng khi có một số lượng hàng tồn kho rất nhiều chưa bán nổi, đấy chính cái gốc của vấn đề.


Mặt khác, người ta vẫn kêu ca về sự khó khăn khi vay tiền mua nhà hay tái tài trợ lại món nợ trên căn nhà. Dù lãi suất cực thấp nhưng số người muốn vay tiền bị từ chối với tỉ lệ khá cao.


Theo kinh tế gia Kolko nhận xét, mặc dù thị trường địa ốc có những trở lực, người ta vẫn còn một ít hy vọng. Trong đoản kỳ, rất nhiều khu chung cư đang được xây cất, tạo việc làm cho giới thợ cũng như nhiều chủ nhà đã bỏ tiền ra tân trang nhà cửa thay vì bán nhà vì không muốn bán với giá quá thấp.


Những ai đang thuê nhà thì người ta sẽ dành dụm tiền bạc để sau này, cơ hội thuận tiện sẽ mua chứ giấc mơ làm chủ một căn nhà vẫn là giấc mộng lớn của phần lớn những ai sống trên đất nước này.


Theo Kolko, một vài khu vực như California, Texas và Ðông Bắc Hoa Kỳ có thể phục hồi sớm hơn những khu vực khác. Hoặc là nhờ nền kinh tế phát triển khá hơn, hoặc thị trường địa ốc vốn không bị mất giá nặng như những vùng khác. Nhờ vậy mà người ta có thể nhìn đến năm 2013 với nhiều hy vọng hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT