Thursday, March 28, 2024

‘Trời kêu ai nấy dạ?’


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

Mẹ em cứ hay thường nhắc em: Phải cẩn thận nếu không coi chừng bị AIDS, nên bỏ thuốc lá để khỏi bị bịnh này bịnh nọ, nên thể dục để ốm bớt đi cho đỡ bị bệnh sau này…

Em cũng biết rằng vì thương em nên mẹ mới nhắc nhở, tuy nhiên mấy đứa bạn của em thường nói rằng “Trời kêu ai nấy dạ”: Có cẩn thận tới lúc bịnh thì cũng bịnh, khi tới số thì cũng chết. Ðâu phải ai bị ung thư cũng là người hút thuốc.

Em thấy tụi nó cũng có lý. Bác sĩ nghĩ như thế nào?

Ðáp:

Có lẽ đúng là “Trời kêu ai nấy dạ.” Dù theo tín ngưỡng nào, trên đời này có lẽ không có ai “lớn quyền” bằng ông Trời, hay Thượng Ðế, hay Chúa, hay Bụt, hay… tùy theo cách gọi của từng người hay từng tôn giáo. Ngay cả những người vô thần cũng có một ông trời của họ mà họ gọi là các qui luật khách quan hay gì gì đó.

(Con người thật thông minh và cũng thật khó hiểu. Có lẽ từ ban đầu, đại đa số đều muốn điều tốt lành, thế nhưng trong lúc tìm cách thực hiện những điều tốt lành đó, do con đường đi khác nhau, do cách đặt tên các sự việc khác nhau mà biết bao cuộc chiến tranh tồi tệ nhất đã xảy ra (mà người ta gọi là “thánh chiến,” “chiến tranh ý thức hệ,” chiến tranh để bảo vệ cái này, cái nọ…).

Trong từng gia đình, ai cũng muốn điều tốt, muốn hạnh phúc; thế nhưng đa số đổ vỡ xảy ra có phải cũng vì do không biết cách thảo luận, kết hợp điều hay của từng người để đạt được mục đích chung? Hy vọng rằng em và mẹ (mà tôi nghĩ là rất thương con) của em sẽ không lại đi đến một đổ vỡ nào đó chỉ vì mẹ em thật sự muốn làm điều rất cần thiết là giúp bảo vệ sức khỏe của em.

Theo tôi, có lẽ đúng là “Trời kêu ai nấy dạ.” Thế nhưng điều quan trọng nhất mà em chưa nhận ra, đó là: em chính là một phần của “ông Trời.” Mỗi chúng ta đều là một phần, và đặc biệt trên bình diện cá nhân, là phần quan trọng nhất của “ông Trời.”

“Trời” chính là “đấng” quyết định, an bài mọi điều xảy ra trên thế giới này. Trên bình diện cá nhân, những yếu tố nào góp phần vào những gì đã, đang và sẽ xảy ra cho mỗi người chúng ta? Có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố bản thân có phải là một trong những điều quan trọng nhất?

Hồi nhỏ, có một thời gian tôi được học trong một trường Lasan do các sư huynh phụ trách. Một trong những điều còn lưu lại trong tôi từ những giờ giáo lý (đạo Thiên Chúa) là “Chúa ở khắp mọi nơi.” “Chúa ở trong mỗi người chúng ta.” Ðiều đó được tôi hiểu là ta là một phần của Chúa, của “ông Trời,” và nếu ta làm điều tốt ta sẽ gặt điều tốt, nếu ta làm điều không tốt, ta sẽ gặt điều không tốt.

Tôi cũng học được “Chúa có ba ngôi, ngôi thứ nhất là cha, ngôi thứ hai là con, ngôi thứ ba là thánh thần.” Trong suy nghĩ non nớt của tôi, vẫn còn đọng lại cho đến nay, ngôi trung tâm, ngôi thứ hai, là (một) con người. (Người đó đã quên mình cho tha nhân và (theo tôi chính vì vậy) đã sống lại đời đời trong trái tim của nhiều người dù theo đạo Thiên Chúa hay không.)

Hồi khoảng năm bảy mươi ba hay bảy mươi bốn, có một cuốn phim đã còn đọng lại một chút gì trong trí nhớ của tôi cho đến ngày hôm nay. Ðó là phim “Ðức Phật,” điều duy nhất mà tôi còn nhớ cho đến bây giờ từ cuốn phim đó là khi sinh ra, Ðức Phật đã chỉ một tay lên trời, một tay xuống đất và nói rằng “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn.” Ba tôi đã giảng nghĩa một cách nôm na cho tôi rằng câu đó có nghĩa là “trên khắp thế gian này, chỉ có ta là quan trọng nhất” (trong việc có đem lại được hạnh phúc hay không , hoặc thành công hay không cho mọi việc xảy ra trong cuộc đời mình). Và (điều quan trọng nhất) “ta” ở đây chính là mỗi chúng ta.

Như vậy, theo tôi, cho tới bây giờ, đạo Phật và đạo Chúa rất gần với nhau, ở chỗ trong đó vai trò của mỗi chúng ta đối với vận mệnh của mình đóng phần quan trọng nhất.

Ðúng là “Trời kêu ai nấy dạ.” Do đó ta phải cầu trời cho vận mạng mình được tốt. Theo tôi nhớ, Kinh thánh (được viết cũng bằng những con người rất bình thường, sau đó đã được coi là thánh) có dạy rằng hãy cầu thì sẽ được. Một văn sĩ nổi tiếng, Victor Hugo, cũng có một câu danh ngôn, “Muốn là được.” Vấn đề nằm ở chỗ là ta “cầu” như thế nào, ta “muốn” như thế nào. Ta chỉ “cầu” suông, “muốn” suông, hay thật sự sống với nguyện cầu với mong muốn của mình.

Ðúng là, “Trời kêu ai nấy dạ.” Tôi đồng ý với em. Chỉ mong rằng em cũng đồng ý với tôi rằng em cũng là một phần quan trọng của “ông Trời.” Em cũng là một “ông Trời con.” (Mẹ em có thường gọi em như vậy không?)

Trong lĩnh vực sức khỏe, vai trò “ông Trời con” của từng cá nhân (hay luật nhân quả) thường được thấy rất rõ. Nếu ta không ăn uống lành mạnh, thiếu thể dục, hút thuốc, uống rượu… ta sẽ nhận hậu quả, và nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy rất rõ nguy cơ của việc hút thuốc, tình dục thiếu an toàn…

Dù có muốn là một phần của ông Trời hay không, em cũng đã, đang và sẽ là một “ông Trời con” của chính mình. Nếu ý thức được điều đó, và cố gắng làm những điều tích cực, em sẽ góp phần đem lại những điều tích cực cho sức khỏe và cuộc sống của mình. Nếu không ý thức được, thụ động hoặc làm những điều tiêu cực, nó sẽ góp phần mang lại những điều tiêu cực vào sức khỏe và cuộc sống của mình.

Chúc em sẽ đóng phần tích cực và chủ động hơn trong cuộc sống và sức khỏe của mình. Xin chúc mừng em có một người mẹ rất thương con.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
nguyentranhoang.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT