Thursday, March 28, 2024

Hơi thở hôi do đâu?

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Hơi thở hôi thường do chúng ta ăn thức ăn gây ra. Nếu bạn là một trong 90 triệu người Hoa Kỳ bị hôi miệng thì bạn phải lưu tâm tới thức ăn vào bữa ăn tối.

Có thể thức ăn gây ra như tỏi, hành, và nhất là ăn thịt, một phần của thịt còn vướng trong khe răng, sau một đêm bị vi trùng xâm nhập và sản xuất thêm vi trùng là nguyên nhân gây ra hôi miệng.

Ngoài ra hơi thở hôi mãn tính còn do nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta phải xác định được mới chữa trị có kết quả mỹ mãn.

Sau đây là những nguyên nhân thường gặp:

1-Vì hút thuốc lá

Nếu từ bỏ hút thuốc lá mà không hết thì có thể do những lý do khác, nhưng người thường hút thuốc bảo đảm bị thở hôi. Bỏ hút thuốc lá không phải là dễ, cần phải có nghị lực và quyết tâm, ngoài ra hút thuốc có nhiều cơ hội đưa tới ung thư miệng, tuyến nước bọt, lưỡi và môi.

Trong giai đoạn mới chớm ung thư lưỡi và cổ họng có triệu chứng như đau răng âm ỉ. Rất nhiều trường hợp ung thư miệng tăng nhanh chóng và trầm trọng ngay sau khi khám phá ra. Do đo chúng ta phải đi khám miệng định kỳ và kiếm ra ung thư miệng trong giai đoạn mới chớm, thì có nhiều cơ hội chữa khỏi.

Hơi thở hôi mãn tính cũng có thể do triệu chứng của ung thư miệng. Bướu hay những vùng trắng, đỏ, đen nằm trên lưỡi, miệng, cằm di động khó khăn, tê miệng, đổi giọng là những tín hiệu báo trước.

Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2011 có 46.6 triệu người nghiện thuốc lá, và thuốc lá là nguyên nhân đưa tới hơi thở hôi nhiều nhất.

2-Vì ăn nhiều thịt

Tại sao có rất nhiều người cũng ăn thịt mà không bị hơi thở hôi?

Câu trả lời của Y Khoa Đông Phương là do bao tử khí đi nghịch lên. Bình thường chúng ta thở thì phần thực quản được đóng lại, nhưng khi bao tử khí đi nghịch lên, làm phần thực quản không đóng được hoàn toàn, do đó khí từ thực quản đi nghịch lên miệng là nguyên nhân tại sao chúng ta ăn nhiều thịt hơi thở hôi.

Có hai nguyên nhân gây ra bao tử đi nghịch khí:

a) Bao tử nhiệt đi nghịch khí: Ăn nhiều thịt và uống rượu là nguyên nhân gây ra bao tử nhiệt và đưa đến nghịch khí hay thịt thẩm thấu vào trong dòng máu gây ra hơi thở hôi và mùi hôi này tồn tại cho đến khi cơ thể kiện toàn tiêu hóa thức ăn, nên không thể sớm hết được.
Thường có những triệu chứng như khát nước, uống nhiều nước, ăn rất nhiều, lợi bị sưng đau, nóng ở vùng thượng vị, và hơi thở hôi. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi dày và vàng. Mạch phù, trường và sác.

Bài thuốc

  • Thiên hoa phấn 9 grs
  • Sơn thù du 9 grs
  • Mẫu đơn bì 9 grs
  • Phục linh 9 grs
  • Sơn tra 6 grs
  • Chỉ sác 6 grs
  • Hương phụ 6 grs
  • La bạc tử 9 grs
  • Trạch tả 9 grs
  • Thục địa 12 grs
  • Trúc nhự 9 grs
  • Hải phiêu tiêu 9 grs
  • Bạch truật 6 grs
  • Cam thảo 6 grs

 

  • Thiên hoa phấn, trúc nhự, hải phiêu tiêu: Thanh nhiệt trong bao tử và hóa giải a-xít thặng dư đưa tới loét bao tử.
  • Phục linh, bạch truật, sơn tra: Tiêu thực và kiện toàn tiêu hóa.
  • Sơn thù du, mẫu đơn bì, thục địa: Bổ âm, thanh nhiệt.
  • Chỉ sác, hương phụ, la bạc tử: Giáng khí, tản khí giúp thực quản không bị hở đưa hơi lên miệng.
  • Trạch tả, phục linh: Gia tăng tiểu tiện và thanh nhiệt.
  • Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

b) Gan khí phạm tì và vị (bao tử): Bao tử và tì là một cặp âm dương hỗ trợ nhau trong tiêu hóa. Bất cứ một sự mất quân bình nào của bao tử và tì gây ra bởi bất cứ lý do nào, cũng làm cho tiêu hóa bị trở ngại.

Mà gan mộc khắc với tì thổ. Một khi gan mất quân bình, sẽ ảnh hưởng qua tì và vị (bao tử), mà Đông Y gọi là gan khí phạm tì và vị. Lý do vì lo âu quá độ, giận dữ, buồn phiền từ ngày nọ qua ngày kia, hay ăn uống quá nhiều chất béo, gan không hóa giải được, mà gây ra gan mất quân bình, phạm qua tì và vị.

Trong trường phạm tì: Thường chúng ta ăn vào là phải đi đại tiện ngay, hay sau khi chúng ta uống cà phê, rượu… Có người đi đại tiện bình thường, có người đi bị lỏng vì tì khí và thận khí bị suy.

Trường hợp phạm vị: Thêm đầy hơi, tức ngực, khó thở, cảm thấy như có gì vướng ở cổ họng, nuốt không vô, mà khạc cũng không ra, làm chúng ta khó chịu, và gây ra hơi thở hôi.

Trường hợp phạm tì dùng bài thuốc trị phạm tì:

  • Bạch thược 12 grs
  • Hoàng cầm 9 grs
  • Hoàng liên 3 grs
  • Đại hoàng 6 grs
  • Đương quy 9 grs
  • Quế bì 6 grs
  • Mộc hương 6 grs
  • Binh lăng 6 grs
  • Cam thảo 3 grs

 

  • Bạch thược: Vị chính trong thang thuốc, làm giảm tức và đau ở thượng vị.
  • Quế bì: Điều hòa khí tại trung tiêu.
  • Đương quy: Bổ máu và phối hợp với bạch thược để trị đại tiện lỏng và bụng bị đau.
  • Hoàng liên và hoàng cầm: Tiêu tích và đưa xuống ruột.
  • Binh lăng: Giáng khí.
  • Mộc hương: Trị đau bụng và bao tử.
  • Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.
  • Còn trường hợp phạm vị dùng bài thuốc trị phạm tì. Gia:
  • Chỉ sác, hương phụ: Tản khí vùng trung tiêu, giảm khí uất kết.
  • Sa nhân, bạch truật: Bổ tì và hóa thấp.

Phòng ngừa

Để tránh trường hợp hơi thở bị hôi trong khi giao tế hằng ngày làm chúng ta mất tự nhiên và thoải mái, nên ngừng hút thuốc, ăn nhiều rau trái như dưa hấu, bưởi, cam, quýt và những loại rau có mùi thơm như cần tây, cà rốt, ngò, táo, quế bì,…

Uống nước trà xanh giúp giết vi trùng và vi khuẩn trong miệng và giúp cho hơi thở thơm tho.

Đánh răng sau khi ăn và uống nhiều nước lạnh. (Bác Sĩ Đặng Trần Hào)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT