Monday, March 18, 2024

Để gia tài bằng tín mục ủy thác

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư tại California và Washington. Luật sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Như đã trình bày trong những bài trước, tại Hoa Kỳ còn có thể dùng “tín mục ủy thác” là một phương cách dự trù tài sản quan trọng, không những có tác dụng bảo vệ tài sản mà còn có mục đích để lại gia tài cho thừa kế trong nhiều trường hợp đặc biệt thay vì di chúc.

Không phải bất cứ ai cũng cần đến tín mục. Tuy nhiên đây là một phương cách dự trù tài sản rất đắc dụng tốt hơn di chúc, phù hợp với những ai có tài sản lớn nhiều hơn mức miễn giảm thuế liên bang và hợp với ý nguyện của những người có thân nhân không đủ khả năng tự quán xuyến lấy phần gia tài được chia.

Trước hết tín mục rất hợp với cha mẹ có con vị thành niên. Những ai có con còn nhỏ mà muốn cho học hành đến nơi đến chốn về sau, điều cần phải có đủ của cải (kể cả tiền bảo hiểm nhân thọ) để lại giúp chúng cho đến khi thành tài. Muốn vậy thì nên nghĩ đến việc viết một điều khoản về tín mục (trust provision) trong di chúc hoặc lập một tín mục sinh thời (living trust) cho phúc lợi các con. Tín mục có tính chất mềm dẻo hơn di chúc khi để gia tài cho các con vị thành niên. Theo luật di chúc muốn để gia tài cho trẻ vị thành niên thì phải chỉ định giám hộ (guardian) quản trị và chỉ truyền lại khi các trẻ này tới tuổi mười tám hoặc hai mươi mốt tùy từng tiểu bang.

Trước khi lập tín mục cho quyền lợi các trẻ nhỏ cần lưu ý tới vài vấn đề. Nhiều người chỉ cần lập một tín mục chung cho tất cả các con, chỉ định mỗi đứa được cấp tiền chi phí học hành cho tới khi học xong hoặc tới tuổi phải tốt nghiệp. Sau đó phần tiền vốn trong tín mục sẽ chia đều cho tất cả con thừa hưởng. Ủy thác như vậy sẽ giúp cho tín viên (a trustee) được dễ dàng linh động trong việc phân phối tiền tùy theo nhu cầu của từng đứa con mà nhất thiết không bắt buộc phải chia đồng đều. Thí dụ một đứa muốn tiếp tục theo đuổi học vấn cao hơn tại những trường tư đắt tiền trong khi những đứa khác chỉ muốn tốt nghiệp trường đại học cộng đồng. Hiển nhiên chi phí theo học sẽ khác nhau kẻ ít người nhiều tùy theo trình độ cho nên giữa anh em trong gia đình có thể sinh mầm mống bất mãn. Chắc chắn những đứa càng nhỏ tuổi bao nhiêu thì càng cần được xếp đặt linh động hơn cho phù hợp với nhu cầu gia tăng của trẻ này mỗi năm một lớn hơn. Tuy nhiên luật sư kinh nghiệm có thể giúp lập một tín mục cung cấp được công bằng cho mọi người trong gia đình dù hoàn cảnh có khác nhau.

Có hai ý kiến trái ngược trong cách phân chia gia tài khi có chênh lệch tuổi tác giữa các con. Một đàng cho rằng những đứa lớn trước đó đã được hưởng nhiều lợi lộc và sự chăm sóc của cha mẹ lúc còn sống cho nên tín viên phải có thẩm quyền chia cho các đứa nhỏ nhiều hơn để đền bù lại. Đằng khác phe kia nghĩ rằng nên chia gia tài đồng đều và lập cho mỗi đứa một tín mục riêng rẽ để những đứa lớn khỏi phải chờ đợi lâu cho đến lúc lũ em nhỏ lớn lên, thông thường phải đợi tới lúc đứa út trưởng thành. Dĩ nhiên người chủ gia sản phải tự quyết định để lại gia tài cách nào cho hợp với tình trạng gia đình mình. Nói chung gia sản càng ít bao nhiêu thì càng nên để chung vào một tín mục và cấp nhiều hơn cho đứa con nào cần nhiều nhất. Ngược lại nếu gia tài càng lớn bao nhiêu thì càng nên lập riêng rẽ cho mỗi thân nhân một tín mục riêng để mọi người đều được hưởng đồng đều.

Trong tín mục nên ấn định từng mục tiền chi tiêu về học hành, sức khỏe, ăn uống, nhà cửa cùng những nhu cầu sinh sống cần thiết khác. Tuy nhiên trong cuộc đời có nhiều đổi thay khó tiên đoán trước được một cách chính xác, do đó nội dung tín mục nên viết một cách tổng quát thí dụ như “tiền dành nuôi nấng các con tôi” và ủy thác cho tín viên đủ thẩm quyền quyết định mọi khoản chi tiêu sao cho chính đáng. Thí dụ bất chợt có một đứa trẻ ngã bệnh nặng cần nhiều tiền để điều trị, dĩ nhiên tín viên phải cấp nhiều hơn những đứa khác. Tuy nhiên lời lẽ viết trong văn bản chính thức phải vừa đủ rõ ràng tránh mơ hồ có thể bị đám con kiện cáo. Nhiều bậc cha mẹ chọn tuổi thành niên cho các con là mười tám tuổi hoặc muốn tuổi con ra trường là hai mươi mốt hoặc lâu hơn. Nếu dự tính để tất cả tài sản đặt trong tín mục cho vài đứa con thì tốt hơn hết nên ấn định sẽ chia khi đứa út vừa lớn tới số tuổi đã định. Ngược lại khi lập nhiều tín mục riêng rẽ thì có thể ấn định tuổi hưởng gia tài cho mỗi đứa. Nếu không chắc đến tuổi nào mỗi đứa con mới đủ trí khôn để nắm giữ tiền bạc thì nên giao cho tín viên ấn định cấp phát nhiều thời kỳ, thí dụ như chia một nửa khi đứa đầu tới hai mươi lăm tuổi và nửa còn lại khi đứa út vừa đủ hai mươi mốt. Hoặc giả có thể giữ trọn số vốn trong tín mục suốt đời của mỗi đứa con. Cách này bảo vệ tài sản được không sợ rơi vào tay chủ nợ của đám con nhưng cũng vừa đủ linh động để giữ chủ quyền trên gia tài kế thừa kể cả bất động sản, nghiệp vụ hay các tài sản khác.

Hơn nữa tín mục rất đắc dụng cho những người để lại gia tài cho thừa kế không đủ khả năng quán xuyến thí dụ như cha mẹ già cả hoặc con cái không tin cậy được về tiền bạc. Thí dụ một người có đứa con từng vào tù vì nghiện hút ma túy thì tốt hơn hết nên ủy thác cho tín viên chỉ phát tiền cho đứa này chi dụng từng thời kỳ thay vì giao trọn gia tài một lúc. Loại tín mục này còn được gọi là “tín mục nhiệm ý” (discretionary trust) theo đó tín viên có toàn quyền tùy tiện muốn phát cho người thụ hưởng bao nhiêu miễn là nhận thấy vừa phải. Một loại tín mục khác gọi là “tín mục chống phí phạm” (spendthrift trust) đặc biệt áp dụng riêng cho những kế thừa có tật xài tiền vung tay quá trán. Tín mục này chỉ thị tín viên phải cẩn thận kiểm soát chặt chẽ sự phân phối tiền bạc từng thời kỳ để ngăn không cho những người thừa hưởng vô trách nhiệm lạm dụng rút ra được nhiều tiền một lúc mà xài hoang phí. Tín mục này ủy nhiệm cho tín viên chỉ trả các khoản chi phí hợp lệ định trước cho người thừa hưởng thí dụ như tiền nhà, tiền điện nước, hay thực phẩm. Ngoài ra người thừa hưởng không được quyền bán đi tài sản tín mục hay dùng tài sản này để cầm thế vay mượn và cũng không được quyền sang nhượng cho chủ nợ hay bất cứ ai. Khi thiết lập loại tín mục này cần thảo luận rõ với luật sư để viết minh bạch các điều khoản hạn chế tránh thưa kiện về sau.

Ngoài ra dùng tín mục rất có lợi cho những người có tài sản lớn bởi vì giảm được nhiều thuế, thí dụ có thể lập tín mục hàng năm cấp tiền cho con cháu dưới hình thức tặng phẩm miễn thuế (tax-free gifts) tới mức tối đa ấn định theo luật và có quyền tặng trong suốt đời mình cũng được dù người hưởng thụ là con cháu còn nhỏ. Nhờ vậy sẽ tiết kiệm được một số tiền thuế đáng kể đáng lẽ đánh trên tài sản đó và kéo dài cho tới khi qua đời. Tóm lại tín mục có nhiều lợi điểm hơn di chúc như sau:

1-Tín mục có thể được đặt ra để điều hành gia sản và chi tiêu lâu dài trong suốt thời gian người thừa hưởng còn vị thành niên hay thiếu khả năng quán xuyến lấy tài sản được cho.

2-Tín mục bảo vệ riêng tư trong nội bộ gia đình một cách kín đáo không lộ liễu phổ biến ra công chúng như di chúc.

3-Tín mục có tác dụng giảm được thuế tài sản tùy theo cách viết.

4-“Tín mục sinh thời” (living trust) thì có thể ủy thác cho tín viên điều hành tài sản thay cho mình lúc còn sống, giúp săn sóc cho mình nếu chẳng may bị tật nguyền hay bất lực. Khi qua đời thì tín mục sinh thời cũng tránh được thủ tục giải quyết di sản (probate) của tòa án, giảm thiểu rất nhiều chi phí hành chánh đồng thời thanh toán gia tài nhanh chóng cho các kế thừa.

5-Tín mục thường khó bị tranh chấp kiện cáo hơn di chúc.

6-Tín mục được thi hành một cách linh động hơn di chúc, có thể qui định tiền cấp phát lên xuống theo giá biểu sinh hoạt, cho phép xuất thêm tiền cho những trường hợp khẩn cấp, hoặc lập ngân sách chi dụng hàng năm. Nếu lợi tức tạo ra ít hơn tiền chi thì có thể trích thêm từ vốn số tiền sai biệt còn thiếu.

7-Có thể dùng tín mục để buộc người thừa hưởng phải giữ kỷ luật bằng cách ra điều kiện sống trong khuôn khổ định trước, chỉ cho nhận một khoản tiền nhất định hàng năm bất kể đến các nhu cầu, tình trạng kinh tế leo thang hay ảnh hưởng thị trường chứng khoán đối với vốn trong tín mục.

8-Tín mục đôi khi được đặt ra để cung cấp tiền học cho con của những cặp vợ chồng ly dị.

9-Tín mục được đắc dụng nếu muốn tặng cho cơ quan từ thiện nhưng vẫn muốn dành quyền sử dụng một phần tài sản ấy.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.(Luật Sư LyLy Nguyễn)

Video: Phóng sự Việt Nam Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT