Dưỡng phế

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Phế chủ khí, là vật chất trọng yếu để duy trì sự sống. Khí do hai nguồn tạo ra, một là khí ở trời do phế hít vào, hai là tinh khí trong đồ ăn uống vào dạ dày được phối hợp với tì và chuyển hóa thành hai phần khí.

Phần thanh khí chuyển lên phổi để đưa vào tim đi nuôi cơ thể. Phần trọc khí đưa xuống ruột non, ruột già thanh lọc một lần nữa. Phần thanh đưa lên phế và phần trọc đưa xuống ruột già và bàng quang thải ra ngoài.

Hai khí này kết hợp lại chứa ở lồng ngực gọi là “tôn khí.” Tôn khí là nguồn gốc của khí trong toàn thân có nhiệm vụ trao đổi hít thở, dồn về tâm và đưa vào kinh mạch, đi nuôi cơ thể.

Tâm chủ về huyết và phế chủ về khí. Cơ thể nhờ sự vận hành tuần hoàn của khí huyết để vận hành chất dinh dưỡng, duy trì hoạt động cơ năng hoạt động nhịp nhàng giữa các tạng phủ. Tâm với phế, huyết với khí nương tựa nhau tạo nên sự làm việc chặt chẽ và nhịp nhàng trong thân thể của chúng ta.

Phế còn thông điều thủy đạo, và túc giáng: Nếu phế mất khả năng túc giáng sự thay đổi cũ mới của thủy dịch sẽ gây ra trở ngại, thì thủy dịch sẽ dồn lại, tiểu tiện sẽ không thông, lâu ngày sẽ sinh ra phù thũng.

Phế chủ về khí, cho nên lỗ chân lông cũng gọi là “khí môn.” Người bệnh phế khí hư có thể gây ra suyễn và da lông cũng thường bị hư yếu, hay ra mồ hôi, còn dễ bị cảm khi thời tiết đổi từ nóng sang lạnh, hay đổi tư Thu sang Đông là như vậy.

Phế là chức năng quan trọng của hệ thống hô hấp, cung cấp dưỡng khí cho cơ thể, đồng thời thải bỏ thán khí. Phế phải làm việc nhịp nhàng, nhờ đó hơi trong các phế nang mới tiếp tục thay đổi, từ cũ sang mới, từ dơ sang sạch, máu trong phế và phế nang được hoán chuyển cho nhau không ngừng.

Oxygen và carbon dioxide phải được chuyển vận tới phế và các tế bào của cơ thể, hoặc từ phế ra đều diễn tiến bên trong dòng máu, tuy âm thầm nhưng không bao giờ sai chạy.

Điều quan trọng là hệ thống hô hấp dễ bị tổn thương, vì hằng ngày nó tiếp nhận vô số vi khuẩn hay vi trùng từ ngoài xâm nhập vào làm tổn thương phổi như ngoại nhiệt xâm nhập phổi làm sưng phế, tắc nghẽn phế thường thấy trong lâm sàng.

Vì vậy chúng ta cần săn sóc cho phế khí luôn làm việc nhịp nhàng, mà phế khí và thân khí liên quan với nhau trong ngũ hành. Phế hành kim là mẹ của hành thủy, thận thủy. Cho nên nếu thận suy sẽ ảnh hưởng tới phế.

Mà thận khí và thận âm thường hay suy. Sau đây chúng ta đi tìm hiểu về thận khí và thận âm suy ảnh hưởng tới phế như thế nào?

Thận khí suy đưa tới phế khí suy 

Bệnh nhân chân tay hay bị lạnh, ăn uống khó tiêu hay bị đầy hơi, biếng ăn, bụng không cảm thấy bình thường và thoải mái. Ho hay có đàm trắng nhất là buổi sáng khi đánh răng thường hay khạc ra đàm. Đôi khi cảm thấy như đàm vướng ở cổ họng, khạc không ra, nuốt không vô, chân đôi khí yếu hoặc vô lực, tinh thần mệt mỏi.

Bài thuốc

1-Phục linh 9 grs
2-Mẫu đơn bì 9 grs
3-Quế bì 3 grs
4-Thục địa 15 grs
5-Sơn thù du 9 grs
6-Phụ tử 6 grs
7-Trạch tả 9 grs
8-Hoài sơn 9 grs

Gia:

9-Hoàng kỳ 9 grs
10-Khoảng đông hoa 9 grs
11-Bán hạ 6 grs
12-Tử tô tử 9 grs
13-Tử uyển 9 grs
14-Bách bộ 9 grs
15-Cam thảo 3 grs

Bát vị địa hoàng thang trong Đông y được dùng chữa trị những loại bệnh sau: Phù thũng, tê tứ chi, bao tử ứ nước, tiểu đường. Toa thuốc này mục đích chính là tái tạo lại sự suy của thận dương, nang thượng thận và sản xuất lại tinh. Thường cho bệnh nhân quá mệt mỏi và suy nhược, ăn uống chậm tiêu, táo bón, tiểu khó, tiểu nhiều, khát nước kèm khô lưỡi, đau lưng, yếu vùng rốn.

Nhiệm vụ của từng vị trong bài thuốc:

-Thục địa: Gia tăng sức lực, bổ dưỡng và nuôi dưỡng.
-Sơn thù du: Gia tăng sức lực, tăng cường thận, ấm bụng và chân, gia tăng sinh lực cho nam giới.
-Hoài sơn: Nuôi thận, giảm lạnh thân thể và giúp da trở lại mượt mà.
-Mẫu đơn bì: Tan máu cục và giảm đau.
-Phục linh: Thoát nước.
-Trạch tả: Gia tăng đường tiểu tiện và giảm khát.
-Quế bì: Giúp cho thục địa trong sự lưu thông máu và phục linh còn gia tăng sự tiểu tiện ở vùng hạ tiêu.
-Phụ tử: Gia tăng thân nhiệt, tái tạo lại trách nhiện của tạng phủ bị suy yếu và ăn khó tiêu sẽ nhờ phục linh và quế khai thông.

Bài thuốc này giúp ôn phế và thận, người bệnh cảm thấy phấn chấn ra, hết suyễn, hết sợ lạnh, sợ gió, hơi thở trở lại bình thường, bớt đi tiểu nhiều lần và nhất là khi ho, nước tiểu không bị nhỉ ra nhất là đối với phụ nữ. Lý do thận khí suy là cơ vòng bị nhão ra không đàn hồi theo như ý mình muốn, vì vậy phải bổ thận khí.

Thận âm ảnh thưởng tới phế âm 

Thận âm suy thường đưa tới phế âm suy, ho lâu không khỏi, đờm ít hoặc không có đờm, có lẫn sợi huyết, kèm sốt nhẹ vào buổi chiều và đêm, lòng bàn tay và chân nóng, miệng khô, họng ráo. Thêm thận âm suy đau thắt lưng, nhức trong xương, yếu đầu gối, lưỡi đỏ và khô, mạch vi sác.

Bài thuốc

1-Phục thần 9 grs
2-Sơn thù du 9 grs
3-Thục địa 12 grs
4-Mẫu đơn bì 6 grs
5-Trạch tả 9 grs
6-Hoài sơn 9 grs

-Phục thần: An tâm, lợi tiểu, thanh hư hỏa.
-Sơn thù du, thục địa, mẫu đơn bì: Bổ thận âm và thanh hư hỏa.
-Trạch tả, hoài sơn: Lợi tiểu, và bổ thận.

Gia:

-Hoàng cầm (9 grs), tri mẫu (6 grs), xuyên bối mẫu (9 grs): Thanh hỏa, tiêu thấp, tiêu đàm.
-Mạc môn đông (9 grs), thiên môn đông (9 grs), cát cánh (9 grs), bán hạ (9 grs), tang bạch bì (9 grs): Bổ phế âm, nhuận phế, tiêu đàm và lợi tiểu.
-Kim ngân hoa (9 grs), sinh khương (9 grs), tử tô tử (9 grs): Giảm sưng phế quản, tiêu đàm, và giáng phế khí.
-Đương quy (9 grs), xuyên khung (9 grs): Bổ âm và thông huyết.

Vì chúng ta đang tìm hiểu những bệnh liên quan tới thận và phế suy. Một khi phế yếu không hít thở được đầy đủ oxy cần thiết cho cơ thể và tế bào có cơ hội bị ung thư nhiều hơn người có phế khí khỏe để lấy đầy đủ oxy.

Viết đến đây tôi nhớ tới tài liệu của bệnh viện Johns Hopkins nổi tiếng ở Hoa Kỳ cho biết: “Những tế bào ung thư không thể phát triển được trong môi trường đã được oxy hóa. Tập thể dục hằng ngày và thở sâu để đưa nhiều oxy vào ngăn nhỏ tế bào. Chữa bệnh bằng cách hít oxy vào còn được coi như một dụng cụ tiêu hủy các tế bào ung thư.”

Tài liệu này còn nói trong một đời người chúng ta có thể bị tế bào ung thư tấn công từ 6 tới 10 lần. Khi hệ miễn nhiễm của chúng ta mạnh có thể phá hủy được tế bào ung thư và ngăn ngừa được tế bào ung thư phát triển và tạo những ung bướu.

Khi một người có tế bào ung thư có nghĩa là người đó ăn uống thiếu bổ dưỡng, cũng có thể do di truyền nhưng cũng do môi trường sống, công ăn việc làm, đồ ăn và cách sống của mình. (Bác Sĩ Đặng Trần Hào)

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch Ice Cave ở Austria”(Phần 2)