Bệnh tắc ruột

BS Ðặng Trần Hào

Chức năng chính của ruột già là nơi tồn trữ thực phẩm khó tiêu hóa dư thừa bằng cách hút kiệt nước và sau đó tống xuất phần cặn bã còn gọi là phân ra ngoài.

Ruột già có 4 phần nhánh: Manh tràng, ruột kết, trực tràng và ống hậu môn.

Ruột kết được chia thành nhiều khúc: Kết tràng lên là đoạn ruột thẳng đứng từ bên phải của ổ bụng, rồi quật ngược về bên trái, rồi giăng ngang ổ bụng theo kiểu bắc cầu. Ðoạn ngang này gọi là kết tràng ngang. Một lần nữa ruột kết lại xoay mình, ngã sấp xuống bên trái ổ bụng, đoàn này gọi là kết tràng xuống, sau đó đi vào khung chậu và tại đây ruột kết biến thành hình chữ S, nên gọi là kết tràng xích ma (sigmoid colon). Kết tràng xích ma, trực tràng và ống hậu môn nằm gọn trong xương chậu. Ống hậu môn kết thúc tại hậu môn, đóng mở nhờ hai cơ thắt có tính đàn hồi.

Tắc ruột là nguyên nhân làm trở ngại sự tiêu hóa, không hoàn thành chức năng thải những chất cặn bã theo đường hậu môn ra ngoài. Tắc ruột có thể bị từng khúc trong ruột già, gây ra những triệu chứng đau cấp tính ở vùng hạ tiêu.

Tắc ruột có nhiều nguyên nhân do dính ruột, do ký sinh trùng hay do bệnh ung bướu lâu ngày lớn làm cản trở không đưa hết căn bã xuống hậu môn được. Tắc ruột cũng có thể ruột bị xoắn thắt nút hoặc lồng vào nhau do nhu động ruột hoạt động quá mức.

Có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột, nhưng các triệu chứng lại giống nhau làm cho việc xác định nguyên nhân phức tạp, nên ngày nay thường gửi qua bác sĩ Tây y dùng phương pháp nội soi hay chụp quang tuyến X tìm nguyên nhân nhanh chóng và chính xác hơn.

Sau đây là những nguyên nhân gây ra tắc ruột không giống nhau, nhưng triệu chứng lại giống nhau:

– Không đại tiện và đánh hơi: Ðây là một trong những đặc trưng của tắc ruột. Tắc ruột thời kỳ đầu có thể vẫn đẩy ít hơi và phân ra hậu môn, lồng ruột, nghẽn mạch máu ruột có thể gây đại tiện ra phân có máu mũi.

– Bụng chướng và đặc biệt vị trí càng thấp thì chướng càng rõ.

– Tắc ruột thời kỳ đầu gây nôn mửa, khi mới bắt đầu thì nôn có tính cách phản xạ, thời kỳ cuối thì nôn vọt. Tắc ở vị trí cao thì sớm gây nôn và nôn liên tiếp. Nôn ra chất chứa trong dạ dày và tá tràng. Tắc ở vị trí thấp thì nôn xuất hiện chậm và chất nôn có dạng như phân lỏng.

– Ðau cố định ờ vùng giữa bụng, đau quặn thành từng cơn, khi bị đau bụng nghe thấy tiếng sôi ruột, cảm thấy có khí di đông, những nơi khí dồn đến thì đau dữ dội, những nơi này chính là vị trí bị tắc. Lấy tay ấn vào chỗ này bệnh nhân đau chịu không nổi.

– Thời kỳ đầu, sức khỏe bệnh nhân vẫn bình thường, nhưng tình trạng về sau càng tồi tệ, thấy như mất nước, toàn thân bị nhiễm độc, gây chóng mặt, choáng váng

Tắc ruột mãn tính

Trùng tích trở kết: Bệnh lúc đau lúc không, mặt vàng, bụng ỏng, hoặc sắc mặt trắng nhợt. Ðột nhiên bị đau đột ngột ở vùng giữa bụng, đau chung quanh rốn, ấn vào thấy búi lổn nhổn, nôn ra thức ăn, hoặc nước trong. Rêu lưỡi trắng dầy. Mạch hoạt và huyền.

Bài thuốc
1-Ðại phúc bì 9 grs
2-Xuyên tiêu 9 grs
3-Mộc hương 9 grs
4-Tạo giác 9 grs
5-Khổ luyện bì 9 grs
6-Chỉ xác 9 grs
7- Hương phụ 9 grs
8-Ðại hoàng 9 grs
9-Cam thảo 6 grs

– Ðại phúc bì: Ðưa khí xuống.
– Mộc hương, chỉ xác: Tản khí trung tiêu và hạ tiêu, trị sưng chướng.
– Tạo giác, khổ luyện bì: Diệt trùng (giun, sán).
– Ðại hoàng, xuyên tiêu: Thông trực tràng và giúp đại tiện.
– Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

Tắc ruột cấp tính

Huyết tắc, khí trệ: Bụng chướng, đau liên miên và cố định ở một nơi, nôn mửa, lưỡi tím, càng ấn càng đau rất khó chịu. Rêu lưỡi vàng. mạch vi và huyền. Nguyên tắc trị liệu thông khí, hoạt huyết và chỉ thống.

Bài thuốc
1-Hồng hoa 9 grs
2-Ðào nhân 9 grs
3-Ðương quy 9 grs
4-Quế bì 9 grs
5-Mộc hương 9 grs
6- Hương phụ 9 grs
7-Chỉ xác 9 grs
8-Tiểu hồi 9 grs
9-Phan tả diệp 6 grs
10-Trần bì 9 grs
11-Binh lăng 9 grs
12-Cam thảo 6 grs

-Hồng hoa, đào nhân, đương quy: Bồ huyết và thông huyết tắc.
-Quế bì, tiểu hồi: Bổ khí, ôn trung, giảm đau.
-Mộc hương, hương phụ, chỉ xác, tam lăng, phan tả diệp: Thông đại tràng, khai bí tắc và giúp đại tiện dễ dàng.
Trần bì, cam thảo: Giúp kiện toàn tiêu hóa và phối hợp các vị thuốc.

Nhiệt tích: Bụng đột nhiên đau dữ dội, nôn ra thức ăn, miệng đắng, mất ngủ, cổ họng khô, bụng đau chướng. Rêu lưỡi vàng. Mạch phù sác
Nguyên tắc điều trị là thanh nhiệt, trừ thực tích.

Bài thuốc
1-Hoàng bá 9 grs
2-Thục địa 12 grs
3-Nhân trần 9 grs
4-Qua lâu nhân 9 grs
5-Chỉ xác 9 grs
6-Khổ luyện bì 9 grs
7-Binh lăng 9 grs
8-Hoàng liên 6 grs
9-Trần bì 9 grs
10-Cam thảo 6 grs

– Hoàng bá, hoàng liên, qua lâu nhân: Thanh nhiệt, tiêu thấp.
– Thục địa: Bổ huyết thanh nhiệt hạ tiêu.
-Chỉ xác, khổ luyện bì, binh lăng, nhân trần: Tản khí, thông đại tiện.
-Trần bì: Kiện toàn tiêu hóa.
-Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

Chúng ta nên đề phòng bệnh tắc ruột bằng cách không nên ăn quá nhiều, tẩy ruột thường xuyên, ăn uống vệ sinh đề phòng giun sán và giữ cho đại tiện hàng ngày. Không nên ăn trái táo tầu khô làm thuốc nhiều có thể gây ra tắc ruột. (BS Ðặng Trần Hào)

Ứng viên Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh Mỹ xin rút tên