Saturday, April 20, 2024

Hủ tiếu bò cay Bạc Liêu, món khoái khẩu của người Sài Gòn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN. Việt Nam (NV) – Không như ngày xưa, hàng quán, chợ búa đều đóng cửa nghỉ ba ngày Tết, Sài Gòn thời nay ngày càng nhiều quán hàng ăn mở cửa suốt để mua bán hốt bạc. Nếu so sánh cảnh dân kéo nhau đi tiệm ăn ba bữa Tết thì chỉ có cảnh dân xếp hàng mua gạo thời bao cấp dưới chế độ Cộng Sản mới sánh bằng.

Tất nhiên, ăn tiệm ngày Tết thì món khoái khẩu nhất vẫn là phở sau đó là hủ tiếu mì tàu, còn các món ăn thường ngày khác như cơm tấm, bánh mì thịt… thì ít người ưa chuộng.

Chừng vài năm gần đây, dân từ các tỉnh đưa lên vài món ăn lạ miệng để chinh phục khẩu vị người Sài Gòn, trong số đó có món mà ngày thường hay ngày Tết dân Sài Gòn-Chợ Lớn đều thấy ngon lạ miệng là món hủ tiếu bò cay Bạc Liêu. Món này được khai trương trước tiên ở đường Xóm Đất, quận 11, sau đó có thêm một chi nhánh ở đường Vĩnh Viễn, quận 10.

Chủ nhân hai tiệm này cứ trương thẳng cái tên món bò cay Bạc Liêu lên bảng hiệu, nhưng thật ra quán phục vụ hai món, hủ tiếu Bạc Liêu và bò cay Bạc Liêu.

Về món hủ tiếu Bạc Liêu thì các thành phần thực phẩm trong tô hủ tiếu gồm cá viên, cật heo, xá xíu, bánh tôm chiên… không khác gì hủ tiếu tàu thông thường, cái khác ở đây được chủ tiệm cho biết đó là cọng hủ tiếu đặc sản Bạc Liêu. Vậy cọng hủ tiếu này khác ra sao? Có thể nói cọng hủ tiếu làm bằng bột gạo này không phải là hủ tiếu dai kiều Mỹ Tho, cũng không phải là hủ tiếu mềm kiểu Chợ Lớn, nếu cho rằng loại hủ tiếu này nửa Chợ Lớn, nửa Mỹ Tho cũng không sai. Ăn vô miệng vị lạ vừa mềm vừa dai, thiệt là dễ nuốt.

Bò cay ăn với bánh mì Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhưng khách đi ăn vô tiệm hủ tiếu bò cay Bạc Liêu gọi món thì cứ nhắm món hủ tiếu bò cay mà gọi, thành ra cái nồi nước lèo của món này bự cỡ nửa cái thùng phi. Có mấy người bạn trẻ hỏi khơi khơi, “Phải món này là ‘ông tổ’ của món bò kho không ta?”

Chuyện truy tìm phả hệ của các món ăn ở Sài Gòn-Chợ Lớn đúng là chuyện bay theo chim trời bơi theo cá nước. Nhưng tìm hiểu thêm thì được biết xứ Bạc Liêu có món bún bò cay nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây.

Bà Minh Nguyệt hiện là chủ tiệm bún bò cay ở góc chợ Cải thành phố Bạc Liêu cho biết: Công thức chế món này có từ đời cha chị, vốn là đầu bếp của tỉnh trưởng Bạc Liêu và người chú vốn là đầu bếp của thủ tướng VNCH, ông Trần Thiện Khiêm. Lúc đó, bún bò cay chỉ được thực hiện để phục vụ các ông chính khách, nhằm giúp “giải nghể” sau một đêm say rượu. Năm 1975 người cha mới truyền nghề lại cho chị Minh Nguyệt để mở quán mưu sinh.

Như vậy, nếu cho là hủ tiếu bò cay là phiên bản của bún bò cay chắc không ai bắt lỗi. Ở tiệm đường Xóm Đất này, món bò cay được ăn với ba kiểu, ăn với bánh mì, mì vắt, hủ tiếu mì nước hoặc khô. Thành phần chính của món bò cay là bò nạc và gân bò cùng nước lèo được chế với ớt sa-tế làm vị chính.

Tiệm hủ tiếu bò cay ở đường Xóm Đất. Quận 11. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Hỏi thăm bà chủ quán về vị cay đặc trưng của món, bà chủ trẻ này chỉ nói: “Dân Sài Gòn cho rằng mấy món mì của Hàn Quốc mới là có nhiều cấp độ cay nhưng sao bằng món của em, nếu nói về cay mà cay ngon à nghen, thì muốn cỡ nào quán em cũng nấu được, ăn là ghiền luôn, nhưng quán em chỉ nấu cay nhẹ nhẹ thôi để cho khách dễ ăn.”

Thịt bò cay Bạc Liêu được chấm với muối ớt, vắt chút nước cốt chanh tươi. Người ăn cay không quen thì nóng lưỡi, chảy nước mắt, hít hà liền miệng, người có “trình độ” ăn cay thì đổ mồi hôi trán, mồ hôi lưng, cả người nóng bừng sảng khoái. Đúng là món hủ tiếu bò cay là món cay có một không hai bởi pha trộn được vị mỡ béo, vị ngọt của thịt bò và vị cay nóng của ớt và các gia vị khác.

Từ món hủ tiếu bò cay Bạc Liêu lên hương ở xứ Sài Gòn ngày nay, nhiều thực khách sành ăn cho rằng. Người Sài Gòn trước đây thường xếp món cà ri của mấy ông Chà Và là cay nhất, chớ các món Việt thì vị cay chỉ là vị phụ ăn kèm, nhưng ngày nay ở Sài Gòn tràn ngập các món ăn cay có gốc từ Hàn Quốc, Thái Lan, Lào nên “trình độ” ăn cay của các thực khách trẻ ngày càng tăng.

Không ai biết điều đó là tốt hay xấu, nhưng trong thời Sài Gòn thành đô thị tràn ngập – thập cẩm các món ăn có gốc từ các nước khác thì việc biết thêm, ăn thêm một món ngon như hủ tiếu bò cay Bạc Liêu cũng là cách cho thấy tinh hoa phong phú của món ăn ngon Việt Nam. (Trần Tiến Dũng)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Canh cà, trứng, và tàu hủ non”

MỚI CẬP NHẬT