Thursday, March 28, 2024

Chân yếu không có lực

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Đầu gối hoạt động bình thường là phải uốn cong và duỗi thẳng được, trong khi vẫn giữ được lực chống đỡ ổn định.

Trong khớp xương đầu gối có chứa chất lỏng hoạt dịch với cấu trúc gồm bốn đặc điểm: Sụn khớp, sợi bao khớp, ổ khớp và dây chằng thư giãn bình thường.

Đầu gối không được lung lay từ bên này qua bên kia. Bất cứ một sự khác thường xảy ra và kéo dài nhiều ngày thì cần phải đi thầy thuốc định bệnh và chữa trị như: Không thể di chuyển bình thường; đầu gối đau ngay cả khi không chịu áp lực tác dụng.

Đầu gối bị sưng đỏ có thể là do thoái hóa hay bị viêm nhiễm hoặc bị bệnh gút (gout). Bệnh thoái hóa khớp xương là hình thái phổ biến nhất của bệnh viêm khớp, thường xảy ra ở đầu gối là nơi khớp gánh chịu sức nặng của cơ thể, vì sụn nơi đây bị những khối xương lớn, cứng tàn phá mãnh liệt, cử động liên tục và chèn ép nhau.

Những chỉ dấu ban đầu của bệnh viêm khớp lộ ra khi sáng thức dậy vào lúc thời tiết bên ngoài ẩm ướt, bỗng cảm thấy cứng ở khớp xương đầu gối.

Tiếp theo đó cử động thấy đau, càng vận động càng đau nhiều hơn.

Viêm khớp xương là do hệ quả của tuổi tác, vì mỗi 10 năm là một tiến trình thoái hóa khớp xương, mà khả năng tự bù đắp của cơ thể yếu kém hơn sự hư hỏng, nên khó tránh khỏi bệnh viêm khớp xương như xương đầu gối.

Đối với Đông y ngoài vấn đề thấp khớp gây ra thoái hóa khớp xương và viêm khớp gây ra chân đau, đi bất lực, còn hai nguyên nhân chính do thận dương và thận âm suy mà gây ra.

Thấp là âm tà hay làm tổn thương dương khí, gây trở ngại cho khí vận hành. Thấp làm dương khí của tì khí bị giảm sút, ảnh hưởng tới sự vận hành của thủy thấp gây chứng phù thũng, ảnh hưởng tới vận hóa đồ ăn gây ra chứng bệnh về tiêu hóa như nhạt miệng ăn kém, đầy bụng, tiêu chảy, mót rặn, làm xưng khớp đầu gối gây đau và bất lực.

Thận dương suy gây ra đầu gối bất lực

Thân dương suy còn gọi là mạng môn hỏa suy: Bệnh nhân lạnh tứ chi, mặt trắng bệch hay đen kịt, đau vùng thắt lưng, ù tai, xuất tinh sớm, rụng răng trước tuổi, mất thính giác, liệt dương, nước tiểu trắng trong, đi tiểu nhiều lần, ngày nhiều hơn đêm, són đái, phù chân, nhạt miệng, chân yếu đứng lên đôi khi phải vịn vào thành giường, hay đi phải chống gậy. Rêu lưỡi trắng. Mạch trầm, trì và vô lực.

Bài thuốc:
-Lộc nhung 30 grs
-Nhục quế 9 grs
-Từ thạch 30 grs
-Mẫu lệ 15 grs
-Bá kích thiên 12 grs
-Nhục thung dung 12 grs
-Ngũ vị tử 20 grs
-Tiểu hồi hương 15 grs

-Lộc nhung, nhục quế, bá kích thiên, nhục thung dung, tiêu hồi hương, mẫu lệ: Bổ thận dương.
-Ngũ vị tử: Bổ tì vị.

Cách dùng: Tán bột, luyện mật, làm viên, mỗi viên nặng 9 gram, ngày uống hai lần, sáng và tối, mỗi lần một viên, chiều với rượu hâm nóng, vào lúc bụng trống. Cần uống lâu dài mới có kết quả.

Thận âm suy gây ra đầu gối bất lực

Như chúng ta đã biết âm dương trong cơ thể hay tạng phủ quân bình thì vô bệnh. Nếu âm dương mất quân bình sẽ sinh ra một khoảng trống. Cái khoảng trống này là nguồn gốc của mọi bệnh tật.

Thận âm suy có nghĩa là phần âm của thận bị giảm xuống dưới mức bình thường, trong khi phần dương vẫn bình thường. Vì phần cách biệt giữa âm và dương là phần dương, mà dương thuộc hỏa, nhưng vì âm suy nên mới có phần hỏa này, nên Đông y gọi phần này là hư hỏa (giả nhiệt).

Cho nên người bị thận âm suy về chiều sẽ mệt mỏi hơn buổi sáng, càng về đêm hư hỏa (giả nhịệt) càng gia tăng.

Theo Ngũ Hành, thận thuộc hành thủy và tim thuộc hành hỏa tương khắc với nhau, một khi thận âm suy sẽ làm tim không có chỗ tựa, nên đập nhanh hơn bình thường vào đêm.

Vì tim tàng thần, mà thần không có chỗ để tàng nên gây ngủ chập chờn, ngủ không ngon giấc. Nếu thận suy nhiều thì đôi khi thức trắng đêm, đi tiểu nhiều lần nhất là về đêm, phừng mặt để lâu gây nám mặt, dưới mắt quầng đen, miệng, lưỡi khô, khát nước, nhưng không uống nhiều.

Tuy là giả nhiệt, nhưng âm ỉ đốt từ ngày nọ qua tháng kia làm da khô, lưỡi khô, nếu chúng ta không lưu tâm chữa trị sẽ làm mất những chất nhờn và làm sưng các khớp xương, nhất là xương đầu gối phải hoạt động thường xuyên và phải chịu một sức nặng dễ gây ra đau nhức và yếu đầu gối, mỗi khi ngồi xuống đứng lên phải vịn tay vào thành giường mới đứng dậy được.

Mạch vi và sác. Lưỡi khô và đỏ, rêu lưỡi hơi vàng.

Chủ trị: Bổ âm, thanh hư hỏa, trừ viêm.

Bài thuốc:
-Sơn thù du 9 grs
-Mẫu đơn bì 9 grs
-Phục linh 9 grs
-Trạch tả 9 grs
-Hoài sơn 9 grs
-Thục địa 18 grs
-Độc hoạt 9 grs
-Tần giao 9 grs
-Tục đoạn 9 grs
-Đào nhân 9 grs
-Đỗ trọng 9 grs
-Tang ký sinh 9 grs
-Kê huyết đằng 9 grs
-Đại táo 3 trái

-Sơn thù du: Ôn gan và giúp tăng cường sức mạnh cho thận.
-Mẫu đơn bì: Thanh nhiệt và giảm huyết nóng.
-Sơn dược: Bổ tì và tăng cường thận.
-Phục linh: Gia tăng tiểu tiện, giảm sưng, giảm thấp nhiệt trong tì.
-Trạch tả, đào nhân: Vừa giúp lợi tiểu, giảm ù tai, sinh tân ở khớp xương.
-Độc hoạt, tần giao, tục đoạn, tang ký sinh, kê huyết đằng: Hóa thấp giảm đau.
-Ngưu tất: Dẫn thuốc xuống đầu gối, trị đau nhức.
-Đỗ trọng: Bổ thận, giảm đau làm gia tăng sức mạnh cho đầu gối.
-Đại táo: Bổ huyết và phối hợp các vị thuốc. (Bác Sĩ Đặng Trần Hào)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT