Thursday, April 18, 2024

Lạc quan kinh tế, dân Mỹ mải tiêu xài, không dành dụm cho thời suy thoái

LOS ANGELES,California (NV) — Một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chánh làm điêu đứng nước Mỹ và cả thế giới, nhiều gia đình Mỹ nay vẫn không chuẩn bị để có thể đương đầu với sự suy trầm kinh tế có thể tới.

Và cho dù ngày nay việc cho vay tiền không quá dễ dãi như trước, vẫn có một số điều tạo sự lo lắng.

Theo một bài báo trên tờ Los Angeles Times, những điều tạo lo ngại đó có cả: số nợ tiền học và tiền mua xe nay tăng vọt, các hình thức vay nợ mới đang thay thế cách mượn nợ cũ nhưng rủi ro cũng không khác nhau, và người thường dân ở Mỹ đa số không hưởng lợi gì nhiều từ sự tăng giá nhà hay tăng giá cổ phiếu thị trường chứng khoán.

“Hiện có nhiều người đang ở mấp mé bờ vực hơn là thời gian năm 2008,” theo lời bà Mehrsa Baradaran, phó khoa trưởng khoa Luật tại đại học University of Georgia, một chuyên gia về chênh lệch giàu nghèo và hệ thống tài chánh Mỹ.

“Nhiều người dân đã bị rơi khỏi tầng lớp trung lưu ổn định. Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng tới khi kéo đến sẽ tạo nhiều khổ sở như lần trước, nếu không muốn nói là còn hơn thế nữa,” theo giáo sư Baradaran.

Một trong những chỉ dấu tạo lo ngại là, khi cuộc khủng hoảng tới, người dân Mỹ cũng trong tình trạng bị mắc nợ nhiều như năm 2008, nếu không muốn nói rằng hơn.

Và phần lớn các chuyên gia kinh tế nói rằng khủng hoảng kinh tế chỉ còn là vấn đề thời gian chứ không là có xảy ra hay không.

Vào quý 3 năm 2008, số nợ của các gia đình Mỹ là $12.7 ngàn tỉ. Sau khi giảm bớt trong vài năm, tổng số này nay lại tăng lên. Hiện nay, con số đó là $13.3 ngàn tỉ.

Điều đó có nghĩa là, người dân Mỹ sau một thời gian giảm bớt, nay đang mượn thêm nợ.

Số nợ đó, phần lớn là nợ tiền học.

Kể từ giữa năm 2008, nợ tiền mua nhà (mortgage), nợ tiền mượn trước từ giá trị nhà (equity) và nợ thẻ tín dụng của dân Mỹ có giảm bớt, trong khi số nợ tiền học tăng gấp đôi.

Thực ra, các nhà đầu tư không lo lắng vì về sự gia tăng của số nợ tiền học vì luật phá sản khiến việc xù nợ tiền học là điều vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ là chủ nợ cho đại đa số các món nợ tiền học.

Điều mà các nhà đầu tư quan tâm là số tiền phải trả nợ hàng tháng sẽ khiến có ảnh hưởng tới nền kinh tế và làm chậm mức tăng trưởng.

Do phải trả nợ tiền học, nhiều người trẻ ở Mỹ không thể để dành tiền để mua nhà, và phải thuê nhà. Điều này khiến đẩy giá thuê nhà lên cao hơn, tạo thêm khó khăn cho việc để dành, theo lời ông Andrew Hsu, một chuyên gia về đầu tư tại công ty DoubleLine Capital ở Los Angeles.

Một loại nợ khác cũng đang tăng cao, là nợ tiền mua xe. Kể từ năm 2008, loại nợ này tăng 53%, hiện lên tới $1.2 ngàn tỉ. Các nhà đầu tư đang lo ngại vì nay bắt đầu có dấu hiệu nhiều người không trả nổi nợ xe.

Trong mọi tình huống kinh tế, việc giữ chiếc xe để làm phương tiện di chuyển thường luôn là điều ưu tiên.

Một lo ngại nữa là việc mượn tiền qua mạng. Các công ty như Lending Club và Prosper trong vài năm nay cho mượn hàng chục tỉ đô la. Năm 2007 và 2008, công ty Lending Club chỉ cho vay được khoảng $25 triệu. Chỉ riêng trong năm nay, công ty này cho vay $3.8 tỉ.

Các nhà đầu tư không biết là trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái, các món nợ này rồi sẽ ra sao. (V.Giang)

Hai thanh niên gốc Việt được trao học bổng thơ của Mỹ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT