Thursday, March 28, 2024

Bánh mì ‘Trạm’ Tân Định, Sài Gòn

Bài và hình: Nguyễn Đạt/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Xe bán bánh mì mang tên “Trạm” đặt tại số 11A đường Bà Lê Chân, Tân Định, quận 1, do Nguyễn Huỳnh Nam Khoa, cháu nội cố danh họa Thái Tuấn lập nên. Chiếc xe gọn gàng ở góc quán cà phê nhỏ của gia đình, với bánh mì giá rẻ mà chất lượng, được nhiều khách hàng chiếu cố, từ người uống cà phê tại quán, tới bà con hằng ngày đi chợ Tân Định.

Quán cà phê nguyên là một phần chái nhà thuộc khuôn viên đình Phú Hòa, ngôi đình cổ xưa được thành lập từ cuối thế kỷ XIX, triều nhà Nguyễn. Chúng tôi đã tới quán cà phê này từ những năm 1990, lúc đó nhà thơ Huy Tưởng phụ trách quán. Ngày ngày quán cà phê nhỏ xíu ở đường Bà Lê Chân rộn ràng bằng hữu thân quen của nhà thơ Huy Tưởng, ngồi chật bàn ghế sắp đặt cả một khoảng dài trên vỉa hè.

Về sau, khi họa sĩ Thái Tuấn ở Pháp lâu năm trở lại quê nhà, nhà thơ Huy Tưởng đã nhượng lại quán cho gia đình họa sĩ; vợ chồng anh Nguyễn Thái Kỳ – thứ nam của họa sĩ Thái Tuấn, phụ trách quán. Chúng tôi gặp họa sĩ Thái Tuấn thường xuyên tại quán, mấy năm sau thì ông qua đời. Cũng từ thời gian nhà thơ Huy Tưởng nhượng lại, trong phạm vi diện tích nhỏ hẹp của quán, chỉ sắp đặt được hai, ba chiếc bàn nhỏ phục vụ khách uống cà phê, do quy định của nhà nước về trật tự lòng lề đường.

Với lượng khách ít ỏi, thường là khách quen ngồi lâu tại quán, nên doanh thu của quán cà phê nhiều lúc không đủ chi phí cho buổi đi chợ hàng ngày. Thứ nam của anh Nguyễn Thái Kỳ, Nguyễn Huỳnh Nam Khoa đã lập nên hệ thống xe bánh mì mang tên “Trạm,” đặt một xe trước quán cà phê cho cha mẹ có thêm doanh thu.

Chúng tôi được biết, hệ thống xe bánh mì “Trạm” hiện nay đã có tới 11 xe. Ngoài xe bánh mì đặt trước quán cà-phê, 10 xe còn lại đặt tại các địa điểm trong thành phố, mỗi điểm do bằng hữu thân quen của Nguyễn Huỳnh Nam Khoa phụ trách bán hàng. Riêng Nguyễn Huỳnh Nam Khoa phụ trách cửa hàng cung cấp các sản phẩm da như giày dép, dây lưng, túi du lịch, ví xách tay, porte-feuille… tại thành phố Thủ Dầu Một.

Xe bánh mì “Trạm” được khách hàng chiếu cố mua ăn hàng ngày, do sản phẩm đạt chất lượng, giá cả được xem là rẻ so với các xe bán bánh mì nói chung tại Sài Gòn. Bánh mì “Trạm,” một ổ bánh mì gà hoặc bánh mì bì, giá 15 ngàn đồng, nhưng chất lượng hơn hẳn những xe bánh mì khác cũng với giá như vậy. Thịt gà trong ổ bánh mì gà của xe bánh mì “Trạm” do gia đình chế biến là những sợi thịt gà dày lớn, đậm đà. Thịt gà được chế biến tương tự chế biến ruốc (chà bông), nhưng là những sợi dày lớn, nên khi ăn dễ nhận ra hương vị của thịt gà. Bánh mì “Trạm” có nhân bì cũng vậy; bì được chế biến, tẩm ướp gia vị, ngon hơn bì của các xe bánh mì khác.

Ổ bánh mì gà.

Chúng tôi từng ăn bánh mì bì của một xe bán bánh mì nổi tiếng đông khách tại khu vực phố Tây Phạm Ngũ Lão-Bùi Viện, nhận thấy bánh mì bì của xe bánh mì “Trạm” cũng đặc sắc không thua kém. Ổ bánh mì của xe bánh mì “Trạm” khá lớn, ăn đủ no một bữa ăn, là thứ bánh mì được lấy từ một cơ sở sản xuất “bánh mì đặc ruột thơm bơ,” vỏ bánh không bị rơi vỡ lả tả như bánh mì thường thấy, của các lò sản xuất bánh mì tại Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Vừa qua, khi tới quán cà phê của anh Nguyễn Thái Kỳ, chúng tôi gặp lại ông Maurice Guérin, người quen họa sĩ Thái Tuấn từ khi hai người còn ở Pháp. Ông Maurice Guérin tới quán, vừa uống cà phê để nhớ họa sĩ Thái Tuấn, vừa thưởng thức ổ bánh mì của xe bánh mì “Trạm” do cháu nội cố danh họa lập nên. Ăn xong ổ bánh mì, ông Maurice Guérin đặt tay lên bụng, và nói rằng, đây là một món “casse-crout” mà ông thấy rất ngon, và thuận tiện cho một ngày của một người. Hồi ở Pháp, ông cũng từng được thưởng thức món “casse-crout” tương tự như vậy.

Chúng tôi cũng cảm nhận như ông Maurice Guérin, mỗi khi tới quán cà phê của anh Nguyễn Thái Kỳ. Cái quán nhỏ xíu, trên con đường cũng nhỏ xíu, dẫn tới chợ Tân Định cổ kính của Sài Gòn xưa. Đường Bà Lê Chân vừa hẹp vừa ngắn, gặp đường Mã Lộ bên hông chợ Tân Định, cũng là con đường nhỏ xíu. Dọc theo đường Bà Lê Chân, là những “hàng bệt,” đa số là những hàng rau củ hoa trái, được bày trên vỉa hè của con phố nhỏ. Ông Maurice Guérin, và vài người phương Tây khác, cư ngụ tại những căn nhà nhỏ trong hẻm đường Bà Lê Chân.

Chúng tôi tới quán cà phê của anh Nguyễn Thái Kỳ cũng để nhớ lại một thời, với nhà thơ Huy Tưởng cùng nhiều bạn hữu khác, đặc biệt là nhà thơ Thành Tôn, nhà thơ Chân Phương, nay đã biền biệt ở phương trời xa. Nhớ cố danh họa Thái Tuấn và những chuyện ông kể về nhạc sĩ Đặng Thế Phong, bạn đồng khóa thân thiết của ông, khi hai người theo học ở Trường Mỹ Thuật Đông Dương.

Những ngày này, chúng tôi ngồi tại quán thật sớm, thưởng thức ổ bánh mì của xe bánh mì “Trạm” trước khi nhâm nhi tách cà phê, ngó con đường nhỏ xinh, người người qua lại chợ Tân Định, cũng là những thời khắc để thương để nhớ trong đời.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cá salmon kho khóm hộp”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT