Hỏi: 

-Xin cho biết ngoài bệnh siđa ra, các bệnh hoa liễu khác thường gặp khác bao gồm những bệnh gì? Triệu chứng ra sao? Thử máu có thể chẩn đoán được các bệnh này hay không?

-Làm sao để ngừa các bệnh hoa liễu? Đi tiểu sau khi “quan hệ” có giúp ngừa các bệnh này không?

Đáp:

Các bệnh hoa liễu, tức là các bệnh lây qua đường sinh dục (sexually transmitted diseases – STDs), gần đây thường được gọi hơn là các nhiễm trùng lây qua hoạt động tính dục (sexually transmitted infections – STIs), là các nhiễm trùng lan truyền từ người này sang người khác qua các tiếp xúc tính dục.

Các tiếp xúc tính dục này, ngoài việc giao hợp (thường được coi là) bình thường dương vật-âm đạo, còn bao gồm khẩu dâm (oral sex), giao hợp qua hậu môn (anal sex), và việc dùng chung các “đồ chơi tính dục” (sex toys). Các nhiễm trùng này có thể lan truyền qua bất cứ tiếp xúc nào giữa bộ phận sinh dục của người này với bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng hoặc mắt của người khác.

Các bệnh hoa liễu là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất ở Mỹ. Các bệnh thường gặp nhất là herpes bộ phận sinh dục (genital herpes – còn gọi là herpes simplex loại II), bệnh lậu (gonorrhea), nhiễm chlamydia, giang mai (syphilis), nhiễm HIV-AIDS (siđa), mồng gà (genital warts).

Một số chuyên gia cũng xếp viêm gan B là một bệnh hoa liễu, vì nó cũng có thể lây qua đường sinh dục.

Triệu chứng của các bệnh hoa liễu kể trên có thể rất khác nhau tuỳ theo từng bệnh ta mắc phải, và tùy cơ địa của từng người khác nhau. Ta sẽ nói rõ hơn khi đi vào chi tiết từng bệnh. Tuy nhiên, nói chung, một số triệu chứng có thể gặp là:

-Các vết loét đau hoặc không đau trên vùng da của bộ phận sinh dục cũng như trong âm đạo, âm hộ phụ nữ.

-Chảy dịch, mủ từ dương vật

-Chảy dịch, mủ từ âm đạo

-Nóng rát khi đi tiểu

-Sốt

-Nổi hạch vùng lân cận

-Đau bụng

-Đau khi giao hợp

Khi nghĩ rằng ta có thể đã bị nhiễm một bệnh hoa liễu, bác sĩ sẽ hỏi xem ta có bao nhiêu “bạn tình,” trong những người đó có ai bị (hoặc ta nghĩ là đã có thể bị) bệnh hoa liễu hay không.

Sau đó, sẽ đến phần khám bệnh, tập trung nhiều vào các bộ phận có thể bị nhiễm bệnh và có dấu hiệu bệnh. Trong lúc khám, bác sĩ có thể lấy các mẫu để xét nghiệm ở các vết loét, các dịch, mủ từ bộ phận sinh dục, đôi khi có thể dùng kim hút các chất ở vùng hạch bị sưng để gởi đi xét nghiệm.

Nước tiểu cũng có thể là chất được dùng để xét nghiệm cho một số bệnh, như lậu, chlamydia. Chất được dùng để chẩn đoán hai bệnh này cũng có thể được lấy từ vùng bị nhiễm bệnh ở cổ tử cung, niệu đạo, hậu môn, họng.

Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán hầu như đại đa số các nhiễm trùng lây qua hoạt động tính dục như: HIV (siêu vi trùng gây siđa), viêm gan B, giang mai, herpes.

***

Đi tiểu trước và sau khi giao hợp không thể giúp phòng bệnh hoa liểu cũng như ngừa thai.

Nước tiểu không có tính chất nào giúp tiêu diệt tinh trùng cả.

Nước tiểu cũng không có đặc tính nào có thể giúp tiêu diệt các tác nhân gây ra các nhiễm trùng lây qua hoạt động tính dục.

Nước tiểu chỉ có thể giúp đẩy bớt các vi trùng ra khỏi niệu đạo, và do đó có thể góp phần giúp giảm phụ nữ giảm nguy cơ bị nhiễm trùng vùng chứa nước tiểu (bàng quang, hay còn gọi là bọng đái).

Thân mến

www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.