Thursday, March 28, 2024

Viêm đại trường


Bác Sĩ Ðặng Trần Hào


 


LTS- Bác Sĩ Ðặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Ðông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm cứu và Ðông dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Ðông dược và muốn góp ý cho kho tàng Ðông dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ tại điện thoại (714) 531-8229 hoặc email danghao@sbcglobal. net.


 


Ruột già dài khoảng 150 cm. Chức năng chính của ruột già là làm khô thực phẩm khó tiêu hóa còn dư thừa, bằng cách hút kiệt nước và sau đó tống xuất phần cặn bã, còn gọi là phân ra ngoài.


Ruột già có 4 phân nhánh: Manh tràng, ruột kết, trực tràng và ống hậu môn.


Manh tràng giống như một cái túi, là phần đầu tiên của ruột già, ở cuối cùng có một miếng thịt nhỏ và ngắn như con sâu thò ra, gọi là ruột dư, thường hay bị viêm và gây ra nguy hiểm cho nhiều người sống tại những nơi xa xôi hẻo lánh, không có bác sĩ hay y tá kinh nghiệm để định bệnh kịp thời, thường nguy hiểm tới tính mạng.


Ruột già nằm trong ổ ruột, đoạn giữa nằm ngang, hai bên rũ xuống trông giống như một lưỡi câu to tướng, có nhiều phân đoạn, thắt lại như mắt tre, gồm ba khúc chính: Ruột kết lên hay kết tràng lên, ruột kết ngang hay kết tràng ngang và ruột kết xuống hay kết tràng xuống.


Chức năng của ruột già là hấp thụ nước và một số các sản phẩm thặng dư trong hệt thống tiêu hóa. Ruột già còn cung cấp kho bãi tạm thời để chứa các phế liệu và phân hủy chất cặn bã, trước khi tống xuất ra ngoài, theo ngả hậu môn.


Ruột già khỏe mạnh hay suy yếu tùy thuộc các thể loại thực phẩm mà chúng ăn vào hàng ngày. Ðặc biệt, chế độ ăn uống với nhiều chất xơ là một đáp ứng quan trọng, giúp duy trì sự lành mạnh lâu dài cho ruột già. Ðừng quên ruột là sào huyệt chứa chấp và sản sinh nhiều loại bệnh cấp tính cũng như mãn tính, kể cả bệnh ung thư.


 


Viêm ruột (đại tràng) cấp tính


 


1. Do cảm thụ hàn thấp: Bụng đau, sôi bụng, phân lỏng và nát, sốt nhẹ, sợ lạnh, choáng váng, nghẹt mũi, mỏi mệt. Lưỡi trắng lợt. Mạch nhu.


Chủ trị: Giải biểu, tán hàn, chỉ tả.


Hoắc Hương Chính Khí Thang


Hoắc hương 9grs


Tử tô 9 grs


Bạch chỉ 9 grs


Cát cánh 9 grs


Bạch truật 12 grs


Hậu phát 9 grs


Bán hạ 6 grs


Ðại phúc bì 9 grs


Trần bì 6 grs


Phục linh 9 grs


Cam thảo 9 grs grs


-Hoắc hương, bạch chỉ: Hóa thấp.


-Bạch truật, hậu phát, phục linh, trần bì: Kiện tì, kiện toàn tiêu hóa.


-Tử tô, bán hạ, đại phúc bì: Giải biểu, tiêu đàm thấp.


-Cam thảo: Bổ tì khí và phối hợp các vị thuốc.


2. Do thấp nhiệt lưu trú: Vừa đau bụng, vừa đi tả, đi tiêu như giội nước, phân vàng, mùi hôi thối, hậu môn nóng rát, nước tiểu vàng sậm, khát nước, buốn bực. Rêu lưỡi vàng. Mạch nhu, sác.


Chủ trị: Thanh nhiệt, lợi thấp.


Cát Căn, Cầm, Liên Thang


Cát căn 9 grs


Hoàng cầm 9 grs


Hoàng liên 6 grs


Cam thảo 6 grs.


Hậu phát 9 grs


Xa tiền tử 9 grs


-Cát căn, hoàng cầm, hoàng liên, xa tiền tử, hậu phát: Thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp.


-Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.


Nếu nhiệt gia tăng, làm sốt thêm liên kiều, tri mẫu: Thanh nhiệt,


3. Do thương thực: Ðau bụng, đầy bụng, sôi réo, tả ra phân nát và nồng thối, hông sườn đầy, đi tiêu được thì giảm đau, ợ ra mùi chua và nồng. Rêu lưỡi vàng dầy. Mạch hoạt, sác.


Chủ trị: Tiêu thực, đạo trệ.


Bảo Hòa Hoàn


Phục linh 9 grs


Thần khúc 9 grs


Sơn tra 9 grs


Bán hạ 9 grs


Trần bì 6 grs


Liên kiều 9 grs


Lai phục tử 9 grs


-Thần khúc, sơn tra, trần bì, lai phục tử: Tiêu thực và kiện toàn tiêu hóa.


-Phục linh, liên kiều, bán hạ: Tiêu thấp và đầy hơi, tiêu đờm nhớt.


Nếu tích trệ nặng, bụng đầy trướng thêm: Ðại hoàng 9 grs, chỉ thực 9 grs, binh lăng 9 grs, đề phá tích trệ và tản khí đầy trướng.


 


Viêm ruột mãn tính


 


1. Do tì vị suy: Ðại tiện lúc lỏng, lúc són, ăn không tiêu, chán ăn, đầy bụng, nôn ói, mặt bủng, mệt mỏi. Rêu lưỡi trắng nhợt. Mạch nhược và hoãn.


Chủ trị: Kiện tì, hóa thấp


Bài thuốc


Sâm hoa kỳ 12 grs


Phục linh 9 grs


Bạch truật 9 grs


Cam thảo 6 grs


Cát cánh 9 grs


Hoài sơn 9 grs


Bạch biển đậu 9 grs


Sa nhân 6 grs


Nhãn nhục 9 grs


Trần bì 6 grs


Ý dĩ nhân 9 grs


-Sâm hoa kỳ, bạch truật, nhãn nhục, cam thảo, trần bì: Bổ tỳ khí, kiện toàn tiêu hóa.


-Hoài sơn, bạch biển đậu, sa nhân: Hóa thấp, kiện tì.


-Phục linh, ý dĩ nhân, cát cánh: Thông điều thủy đạo.


-Cam thảo: Bổ khí và phối hợp các vị thuốc.


Nếu đi tả lâu, khiến khí hư hạ hãm, làm sa trực tràng (lòi dom) dùng bài:


Bổ Trung Ích Khí Thang


Sâm hoa kỳ 12 grs


Hoàng kỳ 9 grs


Bạch truật 9 grs


Cam thảo 6 grs


Quy vĩ 9 grs


Trần bì 9 grs


Thăng ma 9 grs


Sài hồ 9 grs


-Sâm hoa kỳ, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo, trần bì: Bổ tì khí.


-Thăng ma, sài hồ: Thăng khí, trừ hạ hãm, rút trực tràng trở lại bình thường.


-Quy vĩ: Bổ huyết và co rút lòi trê.


2. Do thận dương suy: Trước khi trời sáng thấy bụng đau quặn, phải đi tả. Ðông y gọi là “Ngũ canh tả,” đi tả lúc gà gáy. Ði cầu xong thì giảm đau bụng. tay chân lạnh, bụng lạnh. Rêu lưỡi trắng nhợt. Mạch trầm và tế.


Chủ trị: Ôn thận, kiện tỳ.


Gia Vị Tứ Thần Thang


Bổ cốt chỉ 12 grs


Ngô thù du 9 grs


Nhục đậu khấu 9 grs


Ngũ vị tử 9 grs


Bạch truật 12 grs


Phục linh 9 grs


Hoàng kỳ 9 grs


Ðảng sâm 12 grs


Trần bì 6 grs


Phụ tử 6 grs


Nhục quế 6 grs


Cam thảo 6 grs


-Bổ cốt chỉ, ngô thù du, phụ tử, nhục quế: Ôn bổ thận dương.


-Nhục đậu khấu, ngũ vị tử, bạch truật, phục linh, đảng sâm, hoàng kỳ: Bổ tỳ khí.


-Trần bì, cam thảo: Kiện toàn tiêu hóa và phối hợp các vị thuốc.


Ngoài ra chúng ta có thể dùng bài thuốc làm thành hoàn sau đây để chữa đi tả lúc gà gáy rất hiệu nghiệm.


Tứ Thần Hoàn


Phá cốt chỉ 160 grs (sao rượu)


Bổ cốt chỉ 160 grs (sao rượu)


Ngô thù du 40 grs (rửa nước muối sao)


Nhục đậu khấu 120 grs (bọc bột mì ướt, vùi trong lửa cho chín)


Ngũ vị tử 120 grs (sao vàng)


Phụ tử chế 40 grs


Can khương 40 grs


Nhục thung dung 40 grs


Ðem tán bột, dùng 100 quả đại táo, bỏ hột, hợp với 320 grs sinh khương, nấu với nửa lít nước, cho táo và gừng chín nhừ, vớt bỏ xác gừng. Ðổ bột thuốc vào nước cốt đại táo, trộn cho đều. Vo mỗi viên 1gr.


Cách dùng: Ngày uống một lần, mỗi lần hai viên, trước khi đi ngủ.


2. Nếu can khí phạm vị: Hông sườn đầy tức, ăn ít, ợ nhiều, đầy hơi, tức ngay chấn thủy, đôi khi cảm thấy như vật gì vướng ở cổ, khạc không ra, nuốt không vô. Ðây là một loại mai hạc khí. Ðau bụng, phải đi cầu liền. Lưỡi đỏ nhợt. Mạch huyền.


Chủ trị: Kiện tỳ, bình gan, tản khí và giáng khí.


Bài thuốc


Sài hồ 9 grs


Can khương 9 grs


Cam thảo 6 grs


Bán hạ 9 grs


Sâm hoa kỳ 9 grs


Bạch truật 9 grs


Phục linh 9 grs


Bạch thược 9 grs


Chỉ xác 9 grs


Hương phụ 9 grs


Ðại phúc bì 9 grs


Sa nhân 6 grs


Ðại táo 3 trái


-Sâm hoa kỳ, phục linh, bạch truật, cam thảo, can khương, sa nhân: Bổ tỳ và vị khí, kiện toàn tiêu hóa.


-Sài hồ, bạch thược, bán hạ: Bình can khí.


-Chỉ xác, hương phụ, đại phúc bì: Tản khí và giáng khí ở trung tiêu


-Ðại táo: Bổ huyết và phối hợp các vị thuốc.


 


Phòng bệnh


 


Ngoài ung thư và các tạng phủ suy yếu, các bệnh viêm đại tràng khác là hậu quả của các thiếu sót vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.


-Cải thiện điều kiện ăn ở và làm việc, chống ẩm lạnh.


-Kiêng sữa sống, sữa đặc, nên dùng sữa chua.


-Trong trường hợp viêm đại tràng hơi, phải bớt ăn bột.


-Ăn xong, cần vận động thân thể nhẹ nhàng.


-Cố gắng giữ ấm bụng, tập đi đại tiện đều và đúng giờ.


-Tập thể dục buổi sáng, khí công.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT