Thursday, March 28, 2024

Bướm ma, loài côn trùng có trong mọi nhà ở Mỹ

Hà Tường Cát/Người Việt

Trên toàn nước Mỹ, bướm ma là một loài côn trùng rất thường thấy trong mọi nhà, nếu vô tình bỏ vương vãi hay lưu trữ những thực phẩm dư thừa khiến cho chúng có điều kiện sinh sôi.

Tên tiếng Anh của bướm ma là “Indian Meal Moth” do nhà côn trùng học Asa Fitch đặt ra khi lần đầu tiên vào giữa thế kỷ 19. Ông tìm thấy chúng trong ngô xay giã, đồ ăn của thổ dân da đỏ Châu Mỹ (Indian Meal). Indian ở đây không liên quan gì tới Ấn Độ.

Người ta thường lầm bướm ma thực phẩm với bướm ma vải (Webbing Clothes Moth), bướm ma thực phẩm Indianmeal Moth chỉ phá hoại thực phẩm chứ không làm hại quần áo.

Ở giai đoạn phát triển trưởng thành, bướm ma có chiều dài chừng 1/2 đến 3/5 inch (12-15 mm), chúng bộ cánh màu xám, tương tự như loài bướm đêm (moth), xếp xuôi về sau, khác với loài bướm ngày và không có phấn, bay vụng về, không nhanh gọn như ruồi. Theo các nhà côn trùng học, bướm ma “Indian Meal Moth” rất dễ phân biệt với hơn 500 giống bướm đêm khác tại Bắc Mỹ, nhờ nửa sau bộ cánh có mầu nâu đỏ hoặc màu đồng.

Điều nên biết là bướm ma làm hư hỏng thực phẩm và gây khó chịu cho con người, nhưng không có chất độc. Nếu bị bướm ma cắn, hay ăn nhằm chúng, cũng không có tác hại gì đáng lo ngại.

Giống bướm ma sinh sôi nảy nở rất mau vì một con cái có thể đẻ từ 100 tới 300 trứng rất nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Ấu trùng của chúng thường tìm thấy ở những chỗ chứa đồ ăn như nhà bếp, tiệm tạp hóa, chợ, nơi có những thực phẩm như bột, ngũ cốc, trái cây khô, sữa bột, hạt, chocolate, kẹo,…

Đồ ăn cho chim, chó mèo, hoa khô và potpourri trong nhiều trường hợp đã là các nguồn chứa sẵn trứng bướm ma hay ấu trùng trước khi đem vào nhà, cho nên bướm ma có thể có ở tất cả mọi nơi, từ phòng khách, phòng ngủ tới nhà tắm chứ không chỉ riêng nhà bếp. Tuy nhiên những con bướm ma trong nhà không chỉ là Indian Meal Moth, mà còn có nhiều loài không sinh sản từ thực phẩm.

Bướm ma có thiên hướng tìm đến nơi nào ban đêm có ánh sáng, nên đèn trong nhà và ở các chợ, tiệm tạp hóa thu hút chúng tìm đến rồi sinh đẻ phát triển.

Khi con bướm ma cụp cánh. (Hình: wikimedia.org)

Người ta chưa hiểu rõ nguyên nhân, vì sao bướm ma thường bay quanh đèn, giống như nhiều giống bướm đêm được gọi tên là thiêu thân vì bay tự sát vào lửa. Một giả thuyết cho rằng những côn trùng này tự nhiên biết sử dụng một kỹ thuật điều hướng không gian, lấy mặt trăng làm chuẩn để giữ góc bay, thẳng và ngang trên mặt đất. Vì mặt trăng rất xa và lúc nào cũng trên đường chân trời nên góc bay, không biến đổi suốt đoạn đường bay. Nhưng khi chúng thấy một ngọn đèn sáng và lấy làm chuẩn, thì góc bay luôn luôn thay đổi, qua một khoảng đường bay ngắn, con bướm ma biết tự điều chỉnh góc bay theo thiên bẩm và cuối cùng đi theo một quỹ đạo xoắn ốc, càng ngày càng đến gần nguồn sáng.

Bướm ma sống ở tất cả các miền khí hậu, trừ Nam Cực và phát triển khi thời tiết ấm áp, khiến cho chúng trở thành loài sâu bệnh gây hại dai dẳng. Chừng nào nhiệt độ trong nhà, hoặc nơi chứa đồ ăn khô trên 50 độ F, thì bướm ma có thể sống và sinh sản. Chu trình tiến hóa từ trứng qua ấu trùng đến sâu bướm, làm kén, nhộng nở thành bướm và sinh sản trong khoảng từ 40 đến 55 ngày.

Thực phẩm tồn trữ trong kho bị hư hỏng, do ấu trùng giăng tơ và quấn thành kén, bọc những hạt nhỏ lại với nhau. Ấu trùng có thể đục lỗ qua giấy cứng và plastic nên thực phẩm chứa lâu ngày trong hộp cũng không an toàn.

Bướm ma không bay xa trừ khi đi tìm đồ ăn, và chỉ bay vào lúc chập choạng tối, tránh tia tử ngoại vào lúc tia xanh trong ánh sáng là chính. Người ta khai thác đặc tính ánh sáng xanh hấp dẫn bướm ma để tìm cách trừ các loài bướm đêm.

Để tìm xem có sâu bọ phá hoại không, trước hết hãy kiểm tra tủ  thức ăn hoặc theo dõi bằng loại bẫy không có chất độc, chỉ dùng một viên hóa chất mỗi tháng thay một lần, để dụ bướm ma vào. Nếu thấy dấu hiệu có những cái kén thì phải làm vệ sinh ngay và chuyển hết mọi thực phẩm ra ngoài.

Nên nhớ các chất tẩy rửa như nước, xà phòng, giấm, không hiệu quả bằng sự cắt bỏ nguồn lương thực cho bướm ma. Thiếu lương thực ở một giai đoạn nào, chu trình biến hóa của bướm ma cũng sẽ bị gián đoạn. Không nên dùng thuốc trừ sâu có thể gây nhiễm độc nguy hiểm, nếu chưa tham khảo để được các chuyên viên chỉ dẫn.

Để ngăn ngừa bướm ma xuất hiện trở lại, nên thường xuyên lau chùi các kệ để đồ ăn bằng nước pha giấm, xà bông, không để sót lại chút thực phẩm dư thừa nào cần cho bướm ma và ấu trùng có thể sống. Kiểm tra cẩn thận thực phẩm khô mua về, xem có dấu hiệu bướm ma hay không và nên thay bao mới, đừng tiếp tục chứa trong bao cũ. Không nên mua nhiều đồ ăn khô để dành và tất cả phải cất vào tủ đậy kín hoặc vào tủ lạnh.

Nhiều loại bẫy bướm ma không dùng hóa chất độc được quảng cáo bán ngoài thị trường, tuy nhiên hiệu quả chỉ tương đối vì không thể nào bẫy hết mọi con bướm và không tìm ra những nơi còn trứng và ấu trùng.

Do đó làm vệ sinh thường xuyên và không bỏ sót bất cứ một góc, khe, kẹt tủ nào là phương cách duy nhất để diệt trừ hẳn bướm ma trong nhà, một mục tiêu rất khó đạt kết quả hoàn toàn. Nguyên tắc đơn giản nhất có thể, là thu hẹp diện tích tồn tại của bướm ma trong nhà, bằng cách chỉ chứa thực phẩm tại một số ít nơi, tránh ăn uống ở các phòng khác nhau, vứt bỏ những vật dụng cũ lâu ngày, không để có nhiều chỗ khuất cho bướm ma đẻ trứng và ấu trùng ẩn náu. (Hà Tường Cát)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch đền Karnark ở Ai Cập” (phần 1)

MỚI CẬP NHẬT