Friday, April 19, 2024

Đầu gối đau và yếu

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Đầu gối là một khớp xương lớn và khỏe nhưng lại không chịu được sức ép từ hai bên. Cấu trúc của đầu gối khiến nó dễ bị tổn thương và bị thoái hóa.

Những người ăn uống nhiều gây sức nặng quá bình thường hay bị đau đầu gối.

Đầu gối hoạt động bình thường là phải uốn cong và duỗi thẳng được, trong khi vẫn giữ được lực chống đỡ ổn định.

Trong khớp xương đầu gối có chứa chất lỏng hoạt dịch với cấu trúc gồm bốn đặc điểm: sụn khớp, sợi bao khớp, ổ khớp và dây chằng đàn hồi bình thường.

Đầu gối không được lung lay từ bên này qua bên kia. Bất cứ một sự khác thường xảy ra và kéo dài nhiều ngày thì cần phải đi thầy thuốc định bệnh và chữa trị như không thể di chuyển bình thường; đầu gối đau ngay cả khi không chịu áp lực tác dụng.

Đầu gối bị sưng đỏ có thể là do thoái hóa hay bị viêm nhiễm hoặc bị bệnh gút (gout). Bệnh thoái hóa khớp xương là hình thái phổ biến nhất của bệnh viêm khớp, thường xảy ra ở đầu gối là nơi khớp gánh chịu sức nặng của cơ thể, vì sụn, nơi đây bị tàn phá mãnh liệt bởi những khối xương lớn, cứng, cử động liên tục và chèn ép nhau. Những chỉ dấu ban đầu của bệnh viêm khớp lộ ra khi sáng thức dậy, vào lúc thời tiết bên ngoài ẩm ướt, bỗng cảm thấy cứng ở khớp xương đầu gối. Tiếp theo đó cử động thấy đau, càng vận động càng đau nhiều hơn.

Viêm khớp xương là do hệ quả của tuổi tác, vì mỗi 10 năm là một tiến trình thoái hóa khớp xương, mà khả năng tự bù đắp của cơ thể yếu kém hơn sự hư hỏng, nên khó tránh khỏi bệnh viêm khớp xương như xương đầu gối.

Đối với Đông Y, ngoài vấn đề tuổi tác gây ra thoái hóa khớp xương và viêm khớp xương còn liên quan tới thận suy và phong thấp gây ra.

Thấp có hai loại: Ngoại thấp, do ẩm thấp là chủ khí về cuối mùa Hạ, hay gặp ở các nơi ẩm thấp và những người làm việc ở những nơi này; nội thấp do tì khí suy, không kiện toàn tiêu hóa giữ lại trong cơ thể mà thành thấp.

Thấp hay gây ra những tính nặng nề như đau khớp do thấp, thấy chân tay, mình mẩy nặng nề.

-Thấp là âm tà hay làm tổn thương dương khí, gây trở ngại cho khí vận hành. Thấp làm dương khí của tì khí bị giảm sút, ảnh hưởng tới sự vận hành của thủy thấp, gây chứng phù thũng, ảnh hưởng tới vận hóa đồ ăn gây ra chứng bệnh về tiêu hóa như nhạt miệng ăn kém, đầy bụng, tiêu chảy, mót rặn.

-Bài tiết ra những chất đục, như đại tiện lỏng, nước tiểu đục, chảy nước đục trong bệnh chàm.

-Thấp hay gây dính, nhớt: miệng dính nhớt, tiểu tiện khó, khi thụ bệnh khó trị hết hẳn, hay bị tái phát như phong thấp.

Do thận và tì dương suy

Thân dương suy còn gọi là mạng môn hỏa suy: Bệnh nhân lạnh tứ chi, mặt trắng bệch hay đen kịt, đau và yếu đầu gối, không có lực, đứng lên đôi khi phải vịn vào thành giường mới đứng dậy được, đau vùng thắt lưng, xuất tinh sớm, rụng răng trước tuổi, mất thính giác, liệt dương, nước tiểu trắng trong, đi tiểu nhiều lần, ngày nhiều hơn đêm, phù chân, nhạt miệng, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm, trì và vô lực.

Thận dương suy thường đi với tâm dương suy, tì dương suy hay phế khí suy.

Tùy theo trường hợp suy nhiều hay ít, có thể phân ra ba trường hợp: Thứ nhất là phù thũng và tim hồi hộp. Thứ hai phù thũng và tiêu hóa không kiện toàn, đầy bụng, ăn không tiêu. Thứ ba là ho mãn tính, thở hụt hơi và suyễn, cuối cùng là thận bất nạp khí.

Sắc diện trắng bệch. Lưỡi mập, trắng và rêu lưỡi trắng và dầy. Mạch trầm trì.

Phương pháp trị: Bổ thận, tì dương và lợi tiểu.

Bài thuốc Bát Vị Địa Hoàng Thang
1-Phục linh 9 grs
2-Mẫu đơn bì 9 grs
3-Quế bì 3 grs
4-Thục địa 15 grs
5-Sơn thù du 9 grs
6-Phụ tử 6 grs
7-Trạch tả 9 grs
8-Hoài sơn 9 grs

Bá vị địa hoàng thang trong Đông Y được dùng chữa trị những loại bệnh sau: phù thũng, tê tứ chi, bao tử ứ nước, tiểu đường. Toa thuốc này mục đích chính là tái tạo lại sự suy của thận dương, nang thượng thận và sản xuất lại tinh. Thường cho bệnh nhân quá mệt mỏi và suy nhược, ăn uống chậm tiêu, táo bón, tiểu khó, tiểu nhiều, khát nước, đau lưng, yếu vùng rốn, yếu đầu gối.

Nhiệm vụ của từng vị trong bài thuốc:

-Thục địa: Gia tăng sức lực, bổ dưỡng và nuôi dưỡng.
-Sơn thù du: Gia tăng sức lực, tăng cường thận, ấm bụng và chân, gia tăng sinh lực cho nam giới.
-Hoài sơn: Nuôi thận, giảm lạnh thân thể và giúp da trở lại mượt mà.
-Mẫu đơn bì: Tan máu cục và giảm đau.
-Phục linh: Thoát nước.
-Trạch tả: Gia tăng đường tiểu tiện và giảm khát.
-Quế bì: Giúp cho thục địa trong sự lưu thông máu và phục linh còn gia tăng sự tiểu tiên ở vùng hạ tiêu gia tăng sức mạnh cho chân.
-Phụ tử: Gia tăng thân nhiệt, tái tạo lại trách nhiệm của tạng phủ bị suy yếu và ăn khó tiểu sẽ nhờ phụ linh và quế khai thông.

Gia:
-Trư linh 9 grs, trạch tả 9 grs: Tiêu thấp, lợi tiểu, trị phù thũng.
-Bạch truật 9 grs, sa nhân 6 grs, mộ chương 6 grs: Kiện tì, kiện toàn tiêu hóa và hóa thấp.
-Ngưu tất: Dẫn thuốc xuống chân.

Chữa trị những bệnh sau đây: Phù thũng toàn thân hay bán thân, viêm thận, bệnh lao phổi, viêm bể thận, chứng có albumin trong nước tiểu, tiểu khó, tiểu không thông, bệnh tiểu đường, xuất huyết não, áp huyết cao, áp huyết thấp, thiếu máu, xuất tinh sớm, bất lực, không cương cứng được, đau lưng, đau thần kinh tọa, thoái hóa xương sống, tê chân và phù thũng, mộng mắt, áp huyết mắt, cận thị, ngứa cửa mình, khô da, chứng mề đay và bệnh lậu.

Thận âm suy gây ra yếu và đau đầu gối

Như chúng ta đã biết âm dương trong cơ thể hay tạng phủ quân bình thì vô bệnh. Nếu âm dương mất quân bình sẽ sinh ra một khoảng trống. Cái khoảng trống này là nguồn gốc của mọi bệnh tật.

Thận âm suy có nghĩa là phần âm của thận bị giảm xuống dưới mức bình thường, trong khi phần dương vẫn bình thường. Vì phần cách biệt giữa âm và dương là phần dương, mà dương thuộc hỏa, nhưng vì âm suy nên mới có phần hỏa này, nên Đông Y gọi phần này là hư hỏa (giả nhiệt).

Cho nên người bị thận âm suy về chiều sẽ mệt mỏi hơn buổi sáng, càng về đêm hư hỏa (giả nhịệt) càng gia tăng. Theo ngũ hành, thận thuộc hành thủy và tim thuộc hành hỏa, tương khắc với nhau, một khi thận âm suy sẽ làm tim không có chỗ tựa, nên đập nhanh hơn bình thường vào đêm. Vì tim tàng thần, mà thần không có chỗ để tàng nên gây ngủ chập chờn, ngủ không ngon giấc, nếu thận suy nhiều thì đôi khi thức trắng đêm, đi tiểu nhiều lần nhất là về đêm, phừng mặt để lâu gây nám mặt, dưới mắt quầng đen, miệng, lưỡi khô, khát nước, nhưng không uống nhiều.

Tuy là giả nhiệt, nhưng âm ỉ đốt từ ngày nọ qua tháng kia làm da khô, lưỡi khô, nếu chúng ta không lưu tâm chữa trị sẽ làm mất những chất nhờn và làm sưng các khớp xương, nhất là xương đầu gối phải hoạt động thường xuyên và phải chịu một sức nặng dễ gây ra đau nhức và yếu đầu gối, mỗi khi ngồi xuống đứng lên phải vịn tay vào thành giường mới đứng dậy được. Mạch vi và sác. Lưỡi khô và đỏ, rêu lưỡi hơi vàng.

Chủ trị: Bổ âm, thanh hư hỏa, trừ viêm.

Bài thuốc
1-Sơn thù du 9 grs
2-Mẫu đơn bì 9 grs
3-Phục linh 9 grs
4-Trạch tả 9 grs
5-Hoài sơn 9 grs
6-Thục địa 18 grs
7-Độc hoạt 9 grs
8-Tần giao 9 grs
9-Tục đoạn 9 grs
10-Đào nhân 9 grs
11-Đỗ trọng 9 grs
12-Tang ký sinh 9 grs
13-Kê huyết đằng 9 grs
14-Đại táo 3 trái

-Sơn thù du: Ôn gan và giúp tăng cường sức mạnh cho thận.
-Mẫu đơn bì: Thanh nhiệt và giảm huyết nóng.
-Sơn dược: Bổ tì và tăng cường thận.
-Phục linh: Gia tăng tiểu tiện, giảm sưng, giảm thấp nhiệt trong tì.
-Trạch tả, đào nhân: Vừa giúp lợi tiểu, giảm ù tai, sinh tân ở khớp xương.
-Độc hoạt, tần giao, tục đoạn, tang ký sinh, kê huyết đằng: Hóa thấp giảm đau.
-Ngưu tất: Dẫn thuốc xuống đầu gối, trị đau nhức.
-Đỗ trọng: Bổ thận, giảm đau làm gia tăng sức mạnh cho đầu gối.
-Đại táo: Bổ huyết và phối hợp các vị thuốc. (BS Đặng Trần Hào)

Mời độc giả xem phóng sự “Tản mạn cà phê Đà Lạt”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT