Đôi điều về một số thuốc ngủ không cần toa

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

-Kỳ rồi bác sĩ đã nói về một số thuốc ngủ cần có toa. Xin nói thêm về các thuốc ngủ không cần có toa.

-Thuốc không cần toa và thuốc cần toa, loại nào tốt hơn? Loại nào an toàn hơn? Và khi nào thì nên dùng loại nào?

-Thuốc không cần toa, nếu dùng lâu, có hại không?

Đáp:

Như đã trình bày trong các kỳ trước, nếu bị mất ngủ nặng, mất ngủ kéo dài, các thuốc ngủ tốt nhất (đã được nghiên cứu và chứng minh một cách khoa học) là các thuốc cần toa bác sĩ.  Một điều khác quan trọng hơn khi gặp bác sĩ (để lấy toa) là ta sẽ được thăm khám cẩn thận để trị và theo dõi thích hợp (thường thì không phải lúc nào cũng chỉ dùng thuốc ngủ).

Chỉ nên dùng các thuốc không cần toa nếu bị mất ngủ nhất thời (thử xem thế nào). Thường thì không cần dùng thuốc ngủ, các cơn mất ngủ thoáng qua cũng sẽ chỉ… thoáng qua rồi đi (dù có dùng thuốc hay không).

Sau đây, ta sẽ xem xét một số thuốc ngủ thường thấy bán ở quầy không cần toa bác sĩ.

Các thuốc kháng histamine (antihistamines) làm buồn ngủ

Đây là các thuốc rất thông dụng được bán không cần toa, tác dụng chính là để trị dị ứng. Nói một cách rất giản lược, histamine là chất tiết ra bởi cơ thể khi ta bị dị ứng và gây ra các triệu chứng như ngứa ngáy, ách xì, chảy mũi, nổi mề đay… Hai chất chống histamine có tác dụng làm buồn ngủ thường gặp trong các thuốc này là diphenhydramine và doxylamine.

Cần nhấn mạnh lại là các thuốc này làm ta cảm thấy buồn ngủ nhưng không cải thiện chất lượng giấc ngủ, và do đó không nên dùng để trị mất ngủ mạn tính.

Các thuốc antihistamines có thời gian cần thiết để thải ra khỏi cơ thể khá lâu, do đó thường làm sật sừ, ngật ngừ, lơ mơ sau khi thức dậy ngày hôm sau (vì tới sáng rồi mà thuốc vẫn còn lơ lửng trong cơ thể). Bệnh nhân cũng có thể bị các tác dụng phụ khác như chóng mặt, khô miệng, bón, mờ mắt.

Một số dược thảo

Nhiều dược thảo cũng được quảng cáo rầm rộ như thuốc trị mất ngủ (và 99 bệnh khác – cho đủ bách bệnh) vừa hiệu quả, vừa không có tác dụng phụ như thuốc tây. Tuy nhiên, đa số các thuốc này không được nghiên cứu một cách khoa học, khách quan.

Nghiên cứu được coi là khoa học, cho tới nay, một cách rất giản lược, ít nhất phải được thực hiện trên số bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên, và theo phương pháp mù đôi. Trong phương pháp mù đôi (double blinded), các bệnh nhân tham gia nghiên cứu được chia một cách ngẩu nhiên làm hai nhóm tương đương với nhau về bệnh và mức nặng của bệnh, sau đó phân nữa trong số họ được cho thuốc giả nhưng nhìn bên ngoài y hệt như thuốc thiệt (tiếng chuyên môn gọi là placebo), và phân nữa được cho dùng thuốc thiệt (đang được thử nghiệm). Cả bệnh nhân lẫn bác sĩ chăm sóc bệnh nhân trong chương trình nghiên cứu đều không biết ai dùng thuốc thật, ai dùng placebo.  Sau đó, những người làm thống kê (là những người duy nhất trong nghiên cứu biết ai dùng thuốc thật ai dùng thuốc giả) ghi nhận các con số cho thấy sự khác nhau về hiệu quả cũng như tác dụng phụ trên cả hai nhóm. Trong đại đa số các nghiên cứu, thuốc giả hầu như luôn luôn có một tỉ lệ thành công nhất định (do nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là tâm lý và do bệnh tự khỏi). Nếu được quảng cáo mạnh mẽ, bệnh nhân càng tin, thì hiệu quả placebo thường càng cao.

Melatonin

Melatonin là một sản phẩm của một tuyến nằm trong não, gọi là tuyến tùng (pineal gland).  Melatonin hiện nay vẫn được bán như là chất phụ trợ thực phẩm. Một sản phẩm từ melatonin cũng được dùng trong việc điều chỉnh các rối loạn nhịp điệu ngủ nghê ở những người mù hoàn toàn mất hẳn ý niệm ánh sáng.

Melatonin chưa được chứng minh một cách khoa học là có hiệu quả trong việc trị mất ngủ kéo dài, và trong thực tế, nó có vẻ không có hiệu quả hơn placebo trong các trường hợp này.

Tuy nhiên, nó có thể hiệu quả trong một số ít trường hợp bị mất ngủ do hội chứng bị đi ngủ sớm (delayed sleep phase syndrome) do thay đổi giờ giấc: Như khi đi du lịch đến những nơi mà múi giờ chênh lệch với nơi ta ở khiến giờ đi ngủ (ví dụ như 9 giờ tối ở New York) còn quá sớm so với giờ thực sự ở nơi ta vừa rời khỏi (ví dụ như mới 6 giờ chiều ở Cali). Một số bệnh nhân bị mất ngủ có mức melatonin trong cơ thể thấp cũng có thể có lợi khi dùng thêm chất này.

Tuy được bán không cần toa, một khảo sát cho thấy chất này chỉ (tương đối) an toàn khi dùng dưới ba tháng. Ở bên Anh, việc bán chất này không cần toa đã bị cấm.

Một thuốc (không phải là melatonin nhưng) tác động lên các thụ thể tiếp nhận melatonin, khiến cho chất melatonin sẵn có trong cơ thể được tăng cường tác dụng, là thuốc Rozerem (Ramelteon-đã trình bày kỳ rồi).  FDA đã chuẩn thuận thuốc này như là thuốc ngủ có thể dùng không giới hạn thời gian cho chứng mất ngủ mạn tính, và cho tới nay, ở Hoa Kỳ, đây là thuốc ngủ duy nhất mà bác sĩ có thể kê bằng toa thường, không phải là loại toa đặc biệt cho các thuốc cần kiểm soát chặt chẽ (thường vì có thể gây nghiện). Tuy nhiên, những bệnh nhân bị bệnh gan hoặc đang dùng thuốc Luvox (fluvoxamine, một thuốc tâm thần trị obssesive-compulsive disorder – một loại lo lắng mà trong đó bệnh nhân cứ bị ám ảnh bởi một số suy nghĩ và lập đi lập lại một số hành vi nào đó, như là lúc nào cũng sợ quên tắt nước, quên khoá cửa, một ngày rửa tay một… tỉ lần, dù thật sự không có lý do nào chính đáng) không nên dùng thuốc này. Những bệnh nhân trầm cảm cũng cần phải rất đắn đo, cẩn thận, khi dùng thuốc này.

Tưởng cần lập lại, nói chung khi đã dùng thuốc cần toa thì phải được bác sĩ trực tiếp kê toa để bác sĩ (ít nhất là) xem có chỉ định (để dùng) và chống chỉ định (để không được dùng) gì không trước khi kê toa. Nếu cẩn thận (và nếu có điều kiện) thì ngay cả với thuốc không cần toa, tham khảo với bác sĩ cũng là điều rất nên làm. Dù là thuốc tây hay ta, có toa hay không, cũng đều cần phải thông báo cho bác sĩ biết khi đi khám bệnh (hay khám sức khoẻ).

Thân mến

(714) 531-7930
[email protected]
nguyentranhoang.com

(còn tiếp)

Cúp ngang hàng tram cú phone, nhân viên tổng đài 911 bị án tù treo