Tuesday, April 23, 2024

Cần biết về bệnh Sốt Xuất Huyết (Dengue)

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Khi nào thì phải “nghĩ đến’’ sốt xuất huyết?

Khi có sốt cao thì phải nghĩ ngay đến Sốt Xuất Huyết (SXH). Thà “nghĩ đến” mà không phải còn hơn là chủ quan, để bệnh trở nặng trở tay không kịp!

Vì sao? Vì SXH là một thứ bệnh diễn biến rất khó lường! Cho đến nay, SXH vẫn là thứ bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có thuốc chủng ngừa. Ở những vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, nhất là ở trẻ em! Bệnh diễn biến rất bất ngờ. Mới thấy trẻ chỉ sốt suông, có vẻ khỏe, bỗng rơi vào sốc, trụy tim mạch, rối lọan đông máu, co giật, lúc đó thì đã nặng!

Một trẻ bị sốt cao liên tục 3, 4 ngày liền (sốt trên 39 độ C), khó làm hạ sốt (uống thuốc hạ sốt không hiệu quả), thường chỉ sốt suông (không kèm với ho, ỉa chảy như các lần trước…) thì… “chắc” là SXH rồi, nên đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám.

Bệnh nguy hiểm nhất xảy ra vào ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, đó là thời điểm dễ rơi vào “sốc”, đặc biệt lúc vừa giảm sốt, chưa kịp mừng thì bệnh đã trở nặng! Năm xưa, một đứa cháu của một nhà văn nổi tiếng ở miền Trung bị sốt cao ba ngày liền, đưa đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo viêm họng, không phải sốt xuất huyết, còn thề thốt nếu cháu mà bị SXH thì ông sẽ… từ chức, bỏ nghề! Kết quả, đứa bé… tử vong vì SXH!

Làm sao biết SXH “chuyển độ” từ nhẹ sang nặng?

Vấn đề là làm sao biết lúc nào thì bệnh chuyển từ độ nhẹ sang có dấu hiệu cảnh báo và sang độ nặng nguy hiểm để can thiệp kịp thời? Có một số dấu hiệu giúp phát hiện sớm sự chuyển độ này với điều kiện bệnh nhân phải được theo dõi thật sát. Ai theo dõi? Chính phụ huynh, người nhà của trẻ bệnh chớ không phải ai khác. Vì trong mùa dịch, bệnh viện tràn ngập, các bác sĩ, điều dưỡng đều đầu tắt mặt tối, không thể theo dõi kỹ trên từng bệnh nhân như người nhà được! Vả lại việc theo dõi các dấu hiệu này cũng dễ, ai cũng làm được nếu biết. Dấu hiệu chuyển độ, từ nhẹ sang nặng là đột nhiên trẻ kêu đau bụng (đau nhiều hơn, đau vùng hông phải), bứt rứt, lăn lộn, kêu khát nước, da đổi sắc (bầm bầm, tím tái), tay chân lạnh, mạch nhanh và nhẹ… Phải báo động ngay cho bác sĩ.

Tóm lại, khi trẻ sốt cao đột ngột, sốt suông (sốt khơi khơi, không kèm ho, sổ mũi gì cả!), khó làm hạ sốt, vài ngày sau nếu có dấu xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng (lợi), nổi vết bầm chỗ chích, cắt, lể… thì đã gần chắc là SXH. Khi bệnh trở nặng thì có thêm đau bụng, và dấu hiệu sốc: lạnh tay chân, mạch yếu và nhanh…

Trong khi theo dõi, đặc biệt từ ngày thứ ba trở đi, khi sốt cao đã giảm, chớ vội mừng, nếu thấy bệnh nhân có một vài dấu hiệu dưới đây thì phải báo động ngay cho bác sĩ:

1.Bứt rứt, lăn lộn, vật vả hoặc li bì, lừ đừ…một cách bất thường.

2.Đau bụng, đau nhiều hơn, đau vùng hông phải (vùng gan).

3.Chảy máu cam, chảy máu nướu răng (lợi), đi phân lợn cợn đen, ói có máu…

4.Tay chân lạnh giá, da đổi sắc, bầm bầm, tím tái…

5.Tiểu ít, khát nước nhiều.

SXH ở người lớn?

Những năm gần đây, tỷ lệ SXH ở người lớn ngày càng tăng. Các dấu hiệu SXH Dengue có nhiều điểm khác biệt ở người lớn và trẻ em. Ngoài sốt cao, người lớn thường kèm theo lạnh run, nhức đầu (Sốt Dengue, giống như cảm cúm, có thể tự khỏi, có thể chuyển độ nặng). Thời gian sốt kéo dài hơn (từ 5-7 ngày, dễ nhầm với các bệnh khác) trong khi ở trẻ em chỉ sốt 3-4 ngày. Sốt thường kèm ói mửa, tiêu chảy, đau bụng.

Những trường hợp nặng có dấu hiệu xuất huyết (xuất huyết da, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết âm đạo, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết kết mạc…). Có báo cáo cho thấy có một số biểu hiện nặng khác như viêm cơ tim, xuất huyết não…, suy gan, hôn mê, co giật. Tóm lại, SXH ngày nay không chỉ gặp ở trẻ con mà còn gặp ngày càng nhiều ở người lớn với bệnh cảnh phức tạp hơn và nặng nề hơn. Cho nên phải hết sức cảnh giác.

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Dân tộc Karen – Người cổ dài ở Thái Lan”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT