Thursday, March 28, 2024

Gà ác tiềm thuốc Bắc, món ăn ‘nên thuốc’ ở Sài Gòn

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nếu như trước kia, món “gà ác tiềm thuốc bắc” được xem như một món cầu kỳ, đắt tiền chỉ dành cho giới nhà giàu. Thì hiện nay, cuộc sống thay đổi, món này nay đã trở nên khá phổ biến, có thể coi như một món ăn… bình dị, cho tất cả mọi người.

Nói là một món ăn bình dị, nhưng gà ác tiềm thuốc bắc không phải ai cũng ăn được. Dù giá cả nơi những quán thông thường thì cũng khá mềm, chỉ từ 55 ngàn cho tới 60 ngàn đồng/1 thố, với nguyên con gà ác tiềm thuốc bắc. Giá đó, thì không cao hơn một tô phở Lệ ở quận 5, hay một tô phở Tàu Bay ở quận 10. Nhưng cái khó của gà ác tiềm thuốc bắc là mùi vị của nó, với những người quen với thuốc bắc thì thấy hương vị thơm ngon, rất dễ chịu. Nhưng với những ai chưa quen, vừa mở thố gà ra họ đã… vùng chạy (!).

Gà ác tiềm thuốc bắc là một món ăn chơi mà rất nên thuốc ở Sài Gòn. Với những ai đã ăn, cũng như hiểu được công dụng hữu ích cho sức khỏe của món ăn này, thì lâu lâu chỉ cần bỏ một cữ nhậu. Đàng hoàng bước vô quán kêu một thố gà ác tiềm thuốc bắc nóng hổi hổi, mở nắp phỏng cả tay, bốc hương thuốc bắc thơm lừng. Thong thả thưởng thức từng miếng gà thơm mềm, nhai cả xương. Không bỏ sót những miếng thuốc bắc đi kèm, nào là táo tàu,  nhãn nhục, đương quy,… húp cho sạch cái nước hầm thơm tho, đen nhánh màu thuốc bắc xen lẫn những hạt kỷ tử đỏ màu như những viên “linh đan” trong các bộ phim diễm-hiệp-kỳ-tình của Trung Hoa.

Chưa kể, về nhà chẳng những không bị vợ la như những lần đi nhậu say bét nhè, mà còn có khi được vợ… khen, lại còn có khi khuyên lần sau cứ tới mà… ăn tiếp.

Ở Sài Gòn, ngoài quận 5, quận 6, quận 11, quận 8,… nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống, thì các quận khác cũng đều có tiệm ăn bán món “gà ác tiềm thuốc Bắc.” Như ở quận 1, để dễ tìm cứ tới mấy nhà hàng-khách sạn có bán món Hoa (chắc chắn có). Nếu muốn thưởng thức món này bình dân một chút, thì có thể tìm trên dãy tiệm ăn đường Hoàng Diệu (quận 4)…

Gà ác tiềm thuốc bắc ở Sài Gòn, dù là quán của người Hoa hay người Việt thì cách nấu cũng khá giống nhau, cũng như giá bình dân (mà chúng tôi đã nêu ở trên) ở những quán “thường thường bậc trung.” Nhưng với những quán thuộc loại “trà lầu tửu quán,” “cao lương mỹ vị” nghĩa là những quán thuộc hàng sang của người Hoa thì giá cả và cách làm có khác. Vì chỉ cần thay đổi một vài vị thuốc bắc, thì giá cả của món gà ác tiềm thuốc bắc lập tức cách nhau một trời… một vực.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập một món ăn xưa kia thuộc hàng “cao lương mỹ vị,” nay đã được bình dị hóa vì vấn đề thương mại, phục vụ nhu cầu ăn uống của đa số “Thượng Đế,” mà vẫn không mất đi phong vị của “một thời vang bóng.”

Món gà ác tiềm thuốc bắc tại một tiệm ăn (thuộc quận 8) được bán chung với các món khác. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Con gà ác, có nguồn gốc từ xứ Trung Hoa, lông gà xước màu trắng, da gà, thịt gà và xương gà đều một màu đen. Gà ác được nuôi ở hầu hết các tỉnh thành miền Nam, nhưng chỉ là thứ gà nuôi chơi, không phải là gà thương phẩm. Vì loại gà này lâu lớn, lại nhỏ con, nhẹ ký,…

Nhưng nay, vì sự “lên ngôi” của món gà ác tiềm thuốc bắc nên nhiều trại nuôi gà ác phát triển. Nhất là thị trường miền Bắc sau này rất chuộng món gà ác của miền Nam. Vì trước kia miền Bắc cũng chịu ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa với món “gà tần thuốc bắc” (thực ra “tần” và “tiềm” cũng chỉ là một cách… “hầm gà”), nhưng trước kia miền Bắc không có giống gà ác.

Gà ác để tiềm thuốc bắc thường có trọng lượng chỉ từ 200 gram tới 250 gram/1 con, là vừa ăn. Gà nhỏ vậy nên là gà con, thịt và xương còn rất mềm, hầm chừng 1 tiếng đồng hồ để cho ra hết và thấm đều chất thuốc bắc (như vậy mới gọi là gà ác tiềm thuốc bắc). Còn như nấu ăn chơi, dùng với cơm trắng hoặc nấu mì thì bỏ ít vị thuốc bắc thôi, và nấu chừng 30 phút là ăn được.

Thông thường gà ác tiềm thuốc bắc của người Hoa, thường dùng 10 vị thuốc: Thục địa; Nhẫn nhục; Đẳng sâm; Đỗ trọng; Táo đen (táo Tàu); Xuyên cung; Hoài sơn, Bấc kỳ; Đương quy: Kỷ tử.

Nhưng đa số các tiệm bán gà tiềm thuốc bắc chưng cất sẵn trong thố, thường chỉ dùng vài ba vị thuốc, như là: Kỷ tử; Hoài sơn; Táo (đỏ); Đỗ trọng,…

Với gà ác tiềm thuốc bắc kiểu “cao lương mỹ vị” thì nước dùng để hầm gà và thuốc là nước hầm xương gà (loại gà khác), hoặc “tệ” hơn thì dùng nước hầm xương heo. Còn gà ác tiềm thuốc bắc bán “phổ thông” thì dùng nước lọc. Dân miền Tây Nam Bộ thì thường dùng nước dừa tươi (tốt nhất là dừa xiêm).

Gà tiềm (tần) thuốc bắc của người Việt (không kể Bắc-Trung-Nam) thường có bỏ thêm hạt sen. Trong khi người Hoa, tuyệt nhiên không dùng hạt sen. Ngoài ra, người miền Bắc và (một phần) miền Tây thường dùng món gà tiềm thuốc bắc, thêm vào đó là ngải cứu (còn gọi là ngải điệp, cây thuốc cao, cây thuốc cứu; là một loại cây thuốc Nam thuộc họ Cúc, có dược tính rất cao). Được dùng như một phương thuốc bổ, giúp lưu thông khí huyết (đổi máu),giúp phục hồi sức khỏe và hương sắc cho sản phụ sau khi sinh con.

Người miền Nam đôi khi “biến tấu” món gà ác tiềm thuốc bắc thành ra món “canh gà.” Nghĩa là cũng vẫn đầy đủ các nguyên liệu chính là gà ác cùng các vị thuốc bắc, nhưng thêm (nước dừa) nhiều một chút, thêm vô đó là táo (đỏ) và thật nhiều củ cải trắng… Nồi nước lèo “canh gà” này dùng chan ăn với mì tươi, có bỏ thêm rau cần tây, quả là một món chẳng những ngon mà còn rất mát và bổ.

Nhưng đôi khi đầu bếp Việt cũng có lúc đi… khá xa, như trong các vị thuốc bắc tiềm gà ác, họ quyết định thêm vô ít lát nhân sâm. Không kể đây là món ăn kinh doanh, sẽ phải kén chọn khách, mà chỉ nói riêng về ẩm thực khi nhân sâm kết hợp với gà ác, thì bổ thì bổ thật, nhưng lại e… bổ ngửa.

Gà ác, còn gọi là “gà thuốc,” không chỉ để nấu với thuốc, mà bản thân gà ác cũng chính là một vị thuốc.

Theo Tây Y, thịt gà ác chứa các acid amin cần thiết (như carnosine) giúp điều tiết khả năng miễn dịch, chống lão hóa. Hàm lượng dinh dưỡng trong thịt gà ác cao hơn các loại thịt khác, trong khi hàm lượng chất béo và cholesterol lại rất thấp, rất tốt cho sức khỏe.

Theo Đông Y, gà ác vị ngọt, mặn, tính bình hơi ấm,.. tiềm thuốc bắc, có công dụng bổ gan, thận, ích khí bổ huyết, tư âm thanh nhiệt, chữa rong huyết, chán ăn, khí hư di-mộng tinh, ra mồ hôi trộm, điều hòa kinh nguyệt, nóng âm ỉ trong xương,…

Theo khuyến cáo của các vị lương y, thì món gà ác tiềm thuốc bắc không nên dùng quá 1 lần/1 tuần. Một số người không nên dùng, như các vị bị viêm gan lâu ngày. Khi tự nấu ăn ở nhà, không tự ý thêm vô các vị thuốc bắc (hoặc thuốc nam) mà không rõ công dụng, vì sự tương tác của thuốc đôi khi dẫn tới những kết quả ngoài ý muốn. (Văn Lang)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách đổ bánh xèo miền Nam”

MỚI CẬP NHẬT