Thursday, March 28, 2024

Tiếng gõ mì trong đêm

Tạ Phong Tần

Tiếng lóc cóc, lóc cóc vang lên đều đều giữa đêm khuya vắng lạnh lẽo. Không phải tiếng mõ tụng kinh của ngôi chùa nào đó. Tôi hé cửa sổ ra nhìn, trước mắt tôi là thằng bé khoảng mười một mười hai tuổi, da đen nhẻm, mặc quần đùi, áo thun ngắn tay cũ xì, tay cầm hai thanh tre vừa đi dọc con hẻm nhỏ vừa gõ hai thanh tre vào nhau phát ra âm thanh lóc cóc, lóc cóc đều đều theo bước chân không nhanh không chậm của nó.

Sau lưng thằng nhỏ, nhìn ra đầu hẻm thấy có một xe mì gõ đóng bằng gỗ thô sơ, xập xệ với ánh đèn neon nhỏ xài điện accu, tỏa ra thứ ánh sáng trắng yếu ớt. Trên xe, nồi nước lèo bốc khói nghi ngút, tỏa mùi hành tỏi phi thơm phưng phức, làm cho ai có cái bao tử đang trống vắng phải rột roẹt xiêu lòng. Âm thanh xì xụp húp tô nước lèo của khách, tiếng nói chuyện rì rầm từ ngoài đầu hẻm vọng tới. Thấy cũng vui vui, bình an và ấm cúng trong đêm khuya lành lạnh.

Món này du nhập từ miền Trung vào Sài Gòn, rồi xuống tận miền Tây Nam bộ, mà những ông chủ, bà chủ xe bán mì lẫn đứa nhỏ đi theo gõ miếng tre phụ bán đều nói giọng “khúc giữa.” Xe bán mì không cần rao hàng, chỉ với âm thanh lóc cóc quen thuộc của miếng tre phát ra đã trở thành “nhạc hiệu” của món ăn bình dân này, và cũng là tên gọi của nó: Mì gõ. Bày bàn ghế cho khách ngồi bên vỉa hè, không gõ lóc cóc thì không phải là mì gõ dù cũng bán mì y chang như vậy.

Ðây là món mì cực kỳ bình dân, giá cả cực kỳ rẻ. Một gói mì tôm ăn liền bán trong tiệp chạp phô cạnh nhà tôi giá hai ngàn đồng, thì tô mì gõ bốc khói nghi ngút thơm phức kia chỉ có ba ngàn đồng, mà không phải mất công nấu nước sôi, rửa tô sau khi ăn xong. Quan trọng hơn trong tô mì có thêm nhúm giá đậu xanh, hẹ lá, nhúm hành lá xắt nhuyễn, ngò rí cho thơm, hành khô phi mỡ tỏi, tóp mỡ, ớt bằm, miếng chanh tươi, mỗi thứ có một chút xíu và hai lát gan heo luộc, ba lát thịt heo nạc luộc xắt mỏng như tờ giấy quyến cuốn thuốc lá.

Mì gõ bán rẻ được như vậy nhờ người bán dùng loại mì ăn liền đóng gói bán theo ký lô, gói năm ký, mười ký, mỗi gói bự như vậy có đến mấy chục đến hàng trăm miếng mì kèm gói gia vị, bột nêm trong đó, loại mì gói bự này giá bán tại nơi sản xuất hoặc tại chợ giá rẻ hơn thứ mì đóng gói nhỏ mỗi gói một miếng mì.

Bí quyết để bán được mì gõ là làm sao nấu cho được một nồi nước lèo trong vắt, ngon lành mà lại giá rẻ, bán có lời. Nước lèo được ninh từ xương heo mua gom từ những buổi chợ chiều ở các chợ bình dân, chồm hổm, gia giảm thêm gia vị tùy theo khẩu vị người nấu nêm nếm. Muốn cho nước ngọt hơn thì bỏ thêm củ cải trắng. Thịt nạc luộc để xắt ra bán cho khách cũng luộc chung luôn cho ngọt nước, thành ra khi miếng thịt xắt mỏng cho lên mặt tô mì, nó chỉ là hình thức miếng thịt, chớ đã trở thành lạt nhách, không còn vị ngọt nữa. Người xưa có câu: “Bò teo heo nở,” nên thịt heo cứ luộc thoải mái đi, luộc lâu cũng không bị teo nhỏ như thịt bò.

Khi có khách hàng, người bán lấy một miếng mì cho vô cái tô sành bằng đất nung tráng men loại rẻ tiền nhứt. Múc một giá nước lèo chan vô tô, rắc lên bên trên miếng mì nào là giá, rau, hành khô, tóp mỡ…, và thêm ba lát thịt, hai lát gan heo. Cái tài của người bán là xắt gan heo, thịt luộc ra miếng nào miếng nấy mỏng như lưỡi lam, cảm giác có thể dùng miếng gan hay miếng thịt đó để cạo râu được nữa. Rau giá thì dùng tay nhón lia lịa vài phát bỏ vô tô, nhìn thì thấy nhiều nhưng thả vào tô có chút xíu, gom lại chắc cũng cỡ ngón cẳng cái là nhiều.

Ðược mỗi một cái là nước lèo thơm phức, ngọt mặn vừa miệng ăn, mì dai, không phải ngon lắm nhưng tô mì làm ấm bụng, no lòng những người khách ít tiền trong cái vắng lạnh, cô độc giữa đêm hôm khuya khoắt. Nó là món ăn thường xuyên của học sinh, sinh viên, công chức nghèo, của tốp thợ đi làm về khuya.

Cứ tầm ba giờ chiều là vang lên tiếng lóc cóc, lóc cóc quen thuộc. Thằng nhỏ đi hết một vòng, hễ có khách kêu: “Ê mì gõ, cho một (hai, ba, bốn…) vô đây nghen nhỏ,” là nó “Dạ” thật lớn rồi quay đầu đi nhanh trở ra xe mì. Năm phút sau, nó bưng tô mì kèm theo đôi đũa tre rẻ tiền vô tận nhà cho khách. Nếu nhiều tô, nó để mì trên một cái mâm nhựa cũ xì để bưng. Xong nó lại tiếp tục đi sâu vô hẻm, vừa đi vừa gõ. Khoảng ba mươi phút sau, nó quay trở lại dọn tô, thâu tiền mì. Bán hết xóm này, nó và chủ xe mì vòng sang xóm khác, rồi khuya khuya một chút lại quay lại, bán tới bán lui tận hai giờ sáng mới nghỉ.

Ban đầu, mì gõ chỉ đơn giản có vậy. Người miền Tây Nam bộ thích ăn hủ tiếu hay mì Tàu. Khi thâm nhập miền Tây, mì gõ cũng phải “Quá giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.” Mì Tàu khô và cứng, trước khi ăn phải trụng qua nồi nước sôi sùng sục cho mì nở rồi mới vớt lên chan nước lèo vô. Nước trụng mì Tàu không thể ăn được do biến mùi và trở thành đục ngầu bột mì.

Bạc Liêu có món hủ tiếu tươi sợi lớn nổi tiếng mềm, dai ngon, thơm phức, béo ngậy. Làm món hủ tiếu khô hay hủ tiếu nước kiểu Tàu bằng hủ tiếu tươi cực ngon. Hủ tiếu khô bán rẻ, sợi nhỏ, dễ mềm trong nước lèo. Người bán hủ tiếu gõ không xài hủ tiếu tươi mà xài hủ tiếu khô, rủi bán ế chỉ mất nồi nước lèo, hủ tiếu và các thứ khác còn nguyên, chỉ cần giữ lạnh đúng độ để thịt, rau không bị hư, hôm sau bán tiếp.

Xe mì gõ không có khả năng “chơi” một lúc hai nồi nước sôi trên xe để vừa trụng mì vừa nước lèo, mà làm vậy lại mất thời gian nhiều lắm, thành ra xe mì gõ biến đổi thêm bằng cách dùng hủ tiếu khô bán cho khách, tên gọi từ mì gõ chuyển thành hủ tiếu gõ, ai muốn kêu tên nào cũng được. Hủ tiếu khô trụng luôn trong nồi nước lèo rất đơn giản, nhanh chóng mà không làm thay đổi hương vị cũng như độ trong của nồi nước lèo. Xe mì gõ bán luôn mì gói lẫn hủ tiếu, khách muốn ăn mì có mì, muốn ăn hủ tiếu có hủ tiếu.

Sau này, mì gõ nâng cấp hơn, bổ sung thêm bò vò viên. Khách hàng muốn ăn thêm thì dặn chủ xe hay thằng nhỏ gõ mì là thêm vô bao nhiêu viên bò, thì cứ đếm viên như vậy mà tính tiền tăng thêm.

Tuy rằng tô mì gõ (hay hủ tiếu gõ) chỉ được chừng ba đũa là hết nhẵn, nhưng cũng đỡ đói lòng, nhất là húp hết tô nước lèo nóng hôi hổi cũng đã lưng lửng bụng rồi. Mùi hành phi, tóp mỡ khô thơm phức, là để “ăn lấy hương lấy hoa thôi,” bỏ vào miệng chưa kịp nhai đã tan biến hết.

Tất nhiên, muốn thưởng thức cho ra hủ tiếu gõ, mì gõ miền Tây ít ra cũng phải về đến Sài Gòn để ngồi bên vỉa hè lúc đêm khuya, nghe tiếng kêu lóc cóc, lóc cóc trong khi chờ đợi với cái bụng sôi sùng sục vì đói thì mới thấy nó ngon, nó quý đối với người nghèo đến cỡ nào. Còn ở đây mình nấu nhiều xương, nhiều thịt, nhiều tóp mỡ thiệt là giòn, hành khô phi thiệt thơm, rau mùi cả đống bự chảng thì quá sang trọng rồi, còn gì là cái chất mì gõ, hủ tiếu gõ bình dân nữa.

Mời độc giả xem Người Việt Bếp Việt 2: Gỏi cầu vồng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT