Friday, April 19, 2024

Di chúc sinh thời

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com

Trong vài kỳ trước chúng tôi đã trình bày luật lệ về việc lập tài liệu ủy thác thẩm quyền cho người khác thay mình quyết định về tài sản và sinh mạng khi bị tàn phế tri giác hay thể xác qua các hình thức “dặn dò trước” về sức khỏe. Tuy nhiên nếu không tìm được người tín cẩn để trao nhiệm vụ định đoạt số phận cho chính mình thì cũng có phương cách khác viết ra văn kiện hợp pháp diễn đạt nguyện vọng không cần người thay thế, đó là cách lập “di chúc sinh thời.”

Khác với di chúc thông thường dùng cho mục đích phân chia của cải sau khi qua đời, “di chúc sinh thời” (living will) là một văn bản đặc biệt thảo ra khi còn khỏe mạnh để tuyên bố trước ý nguyện của người lập về việc sử dụng các dụng cụ y khoa trợ giúp kéo dài sinh mạng trong trường hợp bị tử bệnh mà không thể truyền đạt được ý muốn cho người khác biết. Văn kiện này có tác dụng giúp thi hành nguyện vọng của bệnh nhân dù rằng lúc đó người ấy không còn nói hay viết ra được ý mình.

Theo thống kê chi phí y tế những ngày cuối cùng của một bệnh nhân trước khi nhắm mắt lìa đời rất đắt đỏ, trung bình từ $25,000 một ngày trở lên. Đó là một gánh nặng rất lớn cho gia đình người bệnh chưa kể đến nỗi đau đớn thể xác do cơn bệnh hành hạ. Do đó một khi đã biết bệnh trạng vô phương cứu chữa thì dù có cố tình dùng phương tiện nhân tạo để kéo dài thêm đời sống thực vật thì cũng vô ích. Lúc này “di chúc sinh thời” chính là văn kiện cho phép đình chỉ cuộc điều trị, rút ống dưỡng sinh, khóa ống thở nhân tạo, vv… nếu không còn cách nào đảo ngược được bệnh trạng.

“Di chúc sinh thời” điển hình khởi sự có hiệu lực ngay khi bệnh nhân bắt đầu mất khả năng quyết định về tình trạng sức khỏe của mình hay mất khả năng truyền đạt ý muốn chọn phương cách chạy chữa. Thông thường người ấy phải lâm vào tình trạng cần đến các phương tiện nhân tạo mới kéo dài được mạng sống thí dụ như truyền chất bổ dưỡng qua mạch máu hoặc cho thở bằng máy hô hấp nhân tạo. Nếu bệnh nhân đã lập sẵn “di chúc sinh thời” hợp lệ với nội dung xác định rõ ràng nguyện vọng của mình thì các bác sĩ và nhân viên bệnh viện phải tuân hành theo lời dặn dò ghi trong đó. Dĩ nhiên họ được đặc miễn trước luật pháp mọi trách nhiệm liên đới kể cả hình sự lẫn dân sự khi chấm dứt điều trị để cho bệnh nhân toại nguyện giải thoát kiếp sống. Tuy nhiên có những vị lương y hay bệnh viện của tổ chức tôn giáo vì lý do nào đó không muốn giết bệnh nhân chết thì bắt buộc phải chuyển đến một y sĩ hay nhà thương khác.

Nhiều người lo ngại nếu lập “di chúc sinh thời” tức là tự hủy bỏ việc chạy chữa cho mình, nhưng thực ra văn kiện này có hai mặt. Ngoài việc từ chối thì đó cũng là phương tiện xác nhận ý muốn được tiếp tục kéo dài sinh mạng bằng hệ thống trợ sinh. Vì vậy nếu muốn kéo dài mạng sống bằng dụng cụ trợ y nhân tạo bất kể bệnh tình ra sao thì “di chúc sinh thời” cũng dùng để diễn đạt ý nguyện đó.

Tất cả mọi tiểu bang đều nhìn nhận “di chúc sinh thời”, có nơi còn gọi là “lời dặn dò y tế” (medical directives) và mẫu đơn mọi nơi đều giống nhau. Có hai loại “di chúc sinh thời”: thứ nhất gọi là “luật định” (statutory) có nghĩa là tuân theo luật tiểu bang và loại thứ hai gọi là “không luật định” (non-statutory) có nghĩa là không theo luật. Điểm khác biệt chính là loại thứ nhất bao che cho bác sĩ hay bệnh viện tránh được liên đới khi họ tuân hành theo lời dặn của bệnh nhân. Hơn thế nữa “di chúc sinh thời theo luật định” thông thường có nói rõ rằng chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh tình vô phương cứu chữa hoặc bị hôn mê vĩnh viễn. Tùy theo từng tiểu bang “di chúc sinh thời theo luật định” có thể không đề cập đến những loại bệnh lý không xác định được là sắp chết ngay như bệnh Alzheimer vào thời kỳ chót.

“Di chúc sinh thời theo luật định” đòi hỏi phải phù hợp với mọi thủ tục của tiểu bang thí dụ như phải có hai nhân chứng ký tên có công chứng; đôi khi còn gồm những câu cảnh cáo đặc biệt nhấn mạnh về điều kiện gì, thí dụ như chỉ thi hành khi các bác sĩ bó tay không còn cách chữa. Phần lớn luật nhiều nơi bắt phải theo mẫu qui định, nhưng cũng có tiểu bang cho tùy tiện. Tuy nhiên dù có bắt buộc phải viết theo mẫu nhưng người lập vẫn có quyền viết thêm hay nới rộng nội dung từng mục. Ngôn ngữ viết trong “di chúc sinh thời” thường rất tổng quát, thiếu rõ ràng khi phải thực sự quyết định việc điều trị. Do đó điều quan trọng nên viết “di chúc sinh thời” theo tính cách cá nhân, có nghĩa là cố gắng dùng lời lẽ tổng quát nhưng diễn tả bệnh trạng mình càng xác thực bao nhiêu càng tốt.

Mẫu dùng cho “di chúc sinh thời” thường khác nhau theo từng tiểu bang do đó cần được luật sư trợ giúp trong việc soạn thảo cho chắc chắn. Quyết định viết “di chúc sinh thời” thường thực hiện sau khi đã tham khảo với bác sĩ và luật sư của mình. Đặc biệt hồ sơ lịch sử bệnh lý cá nhân có thể cho thấy vài loại trị liệu tương tự trong tương lai. Nếu tự lập “di chúc sinh thời” lấy một mình thì lưu ý cân nhắc rõ những suy nghĩ về hoàn cảnh nào thì chết tốt hơn sống, nhờ vậy sẽ giúp giải thích được lý do tại sao nên hay không nên cho sống bằng trợ sinh nhân tạo. Đồng thời cũng diễn tả luôn những điều mong muốn cuối đời thí dụ như chọn cách làm giảm đau đớn, hoặc nói lời sám hối hay cảm tạ với ai, cùng liệt kê ra những điều không muốn. Không cần thiết phải kể ra cách chữa trị nào mình thích hay không thích, nhưng phải nói rõ ý muốn dùng hay không dùng hệ thống trợ sinh nhân tạo. Sau hết cũng phải nói rõ cách chữa trị nào không muốn, chẳng hạn bệnh nhân ung thư không chịu chữa bằng hóa chất (chemotherapy).

Có vài trở ngại với “di chúc sinh thời.” Lời lẽ trong “di chúc sinh thời” thông thường hoặc quá mơ hồ trở thành vô nghĩa, thí dụ “tôi không muốn giữ được sống nếu là gánh nặng cho bất cứ ai”; hoặc quá chi tiết đến nỗi quá cứng nhắc không thi hành được. Trong giờ phút gần tận số, điều giản dị là không thể nào tiên đoán được hết mọi chuyển biến có thể xẩy ra.

Vì lý do nội dung “di chúc sinh thời” rất hạn chế, cho nên chắc chắn phải dùng đến “luật quyền chăm sóc sức khỏe” (health care power of attorney gọi tắt là “bản HCPA”), trừ phi người bệnh không còn thân thích nào đáng tin cậy trong việc ủy thác quyền quyết định sống chết cho mình. Nhiều luật sư đề nghị nên lập cả “di chúc sinh thời” lẫn HCPA, theo đó HCPA bao cho các loại tàn phế bất lực khác, hoặc trong trường hợp không xác định được rõ là bệnh tử vong hay không, hoặc bác sĩ hay luật tiểu bang không cho toại nguyện. Bản chất “di chúc sinh thời” tự nó cũng không giúp ông chồng của Terri Schievo ở Florida quyết định rút ống dưỡng sinh kết liễu đời vợ mình được, bởi vì nếu cứ nuôi như vậy thì bà có thể còn sống vài chục năm nữa bằng trợ sinh nhân tạo. Ngày nay phần đông nhiều tiểu bang có luật đề cập đến tình trạng sống đời thực vật, nhưng nếu Terri có lập HCPA thì không đến nỗi xẩy ra cuộc tranh chấp dai dẳng giữa ông chồng và gia đình của bệnh nhân mà đôi bên đều cùng trải qua nhiều năm khốn khổ.

Khi sử dụng “di chúc sinh thời” cần phải nắm chắc việc tu chính lại hàng năm, vì giá trị tài sản và nguyện vọng của đương sự có thể thay đổi, cũng như luật cũng thay đổi. Nếu để “di chúc sinh thời” quá lâu không nhìn đến thì có thể sẽ bị lỗi thời sau này không thi hành đúng được ý nguyện. Sau cùng, mặc dầu luật có nhiều đổi thay nhưng bác sĩ và bệnh viện đã nhiễm thói quen miễn cưỡng không chịu rút ống dưỡng sinh theo ý muốn của bệnh nhân. Thống kê cho thấy có rất nhiều bệnh viện hay dưỡng đường thường cố gắng giữ tình trạng nuôi các bệnh nhân bị bệnh tử vong chờ chết cho “sống thừa.” Họ cứ giữ bệnh nhân tiếp tục sống nhân tạo để thâu hàng chục ngàn Mỹ Kim tiền trị liệu mỗi ngày bất kể đến ý nguyện trong “di chúc sinh thời”của bệnh nhân. Điều này thường gây phẫn nộ và hành hạ gia đình người bạc số.

Về vấn đề cho đi các cơ quan trong người, bộ “luật đồng nhất về hiến tặng thi thể” (Uniform Anatomical Gift Act) có qui định thể thức cho những người muốn ngay khi chết cho lấy những cơ quan trong thân thể tặng người cần cứu mạng. Hiến tặng cơ thể hay thi hài cho khoa học và y khoa là một việc làm đáng ca ngợi bởi vì trong thực tế có hàng ngàn người đang trong danh sách chờ xin tim, gan, mắt, thay thế bộ phận hư. Muốn vậy có thể điền vào một mẫu có sẵn tại các nhà thương với hai người làm chứng. Ngoài ra còn có thể đăng ký tại các sở cấp bằng lái xe, lời dặn này được ghi chú phía sau bằng lái. Ngoài ra các bác sĩ có thể hỏi thân nhân những bệnh nhân nan y trước giờ lâm tử nếu họ bằng lòng hiến tặng thi thể.

Kỳ tới chúng tôi sẽ bàn đến những kế hoạch cần thiết sau khi qua đời sẽ thực hành được ý nguyện giúp cho thân nhân còn sống. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT