Thursday, March 28, 2024

Uống thuốc trị cao huyết áp

 


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930
[email protected]



Hỏi:

-Huyết áp cỡ 145-155/85-95, không thấy triệu chứng gì cả thì có cần uống thuốc không?

-Huyết áp số dưới phải bao nhiêu mới cần uống thuốc? Nếu một số trên hay số dưới bình thường, thì có cần uống thuốc hay không?

-Huyết áp số trên hay số dưới quan trọng hơn?

-Nếu uống thuốc mà huyết áp xuống dưới 140 thì có thể ngưng được không?

-Có người nói lớn tuổi thì huyết áp sẽ cao hơn, giống như già thì tóc bạc, là điều tự nhiên, không cần phải uống thuốc gì sất. Có đúng không?

-Huyết áp của ba tôi thường là khoảng hơn 170/100, có khi tới 190, 200, nhưng ông không chịu uống thuốc cao huyết áp vì nói không thấy bị nhức đầu, chóng mặt hay triệu chứng gì cả. Xin cho biết huyết áp bao nhiêu thì mới cần uống thuốc?

-Bị tiền cao huyết áp, như bác sĩ đã trình bày kỳ trước, thì có khi nào cần phải uống thuốc không?

-Có lúc tôi nghe nói huyết áp 140 mới cần uống thuốc, có lúc lại nghe là huyết áp 130 cũng đã phải uống thuốc rồi. Xin cho biết huyết áp bao nhiêu là bình thường, và phải bao nhiêu mới cần dùng thuốc?

-Ðo huyết áp như thế nào thì kết quả mới chính xác?

-Ðã uống thuốc rồi thì có còn cần tập thể dục và ăn uống theo cách bác sĩ đã khuyên trong bài báo trước hay không?



Ðáp:

Hiện nay, tiêu chuẩn được dùng để điều trị cao huyết áp được dựa chủ yếu vào các khuyến cáo của Hội Ðồng Phối Hợp Quốc Gia (Hoa Kỳ-về cao huyết áp) lần thứ bảy (seventh Joint National Committee -JNC7), được đưa ra hồi Tháng Năm năm 2003. Hội đồng này bao gồm nhiều hiệp hội y khoa chuyên môn và có uy tín nhất về y học nói chung và (có liên quan đến) lĩnh vực điều trị cao huyết áp nói riêng.

Sau khi khảo sát rất nhiều nghiên cứu, JNC7 đã đưa ra các tiêu chuẩn như sau:

-Huyết áp được coi là bình thường khi huyết áp tâm thu (systolic) dưới 120 và huyết áp tâm trương (diastolic) dưới 80.

-Ðược gọi là tiền cao huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 120 đến 139 hoặc huyết áp tâm trương từ 80 đến 89.

-Chẩn đoán là cao huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 trở lên.

Ví dụ, cả ba trường hợp sau, đều được coi là cao huyết áp:

140/65 (số trên từ 140 trở lên), hoặc
132/90 (số dưới từ 90 trở lên), hoặc
147/90 (cả hay số đều cao, từ 140 và từ 90 trở lên).

Chỉ cần một trong hai số cao hơn 140 hay 90 thì được coi là cao huyết áp. Và cần uống thuốc.


Ghi chú:

Các tiêu chuẩn trên được áp dụng ở những người không bị bệnh cấp tính, như đang sưng đau khớp, sốt,… sẽ thường có khuynh hướng làm huyết áp tăng lên.

Huyết áp tâm thu (systolic blood pressure) là áp lực trên thành mạch máu khi tim co bóp lại để đẩy máu ra các động mạch.

Huyết áp tâm trương (diastolic blood pressure) là áp lực trên thành mạch máu khi tim giãn ra để nhận máu từ các tĩnh mạch đưa về.

***

Ở những người bị tiền cao huyết áp (huyết áp tâm thu từ 120 đến 139 hoặc huyết áp tâm trương từ 80 đến 89), cần áp dụng các phương pháp hạ huyết áp không dùng thuốc như là giảm cân đến mức vừa phải (nếu bị quá cân), giảm muối, tránh uống rượu quá một phần một ngày (tương đương với khoảng một lon bia) nếu là phụ nữ hoặc đàn ông nhẹ cân, hoặc dưới hai phần một ngày nếu là đàn ông to con (đã trình bày chi tiết hơn trong kỳ vừa rồi).

Nếu bị tiền cao huyết áp mà cũng bị tiểu đường, bệnh thận mạn tính, bị tổn thương các cơ quan nội tạng, hoặc bị bệnh tim mạch, có thể sẽ cũng cần hạ huyết áp bằng thuốc bên cạnh các phương pháp không dùng thuốc.

***

Cần nhớ là các con số huyết áp nói trên cần phải dựa trên việc đo huyết áp một cách chính xác từ hai lần trở lên trong ít nhất là hai lần khám bác sĩ.

Ðo huyết áp nên được thực hiện khi ta ngồi nghỉ ít nhất là 5 phút trên ghế (chứ không phải trên giường khám bệnh), chân đặt trên sàn nhà, cánh tay ở ngang mức trái tim.

Bị các bệnh cấp tính, như đang sưng đau khớp, sốt, vân vân, sẽ thường có khuynh hướng làm huyết áp tăng lên, do đó, nên đo lại khi đã qua các cơn cấp tính đó, có thể kết quả sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên, nếu đang bị bệnh cấp tính, mà huyết áp cao quá, thì bác sĩ có thể (bên cạnh việc chữa các bệnh cấp tính đó) cũng sẽ cần cho thuốc để hạ huyết áp xuống đến mức an toàn, và sẽ kiểm soát lại huyết áp và điều chỉnh lại thuốc sau khi bệnh nhân đã qua cơn cấp tính.

Cần dùng vòng bao xung quanh tay khi đo (cuff) đúng kích thước, vì nếu người to con mà dùng vòng bao nhỏ quá, huyết áp sẽ có khuynh hướng cao hơn thực tế, và ngược lại.

***

Như đã trình bày trong một kỳ trước, cao huyết áp được đặt tên là “tên giết người thầm lặng,” vì thường không có triệu chứng.

Một khi có triệu chứng, thì thường đó là triệu chứng của các biến chứng của bệnh cao huyết áp, như là bị:

-đột quị (strokes-gây ra bại, liệt, tiêu tiểu không kiểm soát được, mù mát, không nói được…),

-các cơn kích tim (heart attacks- gây ra đau ngực, suy tim, chết…),

-suy thận (gây phù nề, đi tiểu nhiều lần, hoặc không còn có nước tiểu, suy kiệt, ngứa toàn thân, cần phải đi lọc thận suốt đời…),

-vân vân (đã trình bày trong một bài trước).

Do đó, không nên đợi đến lúc có triệu chứng rồi mới dùng thuốc, vì thường sẽ không giúp gì nhiều trong việc làm cho các biến chứng “biến mất.”

***

Ở những người lớn hơn 50 tuổi, huyết áp tâm thu nếu cao hơn 140 có ảnh hưởng quan trọng hơn nhiều đến nguy cơ bị các biến chứng tim mạch, so với chỉ số huyết áp tâm trương.

Ðúng là già thì đầu (thường) bạc (nếu không nhuộm tóc), và huyết áp thường cao hơn.

Tuy nhiên, đầu bạc không gây ra biến chứng nguy hiểm gì cả, trong khi huyết áp cao lại dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, và biến chứng này lại dễ xảy ra ở người lớn tuổi hơn.

Do đó, tuổi càng cao, mà huyết áp cao thì càng cần uống thuốc, nếu không muốn bị bại liệt nằm một chỗ tiêu tiểu không kiểm soát được, người suy kiệt, ngứa ngáy, phải đi lọc thận suốt đời, cũng như nhiều biến chứng khác như đã kể.

***

Khi uống thuốc trị cao huyết áp mà huyết áp trở lại bình thường, thì đó là nhờ thuốc, nếu ngưng thuốc, huyết áp sẽ bật cao trở lại rất nguy hiểm.

Chỉ trong các trường hợp ít gặp, bệnh nhân đã uống liều thuốc trị cao huyết áp thấp nhất, mà huyết áp vẫn rất thấp, bác sĩ sẽ có thể khuyên bệnh nhân thử ngưng thuốc, và theo dõi cẩn thận. Việc ngưng thuốc, (chỉ) trong các trường hợp (rất ít gặp) này, cần được sự theo dõi cẩn thận và khuyến cáo bởi bác sĩ.

***

Cần nhắc lại, bên cạnh việc uống thuốc, nên thực hiện thường xuyên các phương pháp không dùng thuốc, như đã trình bày kỳ trước, để đạt được kết quả tốt nhất.

Thân mến
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
nguyentranhoang.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT