Thursday, March 28, 2024

Diễn giải và áp dụng Hiến Pháp

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Tại Hoa Kỳ tất cả mọi sự chính phủ thi hành đều bị ràng buộc bởi Hiến Pháp. Luật Hiến Pháp ấn định liên hệ giữa tổng thống và Quốc Hội, liên hệ giữa chính quyền liên bang và tiểu bang, và luật này điều hành quyền hạn của chính quyền trong hầu hết mọi sự việc ảnh hưởng đến đời sống dân chúng thí dụ như từ việc kiểm soát phá thai, ấn định thuế má, đến việc kiến thiết xa lộ, hay kể cả những việc lặt vặt như ấn định cấm hút thuốc lá tại các trường học hay việc in tem thư bưu chính. Hơn thế nữa có nhiều đề mục nóng hổi cũng có vẻ dính dáng đến Hiến Pháp. Từ thời xa xưa đã từng có những luật lệ dựa vào Hiến Pháp như chế độ nô lệ hay các sắc luật ấn định tiền lương tối thiểu và số giờ làm việc tối đa cho công nhân, đến ngày nay thì có những sắc luật cho duy trì hình phạt tử hình, cho phép bác sĩ được trợ giúp bệnh nhân nan y tự kết liễu đời mình, ngay cả đến những vấn đề linh tinh như kiểm soát phim ảnh khiêu dâm trên các mạng lưới Internet. Do đó tìm hiểu về Luật Hiến Pháp để biết tổ chức chính quyền Hoa Kỳ ra sao, những phạm vi nào chính phủ có quyền hay không có quyền, là bước đầu để tìm hiểu về luật pháp Hoa Kỳ.

Vậy Luật Hiến Pháp là gì? Luật Hiến Pháp liên hệ đến việc dẫn giải và áp dụng bản Hiến Pháp Hoa Kỳ (United States Constitution). Hiến Pháp được soạn thảo năm 1787, gồm ít hơn 4,400 chữ, chia ra làm bảy chương ngắn gọi là bảy điều khoản. Năm 1791 Bản Dân Quyền (Bill of Rights) là mười tu chính đầu tiên được ghép thêm vào Hiến Pháp và trong suốt hơn hai thế kỷ chỉ có thêm mười bảy điều khoản tu chính nữa được chấp thuận ghép thêm mà thôi. Đọc suốt bản hiến pháp từ đầu tới cuối sẽ chẳng mất thì giờ là bao, hình như bản hiến pháp được viết ra cho dễ đọc, nhưng dù lời văn có đơn giản đến mấy nhưng việc diễn giải ý nghĩa và cách áp dụng thì lại không đơn giản chút nào, nên đã là đề tài tranh luận nóng hổi trong suốt nhiều năm. Luật Hiến Pháp là nền tảng cho cơ cấu tổ chức chính quyền Hoa Kỳ, ấn định quyền tự do của công dân được bảo vệ dưới các hành động của chính phủ. Luật hiến pháp đồng nhất với tất cả các ngành luật khác vì các lý do sau đây:

Đầu tiên hết tất cả các ngành luật đều áp dụng chung với nhau, thí dụ như luật tài sản đặt ra những quyền sở hữu trên đất đai hay bất cứ tài sản nào khác của một cá nhân từ nhà cửa đất đai đến cái máy vô tuyến truyền hình trong khi luật khế ước ấn định thể thức sang nhượng quyền sở hữu trên những hiện vật đó. Luật bồi thường ấn định quyền của một cá nhân bị thương tích do lầm lỗi của kẻ khác gây ra, trong khi dân sự (hay luật hộ) ấn định những thủ tục mà nạn nhân có quyền đòi đền bồi. Tuy nhiên Luật Hiến Pháp có chủ đích và trạng huống khác biệt với các luật khác. Luật Hiến Pháp không ấn định liên hệ giữa các cá nhân theo lề lối của các kiểu luật tài sản, luật khế ước, hay luật bồi thường, thay vào đó luật hiến pháp ấn định cơ cấu và các phân vụ của chính quyền cùng tương quan giữa chính phủ và các cá nhân trong tập thể dân chúng. Luật này cũng ấn định quyền hạn tương đối của chính phủ liên bang và tiểu bang cũng như khắc chế không cho phép chính quyền làm vài hành động như ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng chẳng hạn. Trong việc ấn định và hạn chế quyền hạn của chính phủ, luật hiến pháp được đặt trên hết tất cả các loại luật khác. Hiến Pháp được tôn vinh là luật tối cao trên mặt đất. Bất cứ điều luật nào của liên bang hay tiểu bang trên tất cả các đề mục từ giao kèo, hình luật, luật quyên tiền ủng hộ bầu cử, hay luật tổ chức các trường công lập chẳng hạn, nếu trái ngược với hiến pháp đều bị coi như bất hợp pháp.

Thứ nhì, các ngành luật khác với căn bản pha trộn giữa các điều luật và các nghị định của chính phủ ban hành đã tạo thành nguồn gốc rộng lớn cho những nguyên tắc, điều lệ, và đề tài tranh luận. Thí dụ như luật khế ước khởi đầu là luật chung đã được các thẩm phán đặt ra thành nền cho nhiều điều lệ khác nên khi phán quyết một vụ tranh tụng về khế ước, tòa án có thể dẫn chiếu rất nhiều án lệ từ cổ chí kim. Luật Hiến Pháp thì khác hẳn, tất cả các phán quyết đều dẫn chiếu từ một nguồn duy nhất, đó là bản Hiến Pháp với các tu chính đính kèm. Dẫn chiếu từ một văn bản độc nhất đã làm cho luật Hiến Pháp trở thành dễ tranh cãi vì bao trùm quá nhiều vấn đề. Khi một câu trong hiến pháp đề cập đến một vấn đề hạn hẹp đặc biệt thì chúng ta có thể nghĩ ngay ra cách áp dụng không mấy khó khăn, nhưng phần lớn các trường hợp khác rắc rối hơn trong khi văn từ của hiến pháp thì mù mờ nên đôi lúc chúng ta phải tự định lấy ý nghĩa câu văn của hiến pháp ra sao để mà tìm cách áp dụng. Đôi khi do đồng ý chung, một chữ trong hiến pháp mặc nhiên được diễn giải theo một nghĩa khác chứ không hẳn đúng nghĩa của chữ ấy. Thí dụ trong điều tu chính thứ nhất có định rằng quốc hội không được làm ra những điều luật dính dáng đến việc thành lập một tôn giáo hay ngăn cấm quyền theo đạo đó nhưng ngay cả đến một người giải thích Hiến Pháp sát nghĩa nhất cũng đều hiểu là câu văn ám chỉ không riêng gì quốc hội mà gồm cả tổng thống lẫn tòa án đều phải tôn trọng điều luật đó.

Thứ ba, Luật Hiến Pháp rõ ràng hơn các ngành luật khác đã đặt thành các vấn đề chính trị căn bản và sự chọn lựa giá trị. Các ngành luật khác cũng liên hệ đến giá trị, thí dụ như luật bồi thường bắt buộc chúng ta phải có quyết định chọn lựa quan trọng trong việc kể đến bao nhiêu người có để tâm đến người khác. Nhưng trong luật hiến pháp các câu hỏi về giá trị thường lộ rõ nên hay bị tranh luận hơn. Nếu tất cả các luật đều có dính dáng ít nhiều đến chính trị thì luật hiến pháp hiển nhiên nặng tính cách chính trị hơn hết vì trong việc áp dụng hiến pháp rất hiếm thấy những vấn đề không tranh cãi.

Thứ tư, trong các ngành luật khác việc thi hành luật thì rõ ràng và thích hợp hơn. Lập pháp và Tư pháp đã công thức hóa các nguyên tắc căn bản luật, và các tòa án đã áp dụng những nguyên tắc đó trong khi phân xử từng vụ cá nhân. Trong Luật Hiến Pháp tiến trình quyết định cũng rõ ràng nhưng dù thích đáng đến mấy vẫn bị phản đối. Ở những lãnh vực khác của luật, quyền hạn của tòa án được đem ra chấp thuận dù kết quả chưa đạt được đúng. Ngược lại trong Luật Hiến Pháp, câu hỏi chính là tại sao các chánh án lại có quyền lực trở thành trọng tài kết cục cho luật hiến pháp, với lý thuyết nào mà họ dùng trong việc diễn giải và áp dụng bản hiến pháp.

Một khi bản hiến pháp cần diễn giải thì tòa án thi hành việc đó trước nhất là ở cấp liên bang. Nếu cần thì vụ án có thể được đưa lên cho chín vị thẩm phán của tối cao pháp viện, tuy nhiên các vị thẩm phán của tòa án cao cấp nhất này lại do tổng thống bổ nhiệm chứ không phải do dân bầu lên, và nhiệm kỳ giữ chức vụ đó kéo dài suốt đời mà không cần phải duyệt lại. Nếu luật hiến pháp dính dáng đến các vấn đề chính trị căn bản thì tại sao những sự việc trong một xã hội dân chủ lại do những thành phần không dân chủ phán xét? Hơn thế nữa những cơ sở chính trị công khai như quốc hội thường giải quyết các vấn đề bằng cách tham khảo với các thành phần chính trị bên lề chịu ảnh hưởng của nhiều phe nhóm tranh dành ảnh hưởng ở quốc hội, như vậy làm sao các thẩm phán tối cao pháp viện có thể phán quyết vô tư cho được các chủ đề nóng bỏng một khi có dính líu đến chính trị?

Tuy nhiên ở mỗi tiểu bang cũng có Hiến Pháp riêng của tiểu bang. Hiến Pháp của các tiểu bang tuy cũng ấn định cơ cấu tổ chức chính quyền của tiểu bang rập khuôn theo hiến pháp liên bang nhưng cũng đặc biệt có ấn định rõ rệt riêng nhiều vấn đề như giáo dục, hạn chế ngân sách, và các vấn đề về môi sinh. Hiến Pháp tiểu bang càng được chú trọng thêm những năm gần đây đặc biệt khi tối cao pháp viện bớt nghiêng về việc nới rộng việc bảo vệ hiến pháp liên bang dù rằng hiến pháp tiểu bang vẫn còn thất bại không được để ý đến một cách rộng rãi như ý muốn.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục phần tìm hiểu tại sao chúng ta cần đến Luật Hiến Pháp cùng đan cử vài trường hợp điển hình. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT