Friday, March 29, 2024

Tránh mua lại xe đã bị ngập nước


 


 


Phạm Ðình


 


Ðầu tháng 10 vừa qua, toàn nước Mỹ kinh hoàng nghe tin bão Sandy tràn vào tàn phá các tiểu bang miền Ðông. Vụ thiên tai được coi là lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, mặc dầu xét về mức thiệt hại thì vẫn còn đứng sau bão Katrina năm 2005. Trong số những mất mát vì lụt lội phải kể đến một số lượng xe hơi không nhỏ, có thể kể đến hàng triệu, triệu chiếc. Những chiếc xe ấy, ngoài một số hư hại nặng nề bị loại ra khỏi đường phố, đa số đều được sửa chữa để dùng lại, hoặc đưa vào thị trường địa phương để từ đó tỏa đi toàn quốc, và biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ vô tình làm chủ một cái xe đã từng qua những cơn hoạn nạn ấy. Mặc dầu hết lòng thông cảm và chia sẻ với nạn nhân bão lụt về mọi phương diện khác, chúng ta cũng không nên bao giờ mua lại một chiếc xe đã từng bị ngập nước. Trong khi người bán xe làm mọi cách để giấu diếm cái xuất xứ ấy, thì sự cảnh giác phải ở nơi người mua…


 



Những chiếc xe bị ngập nước ở khu Manhattan, New York, sau khi bão Sandy ập vào thành phố. (Hình: Christos Pathiakis/Getty Images)


 


Những dấu hiệu nhận biết


 


Có thể chiếc xe còn một “ngoại hình” bắt mắt, máy còn êm mà giá lại rẻ. Nhưng những thiệt hại mà nước gây ra bên trong chưa hẳn lộ diện ngay. Vì thế, mua xe cũ nói chung, và mua xe cũ trong thời điểm này nói riêng, chúng ta cần phải đặc biệt cảnh giác về những dấu hiệu xe đã bị ngập nước.


 


1. Xem lý lịch xe


Ðây là chuyện tối thiểu, mặc dầu thực tế rất ít người mua xe “mất công” làm việc ấy. Ða số chỉ coi ngoại diện chiếc xe, lái thử một đoạn đường, nghe người bán “ca hát” về những điểm tốt đẹp rồi… trả giá. Không khác gì những đôi thanh niên nam nữ cảm nhau ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, rồi về nhà nằng nặc đòi cha mẹ cho cưới!


Về chuyện hôn nhân, không hiểu hấp tấp như vậy có nên không, nhưng mua xe chắc chắn là không được! Bạn nên bỏ ít tiền ra mua bản lý lịch xe. Với những phương tiện truyền thông phổ biến như hiện nay, bạn chỉ mất vài chục đồng để được truy cập lý lịch của hàng chục, hàng trăm chiếc xe trong vòng 1 tháng trời. Dĩ nhiên, điểm chính yếu bạn phải biết về chiếc xe là số VIN, tức là số Căn Cước (giống như số thẻ ID) mà bất cứ chiếc xe nào cũng phải có. Hiện nay có nhiều trang mạng cung cấp lý lịch xe, như www.carfax.com, www.vehiclehistory.com, www.vehiclehistory.gov, hoặc www.autocheck.com. Bạn chỉ việc cho biết số VIN của chiếc xe, là sẽ nhận được một báo cáo chi tiết về lý lịch chiếc xe kể từ ngày xuất xưởng cho đến nay. Không thể phủ nhận lợi ích của cái dịch vụ truy tầm tông tích này.


Nếu một chiếc xe có vấn đề trong lý lịch thì chắc chắn đó là sự thật, không oan ức. Biết được sự thật đó rồi, có thể bạn sẽ từ bỏ ý định mua xe đó, hoặc vẫn muốn tiến tới vì đã có cách trị liệu… Tình trạng này, người Mỹ gọi là Informed Decision, đó là quyết định sau khi đã biết mọi khía cạnh hơn thiệt, chứ không phải chỉ nghe “ca” một chiều rồi nhắm mắt đi liều tới…


Tuy nhiên, những bản lý lịch đó cũng có hạn chế, vì chúng chỉ ghi lại những chi tiết được chính thức báo cáo. Ðã từng là chủ xe, bạn thừa biết rằng có hàng “tỉ” sự kiện khác không hề được báo cáo, và vì thế cũng chẳng bao giờ được ghi vào lý lịch. Vì thế nếu thấy chiếc xe có lý lịch sạch thì cũng chưa hẳn nó chưa từng bị tai nạn, hoặc chưa từng là nạn nhân của nước (water damage).


Nhưng có một điểm không thể che giấu được, đó là tìm xem gần đây chiếc xe được đăng ký chủ quyền trong những tiểu bang nào? Chỉ có những địa phương khô ráo? Hay nó đã trải qua một đoạn đường dài, từ bờ biển Ðông về tới bờ biển Tây? Nên nhớ rằng, thương lái là những người rất khôn ngoan, họ sẽ tìm mọi cách để che giấu những điểm xấu trong lý lịch chiếc xe, như “total loss” “flooded” bằng cách tận dụng những kẽ hở về qui định, hoặc những khác biệt về luật pháp giữa các địa phương, để khoác lên chiếc xe một lý lịch trong sạch “100% con nhà lành”…


Nói tóm lại, nếu chiếc xe đã đi qua nhiều tiểu bang trước khi xuất hiện tại thị trường địa phương của bạn, thì đây là dấu hiệu đầu tiên cần lưu ý, để tăng gia cảnh giác với những dấu hiệu khác như sau…


 


2. Dấu hiệu ẩm ướt và bùn dơ


Tìm xem dấu hiệu nước đọng trong các ổ hốc của xe, thí dụ như ổ đèn, hộp đựng giấy tờ, bao tay, thùng xe. Nếu nước đã từng xâm lấn vào xe, thế nào nó cũng để lại một dấu hiệu nào đó như vết ẩm ướt, hoặc các vết bùn dơ chủ nhân chưa kịp khám phá để phi tang… Ðừng quên mở nắp đậy đầu máy để tìm thêm dấu hiệu của bùn đất hoặc rỉ sét. Nhớ luồn tay dưới đáy ghế ngồi để dò tìm dấu hiệu ẩm ướt.


 


3. Tận dụng lỗ mũi phát hiện mùi ẩm mốc


Nếu nghe có mùi ẩm mốc xông vào mũi thì nhiều phần là đúng “nó”, đừng đơn sơ nghĩ rằng “Ủa, sao mùi hôi trong nhà bốc ra tận bên ngoài vậy ta?” Ghế ngồi, thảm và nhiều bộ phận khác không dễ mà khô ngay được, và khi khô được thì cũng đã đủ giờ để cho nấm mốc phát triển, nhất là khi trận bão lụt lại xảy ra trong một vùng có khí hậu nóng ẩm.


Ðồng thời, chúng ta cũng có thể ngửi thấy các mùi khác như xăng dầu… Chẳng hạn, sau trận bão Katrina vừa qua, xăng dầu tràn ra, hòa chung với nước lụt và để lại dấu vết khắp nơi.


 


4. Ðể ý những chỗ mới ráp hoặc không “tiệp”


Trước tiên, thảm xe có mới không? Có mới quá so với chiếc xe hay không? Có thể đó là một dấu hiệu không “tiệp”, cũng gọi là “tốt lỏi” (mismatched) không? Các tấm vải hoặc da phủ ghế có “chõi” với thảm không? Những thành phần không “tiệp” có thể vừa mới được vội vàng thay vào sau khi chiếc xe được phục hồi sau cơn bão.


 


5. Nổ máy, lái thử


Và sau cùng, một chuyện khỏi cần dặn, đó là mở máy, mở đèn, đồng hồ và hệ thống phát thanh… và mở tất cả những nút điều khiển có trong xe. Chạy thử vài vòng để xem có còn tốt không. Nếu xe vượt qua được những vòng thử thách kể trên, tới đây mà bạn vẫn còn yên tâm, thì đừng quên mời một người thợ chuyên môn đến coi lại lần cuối. Một người thợ máy nhiều kinh nghiệm có thể nhìn ra dấu hiệu xe ngập nước dễ dàng hơn người thường. Nên nhớ rằng, dù chiếc xe còn mới, còn trong thời hạn bảo hành (warranty) thì đại lý bán xe cũng không tôn trọng điều khoản bảo hành nữa nếu khám phá thấy có dấu hiệu xe hư hại vì nước – mặc dầu thẻ chủ quyền không hề ghi rằng xe đã trải qua bão lụt.


Thế mới hay: Trong khi nước đem lại nguồn sống cho sinh linh, thì khi nước đã trở mặt, nó lai là sức mạnh tàn phá ghê gớm nhất. Ðối với nhiều thiết bị máy móc khác cũng vậy, chẳng hạn cái cell phone chẳng may bị nước ngập thì tất cả mọi cam kết bảo hành đều không còn giá trị nữa.


 


Kết luận


 


Nếu nghi ngờ chiếc xe đã từng là “nạn nhân” bão lụt, tốt nhất là nên tránh xa cho mau, ngay cả khi nó được bán với giá rẻ. Bởi vì, số tiền mà bạn tưởng rằng tiết kiệm được trên giá mua xe, rồi cũng sẽ đội nón ra đi rất nhanh khi các trục trặc bắt đầu xuất hiện. Nhất là khi mua xe mới, xe còn trong hạn bảo hành, mà đại lý cũng như nhà sản xuất không chịu sửa chữa, chỉ vì một điều là xe đã từng bị ngập nước.


Ít lời cảnh giác mong được gửi tới mọi người: Cho dù đang ở California quanh năm ngập nắng, bạn vẫn có thể trở thành “nạn nhân” của bão lụt như thường.


[email protected]


Xe lột dên, xe kêu lóc cóc, xe rỉ nhớt…? Xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập III đã phát hành. Cùng với Tập I, Tập II, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque hoặc tiền mặt cho Phạm Ðình, PO Box: 9255, Fountain Valley, California 92728 – 9255. Tel: 714-837-1935. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT