Chích thuốc vào khớp

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

– Tôi nghe nói, hễ bị đau khớp thì chích vô khớp một mũi thuốc là xong ngay, mau hết nhất. Nhưng lại có người nói, chích sẽ làm mục xương rất có hại. Sự thực như thế nào? Khi nào thì chích và chích có làm mục xương không? Ngoài ra có hại gì khác không?

– Tôi nghe nói khi khớp bị đau là do “khô nhớt,” vì vậy chích một mũi chất nhờn vào khớp có thể giúp khớp trơn tru trở lại và đau nhức sẽ biến mất, có đúng là như vậy không?

– Có người nói với tôi là nhiều khi đau khớp là do bị đóng chất dơ, cặn bã trong đó, rửa sạch có thể giúp lấy bớt chất dơ ra, giúp khớp hoạt động trơn tru và giảm đau. Có đúng như vậy không?

Ðáp:

Thường chỉ nên dùng khi các biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc uống (như đã kể trong các kỳ trước) không đủ hiệu quả.

Có hai loại chích vào khớp thường được dùng (chỉ khi thật sự cần thiết) ở các bệnh nhân viêm xương khớp, là chích chất chống viêm steroid, và chích chất nhờn (viscous liquid containing polymers of sugar molecules known as hyaluronate).

Chích steroid vào khớp

Vẫn tương đối còn có ý kiến khác nhau trong việc dùng phương pháp này. Một nghiên cứu so sánh giữa việc chích nước muối (placebo) với việc chích steroid cho thấy rằng sau một tuần tác dụng giảm đau ở người được chích steroid (mà không biết đó là steroid hay nước muối) chỉ hơn người được chích nước muối (cũng không biết đó là steroid hay nước muối) một chút xíu. Nghiên cứu này kết luận rằng sau một tuần, tác dụng giữa steroid và nước muối không khác nhau.

Theo một số tác giả sau khi tổng hợp nhiều nghiên cứu, chích steroid vào khớp chỉ nên được sử dụng ở những ai bị đau chỉ giới hạn ở một vài khớp và đã được cho dùng các thuốc NSAIDs (đúng liều và đúng cách) mà vẫn chưa đủ hiệu quả. Chích steroid vào khớp cũng có thể được dùng ở những người không thể dùng các thuốc NSAIDs (và đã dùng các thuốc giảm đau cũng như các biện pháp không dùng thuốc thích hợp khác mà không đủ hiệu quả).

Chích steroid vào khớp nếu dùng đúng thường ít có tác dụng phụ, tuy nhiên một số người có thể bị bùng phát các triệu chứng viêm trong một thời gian ngắn. Ở một số ít trường hợp, chích steroid vào khớp cũng có thể gây ra nhiễm trùng khớp, tuy nhiên tỉ lệ này chỉ khoảng một phần năm ngàn.

Các chất steroids có thể đẩy mạnh sự tổn thương của một số khớp nếu được dùng thường xuyên. Do đó, nói chung, khuyến cáo của nhiều bác sĩ hiện nay là không nên chích steroid vào khớp quá ba lần một năm, đặc biệt là ở các khớp chịu đựng sức nặng của cơ thể như là khớp gối.

Chích chất nhờn vào khớp

Các chất “nhớt” bôi trơn khớp có chứa một số lượng lớn chất hyaluronate. Ðây là thành phần tạo ra sự trơn của chất nhớt này. Chích các chất tổng hợp của hyaluronate (hyaluronan – Hyalgan – và hylan-GF-20 – Synvisc) có thể giúp giảm đau tương đương với việc dùng các thuốc NSAIDs. Tuy nhiên, sự giảm đau này có thể kéo dài vài tháng.

Việc chích chất nhờn vào khớp nói chung cũng nên chỉ sử dụng ở các bệnh nhân không thể uống các thuốc NSAIDs và cũng như đã sự dụng các thuốc uống và các biện pháp không dùng thuốc khác mà không đủ hiệu quả. Nó cũng được khuyến cáo sử dụng ở những người đang chờ mổ khớp. Khi được sử dụng, chất nhờn thường được chích vào khớp gối; việc sử dụng chúng trong các trường hợp khác vẫn còn đang được nghiên cứu.

Cũng như trong trường hợp chích steroid vào khớp, có một nguy cơ nhỏ bị nhiễm trùng khớp cũng như bùng phát các triệu chứng viêm khớp sau khi chích. Do đó, sau khi chích, nếu thấy khớp sưng đau nặng lên, cần gặp bác sĩ ngay hoặc vào cấp cứu để được phân biệt xem đó là nhiễm trùng (nguy hiểm) hay bùng phát của viêm khớp, và được điều trị thích hợp.

Rửa khớp (joint irrigation)

Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ bơm nước muối vào khớp và hút ra nhiều lần để lấy ra các vụn sụn, các tinh thể có thể gây khó chịu và các chất khác. Ðã có nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này từ những năm 1940, vào thời đó các nghiên cứu cho rằng phương pháp này có thể giúp giảm đau và viêm. Tuy nhiên, sau đó một thời gian dài, có các nghiên cứu được thực hiện cho thấy điều ngược lại.

Trong nghiên cứu này các bệnh nhân được chia ra làm hai nhóm một cách ngẫu nhiên và phân nửa được rửa thật với nước muối, còn phân nửa được rửa giả, tức là chỉ chích thuốc tê và làm bộ như là đang rửa nhưng thật ra chẳng làm gì cả.

Kết quả cho thấy kết quả cho thấy tỉ lệ giảm đau giữa hai nhóm không khác nhau một cách có ý nghĩa thống kê (tức là tác dụng giảm đau chỉ phụ thuộc vào yếu tố tâm lý và các yếu tố khác – như thuốc và các phương pháp không dùng thuốc kết hợp với phương pháp này).

Hiện nay, phương pháp này thường chỉ được sử dụng trong lúc thực hiện các thủ thuật nội soi khớp để giúp bác sĩ có thể quan sát bên trong khớp một cách rõ ràng.

Thân mến

www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 27 tháng 4 năm 2017