Thursday, March 28, 2024

Các cơ quan khảo cứu nổi tiếng thế giới

Hà Dương Cự/Người Việt

Một quốc gia muốn hùng mạnh không thể không có những cơ quan khảo cứu để tìm tòi, khám phá và phát triển những kỹ thuật mới. Trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ là nước bỏ tiền nhiều nhất vào các cơ quan khảo cứu. Bây giờ Trung Quốc bắt chước mô hình phát triển của Hoa Kỳ đã và đang đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển.

Theo mạng Statista thì trong năm 2019, Hoa Kỳ sẽ chi dùng $581.93 tỷ trong vấn đề nghiên cứu và phát triển và Trung Quốc sẽ chi dùng $519.22 tỷ.

Tuy nhiên tính theo phần trăm của tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product viết tắt là GDP) thì Hoa Kỳ dùng 2.7% GDP cho nghiên cứu và phát triển và Trung Quốc chỉ có 2%. Trong khi đó Nam Hàn dùng tới 4.3% GDP và Do Thái 4.2%, đây là hai nước đứng đầu bảng.

Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ có 17 phòng thí nghiệm quốc gia. Ngoài những nghiên cứu có tính cách quốc phòng, những phòng thí nghiệm này còn nghiên cứu và giải quyết những vấn đề có tính cách phổ quát và có ảnh hưởng cả thế giới, thí dụ như những nghiên cứu về sự thay đổi thời tiết.

Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Argonne

Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Argonne (Argonne National Laboratory) bắt nguồn từ dự án tối mật của nhà vật lý Enrico Fermi, dự án Mahattan để chế tạo bom nguyên tử đầu tiên trong Thế Chiến Thứ Hai. Argonne thường làm những nghiên cứu mật của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Ngoài những nghiên cứu về nguyên tử, Phòng Thí Nghiệm Argonne còn làm những khảo cứu có tính cách căn bản về vật lý, hóa học và luyện kim. Phòng Thí Nghiệm Argonne chuyển dần sang nghiên cứu về năng lượng, năng lượng tái tạo được. Argonne bây giờ thuộc quyền quản trị của Đại Học Chicago.

Cơ sở nghiên cứu Advanced Photon Source của phòng thí nghiệm Argonne. (Hình: phys.org)

Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Los Alamos

Đây là một phòng thí nghiệm tọa lạc ở tiểu bang New Mexico, lúc đầu được tạo ra để nghiên cứu làm bom nguyên tử cùng với Phòng Thí Nghiệm Argonne. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Los Alamos được ủy thác để nghiên cứu các loại bom hạt nhân. Sau thời Chiến Tranh Lạnh, Los Alamos chuyển sang những dự án dân sự. Hiện nay Phòng Thí Nghiệm Los Alamos là một trong những viện khảo cứu khoa học lớn nhất thế giới. Những khảo cứu ở đây là về nhiệt hạch hạt nhân (nuclear fusion), công nghệ nano (nanotechnology), siêu điện toán và thám hiểm không gian. 

Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Oak Ridge

Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Oak Ridge (Oak Ridge National Laboratory) là phòng thí nghiệm lớn nhất về năng lượng và khoa học của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ. Oak Ridge chú trọng về khoa học vật liệu, khoa học nơ tron (neutron science), năng lượng, điện toán năng suất cao, các hệ thống sinh vật học và vấn đề an ninh quốc gia. Oak Ridge sở hữu hai siêu máy tính mạnh nhất thế giới: Titan và Summit. 

Phòng Thí Nghiệm Tăng Tốc Quốc Gia Fermi

Phòng Thí Nghiệm Tăng Tốc Quốc Gia Fermi (Fermi National Accelerator Laboratory) thường được gọi tắt là Fermilab là phòng thí nghiệm chuyên về vật lý hạt nhân năng lượng cao (high energy particle physics). Fermilab thiết kế, xây dựng và điều hành một hệ thống tăng tốc (accelerator) để nghiên cứu về những vật thể nhỏ nhất mà con người có thể quan sát được. Fermilab cũng có sự hợp tác của các khoa học gia khắp thế giới. 

Trung Tâm Khảo Cứu Palo Alto

Trung Tâm Khảo Cứu Palo Alto (Palo Alto Research Center, viết tắt là PARC) được hình thành vào năm 1970 và là bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty Xerox Corporation. Tuy nhỏ nhưng PARC đã đóng góp rất lớn trong công nghệ thông tin. PARC phát minh ra máy in la de và giao diện đồ họa (graphical user interface) bao gồm khung hình biểu hiện (window), biểu tượng (icon) và con chuột.

Hiện nay PARC là một công ty đứng độc lập và làm khảo cứu cho các công ty khác trong nhiều lãnh vực, trong đó có thông minh nhân tạo (artificial intelligence), các dụng cụ thông minh và IoT (Internet of Things tạm dịch là Internet cho mọi vật). 

Bell Labs

Bell Labs được thành lập vào năm 1925 và là cơ quan nghiên cứu và phát triển của công ty điện thoại AT&T. Sau nhiều lần đổi chủ, hiện nay Bell Labs thuộc về công ty Nokia.

Bây giờ Bell Labs chỉ còn là một bóng mờ so với những cơ quan khảo cứu khác. Nhưng Bell Labs đã có một quá khứ huy hoàng, chưa một cơ sở khảo cứu nào có thể sánh kịp. Những khám phá hay sáng chế nổi tiếng của Bell Labs là:

-Chất bán dẫn (transistor).

-Điện thoại di động.

-Pin mặt trời (solar cell).

-La de.

-Vệ tinh truyền thông.

-Hệ điều hành Unix và ngôn ngữ C.

-Thiên văn ra đi ô (radio astronomy).

-Kiểm chứng Thuyết Vụ Nổ Lớn (Big Bang Theory).

Các kết quả nghiên cứu ở Bell Labs đã được 13 giải Nobel. Có thể nói là Bell Labs đã có ảnh hưởng tới đời sống của mọi người trên trái đất này. 

Hội Đồng Khảo Cứu Nguyên Tử Châu Âu CERN

CERN là chữ viết tắt của “Conseil Européen pour la Recherche Nucléaire.” Đây là cơ sở khảo cứu của Châu Âu chuyên nghiên cứu về vật lý hạt và những vật chất nhỏ nhất trong vũ trụ. CERN điều hành hệ thống tăng tốc hạt (particle accelerator) lớn nhất thế giới. CERN nổi tiếng vì vành va chạm Hadron (Hadron collider). Vành này dùng để nghiên cứu về phản vật chất (antimatter).

Tuy không liên quan gì tới vật lý hạt nhưng CERN là nơi phát sinh ra World Wide Web, ba chữ www thường thấy khi lướt mạng. 

Trung Tâm Khảo Cứu Khoa Học Quốc Gia CNRS

CNRS là chữ viết tắt của “Centre National de la Recherche Scientific.” CNRS là cơ quan nghiên cứu khoa học của Pháp Quốc dưới sự quản trị của Bộ Giáo Dục Đại Học và Khảo Cứu. Cơ quan này được thành lập từ năm 1939. Một vài đề tài đang được nghiên cứu tại CNRS là:

-Pin điện sodium-ion mới, rẻ hơn và tốt cho môi trường, có thể dùng cho máy tính xách tay và xe điện.

-Nghiên cứu các phần mềm độc hại để rút tỉa ra những điều cần thiết cho một phần mềm chống vi-rút.

-Phát triển khớp thần kinh (synapse) điện tử có thể tự học. Từ đó có thể dẫn tới việc tạo thành bộ óc nhân tạo. 

Tập đoàn Fraunhofer

Tập đoàn Fraunhofer là một cơ quan chuyên về nghiên cứu các vấn đề thực dụng, như là y tế, an ninh, truyền thông, năng lượng và môi trường. Fraunhofer bao gồm 72 cơ sở và đơn vị nghiên cứu trải khắp nước Đức. Tập đoàn này có hơn 26,600 nhân viên và ngân sách thường niên là 2.5 tỷ Euro. Trong quá khứ Fraunhofer được biết đến qua sự phát triển thuật toán nén (compression algorithm) mp3.

Liên Minh Pin Điện Fraunhofer (Fraunhofer Battery Alliance) đang phát triển những kỹ thuật cho pin điện trong tương lai từ những pin nhỏ xíu gọi là pin nút (button cell) tới những hệ thống chứa điện lớn cố định. Đây là một cố gắng của Châu Âu để bắt kịp các nước Châu Á trong lãnh vực pin điện. 

Học Viện Khoa Học Trung Quốc

Đây là một cơ quan nghiên cứu và phát triển cao nhất ở Trung Quốc. Cơ quan này có tới 114 cơ sở trên khắp Trung Quốc và hai đại học. Nếu chiếu theo số bài khảo cứu đăng trên tờ Nature và những hệ thống phụ thuộc thì Học Viện Khoa Học Trung Quốc được xếp hạng số 1 trong số các cơ quan khảo cứu thế giới trong hai năm, 2014 và 2015.

Theo một bài báo đăng trên báo South China Morning Post thì năm nay, 2019 số tiền Trung Quốc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển lên tới 2.5% GDP. Điều này rất đáng quan tâm vì đây là một trong những hành động để mong thống trị thế giới của Trung Quốc. (Hà Dương Cự)

—–
Nguồn tài liệu: www.energy.gov, www.rankred.com

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT