Thursday, March 28, 2024

Bí quyết bảo vệ tài sản

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores, Washington, điện thoại: (360) 633-8880, website: www.lylylaw.com.

Bảo vệ tài sản là một tiến trình phức tạp liên quan đến nhiều khía cạnh luật pháp khác nhau. Tuy nhiên mỗi loại tài sản đều có tính chất khác biệt cho nên có loại được coi như an toàn hơn loại khác và cũng có vài bí quyết giản dị được áp dụng cho mục đích bảo vệ tài sản.

Có ba loại tài sản chính là nhà đất, tiền hưu trí và tiền bảo hiểm nhân thọ có thể được miễn trừ một phần hoặc toàn phần tùy theo luật tiểu bang. Trước hết là “miễn trừ gia cư” (homestead exemptions) đặt trên quan niệm căn bản là các chủ nợ không có quyền tước đoạt bản thân và gia cư của con nợ. Luật “miễn trừ gia cư” được áp dụng cho nhà đất đều khác biệt tùy nơi, phần đông các tiểu bang chỉ cho miễn trừ tới giới hạn $100,000.

Trên toàn cõi Hoa Kỳ có chín tiểu bang cho trừ hơn $100,000 là Arizona, Florida, Iowa, Kansas, Massachusett, Minesota, Nevada, South Dakota và Texas nhưng riêng chỉ bốn tiểu bang có giới hạn tối đa vô hạn định là South Dakota, Iowa, Texas, và Florida. Vì giới hạn hẹp hòi đó nên đối với đa số nhiều người coi mức miễn trừ không hẳn là yếu tố quan trọng trong việc hoạch định tài sản.

Để áp dụng được luật miễn trừ điều kiện cốt yếu người chủ phải cư ngụ ở đó như gia cư chính và dùng nhà đó để khai. Những người ở tiểu bang với giới hạn miễn trừ thấp có thể dọn về tiểu bang với mức miễn trừ cao hoặc không giới hạn tối đa, nhưng cần lưu ý đến nhiều nơi đặt điều kiện qui định phải lưu ngụ một thời gian thí dụ hai năm rồi mới được hưởng mức miễn trừ mới, dưới thới gian này phải dùng mức hạn chế ở tiểu bang cũ.

Loại tài sản kế tiếp được miễn trừ là tiền dành cho hưu trí nói chung được bảo vệ nếu hội đủ điều kiện của luật hưu trí liên bang ERISA. Tuy nhiên cũng có kẽ hở thí dụ như quỹ hưu IRA không được miễn trừ theo luật liên bang mặc dầu cũng có thể được vài luật tiểu bang bảo vệ. Theo dự án luật phá sản cải cách do Tổng Thống Bush mới phê chuẩn thì các tài khoản hưu trí chỉ được miễn trừ nếu hội đủ điều kiện của ERISA và luật thuế IRS.

Quỹ hưu IRA có thể được miễn trừ tới $1 triệu nhưng phải kiểm điểm lại luật tiểu bang nơi cư ngụ xem áp dụng cho loại IRA nào. Phần đông các tiểu bang theo Điều Luật 408 của IRS cho loại Traditional IRA, còn một số tiểu bang khác áp dụng Điều Luật 408A mới được tu chính dành riêng cho loại Roth IRA. Cần lưu ý rõ ràng vì tùy từng tiểu bang có nơi chỉ bảo vệ cho Traditional IRA nhưng không cho Roth IRA hay ngược lại. Các chương trình hoãn thuế tương tự hay chương trình mua cổ phiếu tại hãng làm việc thường không được miễn trừ.

Loại tài sản miễn trừ khác tránh khỏi đe dọa của chủ nợ và người thắng kiện là bảo hiểm nhân thọ và “góp hưu đồng niên” (annuities). Hai loại tiền này cũng được bảo vệ một phần hay toàn phần tùy từng tiểu bang tuy nhiên phải đề phòng nếu bị buộc vào luật sang chuyển tài sản bất chính thì miễn trừ sẽ bị vô hiệu hóa. Tại nhiều tiểu bang có luật ấn định mức miễn trừ trị giá tiền mặt (cash value) cho giao kèo bảo hiểm chưa có hiệu lực có nghĩa là người được bảo hành còn sống nhưng chỉ cho giới hạn rất thấp.

Nhiều tiểu bang cũng có luật tiếp tục bảo vệ không cho chủ nợ đụng tới tiền bảo hiểm trả cho thân nhân khi người được bảo hành qua đời, tuy nhiên có yếu điểm là người thừa kế lại có thể bị kiện do lỗi chính mình nên vẫn gặp nguy cơ bị mất, do đó để chắc ăn nên đặt giao kèo bảo hiểm này vào một tín mục (a trust).

Đối với tiền “góp hưu đồng niên” nhiều tiểu bang cho miễn trừ nhưng với giới hạn thấp, nhiều nơi hạn chế chỉ cho mua từ $200 tới $500 một tháng. Hơn nữa mức miễn trừ “góp hưu đồng niên” cũng bị ảnh hưởng theo thời điểm mua lúc nào và cũng có tiểu bang bắt buộc tiền này này phải chung với giao kèo (policy) bảo hiểm nhân thọ thì mới được bảo vệ.

Trong các kế sách bảo vệ tài sản cá nhân có thể áp dụng một vài bí quyết giản dị là lập “Di Sản Sinh Thời” (Life Estate), “Vay Nợ Nhà Để Bảo Vệ Tài Sản” (Mortgaging Property), và “Từ Chối Di Sản” (Disclaimers).

“Di Sản Sinh Thời” là một văn kiện tương tự như di chúc được thiết lập theo đó sở hữu chủ một tài sản có ý muốn cho phép người được chỉ định sử dụng tài sản đó suốt đời nhưng người chủ vẫn nắm quyền truyền cho các thừa kế khác khi chết. “Di Sản Sinh Thời” được coi là một cách để gia tài tương tự như tín mục hay di chúc nhưng ít tốn kém hơn tuy nhiên không an toàn và chắc chắn bằng lập di chúc hay tín mục.

Để hiểu rõ công dụng của “Di Sản Sinh Thời” lấy hai thí dụ, thứ nhất chủ một ngôi nhà truyền lại cho các con kế thừa nhưng suốt thời gian người ấy còn sống vẫn có quyền cư ngụ ở ngôi nhà đó. Trường hợp thứ hai một người có ngôi nhà nhưng để bà vợ đứng tên làm chủ để tránh mất nhà nếu rủi ro có chuyện bị kiện thưa phải đền bồi.

Bà vợ lập “Di Sản Sinh Thời” cho chồng được ở ngôi nhà đó suốt đời đến khi ông chết các con mới được kế thừa. Cả hai thí dụ trên cho thấy ngôi nhà được bảo vệ không bị mất nếu rủi ro xẩy ra chuyện thua kiện vì trường hợp thứ nhất sở hữu chủ ngôi nhà là các con và trường hợp thứ hai quyền sở hữu ở bà vợ. Trong cả hai thí dụ trên người chủ sau khi lập “Di Sản Sinh Thời” không còn làm chủ ngôi nhà nhưng điều chính yếu là vẫn có quyền sống ở đó suốt đời.

Dĩ nhiên có điểm bất lợi là quyền lợi bị hạn chế vì người này không còn quyền bán nhà nên chủ quyền kém giá trị nhưng có lợi điểm quan trọng là chẳng bao giờ sợ mất nhà vì kiện thưa hay đền bồi. Nếu ai có mục đích chỉ muốn sống ở một ngôi nhà suốt đời thì sẽ thấy việc hạn chế chủ quyền nêu trên không đáng lo âu bằng có nhà nhưng vẫn cảm thấy bất an vì còn trong tầm tay của chủ nợ hay kẻ thắng kiện.

“Di Sản Sinh Thời” còn được coi là một phương cách bảo vệ tài sản thông dụng cho người già giữ được nhà đất không sợ lúc lâm trọng bệnh bị xiết đi vì nợ thầy thuốc, nhà thương hay các chi phí y tế, dưỡng sinh khác. Hiện nay chương trình trợ giúp y tế Medicaid của chính phủ vẫn chấp nhận trợ cấp cho người lập “Di Sản Sinh Thời” dù rằng có lập luận cáo buộc rằng những người này vẫn còn nhà để ở chứ thực sự không phải là người nghèo.

“Vay Nợ Nhà Để Bảo Vệ Tài Sản” thực ra không phải là một phương sách bảo vệ tài sản hữu hiệu vì đó là một cách cất tiền vào túi. Tuy nhiên những người có tài sản khó giữ an toàn thí dụ như làm chủ một ngôi nhà đã trả hết nợ hoàn toàn và không thích hợp áp dụng những phương pháp đã nêu thì có thể dùng một bí quyết giản dị là đem nhà vay nợ thế chấp (mortgaging) lấy một món tiền mặt lớn rồi đem đầu tư vào một kế hoạch bảo vệ tài sản khác.

Theo thí dụ trên nói một cách khác là làm giảm giá trị một tài sản không được bảo vệ là ngôi nhà đã hết nợ đem đổi thành tiền mặt rồi chuyển tiền đó vào những kế hoạch được bảo vệ như “tín mục bất hủy” (irrevocable trust) hay “tổ hợp gia đình hữu hạn” (family limited partnership). Kết quả là ngôi nhà trở thành một tài sản không mấy hấp dẫn đối với chủ nợ vì vướng nợ chẳng còn giá trị, còn số tiền mặt vay ra nay đã được đặt vào tín mục hay tổ hợp là thành trì bảo vệ mà chủ nợ hay kẻ thắng kiện không thể đụng tới được.

Các kế hoạch bảo vệ tài sản không có nghĩa là chỉ che chở của cải mình có mà còn phải tránh không để gia tài được thừa hưởng bị xiết đi. “Từ Chối Tài Sản” cũng là một cách bảo vệ di sản được để lại nếu không nhận.

Thí dụ cậu Hai có một ông bác giàu có mới qua đời để di chúc cho $300,000. Không may ngay trong thời gian đó cậu thua kiện phải bồi thường một nạn nhân bị thương tích nặng trong một tai nạn giao thông mà cậu có lỗi. Nếu nhận $300,000 lúc đó không những cậu Hai bị xiết hết mà còn bị người thắng kiện làm tới. Cậu có thể chọn giải pháp không nhận (disclaimer) hay từ chối (renunciation). Di sản đó theo di chúc sẽ truyền cho thân nhân khác trong đại gia đình của cậu Hai là con cháu cậu còn hơn là mất vào tay người ngoài.

Muốn từ chối được hợp pháp cần phải hội đủ các qui định của luật thuế liên bang IRS – Section 2518 là (1) không được đổi ý (2) phải viết thành giấy tờ (3) không được đặt bất cứ điều kiện nào (4) không được nhận hay hưởng bất cứ lợi lộc nào trong tài sản đã từ chối (5) không được quyền chỉ định cho người khác (6) phải từ chối trong vòng chín tháng sau ngày chết của người để lại di sản.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Thưởng thức bánh mì ở Bao N Baguette

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT