Thursday, April 18, 2024

Bàn về y lý: Phân biệt bệnh theo âm dương

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Như chúng ta đã biết y lý là những phương pháp định bệnh và chữa bệnh của Y Khoa Đông Phương có:

– Bát cương: Âm-Dương, Biểu-Lý, Hàn-Nhiệt, Hư-Thực.

– Tứ chẩn: Vọng (nhìn), Văn (nghe), Vấn (hỏi), Thiết (bắt mạch).

Dựa vào những phương pháp luận trên, người thầy thuốc định bệnh cho chính xác, để điều chỉnh những sự mất quân bình về âm dương, chữa trị mọi bệnh tật.

Phân biệt bệnh theo âm dương là điều quan trọng nhất trong vấn đề định bệnh, nằm trong Bát Cương.

Sau đây là những kinh nghiệm của người xưa để lại và Tuệ Tĩnh một trong những sư tổ của nền y khoa Đông Phương của nước ta, đã có công sưu tầm và đúc kết phân biệt bệnh theo âm dương như sau:

-Bệnh thuộc dương thì ban ngày tăng lên, ban đêm yên tĩnh, đó là dương bệnh thái quá, khí bệnh mà huyết không bị bệnh.

-Bệnh thuộc âm thì đêm đến là tăng lên, ban ngày yên tĩnh, đó là âm bệnh thái quá, huyết bệnh mà khí không bị bệnh.

-Ngày phát sốt, đêm yên tĩnh là dương khí vượng ở phần dương.

-Ngày yên tĩnh, đêm phát sốt, phiền táo là dương khí hãm vào trong âm phận, gọi “nhiệt nhập huyết thất.”

-Ngày phát sốt phiền táo, đêm cũng phát sốt phiền  táo, đó là chứng “trùng dương,” không có âm, chữa cần tả ngay phần dương, và bổ mạnh phần âm.

-Đêm sợ lạnh, ngày yên tĩnh, là phần âm huyết tự vượng ở phần âm.

-Đêm sợ lạnh, ngày cũng sợ lạnh là “trùng âm,” không có dương. Chữa cần tả ngay phần âm, và bổ mạnh phần dương.

-Hỏa nhiều, thủy ít, là dương thực âm hư, phát ra bệnh nhiệt.

-Thủy nhiều, hỏa ít là âm thực, dương hư, phát ra chứng hàn.

-Sắc da ngăm đen là thận khí đầy đủ.

-Sắc da trắng là phế khí hư suy.

-Người gầy thì hỏa nhiều, người mập thì thấp nhiều.

 

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Tập thói quen tự nói lên những suy nghĩ của các em”(Phần 1)

Chữa bệnh phải phân biệt mà cho thuốc.

-Bệnh ở ngoài biểu thì dùng phép hãm (cho ra mồ hôi) mà phát tán ra ngoài.

-Bệnh ở lý thì dùng pháp hạ (cho đi cầu) để tống độc ra ngoài.

-Bệnh ở phần trên cơ thể, nhân cơ hội này cho thổ (cho mửa).

-Tà khí mạnh thì nên xoa bóp mà thu liễm lại.

-Tạng hàn, hư thoát, thì nên chữa bằng cứu trị với ngải cứu.

-Mạch bị co rút và đau thì chữa bằng cách châm kim.

-Chứng huyết thực kết đọng, sưng nóng, thì chữa bằng cách chích lể.

-Chứng khí trệ, chân tay mềm yếu, giá lạnh, nóng rét thì chữa bằng phép đạo dẫn.

-Kinh lạc không thông, sinh chứng tê bại, cấu không biết đau, thì chữa bằng thuốc dầm rượu.

-Huyết khí ngưng đọng, phát bệnh ở gân mạch, thì chữa bằng cách chườm.

-Người có thể bước đi lại khỏe là vì có huyệt tủy hội, tức là huyệt Tuyệt Cốt.

-Vai có thể gánh nặng được là vì có huyệt cốt hội, tức huyệt Đại Trữ.

-Người già nằm mà không ngủ được, đó là khí có dư, mà huyết không đủ.

-Người trẻ khỏe hay ngủ mà không thức, đây là huyết có dư, mà khí không đủ.

-Người trước giầu, sau nghèo gây ra bực bội mà sinh ra uất hỏa.

-Người trước nghèo, sau giầu thường mừng vui quá độ mà gây hại tâm và sinh tâm bệnh.

-Người trẻ, khỏe mạnh, mắc bệnh thì công tà làm chủ yếu.

-Người già yếu đã ốm lâu, thì bổ hư làm trước tiên.

 

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Tập thói quen tự nói lên những suy nghĩ của các em”(Phần 2)

-Điều lý tỳ vị là đường lối chính trong nghề làm thuốc.

-Dè dặt ăn uống là phương pháp hay để đẩy lui bệnh tật.

-Trông mà biết được gọi là thần, tức là trông năm sắc để biết bệnh bên trong mà điều trị.

-Nghe mà biết được gọi là thánh, tức là nghe 5 âm thanh của bệnh nhân, để biết căn nguyên của bệnh nhân mà cứu chữa.

-Hỏi mà biết được gọi là công, tức là hỏi bệnh nhân ưa thích vị gì để biết được chỗ khởi phát của bệnh.

-Xem mạch mà biết được gọi là xảo, là xem mạch để biết được bệnh tốt xấu, nặng nhẹ.

-Bệnh ngoại cảm thì học cách chữa theo Trương Trọng Cảnh.

-Bệnh nội thương thì học cách chữa theo Lý Đông Viên.

-Nhiệt bệnh thì học cách chữa của Lưu Hà Giang.

-Tạp bệnh thì học cách chữa của Chu Đơn Khê, vì Đơn Khê chữa tạp bệnh rất giỏi.

-Phải biết rõ ba chứng: cảm, trúng và thương. Để phân biệt tiêu (ngọn) bản (gốc), nặng nhẹ ra sao?

-Phải biết rõ ba nguyên nhân: nội, ngoại và bất nội ngoại nhân để phân biệt, biểu lý, hư thực thế nào?

-Phải xét trước vận khí của mỗi năm, đừng công phạt cái khí thiên hòa.

-Trời đất có phương Nam, phương Bắc, khác khí hậu. Thân người có người hư, kẻ thực, khác thể chất. Thầy thuốc cần phải biết cho kỹ.

-Biến hóa mà sáng chế, cốt ở sự biến thông.

-Mầu nhiệm và sáng láng, cốt ở người làm thuốc.

-Làm thuốc là kế tục sự nghiệp của các bậc tiên thánh, Thần Nông, Hoàng Đế, Kỳ Bá…

-Học sách, làm thuốc phải suy rộng tấm lòng nhân nghĩa của Khổng Mạnh.

-Đó là những lý luận xác đáng của tiên thánh, nay dùng làm phương châm cho người hậu học noi theo. (BS Đặng Trần Hào)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT